Lý thuyết “làm mối” giành giải Nobel Kinh tế
Hai nhà kinh tế Alvin E. Roth và Lloyd S. Shapley đã được đồng trao giải Nobel 2012 trong lĩnh vực Kinh tế cho những công trình nghiên cứu của họ về khớp nối cung và cầu. Lý thuyết này có thể ứng dụng cho mọi lĩnh vực, từ chuyện làm mối cho đàn ông – đàn bà tới việc tìm người ghép tạng phù hợp.
Nhà kinh tế Shapley nay đã 89 tuổi, là người xây dựng các mô hình lý thuyết và thuật toán phục vụ việc nghiên cứu và so sánh các phương pháp khớp nối khác nhau. Nhà kinh tế Roth, 60 tuổi, đã dựa theo những mô hình này của Shapley và áp dụng kinh tế thực nghiệm cùng các mô hình thị trường để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn, ví dụ như việc phân công công tác cho 20 nghìn bác sĩ tại các bệnh viện của Mỹ trong năm đầu làm việc của họ, hoặc phân trường cho 90 nghìn thiếu niên thành phố New York.
Roth đang là giáo sư kinh tế và quản trị kinh doanh của Đại học Harvard từ năm 1998, nhưng dự kiến cuối năm nay ông sẽ chuyển sang làm việc cho Đại học Stanford, nơi ông đang làm giáo sư thỉnh giảng. Còn Shapley là giáo sư đã về hưu của trường UCLA.
Đánh giá về công trình nghiên cứu của hai người, nhà kinh tế Robert Solow – từng đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1987 – cho rằng kết quả của họ đã soi sáng cách thức phân bổ những tài nguyên khan hiếm. “Tôi mừng khi biết tin”, Solow nói. “Những người nghiên cứu những công trình có tính cơ bản như vậy thường không được để ý nhiều”.
Theo nhà kinh tế Hubert Fromlet, Giáo sư Kinh tế Quốc tế tại Đại học Linnaeus và Trường Kinh doanh Quốc tế Joenkoeping ở Thụy Điển, nghiên cứu của Shapley và Roth cho chúng ta thấy cách khớp nối cung và cầu trong những lĩnh vực giao dịch đặc biệt, nơi giá cả không thực hiện được vai trò này, ví dụ như hoạt động hiến tạng. Công trình nghiên cứu của họ “có thể giúp cứu những mạng sống”, ông nói khi được phỏng vấn qua điện thoại.
Thanh Xuân lược dịch theo Bloomberg