Nhìn Đổi mới sáng tạo từ Hàn Quốc và Singapore

Ngày 16/5 tới đây sẽ diễn ra diễn đàn quốc tế về đổi mới sáng tạo tại TP.HCM. Là một trong những diễn giả của diễn đàn, TS Giáp Văn Dương đã có những chia sẻ về đổi mới sáng tạo mà chúng tôi xin tóm lược dưới đây.

Theo TS Giáp Văn Dương, hiện nay thuật ngữ “Đổi mới – Sáng tạo” gần như là câu cửa miệng của nhiều doanh nhân và nhà làm chính sách. Kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản buộc họ phải xây dựng chiến lược phát triển bền vững dựa trên sự đổi mới công nghệ và quản trị.

Một trong những cách này là tìm trong kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt ở những nước tương đồng về văn hóa và xuất phát điểm với Việt Nam, như Hàn Quốc và Singapore, để học hỏi kinh nghiệm.

Ba bài học từ Hàn Quốc

Hàn Quốc có một sự tương đồng khá lớn với Việt Nam khoảng 50 năm về trước, thậm chí nhiều mặt kém Việt Nam. Hàn Quốc đã thực hiện một cuộc cách mạng công nghệ và quản trị để chấn hưng đất nước. Trọng tâm của cuộc cách mạng này là đổi mới sáng tạo ở mọi cấp bậc.

Điển hình là sự thành lập viện Nghiên cứu khoa học và Công nghệ (KIST) năm 1966. Các nghiên cứu của KIST được triển khai theo hướng hợp đồng, để kết quả nghiên cứu có thể ngay lập tức được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh. Các nhà nghiên cứu của KIST đã chủ động đi tìm khách hàng thay vì ngồi chờ doanh nghiệp tìm đến.

KIST được miễn kiểm toán và hoạt động hàng năm của KIST không cần chính phủ phê duyệt. Một dự luật đặc biệt dành cho KIST cũng được thông qua, nhằm bảo đảm cho các nhà nghiên cứu tránh khỏi những rắc rối không cần thiết. Ngân sách của viện KIST cũng được đảm bảo trực tiếp từ tổng thống Park Chung-hee. Hệ thống hành chính được xây dựng theo hướng hỗ trợ mọi mặt cho nghiên cứu, thay vì can thiệp trực tiếp vào nghiên cứu.

Các học viên sau đại học hoặc nghiên cứu sinh thường ra công ty để thực tập. Mối liên kết tự nhiên giữa trường viện và doanh nghiệp được hình thành và củng cố, trước hết phục vụ nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp, sau đó là phục vụ việc đào tạo của nhà trường.

Ở Hàn Quốc, theo TS Dương cần học ba bài học lớn. Thứ nhất là chọn người có đức có tài, tin tưởng họ và giao cho họ toàn quyền tự chủ trong các hoạt động khoa học công nghệ, hướng đến mục tiêu lớn là chấn hưng đất nước. Thứ hai là bắt tay với cộng đồng doanh nghiệp ngay từ khi khởi động các nghiên cứu. Tốt nhất là nghiên cứu theo các đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Bài học thứ ba là các nhà nghiên cứu cần chủ động đi tìm các doanh nghiệp để giải các bài toán thực tế mà doanh nghiệp đang gặp phải.

Ngày nay, hệ thống xây dựng và đánh giá chính sách khoa học công nghệ (KHCN) của Hàn Quốc đã phát triển rất nhiều so với thời KIST mới được thành lập. Chẳng hạn, Viện đánh giá và quy hoạch KH&CN Hàn Quốc (KISTEP) đang đóng vai trò Think-Tank đối trong việc xây dựng các chính sách KH&CN của Hàn Quốc, đặc biệt trong việc hoạch định, dự báo, đánh giá và điều phối các chính sách.

Mô hình hồ chứa nước tại đập Marina của Singapore. Singapore còn chủ trương thu giữ nước mưa để phục vụ nhu cầu nước cho người dân. Ảnh: Tuổi Trẻ

Kinh nghiệm từ Singapore

Một trong những ấn tượng lớn nhất của tôi khi đến làm việc ở đây mấy năm về trước, là người Singapore, từ trên xuống dưới, ý thực một điều rất rõ: Singapore là nước nhỏ, không có tài nguyên, nên chỉ có thể phát triển nhờ nguồn lực con người. Vì thế, họ đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và phát triển khoa học, công nghệ. Chẳng hạn, chiến lược KH-CN hiện thời của Singapore (2015) nêu rõ: Cùng với tri thức, đối mới sáng tạo là hai động lực đảm bảo cho Singapore phát triển bền vững.

Còn nhớ khi mới đến Đại học Quốc gia Singapore (NUS), khẩu hiệu làm tôi giật mình là “NUS: Doanh nghiệp tri thức “(NUS: Knowledge Enterprise). Tức là trường đại học đã tự nâng mình lên trở thành một doanh nghiệp với mặt hàng chủ đạo là tri thức để bán cho cộng đồng.

Chẳng hạn, trong khuôn viên của Đại học Quốc gia Singapore, có một viện chuyên sâu về lưu trữ dữ liệu nhằm phục vụ ngành công nghiệp sản xuất ổ cứng máy tính. Những viện như thế là cầu nối trực tiếp để triển khai các nghiên cứu công nghiệp. Các trường đại học và viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về đổi mới sáng tạo, để truyền thông, gợi mở và nuôi dưỡng tinh thần đổi mới sáng tạo đến từng nhân viên của mình.

Singapore có hệ thống viện nghiên cứu trực thuộc cơ quan phát triển Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu của Singapore. Cơ quan này được thành lập năm 1991 để thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ, đồng thời thu hút tài năng nước ngoài đến làm việc tại Singapore, với ưu đãi về thu nhập, nhằm phát triển nền kinh tế tri thức của Singapore.

Ở Singapore doanh nghiệp được tham gia vào các nghiên cứu từ khâu đầu tiên và theo sát trong quá trình nghiên cứu, nhất là phần đánh giá, nghiệm thu kết quả. Có như thế, họ mới đủ tin tưởng để triển khai các kết quả này ra thực tiễn kinh doanh. Nổi bật nhất là phát triển các nghiên cứu về xử lý nước. Ngày nay, công  nghệ xử lý nước của Singapore được coi là dẫn đầu thế giới.

Cũng vì thế, năng lực đổi mới sáng tạo của Singapore đạt mức rất cao trong bảng xếp hạng toàn cầu. Theo Blooomberg, Singapre hiện đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2014, đạt mức 86,07/100 điểm.

 

Tìm địa điểm Trường
Gọi trực tiếp
Chat Facebook
Chat Zalo

[flipbook id="1"]