Mọi người nói dối nhiều hơn khi dùng máy tính xách tay
Theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí International Journal of Conflict Management, các thiết bị khác nhau – như máy tính xách tay hoặc điện thoại di động - có thể định vị hành vi của chúng ta khi mặc cả với người lạ.
Nhóm nghiên cứu đã thiết lập một thử nghiệm mà các nhà kinh tế gọi là “trò chơi tối hậu thư”. Trong trò chơi này, người chơi được thông báo rằng họ sẽ nhận được một khoản tiền nhất định và họ phải chia cho đối tác một phần trong đó. Nhưng họ có thể nói với đối tác của mình bất kì điều gì về tổng số tiền và số tiền họ sẵn sàng đưa ra – điều này cho phép người chơi nói dối và giữ lại nhiều tiền hơn cho riêng mình. Tuy nhiên, đối tác của người chơi đó phải đồng ý với số tiền được cho, nếu không thì cả hai người đều không nhận được bất kỳ khoản tiền nào.
Ở phiên bản thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã nói với 137 sinh viên rằng hãy tưởng tượng họ sẽ chia sẻ 125 USD với một sinh viên khác và xem nếu đối tác được chỉ định ngẫu nhiên của họ có đồng ý với thỏa thuận không. Một nửa số sinh viên sử dụng máy tính xách tay, số còn lại sử dụng điện thoại thông minh.
Trong khi hầu hết người chơi đều nói dối ít nhất một chút, thì người dùng máy tính xách tay nói dối nhiều hơn, với con số lớn hơn. Cụ thể, 82% người tham gia dùng máy tính xách tay đã nói dối so với 62% người dùng điện thoại, và trung bình những người dùng máy tính xách tay tuyên bố tổng số tiền ít hơn khoảng 20 USD.
Mặc dù việc “chia tiền” chỉ là giả thuyết và không liên quan đến tiền mặt nhưng nghiên cứu trước đây của nhóm và một số công trình của các học giả khác cho thấy những kịch bản này rất hiệu quả trong dự đoán hành vi thực tế.
Để xem phát hiện này có duy trì trong một kịch bản thực tế hơn không, nhóm nghiên cứu đã nghĩ ra một thí nghiệm đàm phán, trong đó hai người được yêu cầu trao đổi về giá mua của một nhà máy bán dẫn tưởng tượng mà một trong số họ sở hữu. Họ đã chia 222 sinh viên thành người mua và người bán. Người mua được bí mật thông báo rằng giá trị thị trường của bất động sản ước tính khoảng 21 triệu USD.
Sau đó, người mua được yêu cầu nói với người bán số tiền mà họ nghĩ là giá thị trường hợp lý của tài sản và đưa ra lời đề nghị ban đầu. Giống như thí nghiệm đầu tiên, một nửa sinh viên dùng điện thoại di động và một nửa dùng máy tính xách tay. Một lần nữa, người dùng laptop lại lừa dối nhiều hơn. Trung bình họ nói với người bán rằng giá trị hợp lý của tài sản là 16,7 triệu USD – giảm hơn 4 triệu USD so với mức 18.1 triệu USD trung bình của những người dùng điện thoại. Trong cả hai trường hợp, lời đề nghị mua thực tế của họ chỉ cao hơn một chút so với những gì họ nói là giá trị thị trường của tài sản.
Để tìm hiểu, các nhà nghiên cứu đã hỏi những người tham gia một nghiên cứu khác về mối liên hệ của họ với từng thiết bị và tìm ra một mô hình nhất quán. Điện thoại đã kích hoạt sự liên hệ đối với bạn bè và gia đình, trong khi máy tính xách tay dẫn đến những suy nghĩ về công việc, thành công và thành tích. Việc sử dụng công nghệ trong khi ra quyết định có thể làm thay đổi cơ bản hoạt động của não bộ một cách tinh tế. Trong nghiên cứu trước, các tác giả nhận thấy rằng mọi người nói dối thường xuyên hơn, ít hợp tác hơn và đánh giá người khác tiêu cực hơn khi họ thực hiện các nhiệm vụ trên nền tảng “ảo”, trái ngược với khi tương tác trực tiếp “mặt đối mặt” với những công cụ vật lý như bút giấy.
Mặc dù không thể dự đoán hoàn hảo hành vi của con người trong thế giới thực nhưng kết quả nghiên cứu đã cung cấp thêm bằng chứng về cách mà công nghệ có thể làm thay đổi hành vi con người. Họ cho biết cần có thêm những nghiên cứu xem xét ảnh hưởng của công nghệ và những thay đổi vô thức mà các thiết bị công nghệ có thể tạo ra đối với các quyết định hàng ngày và tiêu chuẩn đạo đức của con người.
Trang Linh lược dịch
Nguồn: https://phys.org/news/2022-09-lies-common-laptops-devices-behavior.html