Máy sàng phân loại vải đa năng
Với chiếc chiếc máy sàng phân loại vải đa năng của thầy giáo tiểu học Nguyễn Xuân Tình (xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang), chất lượng các mẻ vải sấy được nâng cao 10 đến 25%, thời gian sấy cũng giảm đáng kể.  
Anh Nguyễn Xuân Tình bắt đầu nghiên cứu máy sàng phân loại vải từ năm 2004, sau khi chứng kiến những người trồng vải vất vả phân loại quả nhưng không thể kiểm soát hết chất lượng vải sấy. Qua nhiều công đoạn thử nghiệm, anh Tình đã tìm ra được một kết cấu ưng ý của máy sàng phân loại vải với các phần chính là khung máy, bộ sàng gồm ba chiếc có kích cỡ khác nhau, phễu nhận quả đầu vào và hứng quả đầu ra, hệ thống chuyển động gồm một động cơ điện 1,5kW gắn với trục chuyển động cứng có khớp nối mềm.
Hoạt động trên nguyên tắc rung lắc, cỗ máy phân loại được bốn loại sản phẩm: quả vải to tròn đều loại 1, quả loại 2 nhỏ hơn, thứ ba là quả nhỏ nhất, cuối cùng là phế phẩm gồm cuống quả vải, lá và những quả vỡ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, cỗ máy của anh Tình có nhiều tính mới như vận hành bằng động cơ điện vì vậy không tốn công sức, năng suất rất cao với độ liên hoàn tương tự như máy xát gạo liên hoàn, phân loại tốt sản phẩm, sau khi phân loại có khả năng hỗ trợ được tất cả các khâu khác như đưa vải vào lò, đảo vải khi sấy, ra lò, đóng gói… mà các loại sàng trước đây không thể làm được. Và nét đặc biệt của cỗ máy là có thể phân loại vải phế phẩm, yếu tố chưa có loại máy sàng nào trước đây làm được.
Kể từ ngày chế tạo thành công, cỗ máy sàng phân loại vải của anh Tình đã nhận được tới 30 đơn đặt hàng của bà con trồng vải. Qua sử dụng, nhiều phản hồi của bà con cho biết, cỗ máy giúp nâng cao chất lượng quả vải sấy rõ rệt, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng tiêu thụ do độ khô đồng đều đồng thời giúp họ có thể cất trữ lâu trong kho. Về hiệu quả kinh tế, sản phẩm vải khô qua máy sàng phân loại vải đã được nâng cao giá trị từ 10 đến 25%, trung bình mỗi một lượng vải sấy khoảng 2 tấn khô nếu chỉ mua cùng giá, bán cùng giá thì dùng hàng sấy đem lại lợi nhuận hơn khoảng 3,5 triệu đồng. Chỉ tính riêng tỉnh Bắc Giang, chỉ cần 70% đến 80% số hộ làm nghề sấy vải sử dụng loại sàng phân loại vải đa năng này mỗi năm có thể đem lại hàng trăm tỉ đồng.
Hơn nữa, cỗ máy của anh Tình còn đem lại hiệu quả môi trường rõ rệt khi rút ngắn thời gian sấy của từng lô hàng, giảm nhiên liệu đốt lò, thậm chí còn chế tạo máy còn tận dụng được các phế liệu trong quá trình sàng lọc làm vật liệu gia công.
Ngoài chức năng phân loại vải sấy, cỗ máy này có thể áp dụng với nhiều loại mặt hàng nông sản khác như phân loại nhãn sấy, thảo quả sấy và một số hạt khác bằng cách thay đổi mắt sàng phù hợp.