NamiBio: Chọn thị trường ngách nhưng bền vững

Trên con đường tìm một thị trường phù hợp cho sản phẩm của mình, NamiBio, một startup chuyên về giải pháp vi sinh xử lý môi trường nông nghiệp, đã tìm thấy cơ hội lâu dài cho chính mình cũng như những gợi ý bất ngờ để tạo ra các sản phẩm mà thị trường cần.

Kỹ thuật viên của NamiBio đang lấy chủng men. Ảnh: PA

Đi lên từ… số âm

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, chị Đặng Thu Trang, người sáng lập Công ty Cổ phần Công nghệ Vi sinh Nông nghiệp NAMI (NamiBio), đã không ngần ngại trao đổi về xuất phát điểm hết sức chật vật của mình, “đi lên từ số âm”. Mặc dù sau khi tốt nghiệp ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) và có một quãng thời gian làm việc ở một số nơi, trong đó có cả công ty của gia đình về sản xuất men vi sinh, chị đã tích lũy được một số kinh nghiệm về nuôi trồng các chủng men, sản xuất các chế phẩm vi sinh và thu thập hàng chục chủng vi sinh vật nội địa có khả năng sinh hoạt tính cao. Chị cho biết, những chủng này vô cùng dễ thích ứng với các điều kiện sống, kỵ khí tùy tiện (có oxy cũng được, không có cũng không sao), và có khả năng sinh sôi nảy nở rất nhanh trong khoảng thời gian ngắn. Đó là vốn liếng quan trọng nhất mà chị có được và sau trở thành nền tảng quan trọng cho việc gây dựng một “cơ ngơi” mới, NamiBio, nơi chị nghĩ sẽ có thể cung cấp những sản phẩm chứa vi sinh cho thị trường nông nghiệp đang rất cần những giải pháp bền vững, thân thiện với môi trường. 

Ý tưởng khởi nghiệp này đến với chị khi nhìn ra thị trường cho chăn nuôi và thủy sản vô cùng rộng lớn. Những tưởng mình đã nắm trong tay “địa lợi, nhân hòa”, khi đã tích cóp được một số vốn, có  trong tay kỹ thuật, có chủng men còn thị trường thì vô cùng rộng lớn song chị Trang không ngờ hết là mọi thứ vẫn vô cùng khó khăn. Hoàn cảnh gian nan lúc đó được chị gói gọn trong câu: “Tôi cứ tưởng mình đi lên từ con số 0, mà hóa ra mình còn phải đi lên từ số âm”.

Nhìn lại những khó khăn ban đầu, chị cho rằng một trong những thứ có thể dễ dàng điểm ra là việc chị không có hiểu biết về việc kinh doanh, điều hành, quản trị… một doanh nghiệp, dù ở quy mô nhỏ. Do đó, khi được lựa chọn để tham gia các khóa đào tạo của OXFAM và CSIP thông qua Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vì mục đích phát triển, trong quá trình học hỏi, chị mới dần nhận ra mình có thể làm gì, và đóng góp lại gì cho xã hội. Sau đó, chị tham gia cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh do VCIC tổ chức và nhận được giải thưởng cho sản phẩm giúp cải thiện môi trường nông nghiệp. Đây là bước đầu tiên dẫn tới sự hình thành của NamiBio vào năm 2019.

Một số sản phẩm của công ty NamiBio. Ảnh: PA

Dẫu vậy, khi khắc phục được một điểm yếu thì những vấn đề khác lại nảy sinh. “Địa lợi” mà chị những tưởng mình có hóa ra lại là nơi vô cùng cạnh tranh. Đúng là thị trường sản phẩm dành cho nông nghiệp rất rộng lớn nhưng không hề mở rộng cánh cửa để bất cứ ai cũng có thể đón nhận được “miếng bánh” cho mình. Tìm hiểu thêm về thị trường, chị phát hiện ra là ở lĩnh vực thủy sản thì thị trường nhộn nhịp nhất nằm ở miền Nam, nơi chiếm tới 2/3 diện tích vùng trồng của cả nước. Thế nhưng, các chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa đã được định hình với sự sẵn sàng của các công ty bao tiêu về thủy sản. Đối với lĩnh vực chăn nuôi cũng vậy, các công ty và trang trại lớn thường đã có sẵn những đội ngũ kĩ thuật hay chơi trội hơn là thuê luôn chuyên gia tư vấn của nước ngoài nên họ đều không mặn mà khi NamiBio tới chào hàng. Ý nghĩ đơn giản ban đầu “mình có cái gì thì bán cái đó” rút cục không giúp NamiBio tìm được chỗ đứng trên thị trường. 

Đi tìm giải pháp

Những khó khăn như vậy khiến đội ngũ của công ty nhận ra bản thân đã thiếu tư duy về thị trường ra sao. Vì vậy, họ lại loay hoay nghiên cứu lại thị trường, đi tìm tệp khách hàng mới, định hình rõ lại dòng sản phẩm. Trong quá trình này, họ nhận ra xu hướng toàn cầu là nông nghiệp hữu cơ và giảm phát thải khí nhà kính cũng đang trở thành xu hướng của Việt Nam. Đó là định hướng quan trọng mà NamiBio cần phải đi.

Không chỉ vậy, phản hồi của khách hàng cũng mang lại cho NamiBio những gợi ý mới mẻ. “Chúng tôi cho chạy quảng cáo sản phẩm, nhưng khách hàng không hỏi cái mình sẵn có mà lại hỏi sản phẩm khác. Chính nhờ ‘đề bài’ mà khách đưa ra, công ty đã phát triển dần thêm các dòng sản phẩm bổ trợ khác”. Và thế là, NamiBio đã cho ra đời các sản phẩm cho môi trường nông nghiệp theo những gợi ý như thế: chế phẩm vi sinh phân giải xenlulo MIC.RT – giúp xử lý phụ phẩm nông nghiệp thành phân ủ hữu cơ, và MIC.TRICHODERMA – phòng chống bệnh, cải tạo và phục hồi đất trồng.

Càng suy nghĩ nhiều về hướng đi này, chị Đặng Thu Trang càng thấy lựa chọn của mình là đúng đắn. Bởi ước tính mỗi năm, tổng phụ phẩm nông nghiệp của Việt Nam là gần 160 triệu tấn, trong đó phụ phẩm sau khi thu hoạch cây trồng có khoảng 88,9 triệu tấn (chiếm 56,2%). Đây quả thực là “mỏ vàng” cho những người biết cách tận dụng bởi vì nếu tận dụng và xử lý nguồn chất thải này, một mặt vừa có nguồn phân bón sạch giá rẻ thay thế phân bón hóa học, mặt khác góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải nhà kính. Chị Trang tính toán: “Cứ một tấn phân bón mua ngoài thì phải từ 2 triệu trở lên. Trong khi mua một gói vi sinh MIC.RT chỉ hết có 90 nghìn đồng, thêm bạt che phủ, nếu phải mua nguyên liệu ngoài thì tổng chi phí vào khoảng 700-800 nghìn đồng cho một tấn nguyên liệu. Khi ủ xong thì một tấn nguyên liệu tạo ra từ sáu đến bảy tạ phân bón. Như vậy tính ra chỉ hơn 1 triệu/tấn phân ủ, người nông dân đã tiết kiệm được hơn 30% chi phí trong trồng trọt”.

Trong chế phẩm MIC.RT có chứa các chủng vi sinh quen thuộc như Bacillus, Lactobacillus và Streptomyces. Những chủng này có khả năng ức chế vi sinh vật gây hại, đồng thời cũng có thể phân giải xenlulo, tinh bột, protein. Vì đều là những chủng bản địa nên chúng hoạt động rất mạnh. Từ lúc đem trộn gói vi sinh với các phế phẩm nông nghiệp, các vi sinh vật chỉ mất 12 tiếng để phát triển từ dạng bào tử thành tế bào dinh dưỡng và nhân lên. Trong quá trình tăng sinh, các vi sinh vật sẽ dùng cơ chất làm dinh dưỡng để phát triển và phân giải các mạch phân tử hữu cơ. Quá trình này sẽ gia tăng nhiệt độ đủ để tiêu diệt các vi sinh vật gây hại, nhưng không gây ảnh hưởng tới sự tồn tại và hoạt động của các sinh vật hữu ích. Sau khoảng 25 – 30 ngày, nguyên liệu từ rơm rạ, lá cây, vỏ hoa quả sẽ được phân giải hoàn toàn; còn với vỏ lạc, cafe, thân ngô thì quá trình này sẽ kéo dài lâu hơn, cần hơn một tháng rưỡi. Ngoài ra, để tăng hàm lượng dinh dưỡng của phân bón, người nông dân còn có thể trộn thêm phân động vật vào.

Trong quá trình tìm hiểu thị trường, đội ngũ của NamiBio còn nhận thấy người nông dân có nhu cầu phòng chống tuyến trùng và phục hồi đất đai, nhất là trong khu vực Tây Nguyên. Bởi lẽ, đây là khu vực trồng cây lâu năm, rất khó để sử dụng những biện pháp vốn thường áp dụng cho đất trồng lúa hay các giống cây ngắn ngày như cho đất nghỉ, cày xới, bón phân hữu cơ, khử trùng đất. Trước thực trạng này, NamiBio đã bắt tay vào nghiên cứu và kết quả là MIC.TRICHODERMA – sản phẩm đáp ứng được cả hai nhu cầu trên. Chế phẩm vi sinh này có Trichoderma spp – các loại nấm sinh học có thể bảo vệ cây trồng khỏi các nấm gây bệnh, kết hợp với nấm xanh Metarhizium sp có thể gây bệnh và làm chết khoảng 200 loại côn trùng. Ngoài ra nó còn có Bacillus spp., chủng vi sinh quen thuộc có khả năng kiểm soát mầm bệnh lại vừa có thể chuyển hóa đạm, lân trong đất thành dạng dễ tiêu, kích thích sinh trưởng cây trồng, giúp bảo vệ bộ rễ và cải tạo đất.

Chị Trang chia sẻ: “Tuy nhóm sản phẩm cho môi trường nông nghiệp không phải cái công ty hướng đến ban đầu, nhưng lại là nhóm dễ tạo doanh thu nhất và nhu cầu thị trường rất cao”.

Có được sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường rồi, vậy làm sao NamiBio có thể khiến mình trở thành lựa chọn của người tiêu dùng? Trả lời câu hỏi này, chị Trang cho biết, dù có trở ngại là các công ty và trang trại lớn giao nhiệm vụ chọn sản phẩm cho đội ngũ kĩ thuật nhưng hóa ra đây lại là cửa đột phá để NamiBio có thể tiếp thị sản phẩm của mình. Chính đội ngũ kỹ thuật này lại là những người đánh giá rất cao chất lượng sản phẩm của NamiBio và tư vấn cho các trang trại và công ty nên lựa chọn giải pháp vừa rẻ lại vừa tốt này. Từ đó, chính các trang trại và công ty trở thành nguồn khách hàng ổn định của NamiBio. 

Ngoài ra, để sản phẩm đi xa hơn nữa, NamiBio đã kết hợp với các chương trình phát triển kinh tế của từng địa phương, thông qua các Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông, Sở KH&CN, Sở NN&PTNT… Còn về vấn đề cạnh tranh? Chị Trang chia sẻ: “Mình vẫn luôn nhìn xem các công ty đối thủ đang làm gì. Ở họ có rất nhiều điều đáng để mình học hỏi để nâng cao sản phẩm của mình hơn nữa”.

Hướng đi cho tương lai

NamiBio vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các sản phẩm của mình, sao cho có thể ứng dụng vi sinh trong mọi mặt của ngành nông nghiệp chứ không chỉ dừng lại ở một số khía cạnh nhất định. Trước mắt, công ty đã phát triển được các chế phẩm vi sinh bổ sung thức ăn cho chăn nuôi, thủy sản, có thể tăng sức đề kháng, miễn dịch cho con vật. Một hướng đi đặc biệt cho dòng sản phẩm này, như chị Trang bật mí, là NamiBio đang nghiên cứu cách làm sao để kết hợp dược liệu với chế phẩm vi sinh, nhằm tăng đề kháng của vật nuôi và giảm dư lượng kháng sinh – tình trạng lâu nay vẫn tiếp diễn và làm giảm giá trị của sản phẩm. 

Ngoài ra, NamiBio còn có các sản phẩm giúp khử mùi hôi chuồng trại, làm đệm lót sinh học, xử lý môi trường ao nuôi thủy sản – sau khi xử lý xong, loại nước này có thể đưa ra hệ thống kênh rạch như bình thường, đạt tiêu chuẩn nước thải loại B hoặc loại A, có thể quay lại tái sử dụng cho trồng trọt hoặc hệ thống kênh máng của vùng đó mà không gây ô nhiễm môi trường.

Mới đây, công ty đã tham gia cuộc thi Mitsui Chemicals R&D Collaboration Reward do công ty KisStartup và Mitsui Chemicals R&D hợp tác. Mục đích của cuộc thi này là tìm kiếm những dự án có tiềm năng thương mại hóa từ các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp KH&CN, nhà nghiên cứu độc lập của Việt Nam. Dự án do công ty NamiBio đưa ra đã lọt vào top 10 của cuộc thi. Tham gia cuộc thi này, chị Trang mong muốn sẽ kết nối được với đối tác mới, thu hút nguồn vốn đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh công ty rộng rãi hơn nữa.

Phương Anh – Đào Liên

(Bài đăng ở Báo KH&PT số 48)

Tác giả

(Visited 22 times, 1 visits today)