Myanmar sắp chuyển sang thả nổi tỷ giá

Myanmar đang sắp chuẩn bị dỡ bỏ cơ chế cố định tỷ giá, yếu tố làm hạn chế thương mại và đầu tư trong bối cảnh quốc gia sau năm thập kỷ cầm quyền bởi giới quân sự, nay đang tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế với các nước phương Tây.  

Nhà chức trách sẽ sớm công bố chuyển dịch chính sách sang thả nổi đồng kyat, và sẽ cố gắng duy trì tỷ giá không vượt quá mức tỷ giá không chính thức hiện nay là 800 kyat/dollar, theo ý kiến một chuyên gia ẩn danh trong một cuộc trao đổi riêng với phóng viên của Bloomberg. Cũng theo chuyên gia này, các nhà quản lý sau đó sẽ kích hoạt thị trường ngoại hối liên ngân hàng, trong đó ngân hàng trung ương sẽ có những biện pháp can thiệp để ảnh hưởng tới giá trị đồng kyat. 

Động thái mới này là chuyển dịch lớn nhất trong chính sách kinh tế của Tổng thống Thein Sein kể từ khi ông bắt đầu nhiệm kỳ vào năm ngoái, cũng là lúc ông bắt đầu loại bỏ dần những tàn tích còn lại của cơ chế quản lý một thời từng bị chi phối chủ yếu bởi quân đội. Cùng với việc Mỹ và các quốc gia Châu Âu cam kết sẽ xem lại chính sách cấm vận với Myanmar sau ngày 1 tháng 4 tới khi diễn ra cuộc tuyển cử có sự tham gia của lãnh đạo đối lập, bà Aung San Suu Kyi, chính sách tiền tệ mới sẽ đặt nền móng để kết nối Myanmar với thị trường thương mại toàn cầu.

“Đây sẽ là chiến thắng đáng kể của các nhà cải cách”, nhận định từ Sean Turnell, một giáo sư của Đại học Macquarie tại Sydney, cũng là một nhà nghiên cứu về kinh tế Myanmar. “Những người bị mất quyền lợi do chính sách mới sẽ là giới chóp bu trong quân đội, những người từng khai thác tỷ giá cố định kiểu cũ để gom vào nguồn dự trữ ngoại tệ, dùng vào các mục đích chi tiêu của quân đội”.

Hệ thống hiện hành

Chính sách thả nổi có kiểm soát sẽ làm chấm dứt giai đoạn đã kéo dài 35 năm của chính sách cố định của nhà nước Myanmar, theo quyền mua đặc biệt được quy định bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế, trong đó mỗi dollar đổi được 6,4 kyat, khiến đồng kyat có giá cao gấp 125 lần so với tỷ giá không chính thức của thị trường. Những kiềm chế về dòng vốn đẻ ra một cơ chế áp dụng đồng thời bảy tỷ giá riêng biệt ở Myanmar.

Việc bỏ đi cơ chế phức tạp với nhiều tỷ giá khác nhau này sẽ giúp gỡ bỏ bớt rào cản thương mại cho một quốc gia có tiềm năng trở thành “tiền tuyến kinh tế tiếp theo của Châu Á”, theo nhận định của văn phòng IMF tại Washington – cơ quan tư vấn cho Myanmar – hôm 25 tháng 1 vừa qua.

Nguồn tài nguyên giàu có

Myamar có dân số 64 triệu người, biên giới với cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc, có nguồn tài nguyên chủ đạo là cao su, khí tự nhiên, nhưng lâu nay đa phần bị cô lập khỏi nền kinh tế toàn cầu sau khi chế độ dân chủ chấm dứt vào đầu thập niên 1960.

Chính phủ Myanmar đang chuẩn bị kích hoạt các giấy phép được cấp vào năm ngoái, cho phép 11 ngân hàng địa phương đóng vai trò giao dịch mua bán các ngoại tệ như dollar Mỹ, euro, và dollar Singapore, trên thị trường bán buôn ngoại tệ liên ngân hàng. Các ngân hàng này đang tìm cách kết nối với các nhà cho vay nước ngoài ở những nước là đối tác thương mại quan trọng, như Thái Lan, Singapore, và Trung Quốc, theo ý kiến vị chuyên gia ẩn danh.  

Ngân hàng trung ương Myanmar cũng sẽ đấu giá ngoại tệ theo hệ thống mới. Việc giảm kiểm soát các dòng ngoại tệ, trong đó có quy định yêu cầu mọi khoản nhập khẩu phải được thanh toán bằng thu nhập xuất khẩu, sẽ cần có thời gian nhất định, vì chính phủ muốn ngăn chặn kịch bản nhập khẩu ồ ạt những hàng hóa rẻ, đặc biệt là từ Trung Quốc, vị chuyên gia cho biết.

Người được kẻ mất

Một hệ thống thả nổi được kiểm soát sẽ có lợi các nhà xuất khẩu, giúp họ tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh tỷ giá không chính thức của đồng kyat tăng từ 1300 kyat/USD năm 2006 lên còn 800 kyat/USD như hiện nay, mức tăng cao nhất ở Đông Nam Á, theo một công bố hồi tháng 1 của Koji Kubo, một nhà nghiên cứu cộng tác với tổ chức nghiên cứu chính sách của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản.

Đối tượng mất nhiều quyền lợi nhất do chuyển dịch sang chính sách thả nổi có kiểm soát là các tập đoàn nhà nước, những đối tượng lâu nay tận dụng tỷ giá chính thức của nhà nước. Nếu không được quản lý một cách phù hợp, Kubo cho rằng chuyển dịch chính sách cũng sẽ làm tăng nguy cơ phá sản các doanh nghiệp, nợ xấu, và chính phủ phải đưa ra các gói giải cứu.

Luật pháp hiện hành của Myanmar không cho các ngân hàng nước ngoài tiến hành các giao dịch trong nước, một điều khoản sẽ phải thay đổi vào năm 2015 theo thỏa ước giữa 10 nước thành viên ASEAN. Theo thông tin từ ngân hàng trung ương, tới tháng 11 năm 2010, 13 ngân hàng nước ngoài đã lập văn phòng đại diện tại Myanmar, trong đó có 10 ngân hàng từ các nước ASEAN. 

Tuy các ngân hàng nhà nước như Ngân hàng Ngoại thương Myanmar, Ngân hàng Đầu tư và Thương mại Myanmar, và Ngân hàng Kinh tế Myanmar được phép hoạt động ở nước ngoài, nhưng đến nay vẫn bị Mỹ duy trì cấm vận tài chính.

Lược dịch theo
http://www.bloomberg.com/news/2012-03-04/myanmar-nearing-currency-float-in-policy-shift.html

 

Tác giả