Những người hùng khám phá virus viêm gan C bị lãng quên

Một nhóm các nhà khoa học gắn bó mật thiết, cùng làm việc cật lực để xác định loại virus chết người gây viêm gan C. Vậy mà chỉ có một được giải Nobel.

Phát hiện năm 1989 về virus viêm gan C virus của George Kuo, Chu Quế Lâm và Michael Houghton (từ trái qua phải) là một chiến thắng của kỹ thuật mới và sự bền bỉ kiên trì của con người. Nguồn: protomag

Trong nhiều năm suốt thập niên 1980, nhà nghiên cứu virus Chu Quế Lâm (Qui-Lim Choo) ngày nào trong tuần cũng đều làm việc từ 8 giờ sáng đến 11 giờ đêm. Công việc lúc đó rất khó khăn, ông cùng hai đồng nghiệp đang truy lùng một loại virus chết người lây nhiễm trong máu mà không có chút tiến triển nào. Không có cách thức xét nghiệm virus nghĩa là mỗi ngày trôi qua lại có thêm nhiều người bị nhiễm. Và mỗi ngày như thế thì công ty mà ông Chu đang làm việc lại có thêm lý do để chấm dứt đề tài này, tức là ông cũng sẽ mất việc làm.

Với người cộng tác của Chu là Quách Kính Hoành (George Ching-Hung Kuo) thì đây cũng là khoảng thời gian của những buổi làm việc đến khuya cùng những lần lỗi hẹn ăn tối với gia đình. Ông Quách nhớ lại có lần xe hơi của ông bị hỏng trên cầu Vịnh San Francisco–Oakland khi ông đang lái xe về nhà lúc nửa đêm.

Nhưng cả hai đều nói rằng đó là một trong những thời điểm đẹp nhất của cuộc đời. Theo lời ông Chu, “Đó là thời gian khó khăn và rất nhiều việc, nhưng rất vui”. Cuối cùng công cuộc tìm kiếm đã thành công, và nhóm của họ đã xác định được virus gây viêm gan C (viết tắt tiếng Anh: HCV). Khám phá này đưa đến cách thức sàng lọc máu bị nhiễm, cùng một chế độ dùng thuốc chữa trị được cho hầu hết người bị nhiễm.

Ngày 5 tháng 10 năm nay, người quản lý của Chu trong đề tài năm đó, ông Michael Houghton, được một phần của giải Nobel sinh y nhờ công lao khám phá HCV. Giải thưởng còn được trao cho Charles Rice tại Đại học Rockefeller ở thành phố New York (Mỹ) và Harvey Alter, trước đây công tác tại Viện y tế quốc gia ở Bestheda (bang Maryland, Mỹ), nhưng không có tên Chu và Quách. Giải Nobel được xem là phần thưởng cao quý nhất trong khoa học. Nhưng đối với Hougton thì việc nhận giải này cũng như những giải thưởng danh giá khác đem đến những cảm xúc lẫn lộn. Ông cho biết “Nhận giải là một cảm giác ngọt ngào nhưng cũng có vị cay đắng vì họ không trực tiếp công nhận cả nhóm”.

Houghton từ lâu đã vận động để hai đồng nghiệp của mình cùng được ghi nhận công lao đối với HCV. Chia sẻ với phóng viên tại một buổi họp báo sau khi giải Nobel được công bố, Houghton nói “Nếu không có đóng góp của họ thì tôi không biết mình có thành công hay không”.

Một bức ảnh virus  Ctrên kính hiển vi điện tử quét truyền qua. Nguồn: Cavallini James/BSIP/SPL

“Đại học Chiron”

Houghton khởi đầu việc truy tìm virus này từ năm 1982 tại công ty công nghệ sinh học có tên gọi là Chiron ở Emeryvill, bang California (Mỹ). Công ty này được nhiều người gọi bằng biệt danh “Đại học Chiron” vì mức độ hàn lâm cao trong công việc cùng danh tiếng theo đuổi những đề tài khoa học mới mẻ nhất.

Vào thời điểm đó, mỗi ngày Hoa Kỳ có 160 người nhận truyền máu bị nhiễm HCV. Nếu không được chữa trị thì virus có thể gây tổn thương gan và dẫn đến ung thư gan. Ngày nay, tuy đã có các phương pháp sàng lọc máu và chữa trị nhưng Tổ chức Y tế thế giới ước tính vẫn có 71 triệu người trên thế giới bị nhiễm HCV.

Cho đến giữa thập niên 1970, các nhà nghiên cứu đã loại trừ hai virus gây tổn thương gan là virus viêm gan A và virus viêm gan B khỏi danh sách đối tượng nghi vấn gây ra kiểu nhiễm bí hiểm kia. Khi chưa xác định được cái gì nhiễm vào máu người nhận truyền máu, các nhà khoa học đành gọi loại bệnh truyền nhiễm qua máu này bằng cái tên “viêm gan phi A và phi B”.

Lúc bấy giờ, công nghệ phản ứng chuỗi polymerase (PCR) có khả năng khuếch đại DNA dễ dàng vẫn còn chưa phổ biến. Giải trình tự một virus mới chỉ trong vài tuần kể từ lúc nó xuất hiện như ta đã làm với SARS-CoV-2 hồi đầu năm nay lúc đó là chuyện không tưởng. Houghton đã bắt đầu sàng lọc acid nucleic của virus bằng mẫu từ tinh tinh bị nhiễm và không bị nhiễm do Daniel Bradley tại Trung tâm kiểm soát & ngăn ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ ở Atlanta (bang Georgia) cung cấp.

Chu Quế Lâm tham gia phòng thí nghiệm của Houghton năm 1984 rồi cả hai trở thành bạn bè. Tìm kiếm đối tượng gây nhiễm là công việc vất vả, và trong suốt nhiều năm họ không tìm thấy gì. Là người điều hành phòng thí nghiệm, cứ mỗi 6 tuần, Houghton phải báo cáo tình hình cho ban quản trị Chiron. Một số thành viên ban quản trị nói rõ rằng họ cảm thấy dự án này đang lãng phí tiền của. Houhgton kể “Tôi thường xuyên bị doạ mất việc, nhưng lúc đó tôi nghĩ rằng còn có gì mà tôi có thể làm hay hơn thế này nữa?”.

Sàng lọc các trình tự

Ngay kề bên phòng thí nghiệm của Houghton là phòng thí nghiệm của Quách Kính Hoành. Quách đầu quân cho Chiron năm 1981 và đang thực hiện đề tài nghiên cứu một protein quan trọng trong y học gọi là yếu tố hoại tử khối u.

Sau nhiều năm tìm kiếm, Chu và Houghton đã sàng lọc hàng chục triệu trình tự di truyền mà vẫn không tìm ra dấu vết loại virus bí ẩn. Một hôm, nhìn thấy sự buồn bực của Chu, Quách mới đưa ra lời khuyên rằng nhóm nên thay đổi chiến thuật. Lượng virus chỉ đơn giản là quá thấp nên những kỹ thuật mà họ đang sử dụng không thể phát hiện được. Quách khuyên họ nên thu các mảnh RNA từ mẫu bị nhiễm, rồi đem biểu hiện trong vi khuẩn để khuếch đại số lượng. Nhóm nghiên cứu sau đó có thể sàng lọc những “thư viện” này bằng huyết thanh có kháng thể từ người bị nhiễm bệnh viêm gan phi A, phi B. Họ hy vọng rằng người bị nhiễm bệnh sẽ có kháng thể nhận biết được trình tự virus, từ đó cho phép những người làm nghiên cứu bắt được những trình tự tương ứng từ thư viện đã được tạo ra trước đó.

Daniel Bradley cũng từng đề xuất phương án này, nhưng nó nghe có vẻ mạo hiểm vì kháng thể đối với virus viêm gan phi A, phi B chưa từng được phân lập và do đó Houghton đã do dự. Nhưng vào năm 1986, Quách thuyết phục được Houghton làm thử, giúp thiết kế quy trình, và bắt tay cùng tham gia.

Nhóm ba người họ đã làm việc suốt ngày đêm. Houghton tạo ra các thư viện trình tự từ huyết thanh lấy của các bệnh nhân bị nhiễm. Ông dùng máy siêu ly tâm để thu DNA và RNA trong các cặn ly tâm sánh như keo dưới dáy ống nghiệm. Rồi một ngày, ông thấy hình như có gì sai sót vì “tôi thu được một mẫu tách chiết nhìn như dầu rất kỳ lạ”. Một người trợ lý nghiên cứu nói ông cứ vứt nó đi, nhưng ông vẫn quyết định dùng mẫu đó. Không lâu sau, Chu chạm tay đến mỏ vàng: trong thư viện trình tự làm từ cái mẫu trông như dầu của Houghton, ông tìm được một mẩu acid nucleic dường như có nguồn gốc từ virus đó.

Từ mẩu trình tự đó, cả nhóm đã lần ra được những đoạn trình tự liền kề trong bộ gen virus, và cuối cùng ráp chúng lại được với nhau. Quách lập tức dùng thông tin này để thiết kế một phương pháp xét nghiệm có khả năng sàng lọc máu bị nhiễm. Năm 1989, cả nhóm công bố hai bài báo trên tạp chí Science, một bài mô tả việc phân lập virus mà họ đặt tên là virus viêm gan C, còn một bài ghi lại quy trình sàng lọc.

Khám phá này trở thành một câu chuyện lớn, vậy mà khi Chu báo cáo kết quả ở những hội thảo khoa học, không ai biết ông là ai. Ông kể “Tôi nghe được mọi người thì thầm với nhau: thằng cha này là ai vậy?”. Ông nói rằng tất cả đều là thứ bậc trong phòng thí nghiệm: trong khi Houghton bận rộn giao dịch với bên ngoài trên tư cách người điều hành phòng thí nghiệm, thì Chu cặm cụi làm việc bên trong phòng thí nghiệm.

Cho đến lúc đó, xét nghiệm của Quách đã được triển khai. Cuối năm 1988, Chiêu Hoà thiên hoàng (Hirohito) của Nhật Bản là người đầu tiên được nhận máu đã qua sàng lọc bằng phương pháp của Quách. Nước Nhật cấp giấy phép để phương pháp này được sử dụng rộng rãi năm 1989, và Hoa Kỳ cũng tiếp bước vào năm 1990.

Việc khám phá ra virus viêm gan C cũng mở đường cho liệu pháp điều trị. Năm 2014, Cục quản lý thực phẩm & dược phẩm Hoa Kỳ đã phê chuẩn một chế độ dùng thuốc chữa bệnh được đến tận 90% bệnh nhân mắc bệnh này. Hiện nay, nhiều nhóm nghiên cứu đang bắt tay vào việc tìm vaccine.

Ít được công nhận

Michael Houghton,  Chu Quế Lâm và George Kuo (từ trái qua phải) trong những năm 1990. Nguồn: H. J. Alter & M. Houghton/Nature Med.

Từ đó đến nay, nhiều giải thưởng cao quý đã được trao cho những người đứng phía sau việc tìm ra virus viêm gan C. Nhiều giải đã được dành cho Michael Houghton, và ông đã thuyết phục một vài đơn vị trao giải cùng công nhận Chu Quế Lâm và Quách Kính Hoành. Năm 2013, Houghton đã làm một việc khác thường là từ chối giải thưởng Gairdner danh giá vốn đi kèm số tiền thưởng 100.000 dollar Canada (tương đương 75.000 dollar Mỹ). Trước đó Houghton đã hy vọng sẽ thuyết phục được Quỹ Gairdner cùng công nhận Chu và Quách khi họ đã công nhận Daniel Bradley và Harvey Alter. Khi quỹ này từ chối, Houghton cũng từ chối cả giải lẫn tiền thưởng.

Tuy nhiên, Houghton nói ông nhận giải Nobel vì không có hy vọng gì vào việc thay đổi quy luật lâu đời giới hạn số người nhận giải tối đa là 3. Houghton nói “Toàn bộ công cuộc khám phá này đã mất hay một chút khi dính đến chuyện giải thưởng”. Ông kể ra ngay hàng loạt tên tuổi các nhà khoa học đã đóng góp vào việc khám phá và sau đó tiếp tục nghiên cứu virus viêm gan C rồi nói “Tất cả những con người tài giỏi này đều xứng đáng được công nhận”.

Một trong những ứng cử viên của giải Nobel cho nghiên cứu virus viêm gan C theo một số người là Ralf Bartenschlager, nhà nghiên cứu virus tại Đại học Heidelberg ở Đức. Bartenschlager nói “Đây là một công việc hợp tác chung của rất nhiều, rất nhiều người trong lĩnh vực này”. Theo ông thì Quách, Chu, và Bradley có những đóng góp quan trọng, cũng như những nhà nghiên cứu khác, nhưng cách chia giải của Ủy ban giải thưởng Nobel cũng có lý: công việc của Harvey Alter cho thấy bệnh viêm gan phi A, phi B bí hiểm kia có thể lây truyền từ máu của người nhiễm sang cho tinh tinh; nhóm của Michael Houghton xác định loại virus; còn Charles Rice và cộng sự của mình chứng minh chỉ cần một mình virus viêm gan C là đủ gây ra bệnh viêm gan.

Bartenschlager nói “Đây lúc nào cũng là một thử thách”. Các uỷ ban giải thưởng Nobel không bình luận công khai lý do họ chọn cá nhân nào đó để trao giải.

Khi tin tức về giải Nobel được loan báo, Quách nói ông có chút cảm giác thất vọng. Ông nói “Giới hạn số lượng người nhận giải có lẽ đã là lạc hậu trong thế giới khoa học dựa trên hợp tác và làm việc theo nhóm ngày nay”. Nhưng ông cũng nói thêm rằng giải thưởng chưa bao giờ là mục tiêu công việc. Ông nói “Động lực của tôi là ước mơ rằng tôi có thể tạo ra sự khác biệt khi giúp đỡ mọi người trên thế giới mà lắm lúc là cứu mạng họ; tôi cũng muốn dạy con mình rằng nỗ lực làm cái mà mình đam mê là quan trọng như thế nào”.

Còn Chu đã bật khóc khi được hỏi ông cảm thấy thế nào khi giải Nobel được công bố. Ông nói “Tôi hạnh phúc, rất hạnh phúc”. Việc một số giải thưởng không có tên ông không hề làm giảm phần nào nhận thức rằng công việc của ông đã giúp cứu mạng rất nhiều người và định hình cả một thế hệ các nhà virus học và lâm sàng học. Chu nói “Đó là đứa con của tôi, tôi vô cùng tự hào; làm sao mà tôi không tự hào cho được?”.

Nguyễn Trịnh Đôn dịch

Nguồn:

Heidi Ledford (2020) Nature 586:485 https://doi.org/10.1038/d41586-020-02932-y

Ghi chú:

Michael Houghton sinh ra ở Anh, lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Luân Đôn (Anh). Chu Quế Lâm (Qui-Lim Choo) sinh ra ở Singapore, lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Luân Đôn (Anh). Quách Kính Hoành (George Ching-Hung Kuo) sinh ra ở Đài Loan, lấy bằng tiến sĩ tại Trường y Albert Einstein (New York, Mỹ). Cả ba người cùng làm việc tại Công ty Chiron, sau đó Houghton chuyển đến Đại học Alberta (Canada) làm giáo sư virus học cho đến nay. Ngoài virus viêm gan C, Houghton và Chu còn tìm ra bộ gen virus viêm gan D.

Hai bài báo gốc trên Science năm 1989 của Houghton, Chu và Quách: https://doi.org/10.1126/science.2496467https://doi.org/10.1126/science.2523562.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)