Một người hỗ trợ có tâm

Trong hồ sơ bảo vệ trước hội đồng xét chọn danh hiệu Forbes Under 30 – những người trẻ nổi bật nhất năm 2018 của tạp chí Forbes - tôi trình bày rằng: “Chị Phan Hoàng Lan, Phó Giám đốc - Văn phòng Đề án Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - là một công chức nhà nước hiếm hoi hội tụ đủ các tiêu chí để trở thành bạn thân của startups”.


Phan Hoàng Lan hiện nay là Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ  – Bộ Khoa học và Công nghệ.

Xin chào, nghe nói chị đang làm luận văn tiến sĩ về… hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam? Các tổ chức quốc tế đã nghiên cứu nhiều về việc này rồi, sao lại phải dành mấy năm trời “tuổi thanh xuân” của mình cho nó ạ?

Đúng như anh nói, nghiên cứu về doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung hay về các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đã có khá nhiều đơn vị làm, kể cả những nghiên cứu lý thuyết lẫn những nghiên cứu thực tiễn. Thế nhưng vẫn có rất nhiều câu hỏi chưa được giải quyết. Ở mỗi quốc gia, mỗi thời điểm, đối với từng loại doanh nghiệp các yếu tố này lại khác nhau. Ở Việt Nam, vì hệ sinh thái khởi nghiệp mới hình thành chưa lâu nên các nghiên cứu về vấn đề này càng hiếm. Đặc biệt, các yếu tố thường không đứng độc lập mà yếu tố này lại có thể kết hợp với các yếu tố khác để ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp.Ví dụ như không phải cứ nhận được hỗ trợ tài chính của nhà nước là doanh nghiệp sẽ phát triển, có thể hỗ trợ này phải đến ở một giai đoạn phát triển nhất định của doanh nghiệp, hoặc doanh nghiệp phải có một quy trình quản trị nhất định hoặc phải có kết hợp giữa hỗ trợ tài chính giữa nhà nước và tư nhân thì mới thành công được.

Nói chung, việc học tiến sĩ đối với tôi là cách tôi chọn để có thời gian chiêm nghiệm, nghiên cứu sâu hơn, hiểu kỹ hơn về doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam, điều mà nếu tôi bị cuốn đi trong các công việc cơ quan thường ngày thì khó có điều kiện để làm. Một chính sách đưa ra có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều người và rất khó để sửa, nên theo tôi cần có sự chuẩn bị một cách kỹ càng về kiến thức và hiểu biết về doanh nghiệp thì mới có thể xây dựng các chính sách phù hợp nhất với đối tượng này.

Chị có định nghĩa của riêng mình về hệ sinh thái khởi nghiệp không?

Tôi không có định nghĩa gì mới về hệ sinh thái khởi nghiệp cả, chỉ đơn giản tôi hiểu đó là tập hợp các nguồn lực để thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp đưa ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ mới ra thị trường và giải quyết các vấn đề của xã hội. Nguồn lực này bao gồm các nguồn lực về con người, tài chính, vật chất cũng như các nguồn lực về tinh thần.

Vì sao chị quyết định chọn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là con đường của mình?

Cũng tình cờ thôi. Cách đây 4 năm, tôi được giao nhiệm vụ hỗ trợ một phần Đề án Thương mại công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam, là đề án đưa chương trình tổ chức thúc đẩy kinh doanh theo mô hình của Hoa Kỳ vào Việt Nam, hỗ trợ đào tạo, tập huấn và cung cấp tư vấn nhằm thu hút đầu tư mạo hiểm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng. Sau đó, tôi lại được tham gia vào một chuyến đi học tập kinh nghiệm hỗ trợ khởi nghiệp từ Israel cùng với 4 doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng của Việt Nam.

Tôi nhanh chóng bị cuốn hút vào ý nghĩa công việc và năng lượng sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tôi cũng nhận ra tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp này là rất lớn, có thể thay đổi toàn bộ nền kinh tế nếu như họ có đủ môi trường hoạt động tốt nhất, đặc biệt là môi trường chính sách mà chúng ta lại chưa có những chính sách phù hợp. Vậy là tôi bắt tay vào làm thôi. Vừa là nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ và lãnh đạo cơ quan giao, vừa là công việc mà mình cảm thấy có ý nghĩa thì còn gì bằng.

Chị tìm động lực và năng lượng ở đâu để lúc nào cũng “high” hết trơn khi làm việc vậy?

Thực ra không phải lúc nào năng lượng cũng nhiều đâu vì công việc xây dựng chính sách cần nhiều thời gian lắm và có khi mình đề xuất cả 10 chính sách thì chỉ 1 được thông qua chẳng hạn. Nhưng mà mỗi lần tiếp xúc với doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc làm được việc gì đó cho họ và cảm thấy họ thực sự được hưởng lợi ích từ việc mà chúng tôi làm thì chúng tôi lại được tiếp thêm năng lượng để tiếp tục công việc của mình.

Lúc “down” nhất của chị khi làm việc là lúc nào?

Nói chung cũng nhiều lúc bị “down” lắm. Nhất là những khi do thiếu hiểu biết, kinh nghiệm, hoặc do không có đội ngũ thực hiện tốt mà một phần chính sách đề xuất không được triển khai, không đến được doanh nghiệp. Ngoài ra thì khi các bạn làm việc chung với mình phải từ bỏ công việc vì công việc không đảm bảo được thu nhập như ở bên ngoài hoặc do công việc quá nặng nhọc thì cũng là những lúc tôi cảm thấy khá buồn.

Cho tới giờ, vẫn còn nhiều hoài nghi về phong trào khởi nghiệp. Điều gì làm chị vững tin đến vậy?

Có một tinh thần mà hầu hết ai làm khởi nghiệp cũng có, đó là cứ làm thôi, sai thì làm lại. Khởi nghiệp đến 90% là thất bại mà người ta vẫn làm cơ mà. Điều này cũng đúng với cả chính sách nữa. Các nước như Singapore có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển như vậy mà họ còn chấp nhận rằng những năm đầu chính sách khởi nghiệp có nhiều sai lầm, sau đó dần dần họ mới học được những bài học quý giá và làm tốt hơn.

Nói tóm lại, tôi không thể khẳng định rằng 5 năm nữa hay 10 năm nữa, khởi nghiệp Việt Nam sẽ ngang tầm với các nước như Singapore hay xa hơn là Hoa Kỳ, tôi chỉ nghĩ rằng việc khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là công việc thực sự có ý nghĩa khi giải quyết các vấn đề xã hội, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, đưa công nghệ mới, sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường và đồng thời có ý nghĩa với chính bản thân những người người khởi nghiệp vì họ được tự do sáng tạo, đam mê và làm chủ cuộc sống của mình. Như vậy, có càng nhiều người dám khởi nghiệp thì càng tốt và chúng tôi là những người đi hỗ trợ cũng cần làm hết sức mình để đồng hành cùng họ.

Chị hình dung 5 năm sau thì hệ sinh thái khởi nghiệp của mình sẽ như thế nào?

Với tốc độ phát triển như hiện nay thì 5 năm nữa số lượng và chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ tăng lên rất nhiều. Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp cũng trở nên chuyên nghiệp hơn, các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp dần được hoàn thiện. Thời gian 5 năm nữa cũng đủ để một số doanh nghiệp thực hiện thoái vốn. Tôi hy vọng lúc đó sẽ có nhiều doanh nghiệp thoái vốn với trị giá hàng chục, hàng trăm triệu USD, từ đó trở thành các câu chuyện thành công, và các doanh nhân thành công quay trở lại làm nhà đầu tư thiên thần, người hướng dẫn và kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với thế giới. Có lẽ lúc đó chúng ta sẽ gần giống Malaysia bây giờ.

Theo chị, thế nào là cân bằng giữa công việc và cuộc sống?

Theo tôi, cân bằng giữa công việc và cuộc sống là khi mình vừa cảm thấy hào hứng khi đến nơi làm việc và phấn chấn khi về nhà gặp gỡ những người mà mình yêu quý. Và đồng nghiệp, người thân của mình cũng thấy như vậy.

Nói chung làm việc này không dễ chút nào. Tôi cũng thường bị người thân phàn nàn nhiều vì chưa dành đủ thời gian cho họ. Trước tôi cũng hay có thói quen email, điện thoại về công việc cho đồng nghiệp vào cuối tuần hay vào buổi tối. Nhưng dần dần tôi nhận ra việc này chẳng tốt chút nào. Mọi người cần có thời gian cho bản thân và cho gia đình nữa. Như vậy họ mới đủ năng lượng để quay trở lại công việc một cách hào hứng vào ngày hôm sau.

Đâu là danh sách những điều cần biết nhất về khởi nghiệp?

Như tôi đã nói, điều cần biết nhất theo tôi đó là hiểu được vấn đề tồn tại của thị trường và xem các ý tưởng của mình có thực sự giải quyết vấn đề của thị trường hay không. Sau đó thì tìm hiểu xem thị trường đó có đủ lớn để bắt đầu khởi nghiệp không.

Những điều còn lại cũng rất quan trọng như các bước khởi nghiệp là gì, nguồn lực dành cho khởi nghiệp phải tìm ở đâu, làm thế nào để tìm người cùng chí hướng để khởi nghiệp.

Cuối cùng, tôi nghĩ một người muốn khởi nghiệp phải chuẩn bị tinh thần để thất bại, họ cần biết những người đi trước đã thất bại như thế nào, có cách nào để tránh mắc lại các sai lầm của người đi trước, nếu thất bại thì họ sẽ mất những gì, và họ có sẵn sàng để mất những thứ đó hay không.

Chị nghĩ là Việt Nam nên phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp theo mô hình nước nào?

Tôi nghĩ là mỗi quốc gia có những đặc điểm nhất định và ở một giai đoạn nhất định nên khó mà học theo mô hình của nước nào cụ thể cả. Mỗi vùng, miền, tỉnh, thành phố lại có những điểm rất riêng, nên sẽ có những cách thức khác nhau để phát triển hệ sinh thái của mình. Ngoài ra, hệ sinh thái bao gồm rất nhiều thành phần, tổ chức và con người khác nhau, mỗi đơn vị đó sẽ tự tìm thấy một con đường cho mình và tự phát triển theo nhu cầu của thị trường, nên khó mà định hướng được cho một hệ sinh thái quốc gia.

Về mặt chính sách, tôi chỉ nghĩ rằng có một số tư duy trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của một số nước mà có lẽ Việt Nam nên học hỏi. Ví dụ, nên coi việc phát triển khởi nghiệp là khái niệm không biên giới, như Malaysia, Singapore là những nước xung quanh ta luôn mong muốn thu hút doanh nhân khởi nghiệp, nhà đầu tư, nhà hỗ trợ khởi nghiệp từ khắp nơi trên thế giới đến nước của họ, bằng việc hỗ trợ thủ tục visa dễ dàng hơn, tạo điều kiện cho dòng tiền đầu tư lưu thông một cách dễ dàng, cho họ được đối xử công bằng với các đơn vị trong nước khi tiếp nhận các chính sách hỗ trợ của nhà nước, không quan trọng là con người đó, tổ chức đó đến từ đâu, chỉ cần họ tạo ra công ăn việc làm, giá trị cho đất nước của mình là được. Ngược lại, có những điều kiện mà các nước này không có thì họ cũng rất thoải mái khi doanh nghiệp phát triển trong nước đi ra nước ngoài, đăng ký doanh nghiệp tại Hoa Kỳ hay bất kỳ đâu để thu hút đầu tư tốt hơn. Việt Nam, với thị trường rất lớn tại Đông Nam Á, lại càng nên mở rộng cửa đối với hoạt động trao đổi, hỗ trợ khởi nghiệp mang tính quốc tế.

Ngoài ra, một hệ sinh thái khởi nghiệp ổn định và phát triển nên tạo điều kiện để sử dụng tốt nhất các nguồn lực và thế mạnh sẵn có của mình, đồng thời hướng doanh nghiệp khởi nghiệp đến việc giải quyết các vấn đề thực tế trong cuộc sống. Ví dụ, ở Israel có thể thấy công nghệ quốc phòng rất phát triển và họ đã đưa các công nghệ này vào các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ở nhiều nước phát triển như Hoa Kỳ, họ cố gắng đưa các nghiên cứu, công nghệ chuyên sâu vào hoạt động khởi nghiệp để giải quyết các vấn đề về sức khỏe, môi trường, xây dựng thành phố thông minh. Ở Việt Nam, chúng ta có rất nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết nhưng lại chưa có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp giải quyết những vấn đề đó như về an toàn thực phẩm, phát triển giá trị các sản phẩm nông nghiệp, giải quyết các vấn đề về môi trường, xóa đói giảm nghèo, y tế cộng đồng… Những chính sách mà các nước (cấp quốc gia hay địa phương) hay sử dụng trong trường hợp này là việc nhà nước mua lại các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để giải quyết vấn đề của quốc gia, địa phương. Theo tôi, Việt Nam cũng nên học hỏi các chính sách này.

Doanh nghiệp khởi nghiệp nào mà chị hâm mộ nhất? Vì sao?

Tôi hâm mộ tất cả các doanh nhân khởi nghiệp. Họ thực sự rất dũng cảm khi dám chịu những rủi ro rất lớn về mặt tài chính, tinh thần để bắt đầu khởi nghiệp. Nhất là những người đã có gia đình, con cái thì trách nhiệm với gia đình càng lớn mà họ vẫn dấn thân vào con đường khởi nghiệp thì rất đáng quý. Tôi còn hâm mộ hơn những người đã từng thất bại, không chỉ một mà nhiều lần, có khi phá sản mà vẫn quay trở lại với con đường của mình. Điều đó đâu phải ai cũng làm được.

Tuy nhiên, có một doanh nghiệp mà tôi khá ấn tượng với một đặc tính của họ mà không phải doanh nghiệp khởi nghiệp nào cũng có: đó là sự quy củ và kỷ luật. Doanh nghiệp mà tôi muốn nhắc tới ở đây là Beeketing, một trong những doanh nghiệp khởi nghiệp được coi là đang khá thành công khi đưa dịch vụ của mình ra thế giới và được nhận đầu tư từ nhiều nhà đầu tư quốc tế, trong đó có quỹ 500 Startup từ Hoa Kỳ.

Tôi chắc chắn rằng nhiều doanh nhân khởi nghiệp tại Việt Nam đã đọc cuốn LeanStartup (khởi nghiệp tinh gọn) và về mặt lý thuyết họ hiểu rằng cần phải tìm hiểu khách hàng trước và đưa sản phẩm ra thị trường, nhưng không phải founder (người sáng lập) nào cũng thực hiện được điều này. Họ thường hay bị cuốn vào sự hấp dẫn của việc tìm tòi, nghiên cứu, tập trung vào công nghệ mà cho rằng sản phẩm của họ tốt như vậy, nghiễm nhiên khách hàng phải thích, phải mua mà không thực sự để ý đến khách hàng thực sự cần gì nên khi có sản phẩm đưa ra thị trường thì lại chẳng ai mua.
Từ khi được làm việc với Beeketing, tôi nhận ra các bạn luôn có hệ thống theo dõi hành vi khách hàng (metrics) và mỗi lần ra sản phẩm mới đều có thời gian thử nghiệm phản ứng của khách hàng, chỉnh sửa, rồi mới tung ra sản phẩm chính thức. Các bạn ấy đã bỏ qua cái tôi trong việc chứng minh công nghệ, sản phẩm của mình là nhất mà thay vào đó là lắng nghe khách hàng để làm tốt hơn công việc của mình. Tôi nghĩ đây là một đặc điểm đáng quý mà nhiều startup nên học hỏi.

Xin cảm ơn chị!

Trần Vũ Nguyên thực hiện

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)