Những kịch bản về khí hậu khi mực nước biển dâng

Mặt nước biển sẽ dâng lên nhiều mét nếu lượng khí thải không bị hạn chế một cách kiên quyết. Sự đe dọa của tình trạng nước biển dâng với vùng ven biển lớn đến mức độ nào và chúng ta có thể cứu vớt được những gì nếu chuyện đó xảy ra?

Nếu như nhà khoa học Ben Strauss phải vẽ những bức tranh về tương lai thì những bức tranh đó giống những hình ảnh trong các phim nói về thiên tai thảm khốc: Trung tâm tài chính của Hồng công bị biển cả nuốt gọn. Tháp Big Ben ở London: đơn độc giữa trùng khơi. Thậm chí Pentagon, trụ sở của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ thì theo Strauss đến một ngày nào đó cũng bị chìm trong biển nước. 

Cho đến nay những điều này chỉ mới là sự mô phỏng của Thinktanks Climate Central của Hoa Kỳ, nơi nhà nghiên cứu về khí hậu Ben Strauss làm việc. Nhưng những hình ảnh gây sợ hãi này đều dựa trên cơ sở các số liệu được chứng thực. Strauss đã nạp dữ liệu về độ cao các vùng ven biển và số lượng dân sinh sống  tại đây vào chương trình của mình. Sau đó, ông cho mực nước biển trong mô hình máy tính dâng lên. Kết quả cho thấy: nếu chúng ta nâng nhiệt độ trái đất lên bốn độ Celsius thì trong những thế kỷ tới mực nước biển sẽ dâng lên khoảng chín mét. Vùng đất hiện là nơi sinh sống của 630 triệu người sẽ bị chìm trong biển cả. “Nếu chúng ta không nhanh chóng chặn lượng khí thải CO2“, Strauss cảnh báo, “khó có thể tưởng tượng nhiều thành phố lớn ở ven biển còn có thể tồn tại khi nước biển dâng cao.“

Kể từ khi diễn ra kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch, bắt đầu năm 1880, nước biển trên các đại dương đã dâng cao 22,5 cm, đây chính là thời kỳ cao điểm về công nghiệp hóa ở châu Âu và Hoa kỳ. Các thành phố như Venice, London hay New York đã cảm nhận được nước biển dâng lên và đã phải chi hàng tỷ đôla để tôn tạo đê điều và xây dựng các hệ thống chống lũ lụt. Nếu các khu đô thị lớn không đầu tư mạnh mẽ cho việc phòng chống lũ lụt thì theo tính toán của Ngân hàng Thế giới đến năm 2050 tổn thất hàng năm lên đến một nghìn tỷ đôla. Thậm chí đến năm 210,0 nền kinh tế thế giới có nguy cơ bị  sụp đổ: “Nếu con người không làm gì cả“, nhà khí hậu học Jochen Hinkel thuộc Berliner Thinktank Global Climate Forum cảnh báo, “mỗi năm nhân loại sẽ bị tổn thất 100 nghìn tỷ đôla tài sản do nước biển dâng lên.“ Con số này nhiều hơn số của cải mà xã hội văn minh tạo ra trong một năm.

Cuối tháng 11 vừa qua, khi các nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới gặp gỡ ở Pari để thương lượng về bảo vệ khí hậu thì vấn đề không phải là bảo vệ môi trường. Vấn đề đặt ra là trong tương lai con người trên trái đất này phải chi bao nhiêu để đất đai và các thành phố lớn không bị chìm dưới đáy biển.

Mặt nước biển sẽ dâng cao nhiều mét, đó là điều chắc chắn. Trong những năm tới sẽ có hàng nghìn tỷ đôla tài sản bị chìm trong biển cả. Những nơi nào bị đe dọa đặc biệt nghiêm trọng và chúng ta có thể  cứu vớt được những gì?

Cách đây tám năm Hội đồng khí hậu thế giới (IPCC) còn tỏ ra lạc quan: trong báo cáo các nhà chuyên môn cho rằng đến năm 2100 nước biển ở các đại dương sẽ dâng cao nhiều nhất là 59 cm. Nhưng thực tế đã vượt xa sự  lo ngại này: Hai khối băng lớn nhất của hành tinh ở Greenland và Nam cực (Antarktis) đã tan chảy nhanh hơn so với dự báo. Hiện tại các nhà nghiên cứu  của Cơ quan Vũ trụ  Hoa Kỳ NASA cho rằng đến năm 2100, mực nước biển tăng ít nhất là một mét. Từ đó sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng:

– Các trận lũ lụt, theo thống kê diễn ra khoảng 100 năm một lần, nay diễn ra hai lần trong một năm ở  New York –  và ở Kalkutta thậm chí gần như mỗi tháng một lần. Theo một báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Á thì Bangladesh với 36 triệu dân bị đe dọa nghiêm trọng vì lũ lụt. 

– Nước biển ngấm sâu vào lòng đất, gây nhiễm mặn nước giêng và đồng ruộng. Điều này đã diễn ra từ lâu trên các đảo san hô thuộc đảo quốc Kiribati trên Thái bình dương, tại đây người dân phải tích nước mưa làm nước ăn.

– Đến năm 2100, nhiều vùng đất sẽ bị mất đi vĩnh viễn, thí dụ một phần diện tích của Florida. Miami và các vùng lân cận hình thành từ đá vôi xốp do đó liên tục bị nước biển thâm nhập – ngay cả đê điều cũng trở nên vô dụng.

Vì vậy một số câu hỏi quan trong được đặt ra hiện nay là: để tránh  tình trạng bị lũ lụt khủng khiếp nhân loại được phép thải bao nhiêu khí CO2 vào bầu khí quyển? Liệu hàng triệu triệu con người còn có cơ hội cứu được quê hương mình khỏi bị ngập chìm hay không? Để làm được điều đó thì nhu cầu về kỹ thuật và kinh tế như thế nào?

Bà Kathrin Lang là nhà nghiên cứu người Đức làm việc ở Bắc Cực. Hàng ngày, bà thả  bóng bay lên bầu trời để thu nhận các dữ liệu về thời tiết.

Ny-Ålesund là vùng đất cách Bắc Cực khoảng 1300 km, nơi đây có 70 nhà khoa học sinh sống và làm việc, mỗi tháng máy bay hạ cánh tại đây một lần để  cung cấp  nhu yếu phẩm. Bà Lang là người phụ trách cơ sở nghiên cứu thuộc Alfred-Wegener-Institut của Đức. Tuy sống ở một nơi vô cùng hẻo lánh và gần như không có bóng người nhưng bà lại là một trong những người đầu tiên trên thế giới cảm nhận được điều bất ổn đang diễn trên trái đất này.

Từ trạm thời tiết của mình, nhà khoa học Lang nhận thấy mấy năm gần đây vùng Fjord ngay trong mùa đông nước không còn đóng băng. Các đồng nghiệp kể với bà giờ đây họ có thể bắt cá makrelen ở biển, loài cá này vốn dĩ chỉ sống ở vùng nước ấm hơn ở phía nam. Nhưng bà Lang thấy rõ nhất qua những dữ liệu thời tiết mà bóng bay thu thập được.

Dữ liệu phản ánh rất rõ: “Vùng Bắc Cực ấm lên với tốc độ nhanh gấp đôi so với phần còn lại của hành tinh“, nhà khoa học Lang nói. Năm  2015 nhiệt độ bình quân toàn thế giới tăng lên một độ C so với nửa cuối thế kỷ 19, nhưng ở vùng Bắc Cực đã tăng lên hai độ. Kể từ năm 1993 trong mùa đông nhiệt độ trên mặt đất tăng bình quân sáu độ.  Nguyên nhân của hiện tượng này là do ở gần Bắc Cực, băng phản chiếu khoảng 80% ánh sáng mặt trời lên không gian. Tuy nhiên băng càng tan nhiều thì lượng nhiệt trên mặt đất cũng càng tăng lên. Do đó băng lại càng tan nhanh hơn.

Điều mà các nhà khoa học nghiên cứu trên vùng Spitzbergen cũng như trong phòng thí nghiệm lại đang diễn ra với mức độ kinh hoàng hơn ở phía tây Greenland chừng 1000 km. Băng hà Jakobshagen, một núi băng có diện tích tương đương nước Áo và Thụy Sỹ, mỗi năm trượt 17 km ra biển –  nhanh gấp ba lần so với cách đây  20 năm. Eric Rignot, nhà khoa học về hệ thống trái đất làm việc tại NASA nói, “Núi băng tan này đủ làm cho nước biển dâng cao nửa mét.“ Cao hơn nửa mét có nghĩa là hệ thống đê điều của Đức trở nên quá thấp để có thể ngăn chặn được lũ lụt. Quá trình tan băng này mới bắt đầu và nó sẽ diễn ra ngày càng nhanh hơn.

Người dân ở New York đã từng trải nghiệm thủy tai này. Cơn bão Sandy năm 2012 đã tràn qua thành phố này: Manhattan bị mất điện, đường tầu điện ngầm ngập nước, hàng nghìn người hoảng hốt lánh nạn. Các nhà máy điện ngừng hoạt động, bệnh viện phải sơ tán, khoảng 250.000 ô tô bị phá hủy vì bão. 53 người bị chết. New York phải cải tạo, gia cố 840 km đê biển và phải chi tới 20 tỷ đôla.

Trong con mắt của các nhà kỹ thuật ven biển thì sự thích nghi với biến đổi khí hậu là một dự án xây dựng khổng lồ: rất tốn kém nhưng không phải không thực hiện được – chí ít là đối với các quốc gia công nghiệp giầu có. Robert Nicholls, giáo sư về các công trình ven biển thuộc đại học Southampton nói “Nhiều người cho rằng chúng ta phải tránh xa vùng duyên hải, nói vậy thật ngớ ngẩn.“ Có rất nhiều cách để bảo vệ đất đai: như củng cố các cồn cát, tạo những bãi cát nhân tạo và xây dựng tường chắn lũ.  Tuy nhiên nhà khoa học này cũng phải thừa nhận, trong tương lai có thể xẩy ra những bất ngờ vô cùng nghiệt ngã và những thảm họa to lớn chưa từng có ở vùng ven biển là khó tránh khỏi.

Đến cuối thế kỷ này, một phần của thành phố Boston ở miền đông Hoa Kỳ sẽ chịu cảnh ngập úng khi triều cường, trong đó có cả quận Back Bay. Giá một tòa nhà ở đây khoảng  20 triệu đôla. Mùa hè vừa qua các chuyên gia về quy hoạch đô thị của Boston đã nhóm họp và kiến nghị: biến các tuyến đường ở thành phố này thành kênh rạch để kiểm soát nước lũ. Boston sẽ trở thành một Venedig ở vùng duyên hải phía đông.

Kiến trúc sự người Hà Lan Koen Olthuis thậm chí còn suy nghĩ xa hơn. Ông nói: “Chúng ta không chỉ sống bên cạnh nước mà còn sống cả trên mặt nước“. Để thể hiện ý tưởng của mình vị kiến trúc sư này đã leo lên mặt con đê ở ngoại ô thành phố Delft. Từ đây có thể thấy một con kênh và có hàng chục tòa nhà trôi trên mặt nước. Trên mười năm nay Olthuis và văn phòng kiến trúc sư Waterstudio Pontons của ông đang ngày càng hoàn thiện dự án xây biệt thự trên mặt nước này. 

Olthuis cho biết thêm: “Không lâu nữa chúng tôi sẽ xây dựng cả một khu dân cư trên mặt nước, ở đó có đường xá, nhà cửa và cây cối.“ Một công trình đang được xây dựng ở  Malediven. Quốc đảo ở Ấn Độ dương có thể bị chìm dưới biển cuối thế kỷ này.   Olthuis đang xây dựng tại đây một cơ sở nghỉ dưỡng với 185 tòa nhà  cao cấp. Khi sản xuất hàng loạt giá thành sẽ giảm. Olthuis nói, nước biển dâng thì nhà cũng dâng theo.

Mosambik, vùng duyên hải phía đông Châu Phi, thu nhập của 90% cư dân tại đây dưới hai đôla một ngày vì thế nước này không thể xây dựng những đê chống lũ đồ sộ, tốn kém. Tuy nhiên người ta vẫn có những giải pháp thích hợp, thí dụ ở trung tâm thành phố Beira, thành phố lớn thứ hai của Mosambik có con sông Rio Chiveve chạy qua, con sông này luôn bị tràn mỗi khi triều cường. Từ nhiều tháng nay công nhân khơi thông khoảng ba km dòng sông bảo đảm nước chẩy thông suốt. Ở cửa sông người ta xây một con đập bằng bê tông và có nhiều cửa bằng thép, cửa cống sẽ đóng lại khi nước tràn vào khi thủy triều xuống cửa cống mở ra để nước thoát ra biển.

Ven bờ người ta trồng rừng ngập mặn như tràm, đước để chống xói mòn, lở đất. Chi phí cho dự án này là 16 triệu Euro. Ngân hàng Tái thiết Đức cung cấp 13 triệu. Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ về các dự án bảo vệ khí hậu ở các nước đang phát triển với sự trợ giúp của các nước công nghiệp.

Đến năm 2020, mỗi năm cần có 100 tỷ đôla tài trợ cho Green Climate Fund (GCF), quỹ bảo vệ khí hậu của Liên hợp quốc. Tuy nhiên cho đến nay mới có khoảng 20 nước cam kết rót 10 tỷ cho quỹ này –  song con số thực hiện còn thấp hơn nhiều.

Sẽ có những vùng đất trên thế giới, nơi con người trông ngóng một cách tuyệt vọng vào những con đê hiện đại, tốn kém. “Những vùng đất thưa thớt dân cư”, theo nhà khí hậu học Hinkel, “chúng ta đành phó mặc.” Và đối với các thành phố lớn, khi khí hậu nóng trên hai độ, thì ngay cả các chuyên gia về bảo vệ khí hậu cũng không dám tiên đoán. Mặt nước sẽ tăng bẩy mét, mười mét hay nhiều hơn – khi đó phải có những con đê và đập chắn khổng lồ để chống đỡ nhưng cho đến nay chúng chưa hề được con người thử nghiệm.

Xuân Hoài dịch

Theo Wiwo

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)