Những toà nhà bê-tông phủ màu xanh: Hướng đi cho các đô thị bền vững

Tăng trưởng kinh tế thường gắn liền với sự suy giảm môi trường, nhưng một số thành phố đang chứng minh điều này không phải lúc nào cũng đúng.


Mật độ dân số của Hong Kong rất cao. Trung tâm thành phố không có nhiều cây xanh, chất lượng không khí xấu, có thể gây viêm phế quản và suy giảm chức năng phổi. Ảnh: Pu Miao / Researchgate

Quá trình đô thị hoá thường đi kèm với một “rừng” bê tông, những toà nhà chọc trời, không khí ô nhiễm, và dòng sông đặc quánh đen ngòm. Vào thế kỷ 19, cùng với sự phát triển của thành phố, dòng sông Thames ở London đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Rác rưởi, chất thải công nghiệp, nước thải chưa qua xử lý, đều đổ xuống đây. Mùa hè năm 1858 nắng nóng như đổ lửa càng khiến mùi hôi trở nên nồng nặc hơn, đến mức sự kiện này đã đi vào sử sách với cái tên “Great Stink” (Mùi Hôi thối Kinh khủng). Ngày nay, các tác phẩm thuộc thể loại khoa học viễn tưởng thường miêu tả “đô thị” như một thành phố “phản địa đàng” (dystopia), dày đặc đường nhựa, nơi bạn chẳng thể tìm thấy một cái cây hay một ngọn cỏ nào. Chẳng hạn, trong bộ phim Blade Runner, khung cảnh thành phố lúc nào cũng tối tăm và tràn ngập các toà nhà cao vút.

Tăng trưởng kinh tế thường cũng đi kèm với suy giảm môi trường. Nhìn từ không gian, các khu vực đô thị hoá hiện lên như những dải ánh sáng rực rỡ. Phần chìm trong bóng tối thường là những khu vực có rừng cây, còn hoang sơ. Bên trong các đô thị chỉ có một vài mảng tối đen như mực, thành phố càng lớn, thì dường như càng ít màu xanh hơn.

Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng với một số thành phố.

Xa xưa, vào thuở ban đầu khi con người bắt đầu dựng nên các thành phố, những thành phố đã làm suy yếu môi trường tự nhiên xung quanh, và con người đã phải trả giá vì điều đó. Vào năm 3000 trước Công nguyên, Uruk có mật độ dân cư đông đúc hơn thành phố New York ngày nay, với 80.000 người sống trong một khu vực rộng khoảng 2 dặm vuông. Thủ đô đông đúc này đã phải liên tục mở rộng hệ thống thủy lợi để thích ứng với dân số ngày càng tăng. Ở Sri Lanka 2.500 năm sau, thành phố Anuradhapura cũng gặp vấn đề tương tự. Nó cũng phát triển không ngừng, và hệt như Uruk, nó phụ thuộc rất nhiều vào một hệ thống tưới tiêu hoành tráng.

Khi Uruk phát triển, người nông dân bắt đầu chặt cây để có thêm không gian trồng trọt. Ban đầu, hoạt động mở rộng đất nông nghiệp vẫn diễn ra ổn thoả. Tuy nhiên, vì không có cây xanh để lọc nguồn cung cấp nước, hệ thống tưới tiêu của Uruk đã bị ô nhiễm. Nước bốc hơi để lại các mỏ khoáng, khiến đất quá mặn để canh tác.

Tuy nhiên, ở Anuradhapura, người dân cho rằng cây cối rất linh thiêng. Thành phố của họ có một nhánh của cây bồ đề được cho là nơi Đức Phật đã giác ngộ. Sự thành kính này đã làm chậm lại quá trình mở rộng đất canh tác, thậm chí khiến thành phố phải trồng thêm cây xanh trong các công viên đô thị. Hệ thống tưới tiêu của Anuradhapura được thiết kế để hoạt động hài hòa với khu rừng xung quanh. Dân số trong thành phố rốt cục đã tăng lên gấp đôi dân số của Uruk, và ngày nay Anuradhapura là một trong những thành phố có người ở liên tục lâu đời nhất thế giới, người dân vẫn chăm sóc một cây cổ thụ được trồng hơn 2.000 năm trước.

Câu chuyện về hai thành phố cổ đại này để lại cho chúng ta những bài học. Nhiều người nghĩ rằng thiên nhiên và đô thị là hai phần tách biệt, nhưng thực chất cây xanh luôn là một phần quan trọng của không gian đô thị phồn hoa. Một cái cây xanh tươi to lớn có thể có vài trăm nghìn chiếc lá, mỗi chiếc là một “công cụ” quang hợp. Những chiếc lá nhỏ bé này làm sạch không khí bằng cách giữ lại carbon và các chất ô nhiễm khác, khiến chúng trở thành một phần cần thiết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ngoài ra, cây cối hoạt động giống như một miếng bọt biển tự nhiên, hấp thụ nước mưa chảy tràn và giải phóng nó trở lại bầu khí quyển. Màng rễ của cây cho phép đất giữ nước và lọc bỏ độc tố. Rễ giúp ngăn lũ lụt.

Đáng buồn thay, cùng với quá trình đô thị hóa, rừng bị phá để làm nông nghiệp và những người dân nghèo đã chặt cây trong đô thị để lấy chất đốt. Thomas Jefferson xem việc chặt bỏ cây cối là “một tội ác”.

Song, từng chút một, màu xanh lá cây đã trở lại khi các thành phố tìm cách khắc phục phần nào sự phá hoại của mìn. Ở Seoul, Hàn Quốc, một con đường cao tốc lát bê tông đã che lấp con suối từng chảy qua thành phố. Năm 2003, thị trưởng Seoul quyết định dỡ bỏ đường cao tốc trên cao 40 năm tuổi với mong muốn khôi phục lại dòng suối bị ô nhiễm và xây dựng một công viên dọc theo bờ suối. Suối Cheonggyecheon hiện là một không gian giải trí cộng đồng. Cá, chim và côn trùng đã trở về, còn dòng suối đã giúp thành phố giảm bớt hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, góp phần giảm nhiệt độ của các khu vực lân cận xuống 3,6°C.

Các thành phố đang tập trung xây dựng các đầm lầy sinh học và vườn mưa (rain garden – giải pháp giữ và kiểm soát lượng nước mưa, làm giảm lượng nước chảy tràn trên bề mặt, góp phần giảm sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt…) để thay thế các đường ống dẫn nước mưa. Các biện pháp này hoạt động như một mạng lưới “cơ sở hạ tầng xanh” để thu nước mưa và lọc nước, giúp thành phố tiết kiệm chi phí đầu tư thêm hệ thống thoát nước mưa và lát nền. Ví dụ, việc lát các tấm thấm nước trên các đường phố của Seattle đã giúp chính quyền thành phố cắt giảm một nửa chi phí lát đá. Seattle đã đưa ra quy định 30% diện tích đất trong các khu thương mại phải là những khu vực có cây cối xanh tốt.

Nhiều thành phố cũng đã ban hành các sắc lệnh về việc trồng cây và thảm thực vật trên mái nhà.

Zurich là một trong những thành phố đầu tiên ban hành chính sách bắt buộc tất cả các mái nhà bằng phẳng (flat roof) trong thành phố, ngoại trừ sân thượng dùng để sinh hoạt (terrace), phải là những bề mặt xanh. Ở Đức, khoảng 14% mái nhà được phủ xanh. Hamburg thậm chí còn ban hành chính sách phủ thảm thực vật lên 70% tổng số mái nhà trong thành phố.

Nhiều thế kỷ trước, người Viking ở Newfoundland đã phủ xanh những mái nhà của mình. Cho đến thế kỷ 19, những ngôi nhà bằng gỗ ở Na Uy vẫn được bao phủ bởi cỏ, đôi khi xen lẫn với hoa và các loại cây nhỏ, để cung cấp cho mái nhà khả năng cách nhiệt. Ngày nay, mái nhà xanh vẫn là giải pháp giúp tăng tuổi thọ của mái nhà, vì thảm thực vật bảo vệ màng mái khỏi bức xạ tia cực tím và sự dao động nhiệt độ.

Những mái nhà xanh giờ đây còn là nơi trồng rau quả. Nông nghiệp đô thị, dù là trên mái nhà hay trong các khu vườn cộng đồng, đã và đang tiến vào các thành phố như một cách để giảm số năng lượng bị lãng phí vào việc vận chuyển thực phẩm từ xa đến cửa hàng tạp hóa địa phương. Với việc cây ăn quả bắt đầu trở thành một phần của các thành phố, chúng ta đã về lại với cách sống của tổ tiên, những người có cuộc sống xoay quanh công việc trồng trọt.

Cây cối đã trải qua một chặng đường dài từ rừng rậm đến những mái nhà. Chúng đang trở thành một phần không thể thiếu ở Singapore, thành phố nơi các tòa nhà chọc trời được bao phủ bởi màu xanh của cây cối.

Hình mẫu Singapore

Lần đầu ghé thăm Singapore, nhiều người đã ngạc nhiên về sự khác biệt giữa thành phố này với Hong Kong, mặc dù cả hai đều từng là thuộc địa của Anh, diện tích đất nhỏ, dân số và các ngành công nghiệp tương tự nhau. Tuy nhiên, tại Hong Kong, các tòa nhà chọc trời mọc lên san sát nhau, cơ sở hạ tầng ngầm khiến cây cối khó phát triển. Những con phố chật hẹp và vỉa hè đông đúc, với những tòa nhà chọc trời chắn nắng. Dây cáp và đường ống chạy dưới lòng đất khiến cây cối hầu như không thể sinh trưởng nổi ở trung tâm thành phố. Điều này góp phần khiến chất lượng không khí xấu đi, có thể gây viêm phế quản và suy giảm chức năng phổi.

Đối lập với rừng bê tông của Hồng Kông là Singapore, một ốc đảo xanh yên bình. Gốc rễ của hai bức tranh khác nhau này nằm ở cách quản lý. Hong Kong thời hậu thuộc địa vẫn dẫn đầu thị trường nhờ sự dẫn dắt của các nhà phát triển – nhưng họ không có quá nhiều kế hoạch hoành tráng liên quan đến môi trường. Singapore thì đi từ dưới lên, được điều hành bởi chính trị gia đại tài Lý Quang Diệu. Cả hai thành phố đều thịnh vượng, nhưng theo những cách hoàn toàn khác nhau.

Các toà nhà Singapore có mái và mặt tiền xanh mát. Ảnh chụp tại khách sạn Royal Park. Có thể thấy những hàng cây ven đường tốt tươi và đa dạng dọc theo Phố Pickering. Ảnh: Timothy Beatley

Năm 1963, Lý Quang Diệu đã phát động chiến dịch trồng cây bằng cách tự mình trồng cây đầu tiên, cây thành ngạnh (Cratoxylum formosum). Sau khi Singapore độc lập, ông đã phát động chiến dịch Thành phố Vườn và Ngày trồng cây hằng năm để làm đẹp Singapore. Năm 1974, Singapore có 158.000 cây xanh. Bốn mươi năm sau, con số này đã tăng lên thành 1,4 triệu.

Xanh hóa đã trở thành mục đích sống còn. Singapore là một đất nước có kích thước của một thành phố. Với khoảng 6 triệu người, dân số nước này tương đương với Đan Mạch, nhưng diện tích chỉ bằng một nửa London. Do đó, Singapore phụ thuộc vào các nước láng giềng, như Malaysia, để có nước sinh hoạt. Nhằm tránh phụ thuộc vào các quốc gia khác, Singapore cần phải tự cung tự cấp trong khuôn khổ nhỏ gọn của mình. Họ phải thu gom nước mưa, không thể để các dòng sông của mình bị ô nhiễm như các nước khác. Singapore, nếu muốn có khả năng tự cung tự cấp, không có lựa chọn nào khác ngoài thực hiện các chiến lược xanh hoá.

Năm 1963, ông Lý đã hợp nhất các đơn vị khác nhau lại để thành lập cơ quan cấp nước quốc gia. Trong 10 năm, cơ quan này làm sạch các con sông – nơi trước đây vẫn là một cống thoát nước. Họ đã di dời các nhà máy và trang trại, xây dựng các hồ chứa nước, lên kế hoạch thu gom và thu hồi nước mưa trong thành phố. “Đến năm 1980, chúng tôi có thể cung cấp khoảng 63 triệu gallon nước mỗi ngày,” ông Lý nói, “tương đương khoảng một nửa lượng nước mà chúng tôi tiêu thụ hằng ngày.”

Ngày nay, Singapore có vô số hồ chứa nước. Các mái nhà, công viên, lòng đường và vỉa hè đều có chức năng thu hồi nước. Một hệ thống phức tạp gồm các kênh, đường hầm và máy bơm sau đó chuyển nước đến các nhà máy xử lý, tất cả đều được điều khiển bằng bộ vi xử lý.

Năm 2009, Pinnacle@Duxton, dự án nhà ở công cộng của Singapore hoàn thành. Nó có bảy tòa tháp cao 50 tầng được kết nối với nhau nhờ những khu vườn cây cảnh trên cao, giúp cư dân chạy bộ hằng ngày giữa những cây cọ. Những cây xanh mới được trồng sẽ giúp làm mát các tòa nhà, tạo bóng râm, giảm nhiệt độ ngoài trời.

Singapore cũng tích cực tìm cách giải quyết vấn đề về thực phẩm. Họ đã xây dựng nên Sky Greens, trang trại thẳng đứng thương mại đầu tiên trên thế giới, bao gồm 120 khung chữ A bằng nhôm, mỗi khung có 38 tầng thực vật. Trang trại thẳng đứng sản xuất nửa tấn rau tươi mỗi ngày.

Singapore đã trở thành một hình mẫu cho sự phát triển bền vững trên toàn thế giới. Khi lượng khí thải carbon đang khiến nhiệt độ tăng lên và quá trình đô thị hóa đang phá vỡ hệ thống tự nhiên của chúng ta, Singapore đã cho ta thấy thế nào là một tương lai đô thị bền vững — đó là một nơi với những tòa nhà chọc trời xanh mát.

Hoàng Nhi tổng hợp

Nguồn:

The Concrete Jungle Is Turning Green Again

Story of cities #14: London’s Great Stink heralds a wonder of the industrial world

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)