Một số loài cá có thể “tự nhận ra mình” trong gương

Công bố “Nếu một con cá có thể vượt qua thí nghiệm đánh dấu, gợi ý cho việc kiểm tra hiểu biết và tự nhận thức trong loài vật là gì?” (If a fish can pass the mark test, what are the implications for consciousness and self-awareness testing in animals?) trên tạp chí PLOS Biology cho thấy cá dọn vệ sinh sọc lam đã vượt qua bài kiểm tra trí thông minh. Cho tới nay mới chỉ có một số động vật vượt qua ngưỡng này là các loài khỉ dạng người loại lớn (Hominidae), cá heo mũi chai, cá voi sát thủ, chim ác là Á Âu và một cá thể voi châu Á.


Một con cá dọn vệ sinh sọc lam tương tác với hình ảnh phản chiếu của nó trong gương đặt ngoài bể kính. Nguồn: Alex Jordan/Max Plant Institute/PLOS Biology

Sức mạnh não bộ của loài cá đã bị đánh giá thấp khi loài cá thường được coi là chỉ nhớ được trong vòng 3 giây. Tuy nhiên cá dọn vệ sinh sọc lam cùng một vài loài cá khác đã vượt qua “bài kiểm tra soi gương”, vốn được dùng trong nhiều thập kỷ như một thước đo tiêu chuẩn vàng về trí thông minh của động vật. Alex Jordan, một nhà sinh học tiến hóa tại Viện nghiên cứu các loài chim Max Planck ở Đức và là đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Khả năng tự nhận thức của các loài vật rất hấp dẫn, tuy không được đánh giá cao”. Ông và đồng nghiệp đang kêu gọi đánh giá lại xếp hạng trí thông minh của động vật bởi mặc dù nổi tiếng là “não rỗng”, loài cá thể hiện rất tốt trong một số nhiệm vụ nhất định. 
Loài cá dọn vệ sinh sọc lam (Labroides dimidiatus) dài khoảng 10cm, có vết sọc trên thân, sống trong các rạn san hô. Những nghiên cứu trước đây đã cho thấy loài cá này có đời sống xã hội phức tạp, hình thành cả đồng minh lẫn kẻ thù, tạo ra những suy luận logic về việc liệu chúng có thể sẽ đánh bại được con cá khác trong các cuộc chiến hay không và chứng tỏ được khả năng lừa dối. Chúng cũng có những mối quan hệ hợp tác cùng có lợi với những loài cá khác lớn hơn, thông qua việc ăn da chết và ký sinh trùng trên đó.
Trong suốt bài kiểm tra soi gương, các nhà nghiên cứu đã đánh dấu lên cơ thể con cá ở một vị trí chỉ có thể nhìn thấy khi soi gương. Ban đầu, con cá đã phản ứng mạnh mẽ và liên tục cố gắng cắn lại hình ảnh phản chiếu trong gương. Nhưng trong vài ngày tiếp theo, chúng ngừng cắn và bắt đầu “hành xử kỳ lạ” trước gương, bơi lộn ngược hoặc thực hiện những đợt tăng tốc đột ngột lặp đi lặp lại trước gương.
Những con cá này đã được “kiểm tra ngẫu nhiên” – làm những điều kỳ lạ để xem liệu hình ảnh phản chiếu có như vậy hay không. Theo quan sát, sau khi nhìn thấy hình ảnh trong gương, chúng đã cố gắng xóa bỏ vết đánh dấu trên cơ thể bằng cách cọ xát lên các bề mặt cứng. Điều này không diễn ra khi những con cá không được soi gương hoặc khi chúng tương tác với những con cá được đánh dấu qua một tấm ngăn trong suốt. 
Jordan cho rằng, dù không chắc chắn cá có khả năng tự nhận thức, nhưng kết quả nghiên cứu đã thách thức quan niệm rằng trí thông minh của động vật đi theo một tiến trình liên tục, trong đó tinh tinh xếp hạng cao nhất và cá, côn trùng, bò sát ở phía dưới cùng. Tuy nhiên, viễn cảnh loài cá tăng bậc về mức độ nhận thức vẫn chưa được công nhận, và bài báo này đã gây tranh cãi tới mức các tác giả phải mất 5 năm để xuất bản. 
Tranh luận về công bố này, Giáo sư Gordon Gallup, một nhà tâm lý học ở Đại học Albany, New York, người tiên phong về bài kiểm tra soi gương năm 1970, cho rằng hành vi trên có thể là do cá được lập trình về mặt tiến hóa để chúng quan tâm đến những dấu hiệu trên da. “Một khả năng khác là những kết quả này có thể là một kỹ xảo nhờ sử dụng những dấu hiệu mô phỏng sinh vật ký sinh”, ông cho biết.
Các tác giả cho rằng kết quả nghiên cứu đã đặt ra vấn đề bảo vệ loài cá. Jordan cho biết: “Chúng tôi phải hết sức cẩn trọng để các nhà khoa học và mọi người không mất đi sự đồng cảm với các loài động vật khác chúng ta, gây ảnh hưởng tới quan điểm của họ về nghiên cứu. Nói cách khác, chúng ta dễ dàng bỏ qua hoặc quên đi sự thật rằng cá và những loài động vật khác đều có tri giác, chẳng hạn như toàn bộ hoạt động đánh bắt của chúng ta khiến những con cá này bị chết trong căng thẳng và đau đớn trên boong thuyền”. □

Thanh An lược dịch
Nguồn: https://www.theguardian.com/environment/2019/feb/07/scientists-find-some-fish-can-recognise-themselves-in-mirror

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)