Nhịn ăn có thể chữa bệnh cao huyết áp và tiểu đường
Thông thường, chỉ có bệnh nhân nặng mới tìm đến Andreas Michalsen, bác sĩ trưởng tại một phòng khám chữa bệnh tự nhiên dựa vào việc nhịn ăn. Nhưng phương pháp này không chỉ được khuyến khích cho những người bị bệnh.
Tại bệnh viện Immanuel ở Berlin, bác sĩ Andreas Michalsen đang điều trị cho những người gặp vấn đề về trao đổi chất như tiểu đường, béo phì, gan nhiễm mỡ và huyết áp cao hoặc các bệnh viêm nhiễm như thấp khớp, bệnh chất tạo keo (collagenosis) và bệnh đa xơ cứng. Đây là những bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc thông thường và thử nghiệm nhiều phương pháp song không hiệu quả.
Sau đây là cuộc trao đổi giữa phóng viên của tờ WELT với bác sĩ Andreas Michalsen về tác dụng của nhịn ăn đối với các bệnh nhân này.
WELT: Nhịn ăn tác động như thế nào đến các bệnh nhân, thưa bác sỹ?
Andreas Michalsen: Sự cải thiện thường diễn ra nhanh chóng đến bất ngờ. Ví dụ, phá vỡ vòng luẩn quẩn của việc sử dụng insulin và tăng cân ở bệnh nhân tiểu đường. Gan nhiễm mỡ thường cải thiện chỉ sau vài ngày. Gần đây tôi đã gặp một bệnh nhân tiểu đường bị rối loạn dây thần kinh gây đau đớn nghiêm trọng ở chân khiến bệnh nhân đi lại rất khó khăn. Chỉ sau một tuần nhịn ăn, bệnh nhân có thể đi lại tốt hơn nhiều. Mới hôm qua tôi có một bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp nặng. Người bệnh phản ứng với những tác dụng phụ nghiêm trọng nhất đối với cả thuốc cơ bản và sinh học mới, vì vậy chỉ có thể điều trị bằng cortisone và thuốc giảm đau. Khi nhập viện, đầu gối của bệnh nhân sưng tấy và phải chống gậy. Nhưng hôm qua, vào ngày nhịn ăn thứ sáu, mọi thứ đã ổn thỏa, cô ấy có thể đi lại mà không còn đau, điều đó gần giống như một phép màu. Nhưng sau đó tôi đã nói chuyện nghiêm túc với bệnh nhân về chế độ ăn uống trong tương lai. Tất nhiên, nhịn ăn không phải là giải pháp lâu dài.
WELT: Hiệu quả kéo dài được bao lâu?
Michalsen: Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào những gì họ ăn uống sau đó. Bạn có thể tăng cường hiệu quả nhịn ăn trong sáu đến mười hai tháng nếu giảm đáng kể tiêu thụ protein động vật và đường. Ai nhịn ăn trong hai tuần nhưng sau đó lại ăn món xúc xích cà ri hai tuần liền thì tất nhiên sẽ không có bất kỳ tác động lâu dài nào.
WELT: Có trường hợp nào không như ý muốn không?
Michalsen: Tất nhiên tỷ lệ thành công không phải là 100%. Kết quả tốt nhất thường thấy ở những người bị cao huyết áp và bệnh tiểu đường, thậm chí nhịn ăn có thể chữa lành các bệnh này. Khoảng 2/3 số bệnh nhân đáp ứng với bệnh thấp khớp. Với bệnh đa xơ cứng thì có phần khó khăn hơn. Trong một số trường hợp hiếm hoi, người bệnh không thể nhịn ăn nổi thì bên cạnh bệnh tình, họ còn cảm thấy thất vọng. Với một số người, thường là những người rất gầy gò, nhịn ăn không phát huy tác dụng. Nếu đến ngày thứ 4 hoặc thứ 5, bệnh nhân thấy ngày càng mệt mỏi, kiệt sức và cảm thấy đói thì tốt hơn là nên dừng lại.
WELT: Tác động phụ không mong muốn phổ biến nhất khi nhịn ăn là gì?
Michalsen: Tất nhiên có hiện tượng cảm thấy đói cồn cào, một số người bị đau đầu. Thường thì sau một vài ngày hiện tượng đau đầu sẽ biến mất.
WELT: Hiện đã có ý kiến cho rằng có thể nhịn ăn để hỗ trợ chữa trị ung thư hiệu quả hơn. Bác sĩ nghĩ như thế nào về điều này?
Michalsen: Khả năng này hiện đang được khám phá. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy nhịn ăn có thể giúp hóa trị dung nạp tốt hơn và nhịn ăn thậm chí còn có tác dụng đối với bệnh ung thư. Nhưng phải rất cẩn thận, kết quả từ các thí nghiệm trên động vật không phải lúc nào cũng ngoại suy được. Trong một nghiên cứu thí điểm nhỏ, chúng tôi đã chứng minh nếu bệnh nhân nhịn ăn trong 36 hoặc 24 giờ trước và sau hóa trị, tình trạng kiệt sức do hóa trị đã giảm và chất lượng cuộc sống được cải thiện. Nhưng vẫn còn quá sớm để áp dụng rộng rãi biện pháp điều trị này.
WELT: Bản thân ông cũng thường xuyên nhịn ăn. Tại sao một người khỏe mạnh lại cần làm điều đó?
Michalsen: Ngoài khía cạnh tích cực đối với sức khỏe, nhịn ăn có thể là một sự điều chỉnh trong xã hội tiêu dùng của chúng ta. Qua đó, người ta có thể cảm nhận cảm giác đói là như thế nào. Nhịn ăn đang bùng nổ ở bất cứ nơi nào có sự dư thừa, ví dụ như ở Trung Quốc.
WELT: Người ta có phải đến phòng khám để nhịn ăn hay có thể tự nhịn ăn ở nhà một mình?
Michalsen: Ai bị bệnh và dùng thuốc thì nên nhịn ăn dưới sự giám sát y tế. Nhiều loại thuốc như thuốc hạ huyết áp, thuốc chống đông máu hay thuốc trị tiểu đường có thể thay đổi tác dụng khi nhịn ăn. Ai khỏe mạnh có thể tự mình thử. Nhưng nên nhịn ăn theo một nhóm nhất định, kết quả sẽ tốt hơn do sự động viên, khích lệ lẫn nhau. Tiện đây xin nói, nhịn ăn cũng giống như thể thao: Người ta có thể luyện tập nhịn ăn.
Xuân Hoài dịch