Nợ công châu Âu: Tiến thoái lưỡng nan về chính sách

Trong khi nguy cơ vỡ nợ ở châu Âu bị đánh giá là 40%  thì thành công của Hội nghị EU vừa qua chỉ là bước giải cứu ban đầu và châu Âu vẫn đứng trước một số tình thế tiến thoãi lưỡng nan về chính sách.

Lịch sử đã cho thấy mỗi khi kinh tế suy thoái là nợ công sẽ tăng do nguồn thu ngân sách giảm, đồng thời chi tiêu chính phủ tăng mạnh (phúc lợi xã hội, trợ cấp thất nghiệp,…). Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, việc triển khai các gói kích cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng và cứu trợ hệ thống ngân hàng càng góp phần đẩy thâm hụt ngân sách lên mức cao kỷ lục và tỷ lệ nợ công vượt khả năng chi trả. Hiện nợ công là vấn đề của nhiều nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, …, tuy nhiên, nguy cơ vỡ nợ ở châu Âu được cho nguy cơ lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới. Tháng 8/2011, Cơ quan Thông tin kinh tế (EIU) của tờ Nhà Kinh tế (Anh), cho rằng nguy cơ vỡ nợ khu vực EU là 40%1.

Nợ công bùng phát ở Châu Âu

Tại khu vực Châu Âu, khủng hoảng nợ công bùng phát tại Hy Lạp (5/2010), lan sang Ireland (11/2010) và Bồ Đào Nha (4/2011), buộc EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phải thông qua các gói cứu trợ khẩn cấp trị giá hàng trăm tỷ euro. Để ngăn ngừa nguy cơ khủng hoảng, EU cũng thống nhất gói các biện pháp “dài hạn” trong đó có việc thiết lập Quỹ Bình ổn tài chính Châu Âu (EFSF) từ năm 2013, thắt chặt các quy định trên thị trường tài chính – chứng khoán và tăng cường phối hợp chính sách. Vấn đề đã trở nên thực sự nghiêm trọng khiến EU buộc phải huy động sức mạnh của cả hệ thống tài chính và kêu gọi các tổ chức tài chính tư nhân hỗ trợ Hy Lạp trên cơ sở tự nguyện với quy mô 37 tỷ euro.

Trải qua nhiều Hội nghị Thượng đỉnh (HNTĐ), nhưng phải đến HNTĐ ngày 27/10/2011, EU nhất trí đưa ra gói giải pháp được đánh giá “đột phá”: (i) Các chủ nợ tư nhân đồng ý xóa 50% trong khoản nợ ước tính 350 tỷ USD của Hy Lạp; (ii) Tái cấp vốn cho các ngân hàng ở châu Âu trị giá 146 tỷ USD; (iii) Nâng quy mô Quỹ Bình ổn tài chính Châu Âu (EFSF) lên 1.000 tỷ euro tuy không đặt ra thời hạn cụ thể để hoàn thành mục tiêu này2. Trước đó, EU đã phải khá vất vả mới thông qua được quyết định (ngày 12/10) tăng quy mô Quỹ EFSF từ 440 tỷ euro lên 780 tỷ euro.

Nhìn chung, thế giới “thở phào” trước giải pháp quan trọng mới đạt được của EU đã giúp Hy Lạp tránh được nguy cơ vỡ nợ trước mắt. Thị trường tài chính – tiền tệ cũng có phản ứng tích cực với sắc xanh trên các sàn chứng khoán lớn. Nhưng như vậy chưa có nghĩa là các nước đã yên tâm với vấn đề nợ công của châu Âu. Một mặt, các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn để huy động vốn trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Mặt khác, diễn biến thời gian qua cho thấy việc nâng quy mô Quỹ EFSF không phải là dễ dàng, và cho dù có nâng được quy mô Quỹ lên 1.000 tỷ euro thì Quỹ vẫn cần sự bảo trợ, nhất là vai trò của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) để trấn an giới đầu tư – tài chính trong khi ECB hiện vẫn giữ quan điểm về tính độc lập của mình..

Tiến thoái lưỡng nan về chính sách

Trong bối cảnh “quả bom” nợ công vẫn treo trên đầu châu Âu, và thành công của HNTĐ EU vừa qua chỉ là bước giải cứu ban đầu, EU vẫn đứng trước một số tình thế tiến thoái lưỡng nan về chính sách.

Thứ nhất, các nước EU nỗ lực thống nhất được việc dùng ngân sách chung để cứu trợ Hy Lạp và các nền kinh tế sắp vỡ nợ khác. Một mặt, việc cứu các nền kinh tế thành viên sắp vỡ nợ có ý nghĩa “sống còn” đối với EU, và nhìn rộng ra là đối với nền kinh tế thế giới. Nguyên nhân là khi một vài thành viên EU bị vỡ nợ, lòng tin của giới đầu tư – kinh doanh sẽ giảm rất mạnh, việc tiếp cận vốn của các nền kinh tế khác trong và ngoài EU sẽ trở nên rất khó khăn do rủi ro bảo hiểm đối với nợ công tăng mạnh, khiến lãi suất cho vay tăng cao. Bài học lịch sử, mà điển hình là trường hợp của Úc trong Đại khủng hoảng 1930s cho thấy việc bị mất khả năng tiếp cận nguồn vốn sẽ đưa kinh tế vào suy thoái.3

Mặt khác, việc thông qua gói cứu trợ đủ lớn để cứu được các nước này gặp nhiều rào cản, khó khăn do các chính trị gia các nước EU khó có thể đưa ra quyết định dùng tiền thuế của người dân nước họ để cứu các nước sắp vỡ nợ trong bối cảnh EU đang cần tiền để phục hồi kinh tế, giảm thất nghiệp. Điển hình là người dân Đức cho rằng họ không có trách nhiệm phải dùng tiền thuế của mình để sửa chữa sai lầm của Hy Lạp, nhất là khi xuất hiện các bằng chứng về việc không trung thực về tài chính của nước này. Trong khi đó, xu hướng ở Hy Lạp là “thà làm đầu gà còn hơn làm đuôi công”, theo đó việc Hy Lạp ngày càng không muốn tuân theo các giải pháp của EU. Đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan thứ nhất của EU.

Thứ hai, EU tiếp tục buộc các nước có nợ công cao phải thắt lưng buộc bụng hơn nữa, nhằm đưa nợ công ở các nước này dần dần về mức bền vững. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với giảm phúc lợi xã hội, tăng thất nghiệp, khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn hơn và bất mãn với chính phủ theo đó cũng tăng theo.

Trong tình hình hiện nay, không gian chính sách cho lựa chọn này là rất hẹp, nhất là trong bối cảnh phong trào biểu tình “Chiếm phố Wall” đang lan rộng từ Mỹ sang nhiều nước châu Âu. Nhiều phân tích cho thấy thực chất của phong trào “Chiếm phố Wall” là những bức xúc trong xã hội do đời sống của người dân khó khăn hơn trước do suy thoái kinh tế trong khi các tổ chức tài chính chính, ngân hàng là thủ phạm gây ra khó khăn nhưng lại được cứu trợ bằng hàng tỷ USD tiền thuế của người dân và đang hưởng lợi nhuận trong khi chính phủ không có chương trình mạnh mẽ giúp xóa nợ cho người dân bị mất nhà và thất nghiệp4. Đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan thứ hai của EU.

Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan đó, khả năng EU sẽ tiếp tục nỗ lực đạt được các giải pháp cơ cấu nợ cho các nước có nợ công cao như việc giảm nợ cho Hy Lạp vừa qua. Các giải pháp sẽ không chỉ dừng ở xóa nợ mà có thể là giãn nợ, tái cơ cấu lại các khoản nợ. Mục tiêu nhằm tránh để các nước có nợ công cao rơi vào vỡ nợ, qua đó duy trì được khả năng tiếp cận vốn đầu tư, phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách để trả nợ sau này. Mô hình các câu lạc bộ nợ như câu lạc bộ Luân-đôn, Paris có thể hoạt động tích cực trở lại. Chỉ khác là lần này, biện pháp sẽ áp dụng với các nền kinh tế phát triển thay vì đối với các nền kinh tế đang phát triển như trong quá khứ.

1. Theo Báo cáo Dự báo Kinh tế Thế giới của EIU.
 
2. Theo Tuyên bố Hội nghị Thượng đỉnh EU ngày 27/10/2011.

 
3. Theo bài trình bày của Thứ trưởng Bộ Ngân khố Úc tại Đại học Quốc gia Úc về “So sánh khủng hoảng kinh tế 1930 và khủng hoảng tài chính 2008: Bài học của Úc”.

 
4. Theo nguồn tin tổng hợp của Thông Tấn Xã Việt Nam.

 

Tác giả