Những giải pháp giúp phục hồi nguồn nước ngầm

Nước ngầm là nguồn tài nguyên có thể tái tạo; song có thể mất hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để một số tầng ngậm nước phục hồi sau khi cạn kiệt.

Nước ngầm là nguồn tài nguyên có thể tái tạo; song có thể mất hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để một số tầng ngậm nước phục hồi sau khi cạn kiệt.

Những gì các nhà khoa học nắm được về giai đoạn phục hồi này chủ yếu dựa vào những tính toán về mực nước trong giếng tại một số địa điểm nhất định. 

Trong một nghiên cứu mới, nhóm các nhà khoa học dữ liệu, chuyên gia về nước và chuyên gia chính sách thuộc Đại học California, Santa Barbara, Đại học Cao đẳng London đã biên soạn bộ dữ liệu quy mô toàn cầu đầu tiên về quá trình phục hồi của nước ngầm. “Chúng tôi đã phân tích hàng triệu số liệu tính toán về mực nước ngầm tại 170.000 giếng ở hơn 40 quốc gia và lập bản đồ mực nước ngầm thay đổi như thế nào theo thời gian”, nhóm nghiên cứu cho biết. 

Nghiên cứu này đưa ra hai phát hiện chính: Đầu tiên, các tác giả khẳng định tình trạng cạn kiệt nước ngầm nhanh chóng đang diễn ra trên khắp thế giới và tốc độ suy giảm đã tăng nhanh trong những thập kỷ gần đây, với mực nước ở một số địa điểm giảm từ 50cm trở lên mỗi năm. Tuy nhiên, phát hiện thứ hai của họ lại khá khả quan – một số biện pháp phù hợp đã giúp ngăn chặn tình trạng cạn kiệt nước ngầm. Những kết quả này cho thấy rằng các cộng đồng trên toàn thế giới đang phải đối diện với bài toán cạn kiệt nguồn cung cấp nước ngầm; nhưng nếu có sự can thiệp kịp thời, nguồn tài nguyên quan trọng này có thể được phục hồi.

Mực nước ngầm bị chi phối bởi nhiều yếu tố như địa chất, khí hậu và hoạt động sử dụng đất. Tuy nhiên, hiện tượng mực nước ngầm ngày càng giảm sâu hơn ở một vị trí cụ thể thường báo hiệu rằng con người đang bơm nước ra nhanh hơn mức tự nhiên có thể bổ sung.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy mực nước ngầm ở nhiều nơi đã giảm mạnh kể từ năm 2000 – đặc biệt là ở những khu vực khô cằn được canh tác và tưới tiêu nhiều như Afghanistan, Chile, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Mexico, Maroc, Ả Rập Saudi, Tây Ban Nha và Tây Nam Hoa Kỳ và đã tìm thấy những nơi mực nước ngầm đang phục hồi. Cộng đồng ở những khu vực này đã áp dụng một số chiến lược hiệu quả để bổ sung nguồn nước ngầm, chẳng hạn phát triển nguồn cung cấp nước thay thế như các con sông địa phương, ban hành chính sách giảm nhu cầu sử dụng nước ngầm, chủ động bổ sung nước mặt cho tầng ngậm nước.

Tại El Dorado, Arkansas, nhóm nghiên cứu ghi nhận ​​mực nước ngầm giảm khoảng 60 mét từ năm 1940 đến năm 2000 kể từ khi các nhà máy công nghiệp địa phương bơm nước từ tầng ngậm nước. Năm 1999, một chính sách mới đã được ban hành để thiết lập quy định về chi phí bơm, buộc các doanh nghiệp tìm nguồn cung cấp nước mới. Đến năm 2005, một đường ống đã được xây dựng để chuyển nước từ sông Ouachita tới El Dorado. Nguồn mới này đã giúp giảm thiểu nhu cầu về nước ngầm, nhờ đó mực nước ngầm trong khu vực đã tăng lên kể từ năm 2005.

Ở Bangkok, từ năm 1980 đến năm 2000, người dân đã tự khoan rất nhiều giếng tư nhân cho mục đích sinh hoạt, công nghiệp hoặc thương mại, khiến lượng nước ngầm được bơm tăng gấp đôi và mực nước ngầm suy giảm mạnh. Trước tình thế đó, các nhà quản lý đã ban hành quy định tăng gấp bốn lần phí khai thác nước ngầm trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2006. Ngay lập tức, tổng lượng nước ngầm được khai thác đã giảm và mực nước bắt đầu phục hồi khi người dân tìm thấy các nguồn nước khác.

Tại một thung lũng gần Tucson, Arizona, kể từ sau năm 1940, mực nước ngầm giảm 30m do nhu cầu nước tưới tiêu tăng lên. Để giúp bổ sung lượng nước ngầm cạn kiệt, chính quyền đã cho xây dựng các bể chứa hở, chứa đầy nước từ sông Colorado. Những bể chứa này sẽ giúp lấp đầy tầng chứa nước đã cạn kiệt, nhờ đó mực nước ngầm ở nhiều nơi trong thung lũng đã tăng lên khoảng 60 mét.

“Phân tích của chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác giám sát mực nước ngầm ở nhiều địa điểm. Cộng đồng và doanh nghiệp phụ thuộc vào nước ngầm sẽ cần nắm thông tin chính xác về tình trạng mực nước để có thể hành động kịp thời”, nhóm nghiên cứu chia sẻ. □

Anh Lưu lược dịch

https://theconversation.com/humans-are-depleting-groundwater-worldwide-but-there-are-ways-to-replenish-it-220816

Tác giả

(Visited 27 times, 1 visits today)