Nghiện smartphone ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ
Nghiên cứu vừa được công bố hôm thứ Ba trên tạp chí Frontiers in Psychiatry, trong đó các tác giả xem xét việc sử dụng smartphone của 1.043 sinh viên trong độ tuổi từ 18 đến 30 tại trường King's College London.
Nếu nghiện smartphone trở thành trọng tâm trong vấn đề lâm sàng, thì những người sử dụng smartphone sau nửa đêm hoặc sử dụng điện thoại từ 4 tiếng trở lên mỗi ngày sẽ có nguy cơ cao về mặt sức khỏe. Ảnh: diygenius.com
Các nhà khoa học đã yêu cầu sinh viên hoàn thành hai bảng câu hỏi về chất lượng giấc ngủ và việc sử dụng smartphone của họ. Thông qua 10 câu hỏi để xác thực, đánh giá tình trạng nghiện smartphone, nghiên cứu cho thấy gần 40% sinh viên đại học đủ tiêu chuẩn trở thành “con nghiện” smartphone.
“Tỷ lệ ước tính này phù hợp với các nghiên cứu tương tự khác ở cấp độ toàn cầu, nằm trong khoảng 30-45%”, Sei Yon Sohn , tác giả chính và là sinh viên y khoa của King’s College London, cùng với một đồng tác giả khác, viết trong nghiên cứu.
“Thời gian sử dụng cũng liên quan đáng kể đến chứng nghiện smartphone, chẳng hạn sử dụng điện thoại sau 1 giờ sáng làm tăng nguy cơ gấp ba lần”, các tác giả viết.
Theo nghiên cứu, những sinh viên sử dụng smartphone trong thời gian dài chia sẻ rằng chất lượng giấc ngủ của họ kém hơn. Điều đó phù hợp với các nghiên cứu trước đây, rằng việc lạm dụng smartphone vào ban đêm có liên quan đến việc khó đi vào giấc ngủ, giảm thời gian ngủ và cảm thấy uể oải vào ban ngày. Việc sử dụng smartphone sát giờ đi ngủ sẽ gây trì hoãn nhịp sinh học, đồng hồ ngủ-và-thức của cơ thể.
Trên thực tế, quy tắc số 1 là “nói không với máy tính, điện thoại di động và thiết bị kỹ thuật số hỗ trợ cá nhân (PDA) trong vòng ít nhất một tiếng đồng hồ trước khi đi ngủ”, TS Vsevolod Polotsky, người chỉ đạo nghiên cứu cơ bản về giấc ngủ tại trường Y khoa thuộc Đại học Johns Hopkins, trả lời CNN trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Đó là bởi “bất kỳ nguồn ánh sáng quang phổ LED nào cũng có thể ‘triệt tiêu’ nồng độ melatonin”, Polotsky nói. Melatonin, được tiết ra theo nhịp sinh học 24 giờ hằng ngày, còn được gọi là “hormone giấc ngủ”, vì chúng ta sẽ ngủ ngon hơn vào ban đêm khi nồng độ melatonin đạt mức cao nhất.
Phản ứng trái chiều
“Đây là một nghiên cứu liên ngành, và vì vậy không thể đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào về việc sử dụng điện thoại là nguyên nhân gây suy giảm chất lượng giấc ngủ”, Bob Patton, giảng viên tâm lý học lâm sàng tại Đại học Surrey, cho biết qua email.
“Tuy nhiên, nó cung cấp một số bằng chứng thuyết phục rằng bản chất của việc sử dụng smartphone và những hậu quả liên quan có thể là những yếu tố quan trọng để giải quyết hiện tượng ‘nghiện’ smartphone đang nổi lên”, Patton, người đứng đầu Nhóm Nghiên cứu về Ma túy, Rượu và Hành vi gây nghiệm tại trường đại học, cho hay.
Andrew Przybylski, một nhà nghiên cứu lâu năm và là phó giáo sư tại Đại học Oxford, không đồng ý rằng khoa học đã chứng thực bất kỳ cái gì “gọi là ‘nghiện smartphone’”, vì “không có bất kỳ cơ quan y tế toàn cầu nào công nhận khái niệm này, cũng như đây không phải là một dạng rối loạn tâm thần”.
“Độc giả nên thận trọng khi đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào về tác động của sử dụng smartphone trong cộng đồng nói chung, hay nay ra ý tưởng rằng chúng gây nghiện theo bất kỳ nghĩa nào, nếu chỉ dựa trên cơ sở của nghiên cứu này”, Przybylski, ông còn là giám đốc nghiên cứu tại Viện Internet Oxford, nhận định qua email.
Các tác giả thừa nhận những mặt hạn chế trong nghiên cứu của mình, nhưng vẫn tuyên bố: “Nếu nghiện smartphone trở thành trọng tâm trong vấn đề lâm sàng, thì những người sử dụng smartphone sau nửa đêm hoặc sử dụng điện thoại từ 4 tiếng trở lên mỗi ngày sẽ có nguy cơ cao về mặt sức khỏe”.
Làm sao để có giấc ngủ ngon?
Nghiện điện thoại di động còn được gọi là “nomophobia”, viết tắt của NO Mobile PHOne phobia – một thuật ngữ của thế kỷ 21 để chỉ nỗi sợ hãi khi không được sử dụng điện thoại di động hay những thiết bị thông minh khác. Các chuyên gia đưa ra một số đề xuất nếu bạn hay người thân dường như có các triệu chứng của việc nghiện thiết bị thông minh hoặc Internet.
- Trước tiên, hãy tắt điện thoại của bạn vào những thời điểm nhất định trong ngày, chẳng hạn như lúc bạn đang tham dự các cuộc họp, đi ăn tối, chơi với con và tất nhiên, khi lái xe.
- Xóa các ứng dụng mạng xã hội, như Facebook và Twitter, khỏi điện thoại của bạn, và chỉ kiểm tra thông báo từ laptop. Cố gắng cai trong khoảng 15 phút vào những thời điểm đã định trong ngày để không ảnh hưởng đến công việc hoặc cuộc sống gia đình.
- Chuyển điện thoại sang thang màu xám. Màu sắc rực rỡ giúp thu hút, trong khi màu xám sẽ gây nhàm chán.
- Cố gắng thay thế thời gian sử dụng thiết bị thông minh thành các hoạt động lành mạnh hơn như thiền hay tương tác với mọi người trực tiếp.
- Không mang điện thoại di động và ánh sáng xanh có hại của nó lên giường. Sử dụng báo thức kiểu truyền thống để thức dậy.
Hà Trang dịch
(Visited 1 times, 1 visits today)