Những giải pháp liên kết lấy nông dân làm trung tâm

Đối tượng chủ yếu làm nông nghiệp ở nước ta là các hộ nông dân nhỏ. Thực tế này đòi hỏi những cách tiếp cận mới và linh hoạt của Nhà nước trong việc thúc đẩy đầu tư, triển khai các tiến bộ KH&CN vào nông nghiệp, trong đó người nông dân giữ vai trò thiết yếu. 

Cách tiếp cận được Nhà nước quan tâm và tuyên truyền nhiều nhất gần đây là triển khai các mô hình cánh đồng mẫu lớn. Đây được coi là phương thức hữu hiệu giúp ngành nông nghiệp phần nào vượt qua rào cản của chính sách hạn điền, dùng mối liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân để tích tụ đất đai. Mô hình này tiến bộ hơn so với hình thức hợp tác xã trước đây, khi một mặt hình thành được những cánh đồng có quy mô lớn, cho phép triển khai tập trung cơ giới hóa và các thành tựu khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, hạ giá thành, và làm thương hiệu tăng sức cạnh tranh cho nông sản, mặt khác các thành viên tham gia đều có động lực riêng để đóng góp cho lợi ích chung – trong đó các doanh nghiệp vì lợi ích của mình phải luôn tích cực duy trì tính bền vững của mối liên kết bằng cách điều phối đảm bảo lợi ích của người nông dân.

Qua vài năm gần đây, những cánh đồng mẫu lớn đã được triển khai trên nhiều địa phương, từ các tỉnh Cà Mau, Vĩnh Long, Bình Định, Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình – có nơi đã thực hiện trên hàng chục nghìn hecta như Long An – tới cả vùng núi phía Bắc như Hà Giang, v.v. Việc liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân cũng có nhiều hình thức đa dạng. Các doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân với giá thành và lãi suất thấp (nhiều doanh nghiệp áp dụng mức lãi suất 0%), và có nhiều hình thức hỗ trợ cho nông dân khi thu mua, như hỗ trợ chi phí vận chuyển, mua với giá cao hơn giá thị trường, v.v.

Trong đó một số doanh nghiệp đã tham gia chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân, ví dụ như Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông ở Thanh Hóa, liên kết với người nông dân tạo thành một mô hình khép kín, trong đó nông dân góp đất, doanh nghiệp phụ trách từ giống tới sản xuất, chế biến và làm thương hiệu. Đổi lại người nông dân có thể cùng làm cùng hạch toán với doanh nghiệp, hoặc chỉ cần góp đất và nhận một phần lúa thu hoạch vào cuối vụ.

Sự liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trên các cánh đồng lớn không chỉ được người nông dân và các cơ quan quản lý đón nhận tích cực mà bản thân thị trường cũng đánh giá cao về tính hiệu quả và triển vọng phát triển, điển hình như việc Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang vừa qua được Ngân hàng Standard Chartered tin tưởng cấp một khoản vay có giá trị lên tới 70 triệu USD1.

Thị trường lành mạnh sẽ giảm rủi ro cho nhà nông

Những tín hiệu tích cực trên đây không có nghĩa là người nông dân và doanh nghiệp không gặp nhiều rủi ro khi hợp tác trên những cánh đồng lớn. Những rủi ro đặc thù của nghề nông như thời tiết, sâu bệnh, biến động nguồn tiêu thụ và giá bán, v.v tăng lên theo quy mô canh tác, là mối lo thường trực của người nông dân và nhà đầu tư, đòi hỏi Nhà nước phải có những giải pháp phù hợp, trong đó không thể áp đặt duy ý chí mà phải dựa vào thị trường. Ví dụ, đối với rủi ro về thời tiết, sâu bệnh, cần xây dựng và giám sát một thị trường bảo hiểm phù hợp. Theo ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông, đây là điều kiện đầu tiên giúp các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp yên tâm phát triển2.

Cánh đồng mẫu lớn là nơi lý tưởng để triển khai các giống cây mới có năng suất và sức chống chịu cao hơn với sâu bệnh, biến đổi khí hậu. Đồng thời cũng là nơi doanh nghiệp và người nông dân áp dụng tiến bộ về kỹ thuật tưới tiêu, cải thiện năng suất sử dụng nước, giúp tiết kiệm, bảo vệ tránh ô nhiễm nguồn nước và các tầng nước ngầm. Hoặc áp dụng những kỹ thuật canh tác cây trồng đan xen, kỹ thuật xử lý rơm rạ sau thu hoạch và sử dụng phân chuồng để giữ hàm lượng carbon trong đất, vừa giúp duy trì độ màu vừa tránh thất thoát carbon vào khí quyển. Các thiết bị cảm ứng cầm tay đơn giản hoặc bảng hướng dẫn sử dụng phân bón tùy theo màu lá cây trồng có thể giúp nhận biết liều sử dụng phân bón nitrogen thích hợp để vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa cắt giảm khí thải nhà kính. Về năng lượng, Nhà nước có thể khuyến khích doanh nghiệp sử dụng những thiết bị cơ giới tiết kiệm nhiên liệu, triển khai công nghệ chuyển hóa rác thải nông nghiệp thành nhiên liệu sinh học, v.v.

Đối với việc giảm rủi ro về đầu ra cho doanh nghiệp và người nông dân, Nhà nước sẽ phải dựa vào các công cụ phù hợp, trong đó ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy sự phát triển và giám sát thị trường một cách lành mạnh, thay vì tìm cách can thiệp một cách khiên cưỡng. Đây là bài học có thể rút ra từ thất bại gần đây của Thái Lan trong việc thu mua gạo với giá cao hòng điều tiết thị trường theo hướng làm lợi cho nông dân nhưng hậu quả là giá thị trường thế giới không tăng cao như mong muốn, Chính phủ thì không đủ tiền để trả cho nông dân đúng hạn, gây ra những mâu thuẫn, bất ổn trong xã hội.

Để đảm bảo về đầu ra cho người nông dân, giải pháp đầu tiên của Nhà nước là phải giảm thiểu độc quyền trong thu mua nông sản nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân thay vì để phần lớn rơi vào túi trung gian và nhà xuất khẩu. Việc một số doanh nghiệp tham gia vào các cánh đồng mẫu lớn đã góp phần tích cực trong việc giải quyết đầu ra cho người nông dân, tuy nhiên hiện nay không phải cánh đồng mẫu lớn nào cũng làm được như vậy3.

Trên thị trường tiêu dùng nông sản, Nhà nước cần tăng cường giám sát nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng sản phẩm thay vì cạnh tranh bằng giá, giúp những người làm ra nông sản chất lượng tốt và sạch có nguồn tiêu thụ dồi dào, không bị đe dọa bởi hàng giả, hàng đội nhãn, hoặc phải cạnh tranh ngang giá một cách bất công với hàng kém chất lượng hơn (thậm chí có hại cho sức khỏe người sử dụng). Đây là vấn đề vô cùng cấp bách, không chỉ cần giải quyết để bảo vệ nhà sản xuất mà cả sức khỏe người tiêu dùng, khi Nhà nước dường như đang mất khả năng kiểm soát, sàng lọc đối với những nông sản kém chất lượng, thậm chí có hại cho sức khỏe cộng đồng, điển hình như việc Hà Nội bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho phát triển các vùng rau sạch, nhưng một số nơi từ vài năm vẫn sử dụng thuốc sâu độc hại – những người nông dân phản ánh rằng bản thân họ cũng không có lựa chọn, buộc phải dùng các loại thuốc sâu này vì thuốc bảo vệ thực vật sinh học được cung cấp quá kém chất lượng, thậm chí phun làm chết rau nhưng sâu bệnh vẫn sống4.  

Thực tế trên cho thấy dù Nhà nước bỏ ra nhiều tiền của hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân, nông sản Việt Nam vẫn chưa thể có thương hiệu và giữ được lòng tin lâu dài của người tiêu dùng nếu khâu giám sát chất lượng của các cơ quan quản lý bị buông lỏng.   

Tiến bộ KH&CN vì nông dân và phát triển bền vững

Hiện nay một số chính quyền địa phương, ví dụ như Thái Bình, đã triển khai các khoản hỗ trợ kinh phí ở mức hạn hẹp cho doanh nghiệp làm nghiên cứu và đổi mới công nghệ, trao các giải thưởng, hoặc dùng quỹ phát triển KH&CN để cho doanh nghiệp vay vốn lãi suất thấp thực hiện các dự án đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, các chính sách kể trên chỉ mới mang tính tự phát, rời rạc, quy mô hạn chế nên chưa phải là biện pháp hữu hiệu thúc đẩy động lực của doanh nghiệp khi xem xét đầu tư vào nông nghiệp, đồng thời rất khó để số đông các cá nhân và hộ nông dân có thể tiếp cận.

Vì vậy, việc xuất hiện các doanh nghiệp tham gia cùng nông dân làm cánh đồng mẫu lớn đã phần nào giúp giải quyết vướng mắc trên đây, khi họ chính là những đầu mối tiêu điểm thu hút các khoản đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước, theo đó việc hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng đồng thời gián tiếp hỗ trợ cho những người nông dân đồng hành: doanh nghiệp phát triển ổn định chính là điểm tựa để nông dân có thể liên kết, hợp tác lâu dài. 

Mặt khác, đây là những cơ hội để Nhà nước có thể lồng ghép triển khai những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, không chỉ về cơ giới hóa mà trên nhiều lĩnh vực khác như giống, quản lý đất và nước, năng lượng xanh, công nghệ thông tin v.v. nhằm phục vụ cho một nền nông nghiệp phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam phải tăng cường ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.

Hình thành những cộng đồng thông minh

Để chuyển giao và phổ biến những tiến bộ khoa học kỹ thuật trên đây cho doanh nghiệp và người nông dân rất cần có sự vào cuộc của các nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật trong và ngoài nước, đặc biệt là những người có kinh nghiệm về các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật khác nhau trên thế giới, nhằm lựa chọn ra mô hình phù hợp nhất với điều kiện riêng của từng địa phương.

Gần đây Chương trình Biến đổi khí hậu, Nông nghiệp và An ninh lương thực (viết tắt là CCAFS) của Trung tâm Quốc tế về Nông nghiệp Nhiệt đới đã tổ chức ở Ấn Độ, Nepal, Đông Phi, Tây Phi, Cambodia một số ngôi làng thông minh trong ứng phó với biến đổi khí hậu (climate-smart villages) trong đó dân làng được các chuyên gia quốc tế đến truyền bá kinh nghiệm và thử nghiệm các mô hình, kỹ thuật canh tác và thương mại hóa nông sản tiên tiến có hiệu quả cao nhưng không tốn kém – hiện CCAFS cũng đang cân nhắc lựa chọn một địa điểm triển khai thử nghiệm ở Việt Nam, theo lời TS. Rex L. Navarro, cố vấn truyền thông của CCAFS tại Đông Nam Á.

Trước đây Việt Nam cũng đã từng thử nghiệm những mô hình hợp tác như vậy giữa người nông dân tại một số địa phương và các chuyên gia trong và ngoài nước, nhưng tính bền vững không cao, khi hết tiền tài trợ của Nhà nước hoặc quốc tế thì cũng là lúc dự án chấm dứt và người nông dân lại quay về với những tập quán canh tác, làm ăn cũ. Tuy nhiên, khác biệt của những ngôi làng thông minh là sự tôn trọng, dành cho người nông dân quyền tự quyết – người nông dân cùng các chuyên gia bàn bạc, lựa chọn phương án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp nhất với điều kiện đặc thù của địa phương mình – và chú trọng tới việc liên tục cập nhật, chia sẻ những tri thức, thông tin mới nhất. Trong đó, người nông dân có thể nhanh chóng tiếp nhận thông tin về thời tiết, giá cả nông sản và nguyên vật liệu đầu vào, các chỉ dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, v.v. qua điện thoại di động.

Một mạng lưới chia sẻ thông tin chỉ dẫn như vậy tới nông dân và các ngôi làng thông minh thông qua điện thoại di động và radio đã được triển khai và hoạt động rất thành công ở Ấn Độ hay Kenya trong những năm qua. Vì vậy chúng ta có thể tin rằng Việt Nam với năng lực CNTT và viễn thông hiện nay hoàn toàn có thể làm được điều tương tự. Đây sẽ là một bước tiến phù hợp với điều kiện nền nông nghiệp chủ yếu là các hộ nông dân như ở nước ta, giúp người nông dân được trang bị những thông tin hữu ích, kịp thời phục vụ cho sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh nền nông nghiệp sẽ ngày càng hội nhập quốc tế sâu sắc.
——————-

1 http://www.thesaigontimes.vn/Home/taichinh/nganhang/109064/AGPPS-vay-70-trieu-do-la-cho-du-an-canh-dong-mau-lon.html

2 http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=114&CategoryID=7&News=6810

3 http://www.tienphong.vn/kinh-te/noi-lo-tu-duy-tieu-nong-sau-canh-dong-mau-lon-654808.tpo

4 http://m.vietnamnet.vn/vn/kinh-te/164459/chuyen-dong-troi-o-lang-rau-sach-lon-nhat-ha-noi.html

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)