Nhận diện hậu duệ của Leonardo da Vinci

Nỗ lực truy tìm những hậu duệ nam trực hệ của danh họa Leonardo da Vinci có thể giúp các nhà khoa học giải trình tự hệ gene của con người kiệt xuất này.


Danh họa Leonardo da Vinci

Như chúng ta đều biết, danh họa Leonardo da Vinci sinh ra vào tháng 4/1452 tại thị trấn Vinci vùng Tuscan, cách Florence 20 dặm, con của công chứng viên Ser Piero da Vinci và cô gái nông dân trẻ Caterina. Sau một cuộc đời lẫy lừng, ông qua đời ở tuổi 67 tại vùng thung lũng sông Loire, Amboise, miền trung nước Pháp vào tháng 5/1519, nơi ông sống và làm việc theo lời mời của vua Francis I. Ông không kết hôn và không có con cái. 

Có lẽ do đó, không có gì thu hút và hấp dẫn hơn để nghiên cứu về hệ gene của Leonardo da Vinci và truy tìm những manh mối về nguồn gốc sự xuất chúng của ông. Dĩ nhiên, di truyền không thể nói với chúng ta mọi thứ nhưng bất kỳ manh mối nào về da Vinci, dù ông đã qua đời gần 500 năm nhưng vẫn hết sức có giá trị. Hãy thử nghĩ xem, người ta có thể giải trình tự hệ gene của một vài cá nhân đã mất cách đây hàng thế kỷ? Một nhóm các nhà khoa học nghĩ rằng họ có thể làm được điều này.

Đó là câu chuyện của Alessandro Vezzosi và Agnese Sabato – hai nhà khoa học ở Tổ chức Di sản Leonardo Da Vinci và Bảo tàng Leonardo da Vinci ở Florence, Ý. Sau một thập kỷ đi tìm những manh mối về DNA của Leonardo da Vinci, họ đã tìm ra 14 người có mối liên hệ di truyền trực hệ với nhà danh họa Phục Hưng này. Qua công trình mới xuất bản của họ trên tạp chí Human Evolution (Pontecorboli Editore, Florence), họ đã kể cho mọi người biết một phần hành trình lần theo manh mối liên tục của dòng nam gia tộc da Vinci (sau là Vinci), từ cụ tổ Michele (sinh năm 1331) đến cháu trai Leonardo (thế hệ thứ sáu, sinh năm 1452) và cho đến ngày nay để cuối cùng phát hiện ra 14 hậu duệ còn sống ở ngày nay. Nói cách khác, Alessandro Vezzosi và Agnese Sabato đã tái cấu trúc cây phả hệ của gia đình da Vinci.

Những phát hiện này là nền tảng quan trọng để đóng góp vào dự án DNA Leonardo da Vinci, qua đó có thể hiểu về những khía cạnh còn chưa biết về con người đời thực và con người nghệ sĩ của danh họa, tìm ra một số điểm đặc biệt trong vô số tài năng của ông bằng những công nghệ mới trong lĩnh vực sinh học và di truyền học. 

Tái cấu trúc phả hệ da Vinci

Dù không kết hôn và không có con nối dõi nhưng ước tính Leonardo da Vinci có 22 người họ hàng cùng dòng máu, 17 người trong số này là từ phía cha. Năm 2016, chính Alessandro Vezzosi và cộng sự đã nhận diện được 35 người còn sống liên quan đến danh họa, trong đó có đạo diễn phim đạo diễn opera Franco Zeffirelli. 

Vào lúc đó, Vezzosi đã trao đổi với hãng thông tấn Ý ANSA là các hậu duệ này chủ yếu không phải trực hệ với danh họa vì đều từ dòng nữ. “Họ không phải là người có thể đem lại thông tin hữu ích về DNA của Leonardo và nói riêng về nhiễm sắc thể Y”, vốn được truyền trong dòng nam và hầu như không thay đổi trong vòng 25 đời.

Do đó trong nghiên cứu này, Vezzosi tập trung vào nghiên cứu dòng nam gia tộc da Vinci hoặc những người có nhiều đặc điểm đặc biệt hơn, chia sẻ nhiễm sắc thể Y với danh họa. 


Alessandro Vezzosi và Agnese Sabato cầm cây phả hệ của danh họa. 

Việc đi tìm một danh sách cụ thể những người có liên quan đến Leonardo theo tiêu chí này là một công việc phức tạp và tốn thời gian. Có lẽ, một trong những nguyên nhân khiến các nhà nghiên cứu phải “đi đường vòng” là họ không có nhiều manh mối về mặt di truyền của ông. Nơi chôn cất Leonardo ban đầu là  nhà nguyện Saint-Florentin tại lâu đài d’Amboise ở thung lũng sông Loire nhưng nơi này đã bị phá hủy trong cuộc cách mạng Pháp. Nắm xương tàn của Leonardo đã được đào khỏi mộ và dời đến chôn tại một nhà nguyện nhỏ hơn của lâu đài này là Saint-Hubert nhưng những gì chôn dưới đó cũng chỉ được giả định là thuộc về ông – cho đến nay thì người ta cũng không chắc chắn về điều này. 

Trong một nghiên cứu về hệ vi khuẩn trên các bức họa của Leonardo da Vinci của các nhà khoa học Ý công bố vào đầu năm nay thì người ta phát hiện ra cả DNA của người trên các tác phẩm đó. Chúng có thực sự thuộc về danh họa khi ông vẽ các kiệt tác này? Thật đáng tiếc là kể từ khi họa sĩ bậc thầy phác thảo chúng, đã rất nhiều bàn tay chạm vào những bức họa đó, có quá nhiều người làm như vậy trong vòng năm thế kỷ. Cho dù về mặt kỹ thuật thì một trong những người chạm vào bức họa chính là bản thân họa sĩ, người ta cũng không thể xác quyết vì không có đối chứng về DNA của ông trong bất kỳ cơ sở dữ liệu sinh học nào.

Để tiến hành nghiên cứu này, các nhà khoa học đã khai thác tài liệu ở nhiều khía cạnh, chủ yếu là từ các tài liệu lịch sử tin cậy trong các kho lưu trữ công và tư – không chỉ ở Tuscany, Ý mà còn ở Pháp và Tây Ban Nha – để tìm kiếm những hậu duệ sống sót của dòng nam trực hệ từ Ser Piero (thế hệ thứ năm) và con trai của ông là Domenico, anh trai của Leonardo (thế hệ thứ sáu), cho đến thế hệ thứ 21. 

“Giống như họ, tính di truyền của nam giới kết nối lịch sử của hồ sơ lưu trữ với lịch sử sinh học theo từng dòng họ riêng biệt”, các nhà nghiên cứu cho biết. Nhờ vậy, họ đã vẽ ra 37 hồ sơ với sự lựa chọn các dữ liệu về tiểu sử phù hợp nhất liên quan đến từng cá nhân – gồm các mốc thời gian quan trọng như ngày sinh, hôn nhân, con cái, nơi ở, ngày chết… Do châu Âu có một đặc điểm quan trọng là có những bộ hồ sơ ghi chép khá tỉ mỉ về việc thừa kế, chuyển giao tài sản của dòng họ nên các nhà nghiên cứu có cơ hội chạm vào những tư liệu với các thông tin chính xác, tỉ mỉ. Trong trường hợp này, họ có trong tay hồ sơ lập năm 1659 về Piero di Lorenzo di Domenico, thuộc thế hệ thứ tám, và các con trai của ông là Bartolomeo và Lorenzo, thuộc thế hệ thứ chín. Đó là cơ sở để họ lập ra một cơ sở dữ liệu mang tên “GeniaDaVinci”.

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra ông cụ tổ của danh họa là Michele da Vinci, sinh vào cuối thế kỷ 13 hoặc đầu thế kỷ 14, không rõ nghề nghiệp (danh họa là đời thứ sáu). Đến nay, dòng họ đã tồn tại qua 690 năm, 21 thế hệ với năm chi. Cho đến đời thứ 16, dòng họ da Vinci đã có nhiều thành viên đóng vai trò quan trọng trong đời sống dân sự với các mối quan hệ xã hội vươn xa khỏi nước Ý. Sự mở rộng gia đình đã làm tài sản của công chứng viên Ser Piero – cha của danh họa, bị phân tán đáng kể (chủ yếu là bất động sản) do phân chia cho chín người con còn sống của ông. Theo thời gian, họ của danh họa da Vinci đã rơi mất chữ ‘da’ và hậu duệ của ông chỉ còn đơn giản mang họ Vinci. 

Hiện tại có tới 14 hậu duệ của danh họa còn sống. “Họ có độ tuổi từ 1 đến 85, họ không sống ở nơi phát tích của tổ tiên nhưng ở các khu vực lân cận như Versilia (bên cạnh bờ biển Tuscan) với đa dạng ngành nghề như tu sĩ, thanh tra, thợ thủ công”, Vezzosi nói với ANSA. Trong số những người này, một số vẫn mang họ Vinci và chỉ có duy nhất một người biết về mối liên hệ họ hàng của mình với danh họa. 

Một người trong số họ là Geovanni Vinci, một nghệ sĩ 62 tuổi thậm chí còn không nghĩ mình “có điểm chung nào với Leonardo”, hài hước cho biết ‘tôi hi vọng là ông ấy có thể tự hào về một số tác phẩm của tôi”. Một hậu duệ khác là Milko Vinci, 44 tuổi, cảm thấy “vinh dự và vô cùng tự hào” khi biết tin nhưng sau đó cảm thấy choáng ngợp. Anh nói, “Đơn giản là không ai có thể so sánh với Leonardo về tài năng, sự khéo léo, trực giác và nghệ thuật”. Trước câu hỏi muốn biết gì thêm về con người thiên tài này, anh cho biết “tôi chỉ muốn tìm hiểu điều gì đã khơi mào cho sự khao khát vô bờ của ông ấy đối với kiến thức, sự tìm kiếm hiểu biết không ngừng nghỉ thông qua nghệ thuật và kỹ thuật, và hơn hết là muốn biết ông ấy nghĩ gì khi đặt con người vào trung tâm của vũ trụ”. 

Đi tìm những câu hỏi mới 

Những thông tin thu thập về hậu duệ còn sống của Leonardo da Vinci được các nhà nghiên cứu hi vọng lập được bản đồ phả hệ mở rộng về những người họ hàng của da Vinci để tái tạo lại bộ gene của ông. Nếu thành công, nó sẽ trao cho các học giả cơ hội “khám phá về nguồn gốc của thiên tài” và xem liệu một số điểm riêng biệt về thể chất của ông như thuận tay trái và cảm giác kèm (synesthesia) – một loại điều kiện thần kinh trong đó điều kích thích một giác quan ở một cá nhân sẽ đồng thời kích thích hầu hết các giác quan khác của người đó, có bắt nguồn từ mã di truyền không. Mặt khác, bằng chứng di truyền cũng có thể giúp họ xác định là liệu hài cốt được chôn cất ở Amboise, Pháp, có thực sự thuộc về Leonardo hay không.

Điều thú vị là việc khôi phục và xác nhận nhiễm sắc thể Y của Leonardo có thể tiết lộ những hiểu biết mới về nguồn gốc địa lý, sức khỏe di truyền của gia đình ông và thậm chí có thể là sự hiện diện của cảm giác kèm. Về mặt lý thuyết thì dữ liệu sinh học của Da Vinci cũng có thể giúp xác minh tính xác thực của các tác phẩm nghệ thuật của ông. Đây là một điều rất quan trọng bởi hiện có khá nhiều bức họa được hồ nghi là của danh họa. “Hoàn toàn có thể sử dụng bằng chứng DNA để xác thực quyền tác giả. Chúng tôi cảm thấy thú vị với việc hình thức bằng chứng mới có thể được sử dụng để tạo những mối liên hệ giữa các tác phẩm vẫn còn vô danh hoặc gây tranh cãi với các chỉ thị nhận diện thực sự”, Jesse Ausubel, phó chủ tịch của Quỹ Richard Lounsbery, nơi tài trợ cho sáng kiến dự án DNA của Leonardo da Vinci, nói.

Cùng thời điểm mà các nhà sử học công bố việc nhận diện các hậu duệ còn sống của Leonardo, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng về giải trình tự hệ gene của danh họa. Do các nhà khoa học của Viện J. Craig Venter, California, dẫn dắt, dự án DNA của Leonardo da Vinci đã tiến hành tìm hiểu lại các bức tranh, sổ ghi chép và bản vẽ để tìm dấu vết của DNA. “Nếu giải trình tự DNA được lấy từ công trình của Leonardo thì chúng ta có thể so sánh vật liệu di truyền này với thông tin di truyền từ hầm mộ”, Jesse Ausubel trả lời Telegraph. 

Việc tái cấu trúc DNA của da Vinci có thể đem lại những manh mối mới về tầm nhìn và thị lực của ông. “Leonardo có một sự sắc sảo lạ thường trong tầm nhìn, cả về không gian và thời gian. Nếu khuếch đại các bức vẽ của ông lên 10 lần, 20 lần, thậm chí 50 lần, kể cả những bức cực nhỏ cũng vậy, anh vẫn thấy   chúng hoàn hảo. Vì độ phân giải không gian của chúng mà ông đã sắp đặt bằng thị lực mình thật dị thường. Ông ấy còn thấy cả chim đang bay trên trời, nhìn thấy những con chuồn chuồn liệng cánh, thấy cả chuyển động của nước… Phần lớn chúng ta không thể có được năng lực ấy”, Ausubel nói với cbc.ca và hi vọng sẽ tìm thấy phần nào câu trả lời từ việc tìm hiểu DNA của 14 hậu duệ danh họa. 

“Dưới ánh sáng của những câu chuyện cá nhân đầy phong phú mà chúng tôi có được từ nhiều nguồn, ví dụ như Quỹ Di sản Leonardo Da Vinci, chúng tôi đã quyết định xếp chúng vào một dự án tương lai, nơi các vi lịch sử của những hạt nhân khác nhau có thể ghép lại thành những mảnh ghép lớn hơn về bảng phả hệ của Vincis. Một mục tiêu quan trọng khác là có thể bảo vệ những di sản mà danh họa để lại trước khi chúng tiêu tan vào quên lãng”, hai nhà sử học Alessandro Vezzosi và Agnese Sabato viết như vậy trong công bố của mình.□

Tô Vân tổng hợp
Nguồn: 
https://gizmodo.com/revised-family-tree-identifies-14-living-relatives-of-l-1847237676
https://www.theguardian.com/artanddesign/2021/jul/06/leonardo-da-vinci-project-finds-14-living-male-descendants
https://www.standard.co.uk/news/world/leornardo-da-vinci-relatives-italy-trace-study-b944424.html

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)