Người Nhật đầu tiên được ghép tế bào gốc vạn năng cảm ứng lấy từ người khác

Ngày 28/3, một người đàn ông Nhật Bản ở độ tuổi 60 đã trở thành người đầu tiên được ghép tế bào có nguồn gốc từ tế bào gốc vạn năng cảm ứng (iPS) do người khác hiến tặng.


Tế bào iPS của người hiến tặng được biệt hóa thành tế bào võng mạc để cấy ghép cho bệnh nhân.

Ca phẫu thuật này được kỳ vọng sẽ mở đường cho nhiều ứng dụng của công nghệ tế bào iPS, vốn có khả năng mang lại tính thích ứng linh hoạt như của tế bào gốc phôi mà không gây ra các vấn đề về đạo đức. Các ngân hàng tế bào iPS từ những người hiến tặng khác nhau sẽ giúp cho việc cấy ghép tế bào gốc thuận tiện hơn và với chi phí thấp hơn.

Tế bào iPS chính là tế bào trưởng thành ở người (chẳng hạn từ da), được lập trình cho trở lại trạng thái phôi thai, và biệt hóa thành loại tế bào hữu ích để điều trị một căn bệnh nào đó.

Trong cuộc phẫu thuật nói trên, các tế bào da từ một người hiến tặng khuyết danh đã được lập trình lại và sau đó biệt hóa thành tế bào võng mạc để cấy vào võng mạc của bệnh nhân bị thoái hóa điểm vàng do tuổi tác. Các bác sĩ hi vọng các tế bào này sẽ ngăn chặn bệnh tiến triển, có thể dẫn tới mù lòa.

Trong một cuộc phẫu thuật vào tháng 9/2014 tại Trung tâm Y tế Bệnh viện Đa khoa Thành phố Kobe, một phụ nữ Nhật Bản đã được ghép tế bào võng mạc có nguồn gốc từ tế bào iPS. Có điều, chúng được tạo ra từ chính da của cô, và sau đó được lập trình lại. Tuy nhiên, những tế bào tương tự được chuẩn bị cho bệnh nhân thứ hai đã bị phát hiện có chứa các bất thường về di truyền và không bao giờ được cấy ghép.

Nhóm đã quyết định điều chỉnh lại nghiên cứu và không tuyển thêm người phục vụ cho nghiên cứu lâm sàng. Tháng 2/2017, nhóm cho biết, một bệnh nhân đã có tiến triển tốt. Các tế bào được cấy ghép vẫn nguyên vẹn và thị lực người bệnh không bị giảm như thường được dự đoán ở các trường hợp thoái hóa điểm vàng.

Trong ca phẫu thuật mới đây, được thực hiện ở cùng một bệnh viện và cùng bởi bác sĩ phẫu thuật Yasuo Kurimoto, các bác sĩ đã sử dụng tế bào iPS lấy từ tế bào da của người hiến tặng, tái lập trình chúng và lưu trữ. Ngày 1/2, Bộ Y tế Nhật Bản đã chấp thuận nghiên cứu này. Theo kế hoạch, có năm ứng viên được tuyển cho ca mổ.

Sử dụng tế bào iPS của người hiến tặng không đem lại sự tương thích gene chính xác, khả năng đào thải của hệ miễn dịch cũng tăng. Tuy nhiên, Shinya Yamanaka, nhà khoa học tế bào gốc đoạt giải Nobel, người đi tiên phong trong lĩnh vực tế bào iPS, cho rằng các tế bào được lưu trữ đủ tương thích cho hầu hết các ứng dụng.

Yamanaka đang thành lập một ngân hàng tế bào iPS dựa trên sự tương thích giữa người hiến và người nhận thông qua ba gene mã hóa các kháng nguyên bạch cầu ở người (HLA, là các protein trên bề mặt tế bào tham gia vào việc kích hoạt phản ứng miễn dịch). Kho Tế bào iPS cho Y học Tái sinh của ông hiện có những dòng tế bào từ từ chỉ một người hiến tặng. Nhưng đến tháng 3/2018, họ hi vọng tạo ra 5-10 dòng tế bào iPS với đặc trưng HLA, tương thích với 30% -50% dân số Nhật Bản.

Nhàn Vũ dịch
Nguồn:
http://www.nature.com/news/japanese-man-is-first-to-receive-reprogrammed-stem-cells-from-another-person-1.21730

 

Tác giả