Năng lượng – trung tâm một trật tự thế giới mới

Giá dầu lên tới trên 110 USD/thùng (hiện đã xấp xỉ 120 USD/thùng), giá xăng đã ở mức 3,35 USD hoặc hơn/gallon. Giá dầu sưởi ấm gia đình đắt tới mức phi lý. Xăng máy ba phản lực đắt tới mức 3 hãng hàng không giá rẻ buộc phải ngừng hoạt động trong mấy tuần qua. Đó mới chỉ là những thông tin mới nhất về năng lượng, báo hiệu một sự thay đổi sâu sắc về một trật tự thế giới mới với năng lượng là trung tâm

Đặc trưng của trật tự thế giới mới này là cuộc cạnh tranh quốc tế sẽ ngày càng quyết liệt đề giành giật các nguồn dầu mỏ, khí đốt, than và urani đang cạn dần và quyền lực cùng của cải chuyển dần từ các nước thiếu năng lượng như Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ sang các nước dư thừa năng lượng như Nga, Saudi Arabia và Venezuela. Trong quá trình này, sự sống của mọi người sẽ bị tác động dưới dạng này hay dạng khác, trong đó những người nghèo và trung lưu ở các nước thiếu năng lượng sẽ bị tác động mạnh nhất.
– Trong trật tự thế giới mới này có 5 lực lượng then chốt làm thay đổi hành tinh chúng ta:

Theo Bộ Năng lượng Mỹ, các nguồn năng lượng mới như gió, mặt trời, thủy điện cùng với các nguồn năng lượng “truyền thống” như củi gỗ, phân gia súc mới chỉ giải quyết được 7,4% nhu cầu năng lượng toàn cầu năm 2004; năng lượng sinh khối cung cấp được khoảng 0,3%, trong khi năng lượng hóa thạch gồm dầu mỏ, khí đốt và than cung cấp tới 86% và năng lượng hạt nhân cung cấp phần còn lại khoảng 6%. Dựa trên tình hình phát triển và đầu tư hiện nay, Bộ Năng lượng Mỹ dự đoán vào năm 2030, nhiên liệu hóa thạch sẽ tiếp tục giữ tỷ trọng như năm 2004, nhiên liệu mới và sinh khối tăng lên chút ít, chiếm khoảng 8,1%, như vậy, thực tế là không đáng kể.

Cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các cường quốc kinh tế cũ và mới đề giành giật các nguồn năng lượng hiện có. Cho đến gần đây, các cường quốc công nghiệp lâu đời ở châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ vẫn tiêu thụ phần lớn năng lượng của thế giới. Năm 1990, các nước OECD giàu có tiêu thụ 57% năng lượng của thế giới, Liên Xô và khối Vác-xa-va trước đây tiêu thụ 14%, còn các nước đang phát triển tiêu thụ 29%. Tỷ trọng này giờ đây đang thay đổi, trong đó các nước đang phát triển, do kinh tế tăng trưởng mạnh, đang tiêu thụ ngày càng nhiều năng lượng. Đến năm 2010, thế giới đang phát triển dự đoán sẽ tiêu thụ 40% năng lượng của thế giới và có thể lên tới 47% vào năm 2030 nếu tiếp tục đà tăng như hiện nay.
Các cường quốc kinh tế mới nổi sẽ cạnh tranh với các cường quốc kinh tế lâu đời để giành giật các trữ lượng năng lượng xuất khẩu chưa khai thác, trong đó có nhiều trường hợp tranh mua trữ lượng với các tập đoàn năng lượng tư nhân phương Tây như Exxon Mobil, Chevron, BP, Total và Royal Dutch Shell. Các nước này, điển hình là Trung Quốc, đã phát triển chiến lược cạnh với các tập đoàn trên của phương Tây, lập ra các công ty nhà nước để liên minh với các công ty dầu mỏ quốc gia hiện đang kiểm soát các trữ lượng dầu-khí ở nhiều nước sản xuất nhiều năng lượng.
– Không có đủ nguồn năng lượng cơ bản. Khả năng đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp nặng đang giảm xuống. Xét về mọi mặt, nguồn cung dầu mỏ của thế giới sẽ chỉ tăng thêm trong nửa thập kỷ nữa trước khi đạt đỉnh cao nhất rồi bắt đầu giảm xuống, trong khi các nguồn cung khí đốt tự nhiên, than và urani có thể tiếp tục tăng trong chừng 1-2 thập kỷ trước khi đạt mức cao nhất để bắt đầu bước vào quá trình giảm tất yếu. Còn các nguồn cung nhiên liệu hiện nay của thế giới sẽ không đủ khả năng đáp ứng cho nhu cầu đang tăng lên mạnh mẽ.

Về dầu khí, các nước dư thừa có thể đếm trên đầu ngón tay. Khoảng một chục nước giàu dầu mỏ sở hữu tới 82,2% trữ lượng đã chứng minh của thế giới. Đứng đầu là Saudi Arabia, tiếp đến là Iran, Iraq, Kuwait, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất, Venezuela, Nga, Libya, Kazakstan và Nigeria. Còn khí đốt nằm tập trung hơn, chủ yếu ở 3 nước Nga, Iran và Qatar, chiếm tổng cộng 55,8% nguồn cung của thế giới.

Ví dụ về dầu mỏ, Bộ Năng lượng Mỹ dự đoán nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ lên tới 117,6 triệu thùng/ngày vào năm 2030, xấp xỉ với mức cung là 117,7 triệu thùng/ngày. Hầu hết các chuyên gia năng lượng cho rằng dự báo đó rất phi thực tế và dự báo lạc quan nhất cũng chỉ khoảng 100 triệu thùng/ngày. Trong báo cáo thị trường dầu mỏ trung hạn công bố vào tháng 7/2007, Cơ quan Năng lượng Quốc tế của OECD kết luận rằng sản lượng dầu mỏ thế giới có thể đạt khoảng 96 triệu thùng/ngày vào năm 2012, nhưng không thể vượt xa mức đó vì tiến độ phát hiện mới khicó thể tạo được mức tăng sản lượng trong tương lai. Còn báo chí hằng ngày thì nêu ra những xu thế trái chiều nhau. Nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ tiếp tục tăng lên vì hàng trăm triệu người tiêu dùng mới giàu có ở Trung Quốc và Ấn Độ đang xếp hàng mua những chiếc xe ô tô đầu tiên trong đời họ (có chiếc chỉ với giá 2.500 USD); “những con voi dầu mỏ” cũ như mỏ Ghawar ở Saudi Arabia và Canterella ở Mexico đã hoặc sắp giảm dần sản lượng; tốc độ phát hiện các mỏ dầu mới giảm từ năm này qua năm khác. Như vậy, người ta có thể cho rằng thiếu năng lượng và giá năng lượng cao sẽ luôn là vấn đề gây khó khăn cho thế giới trong thời gian tới.
– Tốc độ phát triển các nguồn năng lượng thay thế quá chậm chạp. Từ lâu các nhà lập chính sách đã nhận thấy các nguồn năng lượng mới là hết sức cần thiết để bù đắp cho các nguồn năng lượng hiện có đang ngày càng cạn kiệt và để giảm bớt lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm thay đổi khí hậu toàn cầu. Thực tế năng lượng gió và mặt trời đã giành được vị trí quan trọng ở một số nơi trên thế giới. Một số giải pháp năng lượng mới khác cũng được phát triển và đang được thử nghiệm ở các phòng thí nghiệm của công ty hay trường đại học. Nhưng những nguồn năng lượng thay thế hiện mới chỉ đóng góp một phần không đáng kể vào nguồn cung năng lượng thế giới, tiến độ phát triển hoàn toàn không đủ nhanh để giúp tránh được thảm họa năng lượng toàn diện đang chờ đón chúng ta ở phía trước.
Về mặt cung còn có một khía cạnh nữa khiến người ta gần như tuyệt vọng là thiếu vốn đầu tư. Để đáp ứng nhu cầu ngày đang tăng lên, chúng ta cần phát triển nhanh các nguồn năng lượng thay thế, nghĩa là cần đầu tư ào ạt tới hàng nghìn tỷ USD mới đảm bảo đưa nhanh các kết quả nghiên cứu mới nhất của các phòng thí nghiệm ứng dụng vào sản xuất với quy mô thương mại. Nhưng đáng buồn là thay vào đó, các công ty năng lượng lớn được chính phủ trợ cấp và giảm thuế đều đang dùng những khoản lợi nhuận khổng lồ nhờ giá năng lượng tăng cao vào các kế hoạch hết sức tốn kém để khai thác các nguồn dầu khí ở Alaska và Bắc Cực, hoặc khoan sâu xuống các vùng nước khó khăn ở Vịnh Mexico hay Đại Tây Dương. Kết quả chỉ thu về được ít dầu-khí không đáng kể với giá quá đắt kèm theo việc hủy hoại môi trường, trong khi tiến trình tìm kiếm năng lượng thay thế diễn ra chậm chạp tới mức thảm hại.
Còn khí hậu toàn cầu nóng lên sẽ gây ra vô vàn thảm họa. Sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào than (đặc biệt là ở Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ) sẽ làm cho lượng khí điôxit cácbon thải ra tăng thêm 59% trong 25 năm tiếp theo, từ 26,9 tỷ tấn tăng lên 42,9 tỷ tấn. Nếu tình hình tiếp tục như hiện nay, chúng ta không còn hy vọng tránh được những hiểm họa ghê gớm nhất của tình trạng thay đổi khí hậu.
– Sự dịch chuyển dần quyền lực và của cải từ các nước thiếu năng lượng sang các nước thừa năng lượng dẫn đến việc tích tụ hàng núi đôla dầu mỏ ở các nước sản xuất dầu chủ chốt và giành được những nhượng bộ chính trị và quân sự.
Các nước xuất khẩu dầu thu được khoảng 970 tỷ USD từ các nước nhập khẩu trong năm 2006, và có thể nhiều hơn trong năm 2007. Một phần rất lớn số vốn bằng USD, Yên Nhật hay Euro này đã được gửi vào các quỹ tài sản quốc gia (SWF), các nước dầu mỏ sở hữu những khoản đầu tư khổng lồ và tiến hành mua lại những tài sản có giá trị trên khắp thế giới.
Những tháng gần đây, các SWF ở vùng Vịnh Persia đã tranh thủ cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ để mua những tài sản lớn trong các khu vực chiến lược của nền kinh tế Mỹ. Ví dụ, tháng 11/2007, Cục Đầu tư Abu Dhabi (ADIA) đã mua lại 7,5 tỷ USD cổ phần trong Citigroup, tập đoàn ngân hàng cổ đông lớn nhất của Mỹ; tháng 1/08, Citigroup đã bán một phần cổ phần thậm chí còn lớn hơn, khoảng 12,5 tỷ USD, cho Cơ quan Đầu tư Kuwait (KIA) và môt số nhà dầu tư khác ở Trung Đông, trong đó có Hoàng tử Walid Bin Talal của Saudi Arabia. Các nhà quản lý ADIA và KIA đều nhấn mạnh họ không có ý định dùng những tài sản vừa mua được trong Citigroup hay các ngân hàng, công ty khác của Mỹ để gây ảnh hưởng về chính sách kinh tế hay ngoại giao của Mỹ, nhưng khó có thể tưởng tượng sự chuyển tài chính trên quy mô lớn, thậm chí còn mạnh hơn nữa trong những thập kỷ tới, như vậy lại không trở thành những đòn bẩy chính trị dưới dạng nào đó.
– Nguy cơ xung đột tăng lên: trong lịch sử, các kỳ chuyển dịch lớn về quyền lực thường kéo theo bạo lực, trong một số trường hợp gây rối loạn bạo lực triền miên. Hoặc những nước ở vị trí quyền lực chi phối phải chiến đấu để bảo vệ vị thế đặc quyền của họ hoặc các bên thách thức phải chiến đấu để lật đổ kẻ nắm giữ đặc quyền. Hiện nay điều đó có xảy ra không? Liệu các nước thiếu năng lượng có mở chiến dịch giành giật các trữ lượng dầu-khí của các nước dư thừa hay không? Phải chăng cuộc chiến tranh của chính quyền George W. Bush ở Irắc là một trong những mưu toan đó hoặc để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh trong hàng ngũ những nước thiếu năng lượng?
Điều rất rõ là mức độ tốn kém và nguy hiểm của cuộc chiến tranh hiện đại sẽ rất lớn và kinh tế chứ không phải quân sự là giải pháp tốt nhất cho các vấn đề năng lượng. Nhưng các cường quốc lớn vẫn đang dùng các biện pháp quân sự trong các nỗ lực giành lợi thế trong cuộc chiến toàn cầu về năng lượng, và không ai mắc lừa về chuyện nay. Những nỗ lực đó có thể dễ dàng leo thang và dẫn đến cuộc xung đột ngoài ý muốn.
Một hình thức lạm dụng phương tiện quân sự để theo đuổi các mục đích năng lượng là các nước nhập khẩu nhiều năng lượng chuyển giao thường xuyên vũ khí và các dịch vụ hỗ trợ quân sự cho các nước cung cấp năng lượng chủ yếu. Ví dụ, cả Mỹ và Trung Quốc đã tăng cường cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho những nước có nhiều dầu như Angola, Nigeria, Sudan ở châu Phi và Azerbaijan, Kazakstan và Kirgizistan ở biển Caspi. Mỹ đã đặt biệt chú trọng đến việc trấn áp các lực lượng nổi dậy có vũ trang ở vùng châu thổ sông Niger có nhiều dầu của Nigeria; còn Trung Quốc tăng cường viện trợ vũ khí cho Sudan, nơi các hoạt động khai thác dầu của Trung Quốc đang bị các lực lượng nổi dậy ở miền Nam và Darfur đe dọa.
Nga cũng đang cung cấp vũ khí để gây ảnh hưởng với những vùng sản xuất dầu-khí quan trọng ở ven biển Caspi và vịnh Persia. Nga không giành giật năng lượng để sử dụng cho mình mà để kiểm soát các luồng cung cấp năng lượng cho các nước khác. Đặc biệt, Nga tìm cách giành độc quyền về vận chuyển khí đốt ở Trung Á sang châu Âu qua mạng lưới đường ống dẫn rộng lớn của tập đoàn Gazprom; đồng thời Nga còn muốn tham gia khai thác các mỏ khí đốt khổng lồ của Iran để củng cố quyền soát buôn bán khí đốt.
Đương nhiên, những toan tính đó ngày càng trở nên nguy hiểm ở chỗ nó làm dấy lên các cuộc chạy đua vũ trang khu vực, gây thêm căng thẳng cho khu vực và làm tăng nguy cơ bùng nổ xung đột khu vực kéo theo sự tham gia của các cường quốc lớn. Trong lịch sử có rất nhiều ví dụ về những tính toán sai lầm dẫn đến chiến tranh vượt khỏi tầm kiểm soát, chẳng hạn như Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Thực tế Trung Á và Caspi hiện nay với vô số những vụ lộn xộn về chủng tộc và các hoạt động cạnh tranh giữa các cường quốc chẳng khác mấy tình hình Bancăng trong những năm dẫn đến Chiến tranh Thế giới năm 1914.
Trong thế giới mà năng lượng là trung tâm, năng lượng sẽ quản lý cuộc sống chúng ta theo cách mới và trên cơ sở hàng ngày. Nó sẽ quyết định chúng ta sử dụng xe vào lúc nào và với mục đích gì? Vặn máy điều hòa ở mức nào? Đi đâu, khi nào, ăn thực phẩm gì? Đối với một số người thì sống ở đâu còn người khác thì làm nghề gì? Và chúng ta khi nào và trong điều kiện này sẽ rơi vào chiến tranh hay tránh những rắc rối ở nước có thể dẫn đến chiến tranh?
Điều này dẫn đến vấn đề cấp bách nhất là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng thay thế thân thiện với môi trường.

Asia Times

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)