Mỹ muốn từ bỏ bảo hộ bằng sáng chế cho vaccine Covid

Mỹ muốn cho cả thế giới được tiếp cận với các công thức sản xuất vaccine Covid. Nhưng bước đi này cũng ảnh hưởng tới điều luật cơ bản của ngành công nghiệp dược phẩm – nó có thể làm các doanh nghiệp mất hàng tỷ đôla. Giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp này bắt đầu giảm.

Bạn có thể tiêm vaccine  hầu như ở khắp mọi nơi ở Mỹ: trong các hiệu thuốc, trong siêu thị, tại các trạm đỗ xe – lái xe chỉ cần hạ cửa kính ô tô, xắn tay áo lên, chích nhanh, thế là xong. Ở New York, thậm chí các y tá đi từ quán bar này sang quán bar khác vào buổi tối để tiêm chủng nốt. Một phần ba dân số Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ, tương đương với hơn 100 triệu công dân.

Có lẽ chỉ không lâu nữa như nước Mỹ sẽ kiểm soát được con virus này. Việc phân bổ vaccine tiến hành trôi chảy, giờ là lúc chính phủ nước này có thể để mắt tới các địa bàn khác trên thế giới – thí dụ lo giúp cho Ấn độ và Nam Phi, những nơi mà tình hình dịch bệnh còn rất bi đát. Và tuần qua Washington thông báo về một động thái mới: Nhà Trắng muốn tạm thời đình chỉ luật bảo vệ bản quyền đối với vaccine corona.

Katherine Tai, đại diện cơ quan thương mại Mỹ cho biết: “Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu. Và trước những trường hợp bất thường đòi hỏi phải có những quyết định phi thường”. Nhà Trắng tin tưởng chắc chắn vào việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng việc cung cấp vaccine cho thế giới là một ưu tiên hàng đầu. Do đó, chính phủ sẽ vận động Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) coi đây là một trường hợp ngoại lệ. Bà Tai nói: “Các loại vaccine cho người dân Mỹ đã được đảm bảo,“bây giờ chúng ta sẽ nỗ lực để cải thiện khả năng tiếp cận với vaccine ở những nơi khác”. 

Với việc làm này chính phủ Mỹ có thể đáp ứng yêu cầu của nhiều nước đang phát triển và mới nổi. Đặc biệt từ lâu Ấn độ và Nam Phi đã khẩn thiết yêu cầu ngưng bảo vệ bản quyền. Nhiều tổ chức phi chính phủ, nhiều nhà khoa học được giải thưởng Nobel và các chính khách Mỹ thuộc đảng Dân chủ tán thành vấn đề này. Họ cho rằng, chỉ khi nào công khai các công thức thì việc sản xuất vaccine trên thế giới mới có thể triển khai nhanh chóng hơn.

Cho đến nay các quốc gia công nghiệp, nơi có trụ sở của các tập đoàn dược phẩm lớn, từ chối việc tạm dừng luật bảo vệ bản quyền. Trong số này có nước Mỹ, EU, Anh, Nhật Bản, Thụy Sỹ, Brazil và Na Uy. Các công ty như Pfizer và Moderna, đã viết thư cho hàng chục nghị sĩ trong một bức thư gửi cho Tai, đe dọa về “thiệt hại kinh tế to lớn”.

Các công ty lo sợ rằng lợi nhuận sẽ sụt giảm một khi vaccine của họ được phép sản xuất ở mọi nơi trên thế giới. Ngoài ra, các nhà quản lý cảnh báo rằng một bước đi như vậy sẽ làm chậm những đổi mới trong tương lai. Họ nói không ai sẵn sàng đầu tư hàng trăm triệu đô la vào việc phát triển vaccine  mới để rồi các bằng sáng chế đó cuối cùng vô giá trị?

Việc xóa bỏ bảo hộ bằng sáng chế sẽ làm mất hiệu lực của các luật cơ bản của ngành dược phẩm toàn cầu. Thiệt hại của ngành lên đến tiền tỷ. Do đó, cổ phiếu của các tập đoàn đã giảm đáng kể trong ngày thứ tư. Moderna giảm hơn 9,5% – mức sụt giảm lớn nhất trong một ngày trong hai tháng. Giá của CureVac giảm hơn 8%, so với Pfizer, công ty phát triển vaccine cùng với BioNTech, giảm hơn 2,5%.

Lập trường mới của Mỹ làm cho việc dừng bảo vệ bản quyền có nhiều khả năng thực hiện hơn. Bà Tai, đại diện Thương mại đề cập đến vấn đề  “nghĩa vụ đạo đức”. Nhưng thực ra không vấn đề không chỉ là tình thương, mà chính phủ Mỹ hiểu rằng chỉ có thể phục hồi hoàn toàn nền kinh tế thế giới nếu virus corona ở các khu vực khác trên thế giới cũng bị khống chế. Tuy nhiên, có thể mất một thời gian nữa trước khi việc bảo hộ bằng sáng chế thực sự bị được hủy. [Vì bảo hộ bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực trong phạm vi từng quốc gia nên nếu muốn hủy bỏ bảo hộ bằng sáng chế trên phạm vi toàn cầu thì – người dịch ghi chú] quyết định này đòi hỏi phải có sự đồng thuận của các quốc gia thành viên WTO.  

Xuân Hoài dịch

Nguồn: https://www.welt.de/politik/ausland/article230908347/US-Regierung-will-Patentschutz-fuer-Corona-Impfstoffe-aufheben.html

Tác giả