Minh bạch trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Minh bạch hóa là mục tiêu, đồng thời cũng là phương thức hữu hiệu để cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước 2014 – 2015 được tổ chức tại Hà Nội ngày 18/2 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định kiên quyết thực hiện bài bản, có lộ trình việc cổ phần hóa 432 doanh nghiệp theo kế hoạch trong 2 năm 2014-2015, đồng thời tiếp tục rà soát, bổ sung thêm các doanh nghiệp Nhà nước cần phải cổ phần hóa theo hướng giảm mạnh hơn doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp mà nhà nước giữ cổ phần chi phối. Dư luận hoan nghênh những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng vẫn không tránh khỏi những lo ngại về các vấn đề phức tạp cần giải quyết để tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước không chỉ đạt được mục tiêu về số lượng, mà cả những mục đích chính yếu hơn, đó là: rút bớt sự tham gia trực tiếp của nhà nước trong các hoạt động thuần túy kinh doanh ở các lĩnh vực không thiết yếu; chuyển một phần tài sản và nguồn lực do khu vực doanh nghiệp nhà nước nắm giữ ra thị trường để nâng cao hiệu quả sử dụng; thay đổi cơ cấu sở hữu để nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước thông qua quá trình này. Việc thực hiện những mục đích quan trọng này là không dễ dàng, chưa kể còn phải đáp ứng yêu cầu là hết sức hạn chế gây tổn thất cho Nhà nước và xáo động cho doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa.

Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2013-2015; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đến năm 2015 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước.

Sẽ có rất nhiều việc phải làm và chắc hẳn trong thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành những văn bản để cụ thể hóa và hướng dẫn tổ chức thực hiện chủ trương cổ phần hóa. Những chính sách cơ bản như nhà nước sẽ giữ lại doanh nghiệp nhà nước trong những lĩnh vực nào, phân loại các doanh nghiệp nhà nước sẽ cổ phần hóa, và tỉ lệ cổ phần hóa ra sao, danh mục và lộ trình thực hiện, v.v, là những vấn đề phải được làm rõ.

Những yêu cầu minh bạch hóa

Trước hết phải công bố công khai, minh bạch những thông tin tối thiểu cần thiết về doanh nghiệp nhà nước sẽ cổ phần hóa, cùng tất cả những tài sản các loại mà từng đơn vị đang nắm giữ, đã được kiểm toán và có thể kiểm chứng. Bên cạnh những thông tin cơ bản về doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, rất cần làm rõ cả cơ cấu sở hữu và quản trị vốn và tài sản ở doanh nghiệp hiện tại và hướng xử lý khi cổ phần hóa, đặc biệt trong những trường hợp cơ cấu đó chồng chéo, phức tạp. Người có ý định mua cổ phần của doanh nghiệp không thể yên tâm khi không biết doanh nghiệp mình định mua trên thực tế đang thuộc về những ai; doanh nghiệp có những khoản nợ đồng lần nào, ở đâu, có khả năng gỡ ra không.

Thứ hai, minh bạch về tỉ lệ cổ phần hóa ở từng doanh nghiệp nhà nước, bao gồm tỉ lệ Nhà nước sẽ giữ lại, tỉ lệ dành cho người lao động, tỉ lệ dành cho đối tác chiến lược nếu có, tỉ lệ bán ra thị trường cho các nhà đầu tư khác. Ba loại tỉ lệ đầu chỉ nên hạn chế ở mức tối thiểu cần thiết, và phải có lý do chính đáng cùng những điều kiện rõ ràng cho chúng. Loại tỉ lệ bán ra thị trường cần đủ lớn và bảo đảm quyền được lưu thông để các nhà đầu tư an tâm mua. Người có ý định mua cổ phần rất cần biết trong tương lai theo cơ cấu vốn mới ai sẽ nắm quyền chi phối cao nhất ở doanh nghiệp, liệu mình có thể tin tưởng họ không, liệu mình có thể mua được lượng cổ phần mong muốn không, và liệu cổ phiếu của mình có được quyền tự do lưu thông như một thứ tài sản mà mình có thể bán ra mua vào khi cần không.

Đặc biệt cần làm rõ những đối tượng không được phép mua, các đối tượng bị hạn chế lượng cổ phần, các đối tượng có thể được ưu đãi hay khuyến khích mua, giúp các nhà đầu tư tương lai và xã hội có thể giám sát để ngăn chặn sự móc ngoặc, “đi đêm” giữa những nhóm nào đó gây phương hại lợi ích của cả các nhà đầu tư lẫn Nhà nước.

Thứ ba, minh bạch các khâu trong quá trình cổ phần hóa như qui trình đánh giá, thẩm định giá trị doanh nghiệp nhà nước, công bố thông tin, chào bán cổ phần ra thị trường, thương thảo và quyết định mua bán, v.v. Đặc biệt cần làm rõ những đối tượng không được phép mua (các doanh nghiệp nhà nước trong cùng tập đoàn/tổng công ty, các doanh nghiệp nhà nước khác), các đối tượng bị hạn chế lượng cổ phần (nhà đầu tư nước ngoài, trong những trường hợp cần hạn chế), các đối tượng có thể được ưu đãi hay khuyến khích mua (có công nghệ hoặc năng lực có thể giúp doanh nghiệp phát triển vượt trội) v.v. Công khai, minh bạch những qui trình này giúp các nhà đầu tư tương lai và xã hội có thể giám sát để ngăn chặn sự móc ngoặc, “đi đêm” giữa những nhóm nào đó gây phương hại lợi ích của cả các nhà đầu tư lẫn Nhà nước.

Thứ tư, minh bạch về quản trị doanh nghiệp và quản trị nhà nước đối với doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Điều quan trọng nhất là cam kết doanh nghiệp sau cổ phần hóa sẽ nâng cấp hệ thống quản trị; Nhà nước chỉ có quyền tham gia quyết định ở doanh nghiệp tương ứng với tỉ lệ cổ phần mà Nhà nước nắm giữ; doanh nghiệp phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường và chịu sự quản lý của Nhà nước theo luật pháp như mọi doanh nghiệp khác. Sau cổ phần hóa, doanh nghiệp phải thực hiện hệ thống quản trị tốt theo chuẩn mực quốc tế thông dụng, đồng thời phải tuân thủ các nguyên tắc của thị trường- đặc biệt là nguyên tắc cạnh tranh và “lời ăn lỗ chịu”- cũng như kỷ cương phép nước như mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Cách thức của nhà nước “quản lý” doanh nghiệp cũng phải thay đổi hẳn, chấm dứt hoàn toàn những biệt đãi hay can thiệp hành chính vào doanh nghiệp.

Thứ năm, minh bạch những biện pháp Nhà nước sẽ áp dụng để thực hiện chương trình cổ phần hóa, trong đó quan trọng nhất là: sửa đổi các qui định pháp lý và chính sách đang gây trở ngại hoặc có thể làm sai lệch cổ phần hóa; ban hành các qui định mới cần thiết; tạo thị trường cho việc mua bán doanh nghiệp và cổ phần ở các doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp phát triển trên cơ sở cạnh tranh, bình đẳng; thay đổi hệ thống chính sách khuyến khích của Nhà nước áp dụng chung đối với doanh nghiệp mọi loại hình sở hữu theo hướng khuyến khích cạnh tranh và hiệu quả sử dụng các nguồn lực… Đây chính là những điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp nhà nước có thể tiến hành cổ phần hóa và bước ra hoạt động trên thị trường như các doanh nghiệp khác một cách thuận lợi.

Lẽ dĩ nhiên muốn chương trình cổ phần hóa thành công thì phải có quyết tâm chính trị thực sự từ lãnh đạo cấp cao nhất thấm xuống các tầng nấc có trách nhiệm, và phải tổ chức thực hiện nghiêm túc, khoa học, kỷ cương, rất rõ ràng về phân công và trách nhiệm của tất cả các tổ chức, cá nhân liên quan. Minh bạch là yêu cầu đầu tiên và cũng là phương cách hữu hiệu để triển khai quá trình này.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)