Nhà chọc trời – điềm báo khủng hoảng

Kinh nghiệm cho thấy, trong quá trình xây dựng hoặc vào thời điểm khánh thành tòa nhà cao kỷ lục thường xảy ra khủng hoảng tài chính và thị trường chứng khoán bị lao đao.

“Điềm gở” đối với các nhà đầu tư?

Năm 1908, ngay khi tòa nhà Singer cao 187m ở New York xây xong thì xảy ra hỗn loạn ngân hàng làm chỉ số Dow Jones tụt xuống tận đáy. Hai mươi năm sau, trong cuộc đua xây nhà chọc trời, từ năm 1928 đến 1931, người ta xây ở Manhattan ba tòa tháp cao lừng lững: Chrysler, Trump và Empire State. Cuộc chạy đua giành kỷ lục này cuối cùng lại báo hiệu cho “ngày thứ năm đen tối”, một đòn trời giáng vào phố Wall ngày 24/10/1929.

Mãi đến năm 1972, kỷ lục về chiều cao của tòa nhà Empire State mới bị Trung tâm thương mại thế giới (World Trade Center) ở New York vượt qua, và hai năm sau Sears Tower ở Chicago cũng vượt qua Empire State. Hai tòa nhà chọc trời này báo hiệu sự trì trệ tăng trưởng và lạm phát cao trong những năm 1970. Cũng vào thời điểm đó động lực kinh tế dịch chuyển ngày càng mạnh mẽ sang khu vực Viễn Đông.

Nhưng ngay cả ở khu vực Viễn Đông thì những tòa tháp cao cũng thường là những biểu tượng hai mặt: gần như mọi kỷ lục về độ cao đều đánh dấu một thấp điểm của nền kinh tế. Khi tòa tháp đôi Petronas ở Malaysia đang xây dựng thì năm 1997 xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Á. Tháp Đài Bắc (Taipei) 101 ở Đài Loan ra đời cùng thời gian với vụ nổ bong bóng Dotcom vào năm 2000. Tòa nhà chọc trời Burj Khalifa ở Dubai cũng là hiện thân của đầu cơ bất động sản thái quá dẫn đến nợ nần mà cho đến nay tiểu vương quốc này vẫn chưa khắc phục nổi.

Không lâu nữa, thành phố Changsha (ở tỉnh Hồ Nam) của Trung Quốc sẽ có một tòa tháp khổng lồ mang tên “thành phố trên trời”. Tòa nhà đang được hoàn thiện để đưa vào sử dụng vào đầu năm 2013 này có 220 tầng, đủ chỗ chứa hơn 17 nghìn người và cao 838m, hơn 10m so với tòa nhà Burj Khalifa. Giá của tòa “thành phố trên trời” này ước tính lên tới 1 tỷ USD. Liệu nó có phải là dấu hiệu cho thành công mới của các kiến trúc sư hay đây là biểu hiện của sự phiêu lưu cuồng vọng – báo trước quả bóng trên thị trường bất động sản ở Trung Quốc sắp nổ tung?

Giáo sư kinh tế tài chính Gunter Löffler của Đại học Ulm (Đức) cảnh báo: “Các nhà đầu tư nên coi dự án Thành phố trên trời là một dấu hiệu xấu”. Vì kinh nghiệm cho thấy, trong quá trình xây dựng hoặc vào thời điểm khánh thành tòa nhà cao kỷ lục thường xảy ra khủng hoảng tài chính và thị trường chứng khoán bị lao đao.

Chỉ có một ngoại lệ

Phải chăng những sự kiện trên chỉ là ngẫu nhiên? GS Löffler lần đầu tiên dùng phương pháp thống kê để nghiên cứu về mối liên hệ giữa xây dựng nhà chọc trời với thị trường tài chính ở Mỹ và thấy: so với các chỉ báo khác, các kỷ lục về nhà chọc trời là chỉ báo khá chính xác cho sự giảm sút sắp diễn ra như lợi tức lãi cổ phiếu. GS Löffler nói: “Trong ba năm đầu tiên sau khi tiến hành xây nhà chọc trời hứa hẹn kỷ lục mới về độ cao, thì lợi tức trên thị trường cổ phiếu giảm bình quân 7 điểm phần trăm so với các thời kỳ khác”. Tuy nhiên có một ngoại lệ, tòa nhà chọc trời Woolworth (New York) hoàn thành năm 1913 nhưng sau đó khủng hoảng tài chính không xảy ra.

Vậy tại sao những ngôi nhà chọc trời khổng lồ lại là một điềm báo khá chính xác về những cuộc khủng hoảng sắp diễn ra? Những công trình xây dựng này đòi hỏi khoản đầu tư khổng lồ. Ví dụ, tòa nhà Burj Khalifa ngốn khoảng 1,5 tỷ USD và ngay từ khi khởi công xây dựng đã có những lo ngại về khả năng thu hồi vốn. Những dự án liều lĩnh này thường được xúc tiến khi chủ dự án và các ngân hàng quá lạc quan về tương lai. Một thời gian ngắn trước khi kết thúc giai đoạn tăng trưởng thì các nhà đầu tư thường sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

Xuân Hoài dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)