Một ngọn nến nhỏ cho Steve Jobs

Trên đời này có biết bao thiên tài mà tôi kính phục và ngưỡng mộ, chứ đâu phải có mình ông – Steve Jobs? Ngay cả trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình, “người khổng lồ” Bill Gates còn nhiều “duyên nợ” hơn với dân IT, lại từng đến VN, vậy mà không hiểu sao Steve Jobs lại làm cho tôi ấn tượng đến mức cảm thấy cần phải viết ra để chia sẻ. 

Từ những cảm nhận đầu tiên về sản phẩm

Lần đầu tiên tôi biết đến cái tên Apple và logo “quả táo khuyết” độc đáo của nó vào những năm đầu của thập kỷ 80, khi chiếc máy tính Apple II có mặt ở Viện Khoa học VN (nay là Viện Khoa học và Công nghệ VN). Không có gì ấn tượng nhiều, bởi lúc đó IBM đã công bố máy tính cá nhân (PC) đầu tiên của họ vào ngày 12/8/1981, đó là chiếc máy IBM Personal Computer 5150, mở ra một bước ngoặt mới trong công nghiệp máy tính. Những người đã lăn lộn cùng các máy tính lớn (mainframe) từng có mặt ở VN như Minsk-22, Minsk-32, IBM/360,… thời kỳ đó đều coi IBM là “người khổng lồ” duy nhất của thế giới điện toán, bởi vậy việc Apple II bị IBM PC “át bóng” cũng là điều dễ hiểu. Mãi sau này tôi mới biết rằng chính Apple II ra đời năm 1977 mới là thiết bị được xem là mở đầu cho cuộc cách mạng máy tính cá nhân.
 


   Apple II (1977)             

Apple Lisa (1983)

Apple Macintosh (Mac)thế hệ đầu tiên (1984)

Tôi thực sự làm quen với máy tính Apple từ năm 1983 khi sang Pháp học. Lúc đó trong labo của tôi ở Đại học Paris 6 vẫn chủ yếu dùng các máy lớn và máy mini theo chế độ multiuser, chỉ có một vài cái máy mới có hình dạng khá đặc biệt với cái tên của một cô gái: Lisa (mãi sau này tôi mới biết đó là tên cô con gái của Steve Jobs với cô bạn học cũ). Đã quen thuộc với giao diện lệnh của các máy tính truyền thống, kể cả các máy PC mới của IBM, tôi thật sự ngỡ ngàng và thú vị với giao diện đồ hoạ (GUI – Graphic User Interface) và con chuột mà Lisa cung cấp cho người dùng.

Thực ra, ngay từ những năm 1960, Douglas Engelbart, một kỹ sư người Mỹ làm việc tại Đại học Stanford, đã có ý tưởng về một giao diện đồ họa người dùng được điều khiển bởi con chuột. Ý tưởng độc đáo này đã được các chuyên gia của Công ty Xerox ở Palo Alto thực hiện trên một thiết bị có tên gọi Alto vào năm 1973 và sau đó được phát triển thành Xerox Star 8010 Document Processor và thương mại hoá vào năm 1981 với giá lên tới 17.000 USD. Khi đến thăm phòng thí nghiệm Xerox vào năm 1979, Steve Jobs đã cảm thấy cực kỳ ấn tượng với chiếc máy Alto và trong suốt nhiều năm sau đó, ông đã thuê mướn khá nhiều kỹ sư của Xerox và đầu tư hàng triệu đô la để tạo ra một chiếc máy tính dựa trên GUI có khả năng thương mại hóa. Đến năm 1983 thì chiếc máy tính 10.000 USD Lisa ra đời. Cho dù hoàn toàn thất bại vì mức giá quá cao, Lisa vẫn là tiền đề để Apple chế tạo chiếc máy tiếp theo rẻ hơn và cũng thành công hơn rất nhiều. Hơn nữa, tuy Apple “đạo” ý tưởng về chuột vào GUI của Xerox nhưng không ai có thể phủ nhận công lao của nhóm phát triển tại Apple với những thành tựu mà chúng ta vẫn còn sử dụng đến hiện nay.

Một năm sau (1984), Apple đã tung ra loạt máy Macintosh (Mac) thế hệ đầu tiên cũng dùng GUI và chuột như Lisa nhưng giá rẻ hơn nhiều và vì thế chúng được phổ biến rất nhanh. Labo của tôi được trang bị hàng loạt máy Mac và các nghiên cứu sinh như tôi cũng được “xài” thoải mái. Lúc đó tôi mới có thời gian để “thấm” hiệu quả của GUI và chuột mang lại. Tôi vẫn còn nhớ mãi là mình đã “khoái chí” thế nào khi thấy icon “thùng rác” (trash) phình to ra khi một file được tống vào đó và trở lại nguyên dạng khi file đó đã bị delete vĩnh viễn. Trước khi GUI xuất hiện, người sử dụng máy tính buộc phải biết những cụm phím kết hợp phức tạp và điều khiển thông qua các dòng lệnh. Steve Jobs tập trung vào việc mang máy tính đến với mọi người bằng cách làm cho chúng thân thiện, dễ dùng và ông đã thành công. Sau này, chính Microsoft đã “đạo” lại ý tưởng GUI của Apple và phát triển chúng cho các thế hệ Windows (Apple đã kiện Microsft về chuyện này nhưng thua cuộc vì Bill Gates đã “tố” lại Apple cũng đã từng “đạo” của Xerox).
  


Giao diện lệnh trên PC với MS-DOS     

Giao diện GUI trên Macintosh       

  
Ngoài giao diện đồ hoạ và con chuột, lúc đó tôi cũng hết sức ấn tượng kỹ thuật kết nối giữa các máy Mac để truyền dữ liệu. Tất cả gần như là “cắm và chạy(plug-and-play), hết sức đơn giản và thân thiện với người dùng, đặc biệt là dân văn phòng không chuyên IT.

Đơn giản, thân thiện và quan tâm đặc biệt đến nhu cầu của người dùng – đó chính là triết lý xuyên suốt đã tạo nên sự thành công đáng kinh ngạc trong hàng loạt các sản phẩm sau này của Steve Jobs và Apple như iMac, MacBook, iPod, iPhone, iPad mà vì khuôn khổ bài viết nên tôi không đề cập đến.

Đến những cảm nhận về con người…

Mặc dù được tiếp xúc với sản phẩm của Apple từ năm 1983 nhưng trên thực tế đến 2 năm sau tôi mới chú ý đến con người Steve Jobs qua sự kiện mà nhiều người (kể cả bản thân Steve Jobs sau này ngậm ngùi cũng thừa nhận) là một trong những “sai lầm ngớ ngẩn nhất” của ông: Steve Jobs bị “đá” ra khỏi Apple bởi chính John Sculley – con người mà ông đã tìm cách để mời về làm CEO cho Apple bằng lời “mồi chài” nổi tiếng: “Do you want to spend the rest of your life selling sugared water or do you want a chance to change the world?” (Ông muốn dành phần còn lại của cuộc đời để đi bán nước ngọt hay là muốn có cơ hôi để làm thay đổi thế giới?). (Lúc đó J. Sculley là CEO của hãng nước ngọt Pepsi đang thời kỳ ăn nên làm ra). Quan hệ đầy kịch tính của 2 con người tài ba này đã làm cho tôi bắt đầu quan tâm đến con người và sự nghiệp của Steve Jobs.


 Steve Jobs và John Sculley thời “mặn nồng” 

Steve Jobs lập Công ty NeXT sau khi bị J.Sculley“sa thải”


Sau khi rời khỏi Apple, Steve Jobs lập Công ty NeXT Computer sản xuất các workstation cao cấp cho đến khi Apple dưới trướng J. Sculley tiến dần đến bờ vực phá sản mới được mời quay lại với vị trí cũ. Mặc dù về phương diện kinh doanh, giai đoạn này không mang lại mấy thành công cho Steve Jobs nhưng ảnh hưởng của nó đến các sản phẩm về sau của Apple là rất quan trọng xuất phát từ hệ điều hành NeXTstep được ông phát triển cho các máy NeXT. Đây là hệ điều hành kiểu Unix (Unix-like) hướng đối tượng dựa trên nhân hệ điều hành Mach do các chuyên gia của Đại học Carnegie-Mellon phát triển. Các hệ điều hành MacOS và iOS cho các dòng sản phẩm nổi tiếng sau này của Apple đều được phát triển trên nền NeXTstep. Đối với tôi, Mach và NeXTstep đã trở thành ví dụ kinh điển – mà tôi luôn đề cập đến trong các bài giảng cho sinh viên của mình, về một hệ điều hành phân tán là kết quả nghiên cứu trong môi trường hàn lâm nhưng lại được phát triển và thương mại hoá thành công nhờ sự “tiếp tay” tích cực và sáng tạo của doanh nghiệp.

Theo sát hành trình của Steve Jobs từ đó cho đến cái ngày định mệnh 5/10/2011 khi ông từ giã cõi đời và giờ đây, sau khi đã “tua” đi, “tua” lại không biết bao lần những “thước phim tư liệu’ về cuộc đời đầy ắp các sự kiện kịch tính của Steve Jobs, tôi muốn chia sẻ một vài cảm nhận của mình về con người vĩ đại này.


Slogan đầu tiên của Apple             

và slogan được thay đổi từ khi Steve Jobs quay lại Apple (1997)

Khi thành lập Apple, Steve Jobs đã chọn slogan cho hãng là Think (Nghĩ), nhưng sau khi quay trở lại vị trí CEO của Apple thì ông đã đổi thành Think different (Nghĩ khác). Chỉ thêm 1 chữ “khác” thôi nhưng đó chính là kết quả của những bài học đắt giá mà Steve Jobs nhận được qua chặng đường hơn 20 năm (1976-1997) “lên bờ, xuống ruộng” trong thương trường khốc liệt. Ông hiểu rằng, Apple (lúc đó đang bên bờ vực phá sản) không thể tồn tại và đi lên nếu không có sự khác biệt trong tư duy quản trị và phát triển sản phẩm. Sự “khác biệt” mà Steve Jobs muốn có phải mang tính đột phá và có thể làm thay đổi thế giới như ông đã diễn đạt cụ thể trong clip quảng cáo nổi tiếng của Apple, trong đó sau khi nhắc đến những cái tên như Albert Einstein, Bob Dylan, Martin Luther King, Thomas Edison, John Lennon, Pablo Picasso… với lời nhận xét: “Họ điên khùng. Lập dị. Nổi loạn. Chuyên gây rắc rối. Họ giống như nồi tròn vung méo. Họ nhìn mọi thứ khác lẽ thông thường. Họ ghét nguyên tắc và làm đảo lộn hiện trạng. Bạn có thể thừa nhận hay bất đồng với họ, vinh danh hay căm thù họ. Nhưng bạn không thể không chú ý đến họ. Bởi họ thay đổi mọi thứ và đưa nhân loại tiến lên phía trước”, thông điệp mà Steve Jobs muốn chuyển tải đến mọi người được “chốt” lại: “Trong khi họ bị coi là những kẻ điên, chúng tôi lại thấy đó là những thiên tài. Bởi họ đủ điên để nghĩ mình có thể thay đổi thế giới” (While some may see them as the crazy ones, we see genius. Because the people who are crazy enough to think they can change the world, are the ones who do). Điều đáng nói ở đây là Steve Jobs đã thực hiện được tuyên ngôn “động trời” đó của mình và cũng xứng đáng được xếp vào hàng ngũ những “kẻ điên khùng làm thay đổi thế giới” như Einstein, Edison,… Viết đến đây tôi không thể không liên tưởng đến các slogan dài dòng, sáo rỗng theo kiểu “hô khẩu hiệu” của các doanh nghiệp Việt.

Ai đã từng sử dụng các sản phẩm của Apple, đặc biệt là các sản phẩm gần đây như iPhone, iPad, MacBook Air đều cảm nhận được sự hoàn hảo của chúng không những về chất lượng công nghệ mà cả về thẩm mỹ. Đây chính là điểm nổi trội của các sản phẩm Apple làm cho các đối thủ trầy trật trong cuộc chiến giành giật thị phần. Tuy nhiên, muốn sản phẩm của mình hoàn hảo nhưng Steve Jobs lại không chấp nhận sự phức tạp mà luôn luôn hướng đến sự đơn giản như ông đã chia sẻ khi trả lời phỏng vấn của tờ BusinessWeek (5/1998): “Một trong những câu thần chú của tôi là: Trọng tâm và Đơn giản. Hãy biến những khái niệm phức tạp thành những thứ dễ hiểu. Tạo ra cái gì đó đơn giản còn khó hơn nhiều so với việc làm nó trở nên phức tạp. Nhưng khi làm được, bạn có thể dời non lấp bể”. Và đó cũng chính là nét độc đáo của con người Steve Jobs mà các CEO công nghệ đương thời ít ai có được.

Trong khi không mấy ấn tượng về sự liên quan giữa việc Steve Jobs theo học một lớp luyện viết chữ đẹp sau khi bỏ trường đại học với tính thẩm mỹ độc đáo của các font chữ trên các sản phẩm Apple thì tôi lại rất tâm đắc với lý giải của ông về sự thành công của dòng máy Macintosh (và cũng đúng với các sản phẩm khác của Apple): “Một phần khiến Macintosh tuyệt vời là những người làm ra nó từng là nhạc sĩ, nhà thơ, nghệ sĩ, nhà động vật học và cả nhà sử học nhưng giờ lại trở thành những chuyên gia máy tính hàng đầu thế giới”. Và chính Steve Jobs là kiến trúc sư trưởng cho các sản phẩm được tạo ra bởi sự cộng tác hiệu quả của những con người đa tài đó.

Masayoshi Son, Giám đốc điều hành mạng di động Softbank của Nhật đã đánh giá: “Steve là một thiên tài đích thực của thời đại chúng ta, người có khả năng hiếm hoi trong việc pha trộn nghệ thuật với công nghệ, giống như Da Vinci”. Steve Jobs là một con người cầu toàn đến mức cực đoan, nhưng đó là sự cầu toàn hướng tới sự hoàn thiện của sản phẩm đã và đang góp phần thay đổi thế giới. Đã có các lý giải khác nhau về lý do vì sao quả táo trong logo của Apple lại bị khuyết một góc, nhưng tôi vẫn luôn tin vào giả thiết: đó là do Steve Jobs cho rằng Apple chưa thực sự hoàn hảo, và ông luôn muốn đi tìm kiếm sự hoàn hảo, coi như là một thông điệp để nhắc nhở các nhân viên phải luôn sáng tạo. Bởi đó mới chính là Steve Jobs! Và cũng chỉ có Steve Jobs mới bù đắp được cho phần đang khuyết của Apple, như thông điệp mà tôi tự giải mã qua bản thiết kế logo độc đáo của Jonathan Mak, 19 tuổi, sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hong Kong.
    


Thiết kế logo ghép mặt Steve Jobs của Jonathan Mak

Steve Jobs là đệ tử Phật Giáo Thiền Tông

    
Steve Jobs mang trong mình 2 dòng máu: bố đẻ là người Ảrập Hồi giáo Syria, mẹ đẻ là người Mỹ (có thể bà theo đạo Thiên Chúa giáo nên thân phụ mới không cho lấy người Hồi giáo chăng?). Còn bản thân Steve Jobs sau khi bỏ học đại học đã có chuyến du lịch khám phá Ấn Độ và từ lúc trở về Mỹ thì ông đã là đệ tử của Phật giáo Thiền tông. Một nguồn gốc và số phận kỳ lạ. Khi vào một số trang Web của Phật giáo tôi đọc được một số bài viết phân tích ảnh hưởng của giáo lý Nhà Phật đối với sự nghiệp của Steve Jobs nhưng do kiến thức hạn hẹp về tôn giáo nên tôi cũng không thể đánh giá được logic của vấn đề. Đã có lúc tôi tự đặt ra một giả thiết hết sức phi lý: nếu như cuộc hôn nhân của bố, mẹ đẻ Steve Jobs không bị cản trở và ông trở thành một người Hồi giáo, thậm chí Hồi giáo cực đoan, thì nhân loại có mất đi một thiên tài không nhỉ? Và nếu Steve Jobs vẫn là một thiên tài như Steve Jobs của Apple ngày nay thì dấu ấn của Hồi giáo sẽ như thế nào trong các thành công của ông? Dĩ nhiên bài toán với giả thiết phi lý sẽ không bao giờ có lời giải đúng đắn!

Không thể nói hết những cảm nhận về một con người độc đáo và vĩ đại như Steve Jobs trong một bài viết như thế này, nhất là đối với những ai may mắn hoạt động trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp với ông. Tôi muốn kết thúc bài viết bằng những lời ông đã nhắn nhủ các sinh viên tại Đại học Stanford khi đến nói chuyện với họ vào năm 2005: “Thời gian của bạn không nhiều, đừng lãng phí bằng cách sống cuộc đời của người khác. Đừng nghe lời giáo điều, vì đó là suy nghĩ của người khác. Đừng để những quan điểm ồn ào lấn át tiếng nói bên trong bạn. Hãy biết bạn muốn gì. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu”.

Theo tôi, đó là những lời khuyên quý báu đối với tất cả mọi người, cho dù họ đang sở hữu quỹ thời gian nhiều hay ít.

Tôi coi bài viết này như một ngọn nến nhỏ tri ân Steve Jobs gửi đến Lễ tưởng niệm chính thức mà Apple dành cho ông vào 10h ngày 19/10/2011 tại trụ sở chính của Công ty ở Cupertino, California.

18/10/2011

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)