Nông dân sẽ không mặn mà với trồng lúa!

Những kết quả nghiên cứu thực tế của nhiều nhà khoa học về mô hình “Cánh đồng mẫu lớn liên kết bởi nông hộ nhỏ”, mô hình “Liên kết trực tiếp và thường xuyên giữa doanh nghiệp với nông dân ở An Giang’; “Ngành hàng sản xuất lúa gạo xuất khẩu”; “Chuỗi giá trị gạo xuất khẩu” được phân tích khá đầy đủ về những mặt làm được và chưa làm được của cuộc đua tăng vụ…. Nghiên cứu nào cũng cho kết quả: Nông dân thua thiệt!

Khi việc tiêu thụ lúa dễ dàng bị dìm giá thì nông dân cũng cứ trồng lúa do không thể làm gì khác. Họ không biết việc làm của mình ảnh hưởng gì tới biến đổi khí hậu, chất lượng nguồn nước… Thời tiết không quá khó trước sự chọn lựa sinh kế gắn với lúa nước. Nhưng nếu nay mai Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc thi nhau làm đập thủy điện, nguồn nước trở thành tài sản riêng của các nước thượng nguồn, việc sản xuất ở hạ nguồn có muốn tăng vụ cũng không được nữa. Xâm nhập mặn sẽ làm cho việc trồng những loại cây trái khác cũng khó hơn.

Trong chuỗi giá trị lúa gạo, cái gốc là nông dân, nhưng “cái gốc” này từng bị thiệt đơn thiệt kép. Người nông dân từng là người bạn liên minh công – nông, nếu là người trồng lúa thì việc bảo đảm mức lời 30% mỗi vụ cũng đã khó. Nếu mỗi năm làm ba vụ, mức lời lý thuyến mỗi vụ 30% đã là quá thấp lại phải chịu áp lực giá leo thang liên tục, chưa kể 30-40 khoản đóng góp ở nông thôn.

Hai khoản nông dân phải đóng nặng nhất là xây dựng giao thông nông thôn và trường học, bình quân 672- 872 nghìn đồng/hộ/năm. Họ còn phải đóng góp đối ứng để thực hiện 19 tiêu chí phát triển nông thôn. Nếu trên cơ sở mỗi hộ 4 người thì một năm mỗi nông dân chỉ đạt thu nhập trung bình 4,2 triệu đồng, tương đương 200 USD. Đây cũng là thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam trước thời kỳ đổi mới. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là hơn 1.600 USD/năm, hay sự dãn cách về thu nhập nông thôn và thành thị ngày một nhiều.

Công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp, bao gồm sản xuất lúa hàng hóa, có nội dung trồng cây gì, nuôi con gì, công nghệ nào đang được đề cập nhiều hơn. Tuy nhiên, hãy xem đại đa số người dân gắn bó suốt đời này sang đời khác với cây lúa.

Điều có thể lý giải vì sao nông dân ĐBSCL cứ làm lúa và tỷ lệ giống lúa gốc OM (Viện lúa ĐBSCL ở Ô Môn, lúa OM đã được cấp bằng thương hiệu quốc gia) lên 60% và giống IR50404 tới trên 21% diện tích lúa. Làm một, hai hay ba vụ lúa cũng phải tính đến thu nhập thuần của nông dân trước, rồi mới để tăng số lượng lúa hàng hóa có số gạo xuất khẩu thứ nhì trên thế giới...

Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long vào đầu năm 2013 đã phối hợp với 13 Sở Nông nghiệp và PTNT khảo sát và thống kê việc sử dụng giống lúa. Kết quả cho thấy tỷ lệ diện tích dùng giống IR50404 ở tỉnh Đồng Tháp, nơi có nhiều cơ sở chế biến bánh bún, là 41 đến 58%; tỉnh dùng ít nhất thấy ở Bạc Liêu, Cà Mau: 6 – 9%; bình quân toàn vùng trên 21%.

Cứ mỗi khi xuất khẩu khó, doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại đổ lỗi do chất lượng gạo của ta kém, giống IR50404 lại phải “lên bờ xuống ruộng”, thương lái mua “dìm giá” để bán cho doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp. Nhưng phải nói rằng dù có làm gạo thuần thì qua cái hệ thống đấu trộn của các thương nhân cũng thành gạo mà bản thân nhà xuất khẩu không bao giờ nấu cho nhà mình ăn.

Giá lúa bất lợi liên tục sẽ là nguyên nhân khiến người trồng lúa phải thay đổi. Trong ngành hàng lúa gạo, nông dân là “Gốc” của ngành hàng, nhưng gốc không bền thì làm sao ngành hàng đứng vững được.

Tất nhiên, muốn cả ngành hàng lúa gạo đạt hiệu quả cao phải làm theo lời khuyên bảo của ông cha ta: “Phi nông bất AN; Phi công bất PHÚ; Phi thương bất HOẠT; Phi trí bất HƯNG” (Lê Quý Đôn, 1726 – 1784).

Vì diện tích sản xuất lúa của mỗi gia đình lại quá nhỏ lẻ, nên muốn thu nhập cao phải luân canh tăng vụ lúa- ngô/cây đậu đỗ, lúa – tôm/cá, đa canh, phát triển ngành nghề. Nhờ tài nguyên khí hậu nhiệt đới, á nhiệt đới và cả ôn đới ở vùng núi cao; lại có những vùng sinh thái nông nghiệp rất đa dạng để thực hiện đa dạng hóa sản xuất, trong đó có cây lương thực không chỉ có lúa, ngô, mà còn có tập đoàn cây ăn củ; cây công nghiệp lương thực lạc, sắn..cây lâm nghiệp lương thực như xa kê hay bánh mì; hồ đào hay óc chó, mít ăn hạt..sẵn sàng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nông dân ĐBSCL có tập quán sản xuất nông sản hàng hóa. Nếu thấy bất lợi, hoặc chỉ nghĩ rằng trồng cây này có lời hơn cây kia, họ sẽ chặt bỏ cây này trồng cây mới; lên liếp ruộng lúa để làm vườn hay hạ thấp đất vườn gieo cấy lại lúa. Tình thế tiến thoái lưỡng nan của nông dân trồng lúa là diện tích nhỏ lẻ manh mún sao có thể làm giàu được, đến chi tiêu hàng ngày cũng còn khó! Trồng rau màu, như ngô (bắp), đậu đỗ, củ quả.., cũng không đơn giản nếu không chuẩn bị thị trường.

Chỉ khi có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chế biến hoặc xuất tươi theo công nghệ hoàn hảo thì việc chuyển dịch mới thoát cảnh vết xe đổ như việc trồng rồi chặt những loại cây khác.

Theo TS Võ Hồng Dũng, giám đốc VCCI – Chi nhánh Cần Thơ, vào năm 1990, sản xuất nông nghiệp (khu vực I) luôn đóng góp cho GDP khoảng 40%; từ năm 2005 đến nay khoảng 20%. Từ năm 1995 đến 2000, đầu tư cho nông nghiệp khoảng 14% tổng số vốn đầu tư, đến năm 2009 chỉ còn 6,4%! Trong khi đất nông nghiệp bị thu hồi ngày một nhiều, các khoản thu từ nông hộ nhiều, giá cả xuống thấp sẽ khiến người trồng lúa não nề hơn..

Nông dân chỉ phấn khởi khi thu nhập thuần của họ tăng. Trong khi đó, hằng năm Nhà nước chỉ bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhân danh tạm trữ lúa gạo cho nông dân.

Trong cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, thủy sản vùng ĐBSCL ngày 5/6/2013 vừa qua ở Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: “Mục tiêu tương lai là tăng hiệu quả sản xuất, cải thiện hơn nữa đời sống của người dân”. Trong khi đó, chủ tịch Hiệp hội lương thực thẳng thắn từ chối việc thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Sự từ chối này sẽ khiến nông dân bất an! Rồi đây bà con sẽ không mặn mà chuyện tăng vụ trồng lúa nữa nếu không tái sản xuất nông nghiệp đúng hướng.

Giảm diện tích trồng lúa (vụ hè thu 2013)

Tiền Giang: Nông dân chỉ gieo sạ 78.443ha lúa hè thu, giảm hơn 2.620ha so  cùng kỳ năm trước.

Bến Tre: chỉ gieo sạ 20.056ha lúa hè thu, giảm 9,8% so với cùng kỳ.

An Giang chuyển hơn 7.100ha đất trồng lúa sang trồng cây khác, hoặc luân canh cây lúa với bắp, đậu nành, các loại rau củ quả…

Long An, khoảng 2.890ha đất trồng lúa đạt hiệu quả thấp đã chuyển sang trồng  các loại cây nguyên liệu, rau màu.

An Giang và Đồng Tháp: Trồng bắp lai có lợi nhuận gấp gần 2,8 – 4,5 lần so với trồng lúa và trồng đậu nành có lời gấp hơn sáu lần so với trồng lúa, chắc chắn cây trồng khác sẽ thay thế lúa.

Nguồn SGTT

Tác giả