Nghiên cứu sự sống trong vũ trụ: liệu có quá sớm?

Trong sự đối sánh với vũ trụ, sự sống ngày nay của chúng ta mới chỉ đang ở dạng sơ khai.

Sự sống trên Trái đất là sơ khai so với vũ trụ?

Vũ trụ 13,8 tỉ năm tuổi, trong khi hành tinh của chúng ta chỉ mới hình thành cách đây 4,5 tỉ năm. Căn cứ vào khoảng cách này, một số nhà khoa học cho rằng sự sống trên các hành tinh khác có thể còn lâu đời hơn chúng ta tới hàng tỉ năm. Tuy nhiên, theo một công bố mới do nhà khoa học Avi Loeb tại Trung tâm Vật lý học Thiên thể Harvard-Smithsonian đứng đầu thực hiện và được đăng tải trên tạp chí Journal of Cosmology and Astroparticle Physics thì trong sự đối sánh với vũ trụ, sự sống ngày nay của chúng ta mới chỉ đang ở dạng sơ khai và sự sống trong vũ trụ có khả năng còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai xa.

Như những gì chúng ta đã biết, cuộc sống bắt đầu hình thành khoảng 30 triệu năm sau vụ nổ lớn Big Bang, khi các ngôi sao đầu tiên gieo vào vũ trụ những hạt giống cần thiết của cuộc sống như khí carbon và oxy. Cuộc sống sẽ kết thúc sau 10 tỷ tỷ năm nữa, khi những ngôi sao cuối cùng tắt đi và chết. Nhóm nghiên cứu trên đã tìm hiểu tính khả thi của sự sống trong khoảng thời gian giữa hai mốc đó. Kết quả cho thấy, yếu tố chính ở đây là tuổi đời của các ngôi sao. Ngôi sao nào có khối lượng càng lớn thì tuổi đời càng ngắn. Những ngôi sao có khối lượng lớn hơn khối lượng mặt trời gấp ba lần sẽ tắt trước khi cuộc sống kịp có cơ hội tiến hóa.

Ngược lại, những ngôi sao nhỏ nhất có khối lượng ít hơn mặt trời dưới 10%. Những ngôi sao này sẽ còn tiếp tục tỏa sáng trong 10 tỷ tỷ năm, và như vậy, sự sống có đủ thời gian để xuất hiện tại bất kỳ hành tinh nào xung quanh những ngôi sao này. Kết quả là, khả năng tồn tại sự sống sẽ phát triển dần theo thời gian. Trên thực tế, cơ hội xuất hiện cuộc sống trong tương lai còn cao hơn hiện nay tới 1.000 lần.

Ở đây đặt ra câu hỏi: tại sao sự sống lại xuất hiện vào thời điểm này trên Trái đất mà không phải là trong tương lai, bên cạnh một ngôi sao có khối lượng thấp? Nhóm nghiên cứu chỉ ra hai khả năng: một là chúng ta đang ở giai đoạn sơ khai; hai là môi trường xung quanh một ngôi sao có khối lượng thấp thường lại nguy hiểm cho sự sống. Nguyên nhân là vào giai đoạn mới hình thành, những ngôi sao này phát ra những ngọn lửa và bức xạ tia cực tím rất mạnh, có thể phá hủy bầu khí quyển xung quanh bất kỳ hành tinh nào khả dĩ sinh sống được.

Để xác định xem khả năng nào là chính xác, nhóm nghiên cứu đề xuất thực hiện những nghiên cứu các ngôi sao lùn đỏ xung quanh Trái đất và các hành tinh của chúng để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)