Mô hình lúa – cá cho thu nhập cao gấp hai đến ba lần

Với mong muốn đem lại thu nhập cao cho người nông dân trồng lúa mà không phải mở rộng thêm diện tích gieo trồng, mô hình kết hợp trồng lúa – nuôi cá đã được Sở NN&PTNT nhiều tỉnh thành trên cả nước phổ biến rộng rãi và đạt thành công bước đầu.

Những địa phương nhanh chóng triển khai mô hình trồng lúa – nuôi cá sớm nhất là các tỉnh khu vực ĐBSCL, như Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu… Riêng Cà Mau là tỉnh tiến hành triển khai sớm nhất, khi từ năm 2010 đã bắt đầu áp dụng thử nghiệm trên những vùng đất lầy úng đã được ngọt hóa qua quá trình thau chua, rửa mặn như ở các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình và U Minh. Ngay trong năm sản xuất đầu tiên, mô hình này đã đem lại 150 triệu đồng tiền lãi, cao hơn gấp đôi, gấp ba lần so với trồng lúa nhưng không tiềm ẩn nhiều rủi ro như nuôi tôm. Đây là lý do thuyết phục nhiều hộ nông dân ở ba huyện này tiếp tục áp dụng mô hình lúa – cá. Sau năm năm, tổng diện tích sản xuất đã tăng lên gấp đôi. Dự kiến theo quy hoạch của Sở NN&PTNT Cà Mau giai đoạn 2016-2020, mô hình lúa – cá sẽ tăng lên 80.000 đến 100.000 ha.

Tiếp theo thành công của Cà Mau, Tiền Giang cũng thiết lập dự án “Nhân rộng mô hình kết hợp nuôi cá – lúa”, thực hiện thí điểm ở hai huyện Cai Lậy và Cái Bè vào năm 2014. Khi tham gia dự án, mỗi hộ nông dân được hỗ trợ cá giống, thức ăn cho cá và hỗ trợ kỹ thuật nuôi cá trong ruộng lúa từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Với sự hỗ trợ này, các hộ gia đình yên tâm sản xuất, nuôi trồng mà không phải băn khoăn về những vấn đề gặp phải khi lần đầu thử nghiệm mô hình. Kết quả ban đầu của dự án cũng hết sức khả quan khi lợi nhuận thu được từ hai sản phẩm lúa và cá đều cao gấp đôi so với độc canh trồng lúa. 

Tương tự cách làm này nhưng các hộ nông dân ở Bạc Liêu còn có sáng kiến trồng xen canh thêm cây sen lấy củ. Trước khi áp dụng mô hình mới, quanh năm nông dân xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành, Bạc Liêu vẫn trồng ba vụ lúa. Nhận thấy mô hình lúa – cá hiệu quả, cộng thêm với sức mua củ sen của thị trường tỉnh lớn, các hộ đã quyết định chuyển sang trồng lúa, nuôi cá mỗi năm hai vụ, dành vụ hè thu trồng sen nuôi cá. Vốn dĩ vụ hè thu hay gặp bão lũ, năng suất không cao nhưng lại hay gặp rủi ro, việc đổi trồng lúa thành trồng sen đã giúp người nông dân tránh được thất bát mùa vụ. Đổi lại, sau thu hoạch củ sen, nhiều chất hữu cơ đã được bổ sung, góp phần tăng thêm độ dinh dưỡng cho đất và đem lại thuận lợi cho việc canh tác lúa vụ sau. Hiện mô hình lúa – sen  – cá đã được nhân rộng tới hơn 20 hộ ở xã Thuận Hòa và trở thành điển hình cho nhiều nông dân xã khác tới học tập.

Ngoài khu vực ĐBSCL, nhiều tỉnh, thành khác cũng mạnh dạn thử nghiệm như Quqangr Bình, Nghệ Anh, Bắc Ninh, Hà Nội… Phần lớn diện tích dành cho lúa – cá đều ở trên những thửa ruộng chiêm trũng, thuận lợi cho canh tác lúa nước và nuôi cá. Lợi nhuận thu được từ hai loại sản phẩm này khiến nhiều nông dân đổi đời. Vì vậy sau thời gian đầu áp dụng, dự kiến tổng điện tích lúa – cá đều được mở rộng trên quy mô lớn hơn.

Qua năm năm triển khai mô hình lúa – cá, ngoài yếu tố kinh tế, mô hình này còn đem lại những hiệu quả về mặt môi trường như giảm hẳn lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, không ảnh hưởng đến môi trường như độc canh nuôi tôm, nuôi cá… Tuy nhiên để tận dụng được thế mạnh của mô hình, các hộ nông dân vẫn cần có sự hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật để hỗ trợ kỹ thuật nuôi cá kiểu mới, góp phần tăng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm lúa, cá cũng như áp dụng thêm những cái tiến mới cho phù hợp với yêu cầu và điều kiện địa phương.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)