Nợ Hy Lạp – khủng hoảng tiền tệ Euro: Bài toán khó giải và sẽ còn lặp lại

Chuyện một nước nhỏ không thể trả nợ đúng hạn là một biến cố thường lệ của một hệ thống thương mại và tài chính toàn cầu dựa trên tín dụng và đầu tư. Vì lý do này, chúng ta có những tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp tín dụng tức thời để vấn nạn đó không lan đến những nước khác. Nhưng trong suốt mấy năm qua, sự kiện nợ của Hy Lạp, một nền kinh tế nhỏ chỉ ngang thành phố Dallas - Fort Worth của Hoa Kỳ, đã biến thành cuộc khủng hoảng tiền tệ của cả Châu Âu, ảnh hưởng đến thị trường tài chính quốc tế, là do một lỗ hổng cơ bản của thiết kế khối Euro.

Khi một nhóm các quốc gia hội nhập tiền tệ nhưng không hội nhập về tài khóa

Nhiều người cho rằng Hy Lạp đáng lẽ không nên gia nhập với những nước có cơ cấu kinh tế khác biệt như Đức và Pháp. Nhưng khuyết điểm của khối Euro không phải là các nước không nên hội nhập, mà là chưa hội nhập đủ.

Khi cùng dùng một đồng tiền, các nước giảm được chi phí giao dịch và sự bất ổn định của giá cả qua việc loại bỏ sự bất ổn định hối đoái, theo đó gia tăng thương mại giữa các nước trong khối. Nhưng khi nhường cho Ngân hàng Trung ương Châu Âu quyền in tiền, ảnh hưởng lãi suất, v.v., các nước trong khối Euro đã từ bỏ chính sách tiền tệ độc lập. Ràng buộc này có ảnh hưởng tốt cho khối là không cho phép một quốc gia tự phá giá đồng tiền để kích cầu cho riêng hàng hóa của mình.

Đồng thời, khi không có lựa chọn in tiền, một nước cũng không thể dùng lạm phát (một hình thức thu thuế) để giảm nợ thực sự của mình. Ràng buộc thứ hai này tạo thành cái neo cho kỳ vọng của thị trường đối với lạm phát của nước đó, giữ cho lạm phát không gia tăng. Kỷ luật trong việc in tiền là một lý do chính tại sao những nước mà trong lịch sử đã trải qua những giai đoạn siêu lạm phát sẵn sàng bãi bỏ chính sách tiền tệ tùy ý. Hy Lạp đã từng trải qua những thời điểm khi giá cả gia tăng 14.000% một tháng.

Tuy nhiên, mặt trái là hội nhập về tiền tệ tạo áp lực cho một nước tăng mức nợ công của quốc gia. Khi không có công cụ chính sách tiền tệ, một chính phủ chỉ có thể dùng đến chính sách tài khóa để kích cầu khi kinh tế suy thoái theo chu kỳ, mà trong thời suy thoái, nguồn thu thuế giảm, việc tăng chi tiêu chính phủ để kích cầu chỉ có thể dựa vào lựa chọn tăng nợ công. Mà nợ công của thành viên trong khối quá cao thì sẽ đưa đến khủng hoảng nợ và có thể đưa đến khủng hoảng tiền tệ cho cả khối.

Để giảm áp lực nói trên, hội nhập tiền tệ phải kèm theo sự hội nhập tài khóa bằng một hình thức nào đó. Ví dụ điển hình là khối USD của Hoa Kỳ. 50 tiểu bang đều dùng một đồng tiền và theo một chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương (Federal Reserve). Hình thức hội nhập tài khóa của 50 tiểu bang là hệ thống thuế liên bang và chuyển nhượng giữa các tiểu bang qua Chính phủ Liên bang. Trong năm 2009 (khi khủng hoảng tài chính đang ảnh hưởng mạnh), 30 tiểu bang đã nhận ròng (nhận nhiều hơn số thuế nộp) từ Liên bang. Mười tiểu bang nhận ròng ở mức 150% GDP của tiểu bang hoặc cao hơn. Tiểu bang Alabama, với kinh tế ngang cỡ Hy Lạp, nhận ròng 174% GDP; Mississippi nhận ròng 254% GDP. Hai tiểu bang lớn Virginia và Maryland nhận ròng 145% và 149% GDP. Nếu không có những chuyển nhượng này thì các chính phủ tiểu bang sẽ phải vay mượn trên thị trường và sẽ phải tăng nợ công của mình. Những con số trên cho thấy tỷ lệ nợ công 175% GDP của Hy Lạp không nhất thiết là con số quá lớn không giải quyết được.
Trong 20 tiểu bang nộp thuế nhiều hơn số tiền nhận từ Liên bang trong năm 2009, ba bang lớn nhất California đã chi ròng 336 tỷ USD, Texas 390 tỷ, và New York 956 tỷ. Những con số này cao gấp nhiều lần gói giải cứu mới nhất mà khối EU cho vay thêm Hy Lạp là 96 tỷ USD tín dụng.

Hội nhập tài khóa có điểm quan trọng là việc chuyển nhượng từ tiểu bang này đến tiểu bang khác tự động xảy ra mà không đưa ra bàn cãi. Ví dụ khi một tiểu bang gặp suy thoái, thuế thu nhập nộp Liên bang sẽ giảm và số tiền nhận từ Liên bang cho bảo hiểm thất nghiệp sẽ tăng. Nếu đưa ra bàn cãi mỗi khi cần chuyển nhượng thì chắc chắn người dân California sẽ không đồng ý chuyển tặng dân Alabama 200 tỷ USD.

Sự trớ trêu ở đây là một nhóm các quốc gia sử dụng chung đồng tiền Euro nhằm giảm chi phí giao dịch và sự thiếu ổn định trên thị trường nhưng việc giữ một thành viên (nhỏ) trong khối mất rất nhiều thời gian, công sức, và vốn chính trị, đồng thời lại gây thêm tình trạng bất ổn định.

Khiếm khuyết lớn này xuất phát từ sự thiếu hội nhập về tài khóa giữa các nước trong khối Euro mà ai cũng có thể thấy nhưng không dễ giải quyết, bởi rất khó để người dân Đức hoặc Áo có thể đồng ý đưa vào luật việc tăng thuế để nuôi dân nghỉ hưu và thất nghiệp tại Hy Lạp, Ý, Bồ Đào Nha. Đây là khó khăn của khối EU và là lý do khủng hoảng Euro sẽ tiếp diễn trong tương lai.

 

Kinh tế Hy Lạp dựa chính vào ngành du lịch (18% GDP). Ngành này sẽ hồi phục một khi các nền kinh tế lân cận hồi phục.

Tăng trưởng còn quan trọng hơn số nợ

Từ năm 1998 đến 2007, tỷ lệ nợ công trên GDP của Hy Lạp giữ đều khoảng 100%. Đến năm 2010, tỷ lệ đó tăng đến 143%. Hiện nay tỷ lệ này khoảng 175%, thường được đưa ra để chứng tỏ sự không bền vững của ngân sách Hy Lạp. Nhưng tỷ lệ nợ trên GDP tăng phần lớn không phải vì những món nợ gia tăng mà vì GDP suy giảm. Trong các năm 2008-2014, GDP Hy Lạp giảm 29%!  Và khi GDP giảm thì nguồn thu thuế cũng giảm theo. Hy Lạp chẳng qua là một nạn nhân của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua. Khi kinh tế thế giới và Châu Âu hồi phục và GDP gia tăng trở lại thì tỷ lệ nợ công trên GDP cũng sẽ tự giảm.

Khi nói đến việc giảm nợ công, chúng ta thường nghĩ đến những biện pháp thắt lưng buộc bụng. Một trong những điều kiện cho gói giải cứu Hy Lạp là việc cắt giảm tiền trợ cấp cho dân. Tuy đây cũng có thể coi là điều kiện hợp lý, nhưng như đã trình bày ở trên, cách giảm nợ cơ bản nhất là gia tăng GDP. Đối với Hy Lạp, thách thức này đáng lo hơn cả con số nợ. Thập niên 1998-2007 là thời phồn thịnh mà đáng lý ra một quốc gia có thể tận dụng để giảm nợ của mình. Nhưng tỷ lệ nợ của Hy Lạp vẫn giữ nguyên khoảng 100%. Liệu khi kinh tế Châu Âu và quốc tế hồi phục và kéo Hy Lạp theo thì GDP của nước này có thể gia tăng để giúp giải quyết món nợ công hay không?

Kinh tế Hy Lạp dựa chính vào ngành du lịch (18% GDP). Ngành này sẽ hồi phục một khi các nền kinh tế lân cận hồi phục. Nhưng sự hội nhập toàn cầu tạo thêm nhiều điểm du lịch tại Đông Âu, Miến Điện, Cuba, cạnh tranh với giá cả thấp hơn Hy Lạp.  Như nhiều nước khác, Hy Lạp cần chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang những ngành khác, nhưng nhìn vào thực trạng quốc gia này thì khó thấy lợi thế tương đối nằm ở đâu, khi hơn 30% dân số là người già; 27% thất nghiệp; 20% lao động có việc làm là những người di dân làm trong ngành nông nghiệp và lao động phổ thông.

Hội nhập vẫn là xu thế tất yếu

Hy Lạp được coi là “cái nôi của nền dân chủ” nên cũng hợp lý khi vừa qua Thủ tướng Tsipras cho tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc có hay không chấp nhận các điều kiện đề xướng từ các chủ nợ Châu Âu. Điều đau lòng cho Hy Lạp là sau khi người dân bỏ phiếu và đa số quyết định không chấp nhận các điều kiện đó, Thủ tướng Tsipras đã trở lại đàm phán với các nước láng giềng và phải chấp nhận gói giải cứu với những điều kiện còn khắt khe hơn so với gói trước đó bị người dân Hy Lạp bác bỏ. Sự kiện này cho chúng ta thấy Hy Lạp không có lựa chọn tốt nào khác ngoài việc tiếp tục hội nhập với khối EU.

Nếu Hy Lạp rời bỏ khối Euro thì vẫn phải nhờ đến một hoặc vài nước khác giải cứu khỏi khủng hoảng nợ hiện tại. Điều kiện của các nước chủ nợ Châu Âu tuy khắt khe nhưng vẫn tập trung vào yêu cầu thắt lưng buộc bụng, điều mà Hy Lạp đằng nào cũng phải làm nếu muốn nền kinh tế của mình tồn tại và phát triển. Có những nước khác có thể giải cứu Hy Lạp, nhưng sớm hay muộn, họ vẫn sẽ đưa ra những điều kiện riêng của họ và chúng có thể không tốt hơn hoặc thậm chí sẽ xâm phạm nhiều hơn đến chủ quyền của Hy Lạp.

Giáo sư Joseph Stiglitz (Nobel Kinh tế học năm 2001) từng so sánh một nước đang phát triển với con thuyền nhỏ. Là một con thuyền nhỏ thì một con sóng lớn cũng có thể gây thiệt hại, dù tài công tài giỏi đến đâu, vì vậy khi ra biển khơi thì con tàu nhỏ phải cột vào một tàu lớn để đối phó với sóng gió. Tuy nhiên, đó phải là con tàu lớn đi cùng hướng mà nó muốn đi. Với những nước nhỏ như Hy Lạp và Việt Nam, vấn đề không phải là hội nhập hay không hội nhập, mà là hội nhập với ai.

Chúng ta cũng có thể nhận xét tình trạng nợ của Việt Nam từ góc nhìn tăng trưởng kinh tế. Nợ công Việt Nam đang gia tăng và hiện nay đã đến mức 60% GDP. Đây là một điều đáng quan tâm. Nhưng biến cố Hy Lạp bàn trên nhắc chúng ta rằng nợ không chỉ là vấn đề ngân sách mà còn liên quan đến việc tăng trưởng kinh tế. Một khi kinh tế quốc tế hồi phục, kinh tế Việt Nam sẽ gia tăng nhanh hơn, và tỷ lệ nợ công có thể sẽ tự giảm. Nhiều vấn đề ngắn hạn một nước nhỏ như Việt Nam không thể chủ động mà chỉ có thể theo làn sóng của thế giới bên ngoài. Việc Việt Nam có thể chủ động và cần tập trung là lựa chọn những chính sách và cơ cấu kinh tế phù hợp, ảnh hưởng tích cực đến sự tăng trưởng kinh tế dài hạn. Như Hy Lạp, Việt Nam cần có những ngành mới để thay thế những ngành trong tương lai sẽ chuyển dịch đến những nước khác với lao động rẻ hơn. Lý thyết tăng trưởng dạy chúng ta rằng tăng trưởng kinh tế chỉ bền vững khi nguyên do là sự sáng tạo và tăng trưởng hiệu quả trong sản xuất cũng như quản trị. Có lẽ khi nghĩ đến việc giảm nợ công, chúng ta không nên giới hạn tập trung vào việc chi thu ngân sách, mà nên xem xét với mỗi chính sách và biện pháp, liệu chúng có giúp cho kinh tế hoạt động hiệu quả hơn hoặc tạo động cơ thúc đẩy việc sáng tạo trong sản xuất và tổ chức, hoặc gia tăng sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường?

* Giáo sư Kinh tế học, Đại học Baylor, Hoa Kỳ

Tác giả

(Visited 28 times, 1 visits today)