Máy bay lớn nhất thế giới bay thử thành công

Ngày 17/8/2016, trong tiếng hò reo của đám đông người tụ tập tại sân bay Cardington Airfield ở Bedfordshire cách London 73 km về phía Bắc, chiếc máy bay có tên Airlander 10 cất cánh, từ từ bay lên và sau khi lượn một vòng trên trời trong khoảng 30 phút đã hạ cánh an toàn.

Airlander

Đây là chuyến bay thử đầu tiên của khí cụ bay lớn nhất trong lịch sử loài người, sản phẩm do công ty Hybrid Air Vehicles (HAV, Anh Quốc) nghiên cứu, thiết kế, chế tạo.

Airlander 10 dài 92 m, tức dài hơn 18 m so với chiếc máy bay chở khách lớn nhất thế giới hiện nay A380, thế nhưng tiếng ồn nó phát ra khi cất cánh lại nhỏ hơn nhiều so với máy bay có cánh hoặc máy bay lên thẳng. Airlander có thể chở 80 tấn hàng, bay ở độ cao 4880 m và đạt vận tốc 148 km/h, có thể ở trên trời hơn hai tuần khi không có người lái và 5 ngày nếu có người lái.

Hybrid Air Vehicles có nghĩa là khí cụ bay hỗn hợp, tức khí cụ bay sử dụng ít nhất hai dạng năng lượng. Nói chính xác, Airlander không phải là máy bay theo nghĩa thông thường mà là một khí cụ bay kết hợp khí cầu với máy bay lên thẳng, thủy phi cơ và phi thuyền. Nó có thể cất-hạ cánh thẳng đứng, không cần đường băng để cất cánh hạ cánh, hơn nữa có thể hạ cánh xuống mọi bề mặt bằng phẳng như mặt nước, mặt băng, sa mạc. Nói cách khác, nó có thể hoạt động tại những nơi máy bay bình thường không thể hoạt động. Phần khí cầu của nó sử dụng khí helium chứ không dùng hydrogen như trước kia, loại khí từng gây ra tai nạn nổ khí cầu. Do có hình dạng độc đáo, Airlander còn được gọi là “Kẻ lang thang biết bay” (Flying bum)

Công ty HAV Airlander có thể phục vụ bay du lịch giải trí, dùng làm trạm quan sát hoặc nghiên cứu lâu dài trên trời, chở hàng đến các vùng không có đường giao thông. Trước khi phục vụ dân dụng, nó có thể dùng để chuyên chở vật tư cung cấp cho các vùng công nghiệp dầu khí, khai khoáng v.v…

Ông Stephen McGlennan, CEO công ty HAV nhận xét Airlander rẻ hơn và thân thiện với môi trường hơn máy bay lên thẳng. “Đây là một sáng tạo lớn của người Anh” – ông nói.

HAV là một công ty tư nhân có vốn 17,5 triệu Bảng (25,2 triệu USD) do 1000 cổ đông đóng góp, có nhận được tài trợ từ Chính phủ Anh và Liên minh châu Âu EU. Công ty HAV hy vọng có thể sản xuất được 12 chiếc Airlander vào năm 2018.

Chiếc Airlander đầu tiên được làm để bán cho quân đội Mỹ nhằm thực hiện nhiệm vụ giám sát trên không tại chiến trường Afghanistan. Nó từng nhiều lần bị đạn bắn thủng nhưng vẫn có thể tiếp tục bay. Do ngân sách quốc phòng Mỹ bị cắt giảm, tháng 11/2013, quân đội Mỹ phải bán lại chiếc Airlander này cho công ty HAV với giá 301.000 USD, chưa bằng 1% giá mua.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)