Nồi sứ dùng được trên bếp từ duy nhất trên thị trường
Vào ngày 1/11 vừa qua, Công ty Minh Long I đã tổ chức lễ ra mắt màu mới của bộ nồi sứ dưỡng sinh tại Hà Nội.
Bên cạnh màu xanh rêu truyền thống được giới thiệu vào năm 2018 (mà theo theo ông Lý Ngọc Minh, người sáng tạo ra sản phẩm này, màu sắc đó gửi gắm thông điệp “vì sức khỏe” bởi rêu chỉ mọc ở những nơi trong lành, không ô nhiễm), giờ đây bộ nồi này có thêm màu đỏ và xám. Sở dĩ, phải mất ba năm mới công ty này mới cho ra màu sắc mới là bởi mỗi màu sắc đều được tạo nên bởi các thành phần kim loại khác nhau, có thể thay đổi tính dẫn nhiệt, độ sốc nhiệt, độ bền…của nồi, đòi hỏi phải có một quá trình thử nghiệm và đánh giá lâu dài. Trên thực tế, các hãng nồi sứ của Châu Âu và Mỹ hiện nay đa số chỉ lưu hành một màu duy nhất.
Các nồi sứ vốn không thể dùng trên bếp từ. Nhưng Minh Long I lại có một dòng nồi sứ riêng dùng cho loại bếp này. Kĩ thuật sản xuất nồi từ inox thông thường, là gắn một miếng sắt vào đáy nồi, không thể áp dụng trực tiếp với nồi sứ. Ông Lý Ngọc Minh đã tìm ra được kĩ thuật lựa chọn đất làm nồi và pha trộn vật liệu chứa sắt làm đế từ sao cho hai thành phần này giãn nở cân bằng, khiến nồi không bị vỡ khi nấu ở nhiệt độ cao.
Trải qua hàng nghìn năm văn minh của con người, nồi làm từ đất như gốm, sứ hiện nay vẫn được ưa chuộng trong các căn bếp khắp thế giới, đặc biệt là dùng trong lò nướng. Nồi gốm sứ nóng chậm nhưng giữ nhiệt tốt, chống dính tự nhiên, dễ dàng cọ rửa. Hơn nữa, gốm sứ là một trong số rất ít nguyên liệu sản xuất nồi gia dụng có bản chất không xúc tác với các thực phẩm có tính axit làm ảnh hưởng đến hương vị của món ăn. Điểm yếu của nồi loại này là dễ nứt, vỡ, đòi hỏi phải cẩn trọng trong lúc rửa và cất giữ. Độ sốc nhiệt của sứ cũng kém hơn so với các loại nồi kim loại khác. Cũng có lo ngại là với những màu men sặc sỡ, trong quá trình đựng thức ăn có thể rò rỉ các kim loại nặng như chì, gây độc. Tuy nhiên, sản phẩm của Minh Long hướng tới việc vừa bảo lưu, vừa nâng cao những giá trị độc đáo của đồ gốm, sứ trong nấu nướng và cũng vừa cải thiện những điểm yếu của loại nồi này. Sản phẩm này có được coi là thành quả hơn 15 năm nghiên cứu của ông Lý Ngọc Minh, nó không chỉ kế thừa, chắt lọc các kĩ thuật cũ mà còn phô diễn cả những kĩ thuật mới,
Chẳng hạn, cũng như tất cả các sản phẩm sứ từ trước đến nay, Minh Long I xử lý nguyên liệu đầu vào đạt đến độ tinh khiết để tiết kiệm nhiên liệu tối đa trong sản xuất và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, tạo màu men rực rỡ nhưng không chứa kim loại nặng và cadium, nung ở nhiệt độ cao hơn các hãng khác đảm bảo độ bền và độ cứng của sản phẩm. Nhưng để chế tác bộ nồi này, họ còn nâng cấp kĩ thuật để đảm bảo độ sốc nhiệt của sản phẩm lên đến 8000C, bởi vậy, với dòng nồi không dùng cho bếp từ, người dùng có thể lấy nồi từ ngăn mát tủ lạnh và đặt ngay lên bếp vẫn không bị vỡ. Họ cũng lựa chọn nguyên liệu đất hiếm để làm nồi, có tính chất phát ra các bức xạ hồng ngoại khi nấu, đảm bảo thực phẩm chín đều, từ trong ra ngoài một cách từ từ và lưu lại được tối đa dưỡng chất. Kết quả kiểm nghiệm ở viện Pasteur, TP. Hồ Chí Minh cho thấy, rau của quả luộc trong nồi sứ dưỡng sinh của Minh Long giữ được đến 80% lượng vitamin so với củ quả sống.
Sau những kinh nghiệm chế tác và sản xuất bộ nồi này, họ đang đưa vào thử nghiệm khay sứ chế biến thức ăn cho các khu công nghiệp. Theo đó, từng khay sứ lớn có bốn năm để đặt nguyên liệu bốn món với lượng cho bốn suất ăn, chỉ cần đưa vào lò nướng công nghiệp nấu một lần trong 30’ là xong, thay vì nấu riêng từng món.
Dù bộ nồi dưỡng sinh của Minh Long I có những phẩm chất vượt trội – ông Lý Ngọc Minh không ngần ngại so sánh chất lượng món ăn nấu bằng bộ nồi này không có gì thua kém bộ nồi gang của các hãng xa xỉ ở Châu Âu, sản phẩm này vẫn còn một chặng đường dài để thuyết phục thị trường cả trong nước lẫn nước ngoài vốn đã quen thuộc với sự tiện lợi của nồi, chảo kim loại.