Những bài học đau đớn từ Hy Lạp

"Trông người lại nghĩ đến ta, thử sờ lên gáy xem xa hay gần", Hy Lạp tuy xa cách về địa lý nhưng bài học khủng hoảng Hy Lạp lại rất gần đối với Việt Nam.

Với kết quả trên 61% cử tri bỏ phiếu chống lại các biện pháp khắc khổ của các chủ nợ ngày 5/7/2015, cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp bước sang giai đoạn quyết liệt. Chính phủ Hy Lạp đã đóng cửa các ngân hàng để ngăn cản người dân ồ ạt rút tiền ra khỏi ngân hàng, mỗi người dân mỗi ngày chỉ được rút ở các máy ATM 60 Euro để sống qua ngày, nền kinh tế Hy Lạp ngưng trệ, xuất-nhập khẩu không thanh toán được. Một bi kịch kinh tế-xã hội đang diễn ra trên đời sống thực.
Tại sao một nền kinh tế phát triển, có GDP bình quân đầu người lên đến 21.653$, thành viên Liên minh Châu Âu, sử dụng đồng tiền chung Euro lại lâm vào tình trạng khốn quẫn, không thể trả được khoản nợ 1,6 tỷ Euro tới hạn đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế và khốn đốn với tổng số nợ lên đến  280 tỷ Euro?

Để tham gia vào khu vực đồng tiền chung Châu Âu Eurozone năm 2000 với tư cách là thành viên sáng lập, Hy Lạp đã báo cáo thâm hụt ngân sách của họ chỉ là 1,5% để đáp ứng yêu cầu gia nhập đồng tiền khu vực này là bội chi ngân sách phải dưới 3% GDP. Khi Chính phủ mới lên cầm quyền tháng 3/2004, Hy Lạp đã gây choáng khi công bố thâm hụt ngân sách thực của họ là 8,3% và năm 2009 thâm hụt ngân sách lên đến 13%, xếp hạng tín dụng của Hy Lạp đã nhanh chóng bị Fitch cho tụt từ A- xuống BBB+ chỉ sau hai tháng khi số liệu này được công bố.

Việc Hy Lạp xào nấu số liệu và gian lận sổ sách “một cách sáng tạo” đã được các chuyên gia báo động nhưng những người cầm quyền của Liên minh Châu Âu đã cố ý phớt lờ những cảnh báo này để đạt được thành tích về số nước tham gia khu vực đồng tiền chung Châu Âu. Cũng phải nói, một số tập đoàn tài chính đã giúp Chính phủ Hy Lạp che giấu số nợ thực của họ bằng công cụ “swap”- hoán đổi- tức tạm thời chuyển nợ sang một công ty tài chính khác để giảm số nợ thực trên sổ sách của mình 1. (Tập đoàn Goldman-Sachs có thể phải ra toàn án vì đã giúp Hy Lạp che giấu nợ khi gia nhập đồng tiền chung Châu Âu).

Không dừng lại trước nguy cơ được cảnh báo, Chính phủ Hy Lạp đã cam kết đăng cai Olympic 2004, nhằm đưa cuộc thi thể thao này trở về với quê hương đích thực của nó, khơi dậy niềm tự hào về nền văn minh cổ đại của dân tộc mình. Đầu tư vào các công trình Olympic lại là miếng mồi béo bở cho các quan tham và các nhà thầu, Chính phủ Hy Lạp dự toán lên đến 11 tỷ USD không ngần ngại vay thêm, chi phí thực tế cho Olympic Athens được coi là tốn kém nhất trong lịch sử Olympic cho đến bấy giờ. Chỉ vài ngày sau lễ bế mạc, chính quyền Athens đã báo cáo nợ công đã lên tới 168 tỉ Euro, trong đó chi phí tổ chức Thế vận hội chiếm đến 5,3% con số thâm hụt này. Nhiều công trình được đầu tư tốn kém đã trở thành phế tích hoang tàn, gây lãng phí rất lớn cho nền kinh tế đã ốm yếu này. Cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu 2008 đã đẩy kinh tế Hy Lạp tiếp tục xuống dốc, du lịch giảm sút mạnh, công nghiệp đóng tàu sa sút, xuất khẩu nông sản tụt dốc, nhập siêu tăng, chính phủ tiếp tục vay nợ để bù bội chi ngân sách. Nợ công của Hy Lạp đã lên đến 355 tỷ Euro năm 2011, bằng 170% GDP.

Trên: Tỉ lệ nợ công/GDP của Hy Lạp và Châu Âu. Dưới: Tỉ lệ thâm hụt ngân sách/GDP của Hy Lạp và Châu Âu

Không khó khăn để chẩn bệnh nền kinh tế Hy Lạp, một nền kinh tế có năng lực cạnh tranh thấp, năng suất lao động kém với chi phí tiền lương quá cao, trong khi bộ máy quá cồng kềnh, nhiều người chỉ ghi tên để nhận lương, tham nhũng và chủ nghĩa tư bản thân hữu tràn lan, doanh nghiệp và người dân Hy Lạp nổi tiếng về trốn và lậu thuế trong Liên Minh Châu Âu. Ngay trong Chính phủ hiện nay của Hy Lạp do Đảng Xã hội Dân chủ cầm quyền còn đầy rẫy những ví dụ không thể biện bạch được như ông em họ của Thủ tướng Alexis Tsipras là Giorgos Tsipras được bổ nhiệm làm Tổng Vụ trưởng về kinh tế quốc tế trong Bộ Ngoại giao, bà Bộ trưởng Bộ Du lịch đã bổ nhiệm em ruột mình làm cố vấn trong bộ của chính bà v.v. Bà Chủ tịch Nghị viện Zoe Konstantinpoulou, 39 tuổi, thừa nhận rằng mẹ bà vẫn nhận tiền chăm nuôi bà ta cho đến năm 2013 v.v 2. Hy Lạp xếp thứ 69 trên 175 nền kinh tế trong xếp hạng về Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) do tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố năm 2014. Tổ chức này đánh giá khoảng 120 tỷ Euro đã được chi ra cho đút lót và trốn thuế ở Hy Lạp từ 2000 đến 2010. Hy Lạp xếp thứ 90 trong xếp hạng về Năng lực Cạnh tranh toàn cầu năm 2014-2015 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố 3. Đó là những xếp hạng thấp kỳ lạ cho một nền kinh tế được xếp vào nền kinh tế phát triển. Với sự lao dốc của nền kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp ở Hy Lạp đã lên đến trên 25%, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên lến đến 49,7%. Chi tiêu để nuôi bộ máy của Chính phủ tăng nhanh trong khi nguồn thu ngày càng cạn kiệt, từ 2001 đến 2007, chi tiêu chính phủ đã tăng 87% trong khi thu ngân sách chỉ tăng 31%, dẫn đến Chính phủ Hy Lạp phải vay để chi trả nuôi bộ máy quá cồng kềnh, một kịch bản không có lối thoát.

Cũng dễ hiểu, với một bộ máy chỉ đem lại lợi ích cho những người thân quen như vậy thì người dân Hy Lạp không sẵn sàng nộp thuế chút nào.

Để duy trì mức sống và phúc lợi cao hơn thực lực nền kinh tế Hy Lạp đã không ngừng vay nợ để trang trải nhập siêu. Kết cục cuối cùng của kịch bản này là Hy Lạp không thể trả được nợ và phải xin Cộng đồng Châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cứu trợ khẩn cấp từ năm 2010.

Chính phủ Hy Lạp chịu trách nhiệm chính nhưng các nước Liên minh Châu Âu cũng có phần trách nhiệm dẫn đến bi kịch này. Họ đã nhắm mắt trước những yếu kém của Hy Lạp, đưa Hy Lạp vào thành viên sử dụng đồng tiền Euro mạnh, lãi suất thấp và sẵn sàng đổ tiền cho vay rất nhiều lần mà không đạt được tiến bộ thực chất nào. Chính phủ Hy Lạp vào Liên minh Châu Âu bị bó tay, không còn đồng tiền riêng Drachme để phá giá, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trước khi lấn sâu vào nợ nần. Liên minh Châu Âu có đồng tiền chung nhưng không kiểm soát được chi tiêu ngân sách của Hy Lạp tiếp tục bội chi, tham nhũng, lãng phí.

Bài học nào cho Việt Nam

“Trông người lại nghĩ đến ta, thử sờ lên gáy xem xa hay gần”, Hy Lạp tuy xa cách về địa lý nhưng bài học khủng hoảng Hy Lạp lại rất gần đối với Việt Nam. Việt Nam cũng đang lâm vào bội chi ngân sách, nợ công tăng nhanh, chi thường xuyên của Chính phủ đã lên đến 71% tổng chi ngân sách, chi trả nợ công lên đến 32% tổng chi ngân sách, toàn bộ vốn đầu tư phải trông cậy vào vay nợ trong nước và ngoài nước. Bộ máy quá cồng kềnh, trùng lắp, thiếu trách nhiệm giải trình, không công khai minh bạch, chi tiêu lãng phí, đầu tư công kém hiệu quả đã được Quốc hội mổ xẻ nhiều lần nhưng chưa có chuyển biến rõ rệt. Đầu tư công tràn lan, kém hiệu quả là miếng đất màu mỡ cho tham nhũng và lãng phí. Lợi ích nhóm tràn lan, chi phối cả hoạch định chính sách lẫn quyết định đầu tư 4. Tình trạng bổ nhiệm con cháu vào các chức vụ béo bở trong bộ máy dưới quyền của mình diễn ra phổ biến làm giảm chất lượng bộ máy. Bệnh thành tích, thổi phồng tốc độ tăng trưởng, che giấu yếu kém đã được đề cập nhiều lần. Năm 2016 bắt đầu thực hiện những cam kết quốc tế mới, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã ký kết sẽ có hiệu lực, nền kinh tế đứng trước những cơ hội mới và nhiều thách thức gay gắt. Hơn bao giờ hết, Việt Nam cần “nhìn thẳng vào sự thật, làm rõ sự thật, nói đúng sự thật”, cải cách thể chế, ngăn chặn tham nhũng, lợi ích nhóm tiêu cực để tránh vết xe đổ của Hy Lạp là hết sức cần thiết. 

Chính phủ Hy Lạp chịu trách nhiệm chính nhưng các nước Liên minh Châu Âu cũng có phần trách nhiệm dẫn đến bi kịch này. Họ đã nhắm mắt trước những yếu kém của Hy Lạp, đưa Hy Lạp vào thành viên sử dụng đồng tiền Euro mạnh, lãi suất thấp và sẵn sàng đổ tiền cho vay rất nhiều lần mà không đạt được tiến bộ thực chất nào… Liên minh Châu Âu có đồng tiền chung nhưng không kiểm soát được chi tiêu ngân sách của Hy Lạp tiếp tục bội chi, tham nhũng, lãng phí.

Chú thích:

1. Goldman-Sachs bị quy kết là đã giúp Chính phủ Hy Lạp hoán đổi các khoản vay từ đồng USD và Yen sang đồng Euro với mức tỷ giá lịch sử (historical exchange rate) thấp, khiến giá trị khoản vay trên sổ sách thấp hơn giá trị thực, theo đó dư nợ trên sổ sách của Hy Lạp giảm đi 2%, nhưng đổi lại Hy Lạp phải trả cho họ mức phí hậu hĩnh – Goldman cũng bị coi là đã thuyết phục Chính phủ Hy Lạp không khảo giá các tập đoàn tài chính của đối thủ khác. Thủ thuật giảm dư nợ trên sổ sách này trước đây khá phổ biến với các quốc gia nhỏ tìm cách gia nhập EU, nhưng bị Cơ quan thống kê kinh tế EU (Eurostat) nghiêm cấm từ 2008. Eurostat khẳng định Hy Lạp đã không báo cáo về các giao dịch nêu trên năm 2008, khi các quốc gia trong EU bị yêu cầu báo cáo lại số liệu sổ sách.

http://www.independent.co.uk/news/world/europe/greek-debt-crisis-goldman-sachs-could-be-sued-for-helping-country-hide-debts-when-it-joined-euro-10381926.html

2.http://www.spiegel.de/politik/ausland/griechenland-tsipras-ist-nicht-links-kommentar-a-1042561.html 

3.http://www3.weforum.org/docs/WEF_GCR_Report_2011-12.pdf, Việt Nam xếp thứ 65 trên 142 nền kinh tế, cao hơn Hy Lạp (WEF, GCI 20014-2015).

4.http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150602/nhan-dien-va-ngan-chan-loi-ich-nhom-ky-1-dang-bao-dong/755463.html

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)