Một số giải pháp công nghệ mới tại hội chợ Hannover

Tại Hội chợ Hannover 2011 (Đức), nhiều doanh nghiệp trên khắp thế giới trưng bầy những sáng chế, phát minh mới nhất của mình. Không ít phát minh trong số này có thể sẽ làm thay đổi cuộc sống hàng ngày của chúng ta. 

Thường thì các hội chợ công nghiệp thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên gia. Tuy nhiên những máy móc, robot và màn hình giới thiệu các giải pháp công nghệ mới  tại hội chợ Hanover thu hút đặc biệt sự chú ý của giới hâm mộ và cả khách tham quan thông thường. Bên cạnh các loại máy chuyên dụng ở hội chợ này người ta còn thấy những sản phẩm sẽ đóng vai trò nhất định trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng trong thời gian tới đây hoặc trong tương lai không xa. Thí dụ tại Hội chợ năm nay người ta đặc biệt chú ý đến một phát minh đầy ý nghĩa: nhờ chất chiếu sáng có thể phân biệt rõ ràng hàng giả, hàng nhái với hàng chính hãng. Phát minh này cùng với bốn sáng chế phát minh khác được đề cử tranh giải thưởng Hermes của Hội chợ Hannover, đây là một giải thưởng rất sáng giá. Một trong những điều kiện để trúng giải  này là sản phẩm đã trải qua giai đoạn thử thách công nghiệp, có giá trị kinh tế cao và phải có tính độc đáo. 

Chất phát sáng chống hàng nhái, hàng giả
Đối với nhiều doanh nghiệp thì cuộc chiến chống hàng nhái, hàng giả  đang là một thách thức lớn. Một số kẻ làm hàng giả, hàng nhái điêu luyện đến mức bản thân các chuyên gia cũng có lúc bị thật giả lẫn lộn. Hãng Tailorlux  nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực chống hàng giả thực hiện việc gắn chất phát sáng vào sản phẩm chính hiệu nhờ đó người tiêu dùng dễ dàng phân biệt giữa hàng thật và hàng giả. 

Những mầu sắc này không những đẹp mà còn giúp phát hiện hàng giả, hàng nhái. Hãng Tailorlux chuyên môn hóa vào việc chống hàng nhái. Hàng hóa chính hiệu đều được đánh dấu bằng chất phát sáng để  dễ dàng nhận dạng. Chất phát sáng là hóa chất điều chế từ đất hiếm.

Chất phát sáng này được làm từ các loại hóa chất có trong đất hiếm. Ông Alex Deitermann  giám đốc marketing của hãng cho hay người ta có thể phát triển khoảng 300 tỷ các loại chất phát sáng khác nhau tương tự như các vì sao. Mỗi chất có một nguồn sáng quang phổ riêng biệt của mình. Chất đánh dấu này có thể dấu kín trong  sản phẩm như trộn với mực in hoặc sơn, chất này không độc cho nên có thể gắn trong đồ chơi trẻ em. Nhờ một máy đọc, Spektroskop, có thể xác định được chất đánh dấu và so sánh với cấu trúc của nó được lưu trong ngân hàng dữ liệu. Chất này có thể dùng để đánh dấu với các sản phẩm bằng nhựa, chất lỏng, chất bột, thủy tinh và nhiều loại nguyên liệu khác nhau. Người ta cũng có thể đánh dấu cả dược phẩm. Tuy nhiên, không thể dùng chất này để đánh dấu các sản phẩm bằng kim loại vì kim loại có khả năng nuốt nguồn phát sáng.  

Ông Deitermann cho biết, các doanh nghiệp, các hãng dược phẩm, ngành hải quan và người tiêu dùng có thể dùng loại thiết bị đọc này để kiểm tra độ xác thực của sản phẩm. Hãng Tailorlux  còn dự định sẽ gắn  thiết bị Spektroskope vào Smartphon. Khi đó người bệnh chỉ sau vài giây đồng hồ là có thể biết loại thuốc mà họ dùng có phải là thuốc chính hãng hay không. Ngay cả khi đi mua hàng chất đánh dấu cũng có thể phát huy vai trò của mình. Thí dụ người nào định mua một cái túi xách chỉ cần chụp sản phẩm đó rồi gửi kết quả đi, chỉ giây lát sau nhận được câu trả lời sản phẩm này là thật hay nhái. Hiện hãng đang thương thảo kế hoạch hợp tác với hãng sản xuất điện thoại di động  Nokia. 

Robot có cảm giác
Hãng FerRobotics giới thiệu tại hội chợ  Hannover  Robot  có gắn một loại bích cảm giác giúp nó có cảm giác như con người. Nhờ cái bích này, Robot làm các động tác lau chùi, đánh bóng đặc biệt nhẹ nhàng. Khi cánh tay Robot làm việc trên một mặt phẳng cứng người ta đặt cái bích này vào giữa máy và công cụ. Bích ghi nhận mức độ đề kháng và thông báo kịp thời tới bộ phận điều khiển của máy từ đó áp lực khi đánh bóng hoặc mài được điều tiết thích hợp. Với thiết bị này, hãng FerRobotics của Áo cho rằng có thể tự động hóa những khâu mà cho đến nay vẫn phải sử dụng bàn tay con người khi cần phải thao tác một cách hết sức nhẹ nhàng. Theo hãng này, có thể gắn bích tiếp xúc vào mọi Robot tiêu chuẩn. Người ta có thể dùng thiết bị này để kiểm tra chất lượng bàn phím. Thiết bị bắt chước ngón tay ấn trên bàn phím để điều chỉnh bàn phím cho phù hợp. Theo nhà sáng chế, thiết bị này còn có thể thay thế bàn tay con người để làm những loại công việc có độ nhạy cảm cao như đóng gói, dán và  mài. 

Sensor, “mắt điện tử”
Một thí nghiệm được trình diễn tại hội chợ Hannover thu hút đông đảo công chúng. Trên một cái kệ nhỏ người ta đặt nhiều hộp kem xoa da và  một số bình xịt, phía trước là ba cái lọ nhỏ đựng nước hoa. Hai Sensor di chuyển liên tục từ trái sang phải. Loại Sensor chạy theo nguồn sáng này do hãng Wenglor phát triển dùng để đo khoảng cách. Sensor mới này hoạt động theo nguyên tắc xác định thời gian chạy của ánh sáng  (Lichtlaufzeitmessung), có nghĩa là, sensor phát ra sung ánh sáng và đo thời gian khi sung ánh sáng quay trở lại. Khoảng thời gian này giúp xác định khoảng cách đối với những vật cần theo giõi. Theo thông tin của nhà sáng chế, phát minh này giúp thực hiện các nhiệm vụ nhận biết mà cho đến nay được coi là không thể thực hiện được.

Bộ phận cảm biến ( Sensor) mầu xanh (bên trái) trong một thí nghiệm nhỏ, đã được áp dụng trong thực tiễn sản xuất: Loại cảm biến này được sử dụng như một  “con mắt điện tử” và có khả năng  nhận biết mầu sắc, hình dáng của hàng hóa cũng như xác định  chúng được làm từ chất liệu gì, sensor này được gắn  trong nhà  kho, trên các băng chuyền hoặc trên những robot làm công việc lắp ráp.

Thiết bị này chủ yếu dùng trong kho tàng, trên hệ thống băng chuyền hoặc lắp vào robot lắp ráp. Thiết bị này có khả năng nhận biết mầu sắc, chất liệu và hình dạng hàng hóa để trên kệ. Loại  Sensor này có thể lắp trên xe nâng hạ tự động  như một  “con mắt điện tử” làm việc trong nhà kho. 

Thiết bị đo áp lực không khí tiết kiệm năng lượng 
Tại gian trưng bầy của hãng  Omega Air (Slovenia) có nhiều bộ phận hình ống nhiều mầu nằm cạnh nhau. Trong đó có một cái ống trồi hẳn lên: một thiết bị điện tử đo khí nén nằm trong  trong một hộp kính để trình diễn. Thiết bị này được sử dụng trong các cơ sở khí nén  nhằm mục đích tiết kiệm năng lượng. Thiết bị được lắp đặt để giám sát các bộ lọc khí nén. Một  Sensor có nhiệm vụ phát hiện chính xác sự giảm áp nhưng tiêu hao rất ít năng lượng đến mức có thể vận hành bằng hệ thống pin lắp trong thiết bị.  

Khâu then chốt của  Sensor này là một loại dung dung dịch điện từ. Thông thường những thay đổi về áp lực sẽ được phát hiện nhờ một màng mỏng với sự xê dịch của thanh nam châm. Cái mới ở đây là  giọt dung dịch đã được từ hóa xê dịch thay cho sự xê dịch của thanh nam châm. Phương pháp này có ưu điểm là chính xác và tiêu hao ít năng lượng. Do đó không cần nối với mạng lưới điện mà có thể chỉ dùng pin. 

Phun bằng hơi nước thay vì khí nén
Hãng Krautzberger giới thiệu quy trình phun bằng hơi nước mà hãng đã được trao giải thưởng sáng chế phát minh Hermes năm nay.  

Thay vì dùng khí nén  hãng Krautzberger  dùng hơi  để phun sơn, keo dán  hoặc  men. Ưu thế của quy trình này là chất liệu phun mềm mại hơn và giảm mức độ tạo sương. Một nhân viên giới thiệu quy trình phun sơn ngay tại khu vực triển lãm. Nhân viên này phun sơn xanh lên một tờ giấy, cạnh đó ông ta cầm một tờ giấy trắng và tờ giấy này hầu như không bị vấy bẩn.  

Phương pháp phun hơi này giúp tiết kiệm nguyên liệu, hạn chế công sức lau chùi và bản thân người lao động ít bị ảnh hưởng của hơi phun độc hại. Hơn nữa thời gian hong khô cũng ngắn hơn.

Ý tưởng đầu tiên về phun hơi đã hình thành cách đây 20 năm và đến bây giờ quy trình này đã chín muồi. Tuy nhiên quy trình phun hơi này này không thích hợp để  áp dụng trong gia đình mà chỉ thích hợp với các giây chuyền sản xuất tự động hóa, thí dụ như để phun men mầu lên các sản phẩm gốm,  sứ…  Loại thiết bị phun hơi này khá đắt, giá thành lắp hệ thống phun hơi này lên tới  17.000 Euro. 

Xuân Hoài (Theo Spiegel 3.2011)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)