Máy xúc lúa hạn chế thất thoát sau thu hoạch
Chứng kiến những thiệt hại do thất thoát lúa khi thu hoạch của bà con nông dân, các “kỹ sư Hai Lúa” đã cùng sáng tạo ra các chiếc máy xúc hạn chế tối đa những thiệt hại này.
Máy xúc lúa của ông Lê Văn Chính
Ông Lê Văn Chính, 46 tuổi, ngụ ấp Ninh Tân, xã Ninh Quới, H.Hồng Dân, Bạc Liêu) từng nhiều năm phải hứng chịu cảnh không thuê được người gặt. Hơn nữa, gặp cảnh trời mưa, lúa gặt về không phơi được, dễ bị mốc, lên mộng nếu không phơi, sấy khô (14,5 độ). Ông Chính canh tác 50 công đất, sản xuất từ hai đến ba vụ/năm, sản lượng lúa thu hoạch trên 1.100 giạ, nghĩa là luôn đối mặt với khó khăn khi mùa thu hoạch về.
Chuyện của ông Lê Văn Chính cũng là câu chuyện chung của rất nhiều bà con nông dân khu vực ĐBSCL khác. Hiện tại, lao động ở nông thôn ngày càng thiếu do thanh niên đi làm thuê ở các khu công nghiệp tại TP.HCM và Bình Dương nên nhiều nông dân không thuê được thợ gặt như trước. Cái khó không thể bó cái khôn, ông nghiên cứu cách sấy và tự chế ra máy xúc lúa để khắc phục tình trạng cào xúc lúa, thở không ra hơi.
Năm 2010, ông Chính đã sáng chế thành công máy xúc lúa với kỹ thuật đơn giản, gọn nhẹ và chi phí thấp. Toàn bộ thân máy làm bằng sắt và được chạy bằng xăng , tự cào lúa vào guồng xoáy rồi đưa lúa lên ống chảy vào bao. Chỉ cần một người di chuyển máy trên sân phơi. Trong một giờ, tốn hơn một lít xăng có thể xúc được 100 bao lúa, tương đương năm tấn lúa (50 kg/bao) thay vì phải bốn thanh niên làm cật lực trong suốt một buổi.
“Chi phí làm ra mỗi cái máy khoảng ba triệu đồng. Cái chính là làm gì để giảm bớt cực nhọc trong sản xuất vốn rất khó tìm nhân công”, ông Chính chia sẻ.
Máy xúc lúa nhãn hiệu “nông dân Hôm”
Tại thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, một chiếc máy xúc lúa khác cũng ra đời. Người sáng chế chiếc máy này là ông Quách Văn Hôm.
Sau sáu tháng mày mò nghiên cứu, ông Hôm đã chế tạo ra chiếc máy có thiết kế gọn nhẹ, sử dụng động cơ xăng 6,5 mã lực, trọng lượng khoảng 170 kg. Chiếc máy này có thể di chuyển dễ dàng trên nhiều địa hình như sân phơi xi măng, sân đất và trên cả lò sấy. Để bánh xe không cán lên lúa, phần trước bánh xe còn được gắn thêm bộ phận gạt lúa rất gọn. Máy có khả năng hốt đầy một bao lúa nặng 50 kg trong vỏn vẹn 10 giây.
Với những ưu điểm này, chiếc máy của ông Hôm được bà con nông dân hoan nghênh nhiệt liệt.
Được sự ủng hộ của mọi người, ông Hôm đã mạnh dạn đăng ký sáng kiến kỹ thuật máy xúc lúa tới Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN. Trước đó, máy sấy lúa hai chiều của ông đã được Cục Sở hữu trí tuệ, cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Máy xúc lúa băng chuyền Trần Văn Bê
Cũng như hai đồng nghiệp sáng tạo của mình, ông Trần Văn Bê (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) tìm tòi cách thiết kế máy xúc lúa thay thế nguồn nhân công thiếu hụt ở địa phương.
Trải qua nhiều thất bại và cải tiến, cuối cùng chiếc máy xúc lúa của ông Bê có khả năng đạt công suất vào bao từ bảy đến tám tấn/giờ. Tùy theo yêu cầu của khách hàng mà ông Bê thiết kế có quy mô lớn hoặc nhỏ. Nét chung của các loại máy này là được di chuyển bằng bánh xe và được tận dụng các thiết bị phế thải từ các máy móc hư cũ.
Với hệ thống gồm 19 chiếc gàu xúc gắn trên băng chuyền, khi máy chạy, lúa được xúc lên các gàu này và theo băng chuyền đưa ra phía sau rồi đổ vào bao tải. Ở hai bên máy có một bộ phận được thiết kế giống như hình mũi khoan, có tác dụng gom thóc từ hai bên vào đúng vị trí của gàu xúc. Tốc độ xúc từ 200 bao đến 300 bao/giờ.
Một nét đặc biệt của chiếc máy xúc này là ông Bê bổ sung thêm chức năng hút bụi bằng quạt hút khiến người điều khiển không phải hứng bụi trong lúc làm việc, đỡ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trước những ưu điểm này của sáng chế, Sở KH&CN An Giang đã cử cán bộ tới khảo sát, đánh giá máy xúc của ông Bê và khuyến khích ông tiếp tục nghiên cứu, cải tiến với những hướng dẫn về kỹ thuật hữu ích.
Đến nay, ông Bê đã cung cấp 25 máy cho nông dân An Giang và các tỉnh lân cận.