Nghiên cứu gì về IoT ?
Trong bối cảnh IoT – một viễn cảnh đề ra vào năm 1999 bởi nhà tiên phong người Anh Kevin Ashton về khả năng gia tăng năng suất và sự thoải mái của con người trong đời sống - ngày càng được nhắc đến nhiều hơn trong các nghiên cứu hay thảo luận của giới khoa học, chuyên gia, hay người tiêu dùng công nghệ cao trên khắp thế giới, câu hỏi đặt ra cho các nhà nghiên cứu Việt Nam là: chúng ta cần nghiên cứu gì về IoT? Để trả lời câu hỏi này, bước khởi đầu là hãy xem thế giới đã và đang nghiên cứu gì về IoT.
IoT bắt nguồn từ ý tưởng táo bạo của Ashton là kết nối tất cả mọi vật tồn tại trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của con người vào mạng Internet – biến tất cả các vật vô tri xung quanh ta, từ chiếc ghế, cái bàn, bàn chải đánh răng, hay máy tưới tiêu, thành những chiếc máy vi tính siêu vi có khả năng thu thập thông tin một cách toàn diện, đầy đủ, và tức thời (Ashton 2009). Ý tưởng này xuất phát từ hai quan sát của Ashton: 1/ xã hội ngày càng chú trọng đến những khái niệm trừu tượng như ý tưởng, thông tin, và kiến thức khi nói đến Internet; 2/ những vật chất trừu tượng này bắt nguồn từ dữ liệu, mà việc thu thập dữ liệu nhìn chung lâu nay vẫn bị hạn chế, bởi chúng được thực hiện từ ý định và khả năng bị giới hạn của con người, cho dù sự xuất hiện của Internet đã cho phép thu thập và lưu trữ một lượng dữ liệu khổng lồ.
Lĩnh vực nghiên cứu quan trọng đầu tiên liên quan đến IoT là vấn đề đạo đức thông tin (ethics of information). Các doanh nghiệp của thời đại công nghệ thông tin hưởng lợi trực tiếp từ việc sở hữu và thu thập thông tin từ người dùng, kể cả những thông tin riêng tư mà người dùng có thể không biết mình đang sở hữu, hoặc không biết đang bị thu thập cho mục đích phân tích nhằm giúp doanh nghiệp đạt doanh thu cao hơn. Khi những thông tin nhạy cảm như dáng đứng, dáng ngồi, lịch trình đi vệ sinh, hay thói quen ăn uống đều được thu thập, mã hóa và mang đi phân tích vì những mục đích mà người tiêu dùng không hề được biết đến, việc nghiên cứu ứng dụng IoT không chỉ thay đổi cách con người sống cuộc sống hiện đại, mà còn thay đổi cách con người hiểu về bản thân, về xã hội, về quan hệ chính trị và triết lý giữa họ và thế giới quan của họ.
Thứ hai là nghiên cứu kỹ thuật. Nghiên cứu kỹ thuật cho IoT rất phức tạp và mang tính chuyên môn cao, đơn cử như nghiên cứu xác định tần số vô tuyến (radio frequency identification), nghiên cứu khắc phục va chạm và nhiễu các nút thông tin (collisions and interferences among nodes), kỹ thuật địa phương hóa (localisation), an ninh mạng (security), và đặc biệt là IPv6 – giao thức liên mạng thế hệ 6 – nhằm tăng số lượng địa chỉ Internet toàn cầu lên 2128 địa chỉ, với chuỗi địa chỉ 128 bit thay cho 32 bit như phiên bản IPv4 (Xia et al 2012).
Thứ ba là nghiên cứu ứng dụng. Có thể chia lĩnh vực ứng dụng của IoT có thể được chia làm bốn nhóm chính: nhóm giao thông vận tải và hậu cần, nhóm chăm sóc sức khỏe, nhóm môi trường thông minh (nhà ở, văn phòng, nhà máy), và nhóm cá nhân – xã hội (Atzori, Iera & Morabito 2010). Về mặt khả thi, ứng dụng của IoT còn có thể được chia theo hai nhóm chính: nhóm hiện hữu và nhóm tương lai. Các ứng dụng hiện hữu là những ứng dụng phù hợp với trình độ khoa học kỹ thuật sẵn có, và các ứng dụng tương lai là những ứng dụng mang tính viễn cảnh mà khoa học kỹ thuật hiện tại chưa đủ khả năng thực hiện.
Trong giao thông vận tải và hậu cần, tiềm năng của IoT nằm ở công nghệ cảm ứng trang bị ở mặt đường hoặc phương tiện xe máy, ô tô, tàu điện, xe buýt; tất cả các vật thể này đều có thể đóng vai trò máy thu nhận và truyền dữ liệu nhằm giúp cung cấp thông tin kịp thời và chính xác nhất về tình hình giao thông cho người tham gia giao thông. Đối với công tác hậu cần và chuyển giao hàng, điều này mang lại ý nghĩa kinh tế rất lớn. Ngoài ra, việc tiến hành xe không người lái với hệ thống IoT mang tính chính xác và an toàn cao hơn khi từng thông tin nhỏ nhất về những chuyển động trên mặt đường và chuyển động của các phương tiện di chuyển lân cận được thu thập và phân tích theo thời gian thực. Việc xử phạt vi phạm giao thông, do đó, cũng có thể được thực hiện một cách hiệu quả, công bằng, và chính xác.
Trong chăm sóc sức khỏe, việc biến bác sĩ và bệnh nhân thành những điểm thu thập dữ liệu với công nghệ theo dõi (tracking), kết hợp với công nghệ xác định (identification) và nhận dạng (authentication), có thể giảm thiểu nguy cơ sai sót trong quá trình khám chữa bệnh, như cho/uống nhầm thuốc, nhầm liều, sai thời gian, sai quy cách. Khi từng hành vi của bác sĩ, y tá cũng như bệnh nhân đều được theo dõi và số hóa thành dữ liệu để phân tích, công việc khám chữa bệnh sẽ mang tính chính xác cao hơn.
Trong việc xây dựng môi trường thông minh, nhiều tiềm năng của IoT đã được phát triển mạnh mẽ với mục đích thương mại. Các sản phẩm thông minh trong gia đình có thể tự thay đổi nhiệt độ phòng tùy theo cảm ứng nhiệt độ ngoài trời hoặc theo ý thích của người dùng, thay đổi độ sáng của phòng theo thời gian trong ngày, điều chỉnh lượng tiêu thụ điện của các thiết bị trong gia đình một cách phù hợp theo hệ thống vi tính theo dõi giá điện lên xuống trong ngày nhằm giảm chi phí điện.
Trong phạm trù cá nhân và xã hội, IoT có thể giúp thúc đẩy việc kết nối con người với con người ngày càng mạnh mẽ hơn nữa. Tiềm năng của lĩnh vực công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến trong ngày có thể bao gồm việc tự động cập nhật các hoạt động sinh hoạt lên mạng xã hội Twitter. Như đã nói ở trên, những khả năng này mang đến nhiều lo ngại và nguy cơ tiềm ẩn đến đạo đức thông tin trong môi trường dữ liệu ngày càng nhiều lên, và ngày càng nhanh hơn. Một tiềm năng khác cho công nghệ này là việc người dùng có thể tìm lại và sống lại một cách chính xác lịch sử sinh hoạt của mình vào một thời điểm bất kì trong quá khứ, cũng như có thể giúp người dùng tìm lại được chính xác những vật thể họ đã đánh mất, hoặc đặt nhầm ở đâu đó.
Khi tất cả các đồ vật mà con người tương tác đều có thể thu thập dữ liệu và kể một câu chuyện, đầy đủ hoặc khiếm khuyết, về con người đó, các hệ thống pháp lý, chính trị, triết lý, kinh tế, xã hội đều cần phải thay đổi cho phù hợp với những thay đổi công nghệ mang tính vĩ mô này. Tuy nhiên, đây không phải là lý do để ngừng hoặc né tránh việc tham gia phát triển IoT.
(Visited 1 times, 1 visits today)