Mô hình nuôi ghép tôm sú với cá rô phi cứu nghề tôm

Không những tận dụng được tối đa diện tích mặt nước nuôi trồng, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường, mô hình nuôi tôm sú kết hợp cá rô phi còn giúp người nông dân có thêm thu nhập và vực dậy nghề nuôi tôm qua cơn sóng gió của bệnh dịch, thị trường.

Xuất phát từ thành công của nông dân Thái Lan, Philippines, mô hình kết hợp nuôi tôm thẻ và cá rô phi được đưa về áp dụng thử nghiệm tại Việt Nam. Từ các tỉnh khu vực ĐBSCL như Trà Vinh, Cà Mau, Cần Thơ, Tiền Giang… đến những tỉnh miền Trung như Quảng Trị, Bình Định, Thừa Thiên Huế… cũng mạnh dạn học tập cách làm mới này. Cho đến nay, hiệu quả đạt được từ mô hình này được ghi nhận ở hai phương diện: giảm ô nhiễm môi trường và mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt.

Theo mô hình này, cá rô phi có thể sống trong môi trường nước mặn, đặc biệt là cá rô phi đơn tính có khả năng chịu mặn rất cao. Vì vậy khi nuôi chung với tôm thẻ hay tôm sú, cá rô phi sẽ không bị ảnh hưởng đến khả năng phát triển. Hơn nữa, với đặc tính sinh học của mình, cá rô phi sẽ không cạnh tranh về môi trường sống của tôm vì cá rô phi chủ yếu sống ở tầng nổi, trong khi tôm sống ở tầng đáy.

Bên cạnh đó, cá rô phi có thiên hướng ăn các loài động vật thủy sinh, phù du, tảo, mùn bã hữu cơ vốn chủ yếu là chất thải của tôm trong quá trình sinh trưởng, nên sẽ làm giảm sự tích tụ chất thải trong ao. Chính những “cỗ máy xử lý môi trường” tự nhiên này sẽ giúp người nông dân không phải mất quá nhiều công sức dọn ao, vét bùn cũng như các loại chất xử lý môi trường nước như trước.

Trong quá trình nuôi ghép, người ta còn nhận thấy thêm một ích lợi quan trọng khác là cá rô phi đã góp phần làm giảm dịch bệnh trên tôm, đặc biệt là bệnh đốm trắng trên tôm thẻ. Với bản tính ăn tạp của mình, cá rô phi có thể hạn chế được sự phát triển của tảo lục, tiêu diệt nhóm vi khuẩn thuộc nhóm Vibrio, các vật chủ trung gian mang mầm bệnh, thậm chí xử lý cả tôm bệnh chết, qua đó tránh lây lan bệnh và giúp kiểm soát được dịch bệnh trong ao.   

Những hiệu quả này từ mô hình nuôi ghép tôm và cá rô phi đã thuyết phục được người nông dân nuôi tôm mới kinh qua thất bát mùa vụ vì đối phó dịch bệnh, giá tôm xuống thấp trong khi chi phí đầu vào vẫn không ngừng tăng cao.

Tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, dưới sự hướng dân kỹ thuật của các cán bộ phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, các hộ nông dân đã mạnh dạn áp dụng. Điển hình là anh Nguyễn Anh Dũng ở ấp Tân Đức, xã Tân Đức đã thành công năm vụ. Anh cho biết kể từ khi làm theo mô hình nuôi ghép cá rô phi và tôm, lượng bùn thải trong ao đã giảm gấp hai lần, thời gian nuôi tôm giảm từ sáu tháng xuống năm tháng rưỡi, chi phí mua thuốc xử lý ao, khoáng chất trộn vào thức ăn giảm từ sáu đến 12 triệu đồng/vụ. Trên sáu ao nuôi theo mô hình này, anh thu được ba tỷ đồng tiền tôm mỗi vụ, trừ chi phí đầu tư lãi hai tỷ đồng. Bên cạnh đó lượng cá rô phi đạt 1,5 tấn, thu về trên 20 triệu đồng.

Tại Tiền Giang, trên diện tích 0,5 ha, ông Lê Công Dư, xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông đã đạt được mức thu lý tưởng. Với mức giá năm 2014, ông Dư thu về 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí lãi gần một nửa. 

Tại Sóc Trăng, xã Hòa Đông, huyện Vĩnh Châu, mô hình thí điểm nuôi ghép cá rô phi và tôm thẻ, tôm sú được hợp tác xã Hòa Nghĩa thực hiện từ năm 2012. Sau thành công loại bỏ được bệnh dịch đốm trắng và hoại tử dưới vỏ tôm nhờ sự “trợ giúp” của cá rô phi, hai năm tiếp theo, hợp tác xã Hòa Nghĩa mở rộng quy mô áp dụng trên 53,5 ha diện tích mặt nước. Để mô hình phát huy hiệu quả hơn, hợp tác xã đã sáng tạo bố trí khu vực nuôi cá rô phi và tôm riêng biệt, chờ thời điểm thuận lợi thả chung cá vào ao tôm. Kết quả năm 2014, dù giá tôm có giảm thì hợp tác xã vẫn thu được hơn 11 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư đạt tiền lãi gần 5 tỉ đồng.

Những hiệu quả từ mô hình này tại các tỉnh khu vực ĐBSCL đã đem lại gợi ý cho nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước tìm hướng đi cứu vãn nghề nuôi tôm, tăng thu nhập cho các hộ nông dân nuôi trồng thủy sản, như Bà Rịa Vũng Tàu sẽ áp dụng thử nghiệm từ năm 2015. Tuy nhiên khi áp dụng mô hình này, các hộ nuôi tôm được khuyến cáo cần tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn từ cán bộ kỹ thuật để tránh những vấn đề xảy ra, ảnh hưởng đến tính hiệu quả của mô hình. 

 

Tác giả