“Một ý tưởng phát triển kinh tế xã hội lớn và táo bạo”

Sau nhiều năm ưu tư trăn trở về một “đất nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới mà thu về giá trị quá thấp”, người “thủ lĩnh” Công ty Cổ phần cà phê Trung Nguyên đã hình thành dự án “Thiên đường cà phê toàn cầu”. “Một ý tưởng phát triển kinh tế xã hội lớn và táo bạo”, là nhận xét chung của không ít người trong giới kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và những nhà quản lý về dự án này. Ý kiến này lại một lần nữa được nhắc tới tại cuộc tọa đàm do Tạp chí Tia Sáng phối hợp với Công ty Cổ phần cà phê Trung Nguyên tổ chức ngày 28.2 tại Hà Nội.

Cuộc tọa đàm nhằm thu nhận những ý kiến đóng góp về những giải pháp trong tổ chức thực hiện dự án qui mô quốc gia đã quy tụ được nhiều nhà khoa học, kinh tế, văn hóa hàng đầu cùng với các kiến trúc sư, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ: Việt Phương, Hữu Ngọc, Lê Đạt, Hồ Ngọc Đại, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Trực Luyện, Thái Kim Lan, Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Khắc Phục, Trần Đình Thiên, Đặng Nhật Minh, Lý Trực Dũng, Trọng Đài…
Trong bài viết đăng Tia Sáng số Tết Mậu Tý 2008 vừa qua, Tổng giám đốc Công ty cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ (nay là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Trung Nguyên) đã trình bày toàn bộ ý tưởng về một Thiên đường cà phê toàn cầu, nêu lên một “tuyên ngôn cà phê” khá độc đáo nên chúng tôi không lặp lại ở đây. Điểm nhấn đặc biệt của Đặng Lê Nguyên Vũ là muốn dự án của mình không chỉ loanh quanh ở cây cà phê, trồng nó, làm ra hàng hóa cao cấp từ nó mà còn mong muốn dựng lên một “văn hóa cà phê” của Đắk Lắk, của Tây Nguyên, của Việt Nam – nghĩa là một không gian rộng lớn của vùng Tây Nguyên hùng vĩ, có các công trình văn hóa lớn đi cùng, hòa điệu vào phong cách sống, thưởng thức cà phê có thương hiệu quốc tế. Đây là điểm khác biệt và cũng là điểm gây tranh luận tại cuộc tọa đàm.
Một điểm mà Đặng Lê Nguyên Vũ rất muốn cử tọa lưu ý về một đặc tính của người Việt mình trong lịch sử là ít thấy biểu hiện “những ao ước lớn, những khát vọng lớn”. Thời hội nhập này lại vô cùng cần đến một khát vọng như vậy, vẫn lời ông Vũ, cho nên ước vọng chỉ giới hạn ở một vùng cà phê, nhưng dự án của Trung Nguyên muốn “định vị” nó ở quy mô quốc gia, vươn ra toàn cầu.
Nhà thơ Lê Đạt đồng tình với ý kiến ở ta khuyết điểm là ít dám nghĩ lớn, nhưng đúng là cũng hay nói lớn, mà nói lớn dễ giảm độ tin cậy của lời phát ngôn, dễ say chữ mà ít chú ý làm được những chữ mình nói. Ông ý nhị rằng, làm việc lớn phải như nấu một con cá nhỏ, tức phải thật tinh tế, cẩn thận. Tuy nhiên ông thấy được khích lệ khi tiếp xúc với dự án và người làm ra dự án, cho rằng việc này đáng trọng, vì đây “vừa là văn hóa, vừa là kinh tế”.
Chia sẻ ý tưởng, nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc bày tỏ hoan nghênh những ý tưởng lớn, có tính chất chiến lược của dự án. Ông chỉ băn khoăn “nghề nghiệp” là có nên đặt tên dự án là thánh địa, bởi khi chuyển ngữ ra tiếng nước ngoài từ ngữ này khơi gợi một ý lo lắng, bất an từ nghĩa của nó đang xảy ra trên thế giới. Mặt khác, bằng kinh nghiệm gần 60 năm nay tiếp xúc với người nước ngoài, phục vụ bạn đọc nước ngoài, ông Hữu Ngọc rất muốn tác giả dự án chú ý tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, vì những nền văn hóa ở Pháp ở Anh, đều có gắn bó với một thứ văn hóa cà phê, cung cách kinh doanh và thưởng thức cà phê để nâng tầm dự án.   
Nhà kinh tế Trần Đình Thiên còn đi xa hơn khi nói ý tưởng của Trung Nguyên là rất tuyệt, cần phải có sự táo bạo quyết liệt như thế nếu không thì cứ ỳ mãi. Phải thấy thời hội nhập cần xác định thế mạnh cho mình vì có cơ hội huy động sức mạnh quốc tế cùng làm. Vì thế không thể để ý tưởng tốt “chết” đi, vấn đề là bàn về một lộ trình, bước đi, sự yểm trợ. Ông Thiên so sánh với sự đột phá của Thâm Quyến thì thấy chúng ta thật lãng phí mất những khu vực như Hạ Long, nhiều vùng ở Quảng Ninh… Ông còn nhắc là Thâm Quyến ban đầu chỉ là một làng chài nghèo mấy chục năm trước, nay GDP hơn tổng GDP Việt Nam.
Từ một góc nhìn khác, nhà thơ Việt Phương, cũng là một nhà kinh tế, nói như tâm sự, từng là người lính chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên từ những ngày đầu trong cuộc kháng chiến chống Pháp, bạn ông người Hà Nội (nhà cách nơi tọa đàm không xa) đã nằm xuống ở Đắk Lắk, ông muốn cà phê cần nâng cao nữa chất lượng, phấn đấu nhiều để có tách cà phê ngon hơn, thuận lợi đến với người tiêu dùng thế giới. Và ông cho rằng muốn làm “văn hóa cà phê” thì trong mọi việc làm, kinh doanh phải làm sao cho “thật là văn hóa”. Cụ thể là “hết sức chú trọng đến đồng bào bản địa ở Tây Nguyên, vì họ là vốn quý văn hóa, họ xứng đáng được hưởng thành quả kinh doanh thành đạt của dự án, cũng chính là “phát triển bền vững” cho vùng đất này.
Chính từ nhận xét “ý tưởng lớn” nên cũng khá nhiều ý kiến nhắc nhở sự tỉnh táo cho dự án. Đừng có ham làm lớn ngay, phải đi từng bước, từ việc có thể là nhỏ, dễ làm và nhân được rộng ngay, rồi dần dần định thương hiệu. Trước hết là phải chiếm lĩnh thị trường trong nước, biến những người Việt Nam thành khách sành điệu cà phê, chọn uống cà phê ngon nhất của ta làm ra. Ở đời hữu xạ tự nhiên hương, càng làm tốt càng tạo sức hút của xã hội, của thị trường quốc tế.
Dự án nhắc tới những công trình văn hóa quy mô lớn (bảo tàng cà phê, bãi đá lớn mà chất liệu là đá Tây Nguyên…) và có ý nhắc đến nhiều công trình kiến trúc đỉnh cao của thế giới đã khơi nguồn một loạt ý kiến đóng góp.
Ở khía cạnh này, họa sĩ Nguyễn Quân cảnh báo chớ quá vội vàng với những công trình xây dựng lớn. Ý ông là muốn có một không gian văn hóa cà phê thì dự án phải có tính đến quy hoạch kiến trúc tổng thể, rồi chi tiết với sự nghiên cứu cặn kẽ văn hóa và sinh hoạt mỹ thuật hiện đại, mời được người xứng đáng tham gia, đó là những thẩm định viên giỏi nhất và vô tư nhất.
Ngoài ý kiến về một số giải pháp khoa học để nâng cao chất lượng cà phê của Đắk Lắk, theo giáo sư Nguyễn Lân Dũng, khi dự án chưa triển khai được bảo tàng lớn về cà phê thì cũng nên lập một phòng bảo tàng cà phê ở ngay Bảo tàng dân tộc học, vì hầu hết các nguyên thủ quốc gia đến thăm Việt Nam đều được mời đến bảo tàng này.
Những ý kiến của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà văn Nguyễn Khắc Phục đều tập trung vào ý, một Tây Nguyên – cụ thể hơn là Đắk Lắk – là vùng đất đặc biệt, bản thân dân tộc ít người Tây Nguyên đã là di sản quý của văn hóa thế giới. Đưa cà phê của Tây Nguyên thành thương hiệu quốc tế, thì trước hết hãy đưa người bản địa sống ngày sung túc hơn, chính là xây thiên đường cho những con người rất xứng đáng được hưởng này. Mức sống của họ được nâng cao qua việc tham gia trồng cây cà phê một cách có kỹ thuật cao nhất là điều cần làm, bởi không thể gìn giữ văn hóa truyền thống của họ bằng cách làm từ thiện. Hãy tạo cho họ làm giàu bằng chính cây cà phê trồng trọt trên đất đai, xứ sở của họ.

Nguyễn Văn tổng thuật

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)