Nguy cơ mất mát đa dạng ngôn ngữ trên thế giới

Trên thế giới có hơn 7000 ngôn ngữ, ngữ pháp của chúng rất khác nhau. Các nhà ngôn ngữ học quan tâm tới những khác biệt này vì chúng cho biết về lịch sử, khả năng nhận thức và thế nào là con người.

Bản đồ ngôn ngữ thế giới trong bộ dữ liệu Grambank. Màu sắc đại diện cho tính tương đồng về ngữ pháp, màu càng giống thì ngữ pháp càng tương đồng.

Song sự đa dạng này đang bị đe dọa khi ngày càng nhiều ngôn ngữ không còn được dạy cho trẻ em.

Ngữ pháp là bộ quy tắc xác định câu cú trong một ngôn ngữ. Chẳng hạn, thì/ thời là yếu tố bắt buộc trong tiếng Anh. Nhưng không phải ngôn ngữ nào cũng vậy. Trong ngôn ngữ bản địa của người Ainu Hokkaido ở Nhật Bản, người nói không cần lúc nào cũng đề cập tới thời gian. Họ có thể thêm những từ như “đã” hay “ngày mai”, nhưng không có thì câu vẫn đúng.

Các nhà ngôn ngữ không quan tâm tới ngữ pháp “đúng”, bởi ngữ pháp thay đổi qua thời gian và theo địa phương. Nhờ nghiên cứu quy tắc ngữ pháp trong ngôn ngữ, chúng ta có thể hiểu sâu hơn về cách thức tâm trí hoạt động và cách truyền đạt ý niệm của bản thân cho đối phương.

Trong bài báo mới công bố trên Science Advances, một nhóm các nhà ngôn ngữ học quốc tế đã ra mắt một bộ dữ liệu quy mô lớn về ngữ pháp có tên là Grambank. Với cơ sở dữ liệu này, chúng ta có thể biết bao nhiêu sự đa dạng ngữ pháp sẽ mất đi nếu cuộc khủng hoảng không dừng lại.

Để đạt được mục tiêu trên, nhóm nghiên cứu đã nỗ lực trong nhiều năm. Họ đọc rất nhiều cuốn sách về quy tắc ngôn ngữ, nói chuyện với các chuyên gia và thành viên thuộc các cộng đồng ngôn ngữ cụ thể. Các ngôn ngữ khác nhau có thể có những điểm khác biệt lớn về ngữ pháp. Hơn nữa, mỗi người lại có cách mô tả quy tắc hoạt động khác nhau. Việc tìm hiểu biệt ngữ – chủ đề yêu thích của các nhà ngôn ngữ học, cũng là một nhiệm vụ đầy thách thức.

Trong Grambank, các nhà ngôn ngữ sử dụng 195 câu hỏi để so sánh hơn 2400 ngôn ngữ – gồm hai ngôn ngữ ký hiệu. Họ đã lập bản đồ thể hiện những kết quả thu được bằng cách sử dụng dùng kỹ thuật “phân tích thành phần chính”: chia 195 câu hỏi thành ba phương diện và đánh dấu trên bản đồ bằng màu đỏ, xanh lá và xanh dương.

Mỗi chấm tròn trong bản đồ đại diện cho một ngôn ngữ, màu sắc càng giống thì ngôn ngữ càng tương đồng. Khu vực nào có màu sắc tương tự nhau thì ngôn ngữ có sự liên quan, hoặc chúng vay mượn nhiều từ ngôn ngữ khác.

Thế nhưng, các ngôn ngữ bản địa trên thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nguy cấp do quá trình thuộc địa hóa và toàn cầu hóa. Mỗi ngôn ngữ mất đi sẽ ảnh hưởng nặng nề tới tình trạng sức khỏe của từng cá nhân và các cộng đồng bản địa do cắt đứt những mối ràng buộc với tổ tiên và tri thức truyền thống.

Bên cạnh sự mất mát của từng ngôn ngữ, các nhà ngôn ngữ còn muốn tìm hiểu về sự suy giảm tính đa dạng của ngữ pháp. Họ đã sử dụng thước đo đa dạng sinh thái để đánh giá tổn thất dự kiến khi các ngôn ngữ đứng trước nguy cơ biến mất. Họ phát hiện một số khu vực sẽ chịu thiệt hại nặng nề hơn các nơi khác.

Một số khu vực như Nam Mỹ và Úc có khả năng đánh mất toàn bộ sự đa dạng về ngôn ngữ, do tất cả ngôn ngữ bản địa nơi đây đều bị đe dọa. Ngay cả những khu vực tương đối an toàn như Thái Bình Dương, Đông Nam Á và châu Âu, tình trạng suy giảm vẫn lên tới 25%.

Nếu không có sự hỗ trợ hồi phục ngôn ngữ bền vững, nhiều người sẽ gặp nguy hiểm và cửa sổ ngôn ngữ chung để chúng ta nhìn vào lịch sử loài người, nhận thức và văn hóa sẽ trở nên vô cùng rời rạc.

Liên Hợp Quốc đã tuyên bố giai đoạn 2022–2032 là Thập niên ngôn ngữ bản địa. Trên toàn thế giới, các tổ chức cấp cơ sở bao gồm Trung tâm ngôn ngữ Ngukurr, Trung tâm ngôn ngữ Noongar Boodjar và Trung tâm giáo dục văn hóa Heiltsuk Canada đang hợp tác để giữ gìn và phục hồi ngôn ngữ.□

Phương Anh lược dịch

Nguồn: https://theconversation.com/research-on-2-400-languages-shows-nearly-half-the-worlds-language-diversity-is-at-risk-204014

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)