Những gợi ý từ hội nghị khởi nghiệp lớn nhất Bắc Âu

Chuyến đi tới Slush của đoàn Việt Nam vừa qua đưa ra một số gợi ý về cách đưa hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam ra quốc tế.


Ấn tượng qua gian hàng 4m2

“Peter Vesterbacka (cha đẻ của Angry Bird) kể lại ấn tượng của ông về một cuộc thi thuyết trình trong một hội chợ công nghệ tại Cannes vào năm 2001: ‘Người thắng cuộc rất tuyệt… Tôi nghĩ họ đang thực hiện một kiểu nền tảng công nghệ thông tin nào đó. Không thực sự nhớ nó là cái gì và anh chàng thuyết trình đó nữa. Nhưng anh ta đi một đôi giày trắng!’ Nghe khôi hài là vậy nhưng những thứ nhỏ bé thường tạo ra sự khác biệt to lớn”. Đó là lời khuyên được ghi trong sổ tay hướng dẫn tới Slush năm 2015 và cũng là cách đoàn startup Việt Nam “tình cờ” tạo “dấu ấn” của mình tại Slush 2015.

Mục tiêu của đoàn startups Việt Nam khi tới Slush – sự kiện khởi nghiệp lớn nhất Bắc Âu là giới thiệu hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đến thế giới. Đoàn vỏn vẹn 25 người đã “gây chú ý” chỉ bằng một gian hàng với kích thước 2x2m2 trong sự kiện đông đúc này.

Gian hàng đó là do VP9 (công ty  khởi nghiệp với những sản phẩm dựa trên công nghệ nén video/audio nhỏ để truyền qua internet ổn định) và Trace Verified (công ty áp dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp đầu tiên tại Việt Nam), hai trong số 12 startup của Việt Nam tham dự Slush năm nay, chia sẻ 600 EUR tiền thuê và đông khách ghé thăm ngoài sức tưởng tượng, tới mức “tiếp không kịp”, theo lời Nguyễn Thị Lệ Quyên, đồng sáng lập VP9, kể lại trong bữa trưa tổng kết kinh nghiệm sau khi đoàn trở về từ Phần Lan.

“Người ta cứ nghĩ rằng Việt Nam chỉ là một đất nước làm nông nghiệp thuần túy, họ không ngờ là mình cũng có những doanh nghiệp khởi nghiệp làm về công nghệ thông tin,” Nguyễn Thị Lệ Quyên cho biết trong buổi họp tổng kết chuyến đi.

Khi đến Slush, VP9 hẹn với 15 nhà đầu tư nhưng không có được cuộc gặp nào. Tuy nhiên, ngay sau khi mở gian hàng, họ đã có ít nhất ba đối tác. Trong đó, ông Matti Sarja, giám đốc công nghệ của Sote360 (công ty Phần Lan chuyên sản xuất thiết bị theo dõi sức khỏe cho người già) nói, sản phẩm của VP9 là sản phẩm ông thích nhất đợt này. 

Nhờ gian hàng, đại diện của chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Phần Lan – Việt Nam (IPP) giai đoạn 2 cũng có chỗ để phát hàng trăm tờ rơi mà họ đã chuẩn bị để giới thiệu về IPP và các startup Việt Nam tham dự.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, người sáng lập Trace Verified, giải thích vì sao phải thuê gian hàng: “Phải có gian hàng. Đó là nơi mọi người gặp gỡ, nói chuyện, là chỗ để giới thiệu sản phẩm của mình, để phát tờ rơi, biết đâu mình gặp nhà đầu tư.” Bà là Chủ tịch danh dự Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), người hằng năm xây dựng gian hàng đại diện cho Việt Nam ở hai hội chợ thủy sản lớn nhất thế giới tại Brussels (Bỉ) và Boston (Mỹ), đồng thời là nhà sáng lập hội chợ quốc tế VietFish dành cho các công ty xuất khẩu thủy sản ở châu Á, đã quá rõ vai trò của gian hàng trong một hội chợ.

Để chuẩn bị gian hàng này, Trace Verified đã chuẩn bị rất cầu kì từ trước ngày lên đường. “Ngay từ khi nghe đến sự kiện Slush, chúng tôi đã tìm mua và đóng gói 100 cái nón lá để làm quà tặng cho những người đến thăm gian hàng,” bà Hồng Minh kể. Khách tới thăm gian hàng của Việt Nam hào hứng đội nón lá cho tới bữa tiệc kết thúc Slush vào cuối ngày.
“Thực ra, gian hàng đó không thể gọi là của đoàn Việt Nam. Các lãnh đạo sợ là năm nay mình không có kinh nghiệm nên chỉ đi xem để học hỏi là chính nên không đặt gian hàng,” chị Trần Thị Thu Hương, giám đốc IPP – dự án tài trợ chính cho chuyến đi tới Phần Lan của đoàn Việt Nam năm nay, cho biết. Theo chị Hương, Việt Nam sẽ có một gian hàng riêng của quốc gia tại Slush vào năm tới.

Từ Slush, Việt Nam có thể học cách quảng bá của các quốc gia khác. “Rất nhiều quảng cáo được lồng vào mà mình không biết, Nga và Trung Quốc có những diễn giả khách mời trên sân khấu, thỉnh thoảng lại nhắc đến tiềm năng và nhân lực của nước họ. Việt Nam cũng nên có một diễn giả khách mời trên sân khấu, một người tương đối hiểu biết về hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam để hướng khán giả đến gian hàng của mình,” Phan Nam Long, CEO của Abivin, một thành viên đoàn của Việt Nam nhận xét. Năm nay, Tổng thống Estonia, Toomas Hendrik Ilves, cũng lên sân khấu trao đổi về thị trường số chung châu Âu. Trước đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc, Uông Dương cũng từng có bài phát biểu tại lễ khai mạc Slush 2014.

Đem thế giới về Việt Nam

Các startup, trước khi đến Phần Lan, đều đăng kí mục tiêu là tìm nhà đầu tư và khách hàng mới. Nhưng những gì họ nhận được là những giá trị bên ngoài điều đó, phần lớn là những ý tưởng và cách tổ chức một sự kiện khởi nghiệp hiệu quả.

Nội dung chính của Slush diễn ra trong khuôn viên của Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Helsinki, trong đó có 1.700 gian hàng của các startup và bốn sân khấu nơi những nhà công nghệ nổi tiếng cùng 100 startup thuyết trình về sản phẩm của mình. Ngoài ra, còn có hàng trăm sự kiện bên lề được tổ chức tại các quán bar bên ngoài khuôn viên Slush. Bất cứ ai cũng có thể đăng kí tổ chức và tham gia những sự kiện này.

Chị Vũ Thị Hảo, trưởng đoàn dẫn các startup đến tham dự Slush lần này kể về ấn tượng của mình khi tới một sự kiện bên lề, gọi là Failure Festival. “Trong một quán bar đèn mờ ảo và nhạc xập xình, mọi người chia sẻ câu chuyện về thất bại của mình. Ở Việt Nam khi nghe kể về thất bại như vậy, mình sẽ an ủi, tỏ ra thông cảm. Nhưng hôm đó, có một ông người Mỹ cười ha ha vô cùng sảng khoái, cười thẳng vào mặt người vừa kể chuyện kia. Người thì rất sẵn lòng chia sẻ thất bại của mình, người thì rất thoải mái khi nghe thất bại của người khác. Tôi rất muốn tạo ra một không khí cởi mở như vậy ở Việt Nam”. Chị cho biết đang có ý định đề xuất tổ chức sự kiện tương tự như vậy ở Việt Nam.

Trace Verified hẹn được sáu cuộc gặp gỡ các nhà đầu tư qua mạng nhưng theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh: “không ai hứa hẹn gì với mình. Có lẽ, doanh nghiệp Việt Nam với quy mô nhỏ vẫn cần một sân chơi phù hợp hơn.”

Thực ra, Việt Nam cũng đã có ít nhất hai “sân chơi” kết nối các startup, nhà đầu tư và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Chẳng hạn như HATCH!FAIR được tổ chức hằng năm kể từ năm 2013 và TechFest được tổ chức lần đầu vào tháng Năm vừa qua. Qua sự kiện Slush, một số doanh nghiệp tham dự cho rằng, Việt Nam sẽ tổ chức các sự kiện khởi nghiệp tốt hơn nếu “lôi kéo” được nhiều nguồn lực ngoài nước tham gia các sự kiện khởi nghiệp này.
“TechFest chưa có nhà đầu tư lớn mà toàn nhà đầu tư nhỏ đến từ Đông Nam Á, các nhà đầu tư từ Nhật cũng ít, từ Âu – Mỹ cũng không có mấy,” bà Nguyễn Thị Hồng Minh nói. Bà cũng cho biết, có thể học tập cách tổ chức của Slush đó là công khai danh sách tên nhà đầu tư tham gia sự kiện, phân loại lĩnh vực, khu vực họ quan tâm đầu tư và mức tiền mà họ muốn đầu tư. Theo đó, các startup sẽ hẹn các nhà đầu tư trên website của sự kiện thông qua một tài khoản riêng. Và hệ thống sẽ sắp xếp lịch hợp lí.

HATCH!FAIR lại gặp một vướng mắc khác. “Quy mô của HATCH!FAIR nhỏ, ít công ty nhưng lại ở các lĩnh vực quá khác nhau và năng lực không đồng đều nên rất khó hợp tác”, Phan Nam Long nhận định. Tuy nhiên, ở Slush lại rất dễ gặp người lạ và trao đổi: “Tôi lúc nào cũng bắt đầu bằng câu: ‘Tôi đến từ Việt Nam, tôi đang làm về phân tích dữ liệu lớn’. Mình cho họ thấy là mình có cái để cung cấp cho họ. Sau đó là mình nghe về lĩnh vực của họ và mình đưa ra gợi ý là mình có thể giúp họ những gì. Họ thích thú và bị cuốn theo câu chuyện đó.”

“Lí do có thể là bởi vì, Slush được tổ chức ở quy mô toàn cầu và có nhiều công ty công nghệ nên khả năng gặp gỡ những người cùng ngành và hiểu mình cao hơn,” anh Long nói. 

Slush là một trong các hoạt động của Aaltoes – Aaltoes Entrepreneurship Society (Cộng đồng khởi nghiệp Aaltoes) do một nhóm sinh viên Đại học Aalto sáng lập và điều hành từ năm 2009 nhằm kích thích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Phần Lan. Từ một sự kiện chỉ có 300 người trong năm đầu tổ chức, hiện nay Slush đã quy tụ hàng chục nghìn những tài năng công nghệ, các nhà khởi nghiệp hàng đầu ở khắp nơi trên thế giới. Năm nay, Hội nghị thu hút 15 nghìn khách thăm và 630 phóng viên từ 100 nước trên thế giới.
Trung tâm của sự kiện Slush là Slush 100, nơi 100 startup thuyết trình trước các nhà đầu tư và hàng nghìn khán giả. (Từ 100 người sẽ chọn ra top 20 thi đấu trong vòng bán kết và cuối cùng là top 4 trong vòng chung kết). Các tiêu chí để đánh giá startup dựa trên sản phẩm, tiềm năng thị trường, tính cạnh tranh của nhóm sáng lập và mức độ sẵn sàng nhận đầu tư. Người thắng cuộc sẽ được đầu tư 650.000 EURO. Năm nay, startup thắng cuộc là Caremonkey (Úc) với sản phẩm là các ứng dụng di động quản lý và chia sẻ các thông tin nhạy cảm giữa những người trong gia đình, giữa các bệnh viện và trường học để đề phòng tai nạn và rủi ro không đáng có.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết: “Bọn tôi cũng ‘điếc không sợ súng’ đăng ký Slush 100 nhưng không được chọn. Chúng tôi nhận thấy họ [những người tham dự Slush 100] đều có những ý tưởng lớn, đã có khách hàng toàn cầu còn mình thì tập trung vào mỗi Việt Nam mà chưa xong nữa. Châu Á cũng không có doanh nghiệp nào lọt vào Slush 100 cả. Dù sao mình đến cũng học được rất nhiều từ ý tưởng của người ta”. 
Phan Nam Long, người “tường thuật trực tiếp” Slush 100 trên trang cá nhân, lại suy nghĩ khác: “Tôi hơi thất vọng về Slush 100, vì có nhiều người trình bày mà chưa có sản phẩm, họ mới chỉ có ý tưởng thôi. Nhưng top 20 thì họ làm rất hay.”

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)