Mỹ cần một kế hoạch Marshall

Nhà chính trị học và tư vấn chính trị Ian Bremmer đến từ New York nói về những vấn đề tăng trưởng ở Mỹ, về một thế giới đa cực và vai trò của nước Đức trong cuộc khủng hoảng đồng Euro.

WirtschaftsWoche (Wiwo – Tuần kinh tế): Thưa ông Bremmer, Châu Âu và Mỹ đang lún sâu trong cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị – phải chăng phương Tây đã đến thời mạt vận?

Ian Bremmer: Đây là sự cáo chung đối với sự thống trị toàn cầu của phương Tây, sự chấm dứt kỷ nguyên Mỹ. Mỹ không còn đảm đương vai trò thủ lĩnh toàn cầu vì điều đó không mang lại lợi lộc gì cho nước Mỹ.

Phải chăng vì thế lực toàn cầu và trung tâm quyền lực từ lâu đã dịch chuyển sang châu Á?

Trong những thập niên qua, nước Mỹ đã thúc đẩy toàn cầu hóa – và hệ quả là châu Á ngày càng đảm nhận nhiều vai trò hơn. Trước đây người Mỹ từng đảm nhiệm vai trò sen đầm quốc tế, là người cứu trợ khi có tai họa xảy ra ở mọi nơi trên thế giới. Nhưng các cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq mang lại cái gì cho người Mỹ? Các cuộc chiến tranh đó làm cho ngân sách Mỹ bị thâm hụt hàng tỷ USD. Và cũng đã đến lúc phải chấm dứt.

Phải chăng siêu cường Mỹ cáo lui vì không thể theo kịp đà phát triển mạnh mẽ của các nước mới nổi?

Trung tâm kinh tế thế giới đang chuyển sang châu Á là điều không ai còn nghi ngờ. Dù sự thăng tiến của Trung Quốc (TQ) là lý do vì sao Mỹ không còn tiếp tục vai trò lãnh đạo thế giới của mình nhưng tôi không thấy có sự dịch chuyển quyền lực toàn cầu sang TQ.

Thưa ông, vì sao không?

Trong thời gian tới TQ không thể thực thi vai trò trung tâm quyền lực toàn cầu của Mỹ vì TQ quá bất ổn về chính trị và đang phải vượt qua nhiều thách thức to lớn về kinh tế. Các doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng, hệ thống pháp lý, hệ thống y tế – xã hội đều cần phải cải cách. Điều đó sẽ là những thay đổi có sức công phá to lớn về nội chính. Tôi hi vọng TQ sẽ thành công nhưng đây cũng là điều chưa thể đoán chắc.

Giờ đây Mỹ phải dựa dẫm vào nền kinh tế TQ?

Mỹ được coi là “bến đỗ an toàn”. Mỹ có thể vay tiền của các nước khác vì các nước này vẫn tin đây bến cảng an toàn, khi đó sẽ không xảy ra việc “lật kèo tài chinh” khiến toàn bộ nền kinh tế Mỹ bị rơi xuống vực thẳm. Điều đó có nghĩa là ngân hàng phát hành vẫn tiếp tục in tiền và giữ lãi suất ở mức thấp. Vì thế Mỹ không bức thiết đến nỗi phải xúc tiến cải cách chính trị và kinh tế. Hơn nữa, nước Mỹ được coi là bến cảng an toàn còn là vì tình hình ở châu Âu và Nhật Bản tệ hại hơn nhiều.

Thưa ông, tình hình còn kéo dài ổn thỏa được bao lâu nữa? So với các nước mới nổi, phương Tây hiện có những lợi thế cạnh tranh gì?

Sẽ không thể diễn ra sự xuống dốc hoàn toàn của kinh tế phương Tây. Phương Tây vẫn có địa vị thống trị ở nhiều lĩnh vực như: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và công nghệ nano. Mỹ có nguồn tài nguyên to lớn về năng lượng và nông nghiệp. Về giáo dục, Mỹ có những trường đại học hàng đầu, nếu không thì tại sao sinh viên TQ ồ ạt xin học ở đây? Tuy vậy nước Mỹ đang có vấn đề về cơ cấu, những tập doàn lớn phát triển mạnh nhưng đại đa số người dân Mỹ lại không được hưởng lợi từ các tập đoàn ấy.

Đó là những vấn đề gì, thưa ông?

Sự thật của chủ nghĩa tư bản là nhiều doanh nghiệp không muốn thị trường tự do mà lại muốn độc quyền. Nhà nước phải làm sao để tạo ra được khả năng cạnh tranh tuy nhiên nhiều nhà nước phương tây không thực hiện được điều đó. Hãy nhìn xem, các ngân hàng hay ngành công nghiệp xe ô tô đã trở thành vật cản đối với cải cách cơ cấu ở Mỹ. Sau đó xẩy ra cuộc khủng hoảng tài chính. Những doanh nghiệp như BMW (Đức) đã vượt qua khủng hoảng dễ dàng hơn so với các doanh nghiệp của Mỹ. Chúng tôi đã ngủ quên không tiến hành cải cách, chỉ biết thụ hưởng những ưu ái do nhà nước đem lại. Nếu không có sự trợ giúp của chính phủ thì ngành công nghiệp ô tô của Mỹ đã xuống dốc từ lâu rồi.

Thưa ông hệ thống tư bản nhà nước như ở TQ có hơn hẳn hệ thống kinh tế của chúng ta?

Không, nhà nước không nên làm thay các doanh nghiệp tư nhân mà nhà nước phải tạo ra các điều kiện như nhau cho tất cả những ai tham gia thị trường. Trong thế giới mới này, các doanh nghiệp phải tự đổi mới mình để tồn tại và thích ứng với những điều kiện toàn cầu mới.

Kinh tế quốc doanh như ở TQ có lẽ đã phản ứng để tự đổi mới nhanh hơn so với chúng ta?

Đúng là trong ba thập niên vừa qua, ở TQ, chủ nghĩa tư bản nhà nước đã đưa đất nước này tiến một bước thật dài. Tuy vậy không thể nói hệ thống đó hơn hệ thống của phương Tây. Vì họ dựa vào lợi thế hữu hạn là lao động giá rẻ. Chừng nào TQ còn có lực lượng lao động giá rẻ thì sẽ còn hơn chúng ta nhưng việc mất lợi thế đó chỉ là vấn đề thời gian, khi đó tư bản nhà nước sẽ tan vỡ. Chính phủ TQ quá hiểu điều đó. Do đó, họ phải đẩy mạnh tiêu dùng trong nước và thúc đẩy cải cách để bảo đảm thắng lợi lâu dài.

Vậy ai sẽ lấp khoảng trống quyền lực khi nước Mỹ không còn là trung tâm toàn cầu và TQ chưa có khả năng đảm nhận vai trò ấy?

Đây đúng là tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà chúng ta đang phải đối đầu: không ai đảm nhận vai trò này. Hiện không có sự lãnh đạo toàn cầu. Tôi gọi đó là thế giới G-Zero – một thế giới mà không có nước nào là lãnh đạo toàn cầu. Nước nào cũng tập trung cho bản thân và láng giềng của mình.

Thưa ông, vậy hệ quả là gì?

Thế giới sẽ nhạy cảm, đa cực và có nhiều rủi ro hơn, chủ nghĩa bảo hộ sẽ phát triển và sẽ có nhiều xung đột vũ trang hơn. Các vị hãy xem tình hình Trung đông hay Syria: người Mỹ đứng ngoài cuộc, người TQ càng không không muốn dính líu.

Các chính phủ phản ứng như thế nào trước tình trạng không có sự lãnh đạo toàn diện này?

Câu trả lời rất khác nhau: tùy theo lợi ích chính trị hoặc kinh tế mà các nước, các khu vực sẽ liên kết với nhau. Nhật Bản, Đài Loan hay Myanmar lo ngại trước thế lực quá lớn của TQ ở châu Á nên liên minh với phương tây. Người TQ làm ăn tốt với nhiều nước nhưng hầu như không có đồng minh sẵn sàng chia sẻ các giá trị chung cùng TQ. Đó cũng là lý do vì sao TQ không thể đảm nhiệm vai trò của một siêu cường toàn cầu mới.

Sự vươn lên của các nước mới nổi ảnh hưởng như thế nào đến sự giàu có, thịnh vượng của chúng ta?

Khoảng cách giầu nghèo ở phương Tây sẽ ngày càng tăng. Một số ít người dân Mỹ sẽ giàu lên nhưng số đông sẽ mất đi cuộc sống phong lưu của mình. Tình trạng ở Mỹ hiện nay chưa đến mức như ở Tunisia, đến nỗi người dân đã tự thiêu để phản đối chính quyền. Nhưng tầng lớp dưới ở Mỹ không có các điều kiện cần thiết để phát triển theo kịp đà của thế giới toàn cầu hóa.

Phải chăng Mỹ cần có một vị tổng thống khác để làm lại từ đầu?

Không! Cả Tổng thống Barack Obama lẫn đối thủ của ông là Mitt Romney đều không có ảnh hưởng thực sự đến chính sách ở Mỹ. Hạ viện và các nhóm lợi ích mới thực sự có tiếng nói quyết định ở đất nước này.

Nước Mỹ phải làm gì để giải quyết những vấn đề về cơ cấu của mình?

Nước Mỹ cần khẩn cấp một kế hoạch Marshall, nhưng tiếc rằng tầng lớp chính khách của nước Mỹ lại không sẵn sàng. Hệ thống trường công chưa tốt. Cũng chưa tiến hành cải cách cơ cấu về kinh tế và giáo dục. Trong tương lai, ai không có ít nhất bằng tốt nghiệp cao đẳng thì không thể cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế.

Thưa ông liệu đã quá muộn với việc cứu đồng Euro?

Chưa. Tôi coi liên minh tiền tệ là một giải pháp tốt, để xử lý được những vấn đề liên quan đến khu vực đồng Euro – không có con đường nào khác ngoài một liên minh tài chính và chính trị. Chỉ có điều người Đức không muốn chấp nhận điều đó vì họ sợ mất chủ quyền. Người Đức nhất thiết muốn Hy lạp có mặt trong Euro-Zone và cho Hy lạp vay tiền với những điều kiện không phù hợp với thực tiễn kinh tế. Lí do tại sao? Vì họ cũng tham lam như tất cả những người khác. Cũng như Hy Lạp, người Đức phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng đồng Euro.

Thưa ông khu vực đồng Euro liệu có còn ý nghĩa toàn cầu trong tương lai?

Khu vực đồng Euro sẽ tồn tại, vì đây là một liên minh tự nguyện với những giá trị và lợi ích chung. Nhiều nước trong khu vực đồng Euro được hưởng lợi từ liên minh này. Khu vực đồng Euro là một sức mạnh về chính trị và kinh tế vì thế sẽ có ý nghĩa toàn cầu trong trật tự thế giới đa cực này – dù có hay không có Hy Lạp.

Xuân Hoài dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)