Một loại cây có thể khử độc trong nước thải
Thierry Jacquet, 49 tuổi, đã quen với những ánh mắt nghi ngờ. Ông bảo, “Quả thật nghe cũng là lạ khi ai đó nói rằng, anh ta có thể dùng thực vật để xử lý nước thải thành nước tắm.”
Jacquet, vốn dĩ là một nhà quy hoạch đô thị và kiến trúc sư cảnh quan. Ông quảng bá cho một kỹ thuật có nhiều tiềm năng nhưng đến nay chủ yếu mới được áp dụng ở các hồ bơi thiên nhiên. Tuy nhiên, người đi tiên phong về sinh thái không chỉ dừng ở đây. Ông muốn chứng minh rằng, có những loại cây thậm chí có khả năng hấp thụ nước thải công nghiệp bị ô nhiễm nặng, kể cả nước thải của ngành công nghiệp mỹ phẩm và chất tẩy rửa, trừ một số chất cực độc. Ngay cả những nơi đất bị ô nhiễm nặng, như ở các khu vực có cây xăng, những loại cây này cũng tỏ ra đắc dụng.
Để chứng minh tính năng của những loài thực vật này, Jacquet mời những ai quan tâm tới La Brosse-Montceaux, cách thủ đô Paris về phía nam khoảng một giờ xe ô tô, nơi bạt ngàn cỏ lác, tiếng ếch nhái inh tai và chim hót líu lo. Nhìn bên ngoài, đây dường như là một vùng đất có sinh cảnh tuyệt vời, tuy nhiên dưới lớp thảm thực vật lại là thứ nước có mầu nâu xám.
Jacquet đi ủng, lội bùn, ông nhổ một bụi cây, kể cả rễ, và giải thích về cơ chế xử lý sinh học: “Thực ra cây chỉ là vật trung gian. Vi khuẩn sinh sống nhờ bộ rễ của cây và chúng ăn các chất bẩn trong nước thải.”
Nguyên tắc dùng vi khuẩn để khử các hóa chất không có gì mới. Hiện nay ở nhiều cơ sở xử lý nước thải hiện đại, người ta đã áp dụng biện pháp này. Tại đây, vi sinh vật được thả vào nước thải để chúng phá vỡ chuỗi hydrocarbon.
Tuy nhiên giải pháp mà Jacquet áp dụng thông qua thực vật có thể được coi là có một không hai trên thế giới: ở dự án này, cây dương xỉ ăn Cyanide và thạch tín (Arsenic), những loại cây lá rộng như cây hương bồ (cat-tail) và liễu dầu ăn muối khoáng. Cây trân châu (loosestrife) thì ưa ăn đường và tinh bột trong khi cây lau lại ngốn kim loại nặng. Cây lách thì hấp thụ mầm bệnh truyền nhiễm, còn cây mía hấp thụ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học. Thậm chí đất bị ô nhiễm phóng xạ cũng có thể được hóa giải bởi cây cỏ ba lá.
Dường như vẫn chưa thoả mãn với những điều đã đạt được, Jacquet muốn xây dựng những “vườn lọc” để xử lý nước thải ở gần các khu vui chơi giải trí. “Công nghệ này đầy triển vọng,” Jean-Louis Ducreux, giám đốc hãng tư vấn Atelier d’Ecologie Urbaine (AEU) chuyên về sinh thái đô thị ở Paris đánh giá.
Tại trang trại sinh học của mình ở La Brosse-Montceaux, chuyên gia Jacquet cho đào 24 bể chứa. Những bể này đều được lót một tấm màng địa kỹ thuật (Geomembrane), để ngăn nước thải ngấm xuống tầng nước ngầm. Sau đó ông rải các lớp xỉ, đá vôi và phân hữu cơ lên rồi trồng các loài thực vật. Cuối cùng là dẫn nước thải vào các bể này.
Kết quả các loài thực vật có thể phân huỷ tới 99% các chất độc hại trong nước thải hoặc đất bị nhiễm độc. Nhà doanh nghiệp người Pháp khẳng định “các khảo nghiệm trong phòng thí nghiệm của doanh nghiệp SGS, Wessling, Eurofins và SAS Laboratoire đã chứng minh điều này.” Jacquet không khẳng định ông có một “công thức kỳ diệu để xử lý mọi chất độc hại”. “Có những chất mà cây cối không thể phân huỷ được.” Vì vậy những chất độc hại mà vi khuẩn chừa lại, thí dụ các kim loại nặng, thủy ngân hay Cadmium, sẽ được tích trong một bể riêng. Hàm lượng các chất này lớn đến mức có những hãng chuyên dụng tuyển lại chúng để tiếp tục sử dụng, nhà tư vấn Ducreux của AEU giải thích.
“Các giải pháp sinh thái tốt cũng phải có sức hấp dẫn về mặt tài chính,” doanh nhân Jacquet nói. Ngay từ khi còn là nhà tư vấn độc lập về môi trường, ông từng phát triển những phương án xử lý môi trường ở một số địa phương, và ông cho biết, giải pháp này còn rẻ hơn cách đốt hay chôn lấp thông thường. “Nhưng khi đó lại thiếu những doanh nghiệp sẵn sàng đảm nhận việc thực hiện giải pháp.” Đó là lý do Jacquet đứng ra thành lập doanh nghiệp.
Một thời gian dài, công việc quảng bá đối với Jacquet đầy khó khăn, lý do một phần là vì thời gian cần để xử lý quá dài trong khi các chủ công trình xây dựng lại luôn ở trong tình trạng gấp gáp. Nhưng lý do mấu chốt cản trở việc sử dụng thực vật để làm sạch môi trường là do mâu thuẫn về lợi ích. Ở Pháp hiện có hai doanh nghiệp cỡ lớn chia nhau thị trường xử lý rác thải, đó là Veolia và Suez Environnement. Trong bối cảnh đó, để đưa những giải pháp mới vào lĩnh vực này thực sự là rất khó khăn.
Việc thâm nhập vào thị trường ở các nước mới nổi có phần dễ dàng hơn. Các chi nhánh của Jacquet hoạt động tại Brazil và Trung Quốc khá thành công, từ đó gây tiếng vang và tạo được sự quan tâm của các chủ dự án ở trong nước, thí dụ tập đoàn mỹ phẩm khổng lồ L’Oréal hay doanh nghiệp Louis Vuitton trong lĩnh vực đồ da. Cơ sở nghỉ dưỡng thuộc Club Med ở Mauritius cũng là khách hàng của Jacquet. Hiện tại doanh nghiệp khử độc nước của Jacquet cộng tác với một loạt doanh nghiệp lớn thuộc chỉ số chứng khoán CAC40 của Pháp. Các doanh nghiệp này chuyển nước bị ô nhiễm tới La Brosse-Montceaux để xử lý hoặc phối hợp với khoảng 40 chuyên gia của Phytorestore để xử lý tại chỗ.
Jacquet cũng thường xuyên làm việc với các nhà quy hoạch đô thị. Khi một khu dân cư mới sắp được xây, ông yêu cầu dành 20% diện tích đất để làm “vườn lọc”, với diện tích đó, bảo đảm xử lý 100% nước thải. “Chi phí cho phương pháp xử lý bằng thực vật rẻ hơn nhiều so với việc xây dựng các nhà máy xử lý nước thải thông thường hiện nay và cảnh quan cũng đẹp hơn,” ông nhấn mạnh.
Xuân Hoài dịch