Nông dân và doanh nghiệp: Cần nhau nhưng thiếu niềm tin

Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn lỏng lẻo nhưng có nhiều giải pháp để thay đổi thực trạng này.

Trong buổi hội thảo “Giải pháp bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân – Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN trong nông nghiệp” do Tạp chí Tia Sáng kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) và Sở KH&CN tỉnh Bến Tre, ông Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp và người nông dân có nhiều lợi thế khi liên kết với nhau. Về phía doanh nghiệp, họ có được nguồn nguyên liệu tập trung và chủ động, nguồn gốc sản phẩm rõ ràng nên giá trị nông sản cao. Còn về phía nông dân, họ chắc chắn đầu ra ổn định, lâu dài và được đảm bảo vật tư nông nghiệp không sợ hàng nhái, hàng giả và các dịch vụ nông nghiệp. Tuy nhiên, ông lại đưa ra những con số khá “sốc” về mối liên kết giữa người nông dân với nhau và giữa nông dân với doanh nghiệp ở Việt Nam, chẳng hạn như, chỉ có 2-3% hộ nông dân trên cả nước ký hợp đồng với doanh nghiệp và 60% doanh nghiệp ký hợp đồng với người nông dân không tham gia đầu tư cho họ mà chỉ thu mua, gom sản phẩm – phương thức mà ông gọi thẳng là “ăn sẵn”; 85% hợp tác xã trên cả nước không tổ chức sản xuất theo thị trường, người nông dân nuôi trồng xong không hề biết mình sẽ tiêu thụ sản phẩm kiểu gì và ở đâu, ngay cả trong các hợp tác xã cà phê của Trung Nguyên, chỉ có 1% được tổ chức theo hướng thị trường. Ông Trần Đức Viên cho rằng niềm tin giữa doanh nghiệp và nông dân không có nên chuỗi liên kết lỏng lẻo, tùy hứng và không bị ràng buộc.


Các nhân viên kỹ thuật phải gần gũi với người nông dân, phải “đi tới đi lui, chỉ trỏ, kề cà vài ba li rượu, trao đổi thân tình với họ để hai bên hiểu nhau” thì như vậy những quyền lợi nho nhỏ mới không xảy ra tranh chấp

Giải đáp những khó khăn mà ông Trần Đức Viên nêu ra, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, doanh nghiệp cần phải hiểu vị thế của mình so với nông dân để tự thay đổi nhận thức, cùng chia sẻ khó khăn và rủi ro với nông dân vì trong khi nông dân chỉ có quyền sử dụng đất mà giá trị của đất nông nghiệp thường được đánh gía thấp còn doanh nghiệp sở hữu nhiều giá trị khác nữa; doanh nghiệp cũng nắm cả đầu vào và đầu ra trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, khả năng tiếp cận thông tin về thị trường và những kỹ năng quản trị, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp vượt trội hơn nhiều so với nông dân. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần đặt mình vào vị trí người nông dân và tìm cách nâng cao năng lực của họ thay vì o ép. Bên cạnh đó, bà cũng nhấn mạnh rằng, cần có cách thức tăng cường tính pháp lý của hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp. Hiện nay, mỗi khi hợp đồng đổ bể thường khó quy kết lỗi tại ai, Nhà nước và xã hội thường bênh vực người nông dân trong khi không ít trường hợp nông dân là người phá bỏ hợp đồng, bán cho người khác khi được trả giá cao hơn.

Kỹ sư Hồ Quang Cua (tác giả của giống lúa thơm ST 20 được trồng phổ biến ở ĐBSCL và đã xuất khẩu ở nhiều thị trường khó tính) cũng đưa ra kinh nghiệm của bản thân ông khi đã liên kết các hộ nông dân với quy mô vài trăm đến vài nghìn hecta trong việc chuyển giao hỗ trợ kỹ thuật cho bà con. Theo ông, các nhân viên kỹ thuật phải gần gũi với người nông dân, phải “đi tới đi lui, chỉ trỏ, kề cà vài ba li rượu, trao đổi thân tình với họ để hai bên hiểu nhau” thì như vậy những quyền lợi nho nhỏ mới không xảy ra tranh chấp. Theo ông, “người nông dân rất đa nghi nhưng một khi họ đã tin thì không bao giờ ‘ăn thua’”. Ông cũng gợi ý rằng cần phải tận dụng những cán bộ địa phương, nhân viên chính quyền cùng tham gia vào quá trình này để tạo niềm tin, đến khi thu hoạch sẽ không diễn ra tranh chấp. Ông Hồ Quang Cua cho rằng, muốn liên kết thì bắt buộc phải đầu tư, đầu tư vào mối quan hệ giữa con người với con người cũng là đầu tư và cũng cần nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, tuy nhiên nếu liên kết được thì doanh nghiệp có vô vàn cái lợi vì vùng nguyên liệu tập trung và giá đầu vào ổn định.

Tri thức của người nông dân rất quan trọng, nếu họ có một kiến thức sâu sắc về chuỗi giá trị, họ sẽ dễ dàng cởi mở hơn với những công nghệ mới trong nông nghiệp. Anh Nguyễn Khắc Minh Trí, CEO của MimosaTEK – doanh nghiệp với sản phẩm tưới nước chính xác sử dụng công nghệ Internet của vạn vật (IoT) chia sẻ rằng, thuyết phục người nông dân mà chỉ dựa vào tính hiệu quả của giải pháp của mình là không đủ mà còn phải dựa vào thực tế “hàng xóm của ông ta cũng phải sử dụng giải pháp đó”. Cách để thuyết phục người nông dân với anh là chỉ có thể dựa vào trường hợp cụ thể, người cụ thể có uy tín trong cộng đồng rồi nhờ đó lan tỏa. Tuy nhiên, điều đó rất khó khăn và anh không có đủ tiềm lực để “giáo dục thị trường” trong giai đoạn khởi nghiệp, khách hàng hiện nay của anh là các trang trại lớn thay vì các hộ nông dân nhỏ lẻ.    

Trong mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, ông Trần Đức Viên còn đưa ra một giải pháp để thúc đẩy người nông dân chủ động hơn. Đó là Nhà nước cần tham gia xây dựng “xã hội thông tin”. Ông cho rằng người nông dân có quá ít kênh thông tin để hiểu về thị trường, về kỹ thuật sản xuất để nâng cao tri thức và năng lực cho mình. Ông đưa ra ví dụ rằng, ở Úc, làm nông dân là một trong bảy nghề được ưa thích nhất quốc gia này và người nông dân đóng vai trò dẫn dắt thị trường thay vì dẫn dắt thị trường vì họ có tri thức với 70% nông dân có bằng đại học trở lên.

Hội thảo “Giải pháp bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân – Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN trong nông nghiệp” có gần 300 đại biểu đến dự, trong đó có ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Ủy Bến Tre; Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương; đại diện của một số tổ chức khoa học và doanh nghiệp; cùng nhiều nông dân. Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Phạm Đại Dương nhận định: “Hội thảo là một cơ hội quý giá để các doanh nghiệp, người nông dân, các nhà khuyến nông, nhà khoa học, nhà hoạt động chính sách từ trung ương cho đến địa phương có những trao đổi thẳng thắn, cởi mở và từ đó chỉ ra những vấn đề cần phải giải quyết, từ đó đề xuất những giải pháp thiết thực nhất để có thể nâng cao tính bền vững trong mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và người nông dân trong triển khai tiến bộ khoa học kỹ thuật.”

Tác giả