Năm 2018: Việt Nam tăng hai bậc về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu
Theo Báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam tăng 2 bậc và xếp hạng 45/126 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII).
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào R&D và đổi mới sáng tạo. Ảnh: Các kỹ sư làm việc tại Trung tâm R&D chiếu sáng Rạng Đông. Nguồn: Rạng Đông
Theo tính toán của các chuyên gia, Việt Nam đạt điểm số cao và gia tăng thứ hạng trong nhiều hạng mục của 7 trụ cột của GII, gồm 5 trụ cột đầu vào Thể chế vĩ mô, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Thị trường và Môi trường kinh doanh, 2 trụ cột đầu ra Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo, ví dụ chỉ số về Nâng cao hiệu quả Thực thi pháp luật tăng 17 bậc, chỉ số về Môi trường kinh doanh tăng 10 bậc, chỉ số Tín dụng tăng 2 bậc, chỉ số Trình độ kinh doanh tăng 7 bậc…
Một điểm sáng trong Chỉ số GII của Việt Nam năm nay là sự thăng tiến trên một số hạng mục liên quan đến sự hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học, viện nghiên cứu để tăng cường R&D và đổi mới sáng tạo, thể hiện ở các chỉ số Chi cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tăng 23 bậc, xếp hạng 13; chỉ số Chi cho nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp tăng 4 bậc, xếp hạng 48, chỉ số Hợp tác đại học và doanh nghiệp tăng 17 bậc, xếp hạng 59…
Báo cáo cũng chỉ ra, Việt Nam đã từng bước đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ chuyển đổi số, báo hiệu khả năng sẵn sàng chuẩn bị cho kinh tế số với việc có được nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực này thông qua chỉ số Tạo ứng dụng di động – chỉ số liên quan đến phát triển kinh tế số: Việt Nam xếp hạng 16, thay cho vị trí thứ 52 về tải video lên youtube của năm 2017.
Kết quả chỉ số GII năm 2018 cho thấy Việt Nam đã đạt được hoặc gần đạt được các chỉ tiêu Chính phủ đặt ra đến năm 2020 tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP.
Đánh giá về sự thăng hạng của Việt Nam về Chỉ số GII 2018 với TTXVN, ông Sacha Wunsch Wincent – chuyên gia cao cấp của WIPO, cho biết, Việt Nam là quốc gia liên tục thăng hạng trong bảng xếp hạng ĐMST toàn cầu với những hoạt động nổi bật trong nhiều phương diện, đồng thời Việt Nam là quốc gia duy nhất có sự chỉ đạo từ cấp chính phủ với một Nghị quyết thành lập nhóm chuyên viên đặc biệt từ Bộ, Ban, ngành khác nhau để cùng thúc đẩy chính sách ĐMST.
Để tiếp tục cải thiện thứ hạng trong chỉ số ĐMST một cách bền vững, Bộ KH&CN đã đề xuất một số giải pháp tập trung cải thiện những chỉ số mà Việt Nam đang được xếp vào nhóm yếu, hoặc có xu hướng giảm trong những năm gần đây, cụ thể:
1. Tiếp tục thực thi hiệu quả các chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về cải thiện thế chế, đặc biệt là Nghị quyết 01, Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ, trong đó, tập trung khắc phục những hạn chế về Tạo thuận lợi giải quyết phá sản doanh nghiệp, Tạo điều kiện thuận lợi cho khởi sự kinh doanh và Cải thiện chất lượng các quy định pháp luật.
2. Phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, đồng thời với nâng cao chất lượng giảng dạy thông qua nghiên cứu và hợp tác quốc tế trong các trường đại học.
3. Tái cơ cấu các ngành sản xuất, kinh doanh với định hướng tăng cường R&D và đổi mới sáng tạo.
4. Nâng cao năng lực ĐMST và hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, góp phần đưa doanh nghiệp lên vị trí dẫn đầu về thương mại hóa kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
5. Tăng cường các sản phẩm của Việt Nam trên thị trường công nghiệp văn hóa toàn cầu.
Nguồn: PV Trung tâm Truyền thông Bộ KH&CN