Ngành công nghiệp quốc phòng kiếm bộn tiền
Chiến tranh và các cuộc xung đột trên thế giới đang làm cho cổ phiếu ngành công nghiệp quốc phòng tăng nhanh.
Biểu đồ chỉ số chứng khoán Nyse-Index những tháng qua gần như liên tục tăng. Nyse-Index phản ánh tài sản có được từ các cuộc chiến tranh và xung đột chính trị. Từ đầu năm đến nay, giá trị chỉ số chứng khoán về vũ trang tăng 64%. So với khi bắt đầu đưa chỉ số này vào tính toán từ năm 1996, giá trị của nó đã tăng gần 18 lần. Trong khi các nhà đầu tư vào Dax chỉ hưởng lợi khoảng 7,5%/năm thì các nhà đầu tư vào chỉ số vũ trang – Nyse – hưởng lợi 18 %/năm.
Theo Viện Nghiên cứu về hoà bình Stockholm (Phần Lan) SIPRI, năm 2012 giao dịch mua bán vũ khí và trang thiết bị quân sự trên toàn thế giới là 395 tỷ USD. So với năm 2003 tăng 29%. Ba phần tư các hãng sản xuất vũ khí, khí tài quân sự lớn nhất thế giới tập trung ở Mỹ và Tâu Âu.
Ba tập đoàn sản xuất và kinh doanh vũ trang lớn nhất thế giới hiện nay là Lockheed Martin (Mỹ), Boeing (Mỹ) và BAE Systems (Anh). Các tập đoàn này đều kinh doanh vũ khí và khí tài bên cạnh các sản phẩm phục vụ ngành hàng không dân dụng và vũ trụ với doanh thu hàng chục tỷ USD mỗi năm. |
Một trong những yếu tố làm tăng mạnh mẽ trao đổi buôn bán vũ khí, khí tài là việc Trung Quốc tăng mạnh chi phí quốc phòng. Mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng 12% lên tương đương 95,7 tỷ Euro. “Cần tăng cường phát triển vũ khí công nghệ cao,” ông nhấn mạnh. Trong những năm qua, Trung Quốc liên tục tăng ngân sách quốc phòng của mình ở mức hai con số, cao hơn nhiều so với ngân sách dành cho giáo dục hoặc các vấn đề xã hội cũng như ngân sách an ninh trong nước. Hiện tại ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ (460 tỷ Euro) và cao hơn nhiều so với Nga (50 tỷ Euro). SIPRI ước đoán, ngân sách quốc phòng của Mỹ năm 2012 là 612 tỷ USD.
Theo các chuyên gia thuộc hãng nghiên cứu HIS, ngân sách quốc phòng của các nước châu Á đến năm 2020 sẽ vượt ngân sách quốc phòng của Mỹ. Đến năm 2015, riêng Trung Quốc sẽ vượt ngân sách quốc phòng của Anh, Đức và Pháp cộng lại.
Lầu Năm Góc đã rung chuông báo động trước năng lực sử dụng công nghệ hiện đại của Trung Quốc, một vấn đề không có thể chối cãi. Tháng giêng vừa qua, quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ Frank Kendall đã báo cáo trước một Uỷ ban của Quốc hội Mỹ: “Chương trình hiện đại hoá của Trung Quốc đang đe doạ nghiêm trọng sự hơn hẳn của quân đội chúng ta”.
Hiện tại trong lĩnh vực này, Trung Quốc đang gây ấn tượng mạnh mẽ: mỗi năm Trung Quốc sản xuất khoảng 10.000 tên lửa đạn đạo và trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất tên lửa. Theo giới quan sát, khoảng 1.000 đầu đạn tên lửa hướng về thủ đô Tokyo của Nhật Bản.
Trung Quốc cũng đang phát triển một tầu sân bay và tự chế tạo máy bay không người lái. Việc thử nghiệm vũ khí siêu thanh có thể tránh lá chắn tên lửa của Mỹ được ghi nhận là đã thành công mĩ mãn. Còn việc thử nghiệm máy bay ném bom tàng hình đang ở giai đoạn chót.
Xuân Hoài tổng hợp từ Tuần kinh tế và báo Thương mại online