NSND Xuân Hoạch: Người hồi sinh tiếng tơ cho cây đàn dân tộc

NSND Xuân Hoạch là một tên tuổi lớn của nghệ thuật Xẩm và Ca trù. Không chỉ là truyền nhân của kép đàn tài danh Đinh Khắc Ban, là học trò chân truyền của Đào nương Phó Thị Kim Đức, ông còn dày công khôi phục âm thanh nguyên bản cho cây đàn dân tộc sau hơn nửa thế kỷ bị quên lãng.

Hương Lan

NSND Xuân Hoạch (ngoài cùng bên phải)
đệm đàn cho NSƯT Phó Thị Kim Đức tại buổi
ra mắt nhóm Ca trù Phó Thị Kim Đức ngày

Hành trình tìm lại tiếng tơ

Như lời kể của NSND Xuân Hoạch, ông biết đến tiếng tơ là nhờ người thầy của mình – kép đàn Đinh Khắc Ban. Những năm bảy mươi, khi đã tuổi cao, sức yếu, không ít lần nghệ nhân Đinh Khắc Ban nâng cây đàn Đáy gia truyền, buông tiếng thở dài: “Giá như còn dây tơ”. Thấy học trò tỏ vẻ ngạc nhiên, lão nghệ nhân giải thích: “Dây tơ cho âm sắc đằm, ấm, có trầm có đục, ngân rung sâu thẳm, không nông, ‘bong’ và ‘váng tai’ như dây sắt, dây ni lông”.  Nghe thầy nhắc đi nhắc lại mãi lời so sánh ấy, Xuân Hoạch đâm bị ám ảnh về dây tơ. Kép đàn trẻ ước ao một lần được thưởng thức thứ âm thanh “không gì sánh nổi”: tiếng tơ! Thế nhưng, kể từ năm 1940, dây tơ đã hoàn toàn biến mất trước sự “bành trướng” của dây ni lông, dây sắt cùng xu thế điện tử hóa các nhạc cụ cổ truyền. Ngay làng lụa Vạn Phúc, nơi từng cung cấp dây tơ cho khắp các giáo phường ca trù Hà Nội, cũng không còn ai làm nghề. Xuân Hoạch đành chấp nhận một sự thực, tiếng tơ, thứ âm thanh nguyên bản của cây đàn dân tộc, nay chỉ còn tồn tại trong hoài niệm của các nghệ nhân đã “gần đất xa trời”.

Nhưng có lẽ, cái duyên của ông với dây tơ chưa dứt. Năm 2009, Xuân Hoạch trở thành học trò của nghệ nhân Phó Thị Kim Đức, đào nương cuối cùng của giáo phường Ca trù Khâm Thiên. Phải nhấn mạnh, NSƯT Phó Thị Kim Đức là người vô cùng kỹ tính, không tùy tiện nhận học trò. Bà từng từ chối không ít ca nương, kép đàn tìm đến xin “truyền nghề” vì nhận thấy: “Chưa ai vẹn toàn tài, đức cũng như bỏ được danh, lợi”. Thế nhưng, chính nghệ nhân Kim Đức lại mời Xuân Hoạch  gia nhập nhóm Ca trù đàn hát khuôn Phó Thị Kim Đức.  Chính bà đã chọn NSND Xuân Hoạch cùng giọng ca chèo nổi tiếng NSƯT Đoàn Thanh Bình làm học trò chân truyền, để sau này, thay bà truyền dạy vốn cổ cho lớp kế cận, bảo tồn tinh hoa của nghệ thuật Ca trù. Không những thế, mỗi khi biểu diễn, bà thường “chỉ định” Xuân Hoạch là người đệm đàn. Ai cũng biết, giọng ca, tiếng phách của đào nương Phó Thị Kim Đức chuẩn mực, sâu thẳm, mãnh liệt và giàu nội lực đến độ được mệnh danh là “tiếng phách Trạng Nguyên”, khiến bao kép đàn “khiếp vía”. Vậy mà không ít lần, bà buột miệng khen: “Nghe tiếng đàn của Hoạch, mình cũng muốn hát”, hay: “Hôm nay, Hoạch chơi bốc quá”. Như thế đủ rõ, lão nghệ nhân đã đặt trọn niềm tin vào nhân cách và tay nghề của học trò.

Khi Xuân Hoạch đã gần như quên hẳn câu chuyện về tiếng tơ của cây đàn dân tộc thì một bữa, cụ Đức chợt nhắc đến thứ âm thanh kỳ diệu của dây tơ. Cả một giấc mơ tuổi trẻ vụt sống dậy trong trái tim của kép đàn Xuân Hoạch. Đó là lúc ông nhận thức rõ, mình sẽ dành cả cuộc đời này để hồi sinh tiếng tơ. Đang khi bối rối chưa biết bắt đầu từ đâu, Xuân Hoạch được mời tham gia vở xiếc tre “Làng tôi” do nghệ sĩ gốc Việt Nguyễn Nhất Lý làm đạo diễn. Tuy xa quê hương từ nhỏ nhưng Nhất Lý lại đam mê và am hiểu văn hóa Việt. Chính anh đã đi tìm nguồn tơ tằm – chất liệu tạo thành dây tơ và cùng Xuân Hoạch về làng lụa Vạn Phúc để học cách xe tơ thành dây đàn. Tuy nhiên, do nghề sản xuất dây tơ đã thất truyền quá lâu nên không một nghệ nhân nào còn nhớ được kỹ thuật, thao tác. Xuân Hoạch buộc phải tự mày mò thử nghiệm. “Nghĩ mãi, tôi quyết định dùng quạt máy làm công cụ xe tơ và dùng bột gạo nấu thành hồ để gắn kết các sợi tơ. Tôi nối một đầu sợi tơ vào cánh quạt, đầu còn lại ghim lên  tường. Khi quạt quay về bên phải thì nhanh tay quết hồ lên sợi tơ. Quạt quay theo chiều ngược lại thì chập đôi sợi tơ, rồi lại quết, lại chập, cho đến khi cả chùm sợi tơ hòa quyện thành một dây tơ”. Nghe qua, tưởng chừng đơn giản. Nhưng thực ra, trong quá trình tập xe tơ, kép đàn thất bại cả trăm lần. Đếm không xuể số lượng tơ đã “đi đời” vì Xuân Hoạch chưa “căn” đúng thời điểm bật, tắt quạt hay quết hồ.

Sau rất nhiều thử nghiệm, cuối cùng, đến thời điểm giáp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, NSND Xuân Hoạch đã hoàn thành công trình lớn của đời mình. Ông đã chế tạo thành công dây tơ, trả lại tiếng tơ cho cây đàn Đáy. Nhưng đây có đúng là tiếng tơ luôn ám ảnh người thầy của ông – nghệ nhân Đinh Khắc Ban? Chỉ có một người đủ trình độ thẩm định: Đào nương Phó Thị Kim Đức! Trước khi nghe đàn, cụ Đức nói với Xuân Hoạch: “Ngoài âm sắc có trầm, có đục, nét độc đáo nhất của dây tơ là khi dây đàn ngừng rung, tiếng tơ vẫn giữ nguyên tần số. Nghe có tiếng ‘e e’ văng vẳng một quãng khá lâu và đó là thứ âm thanh kỳ diệu nhất với mỗi một kép đàn”. Khi Xuân Hoạch đàn xong, tất cả những người chứng kiến như ngừng thở. Nghệ nhân Kim Đức thốt lên: “Đúng là tiếng ‘e e’ rồi, đúng là tiếng tơ rồi”. Ngày 19-9-2010, vào đúng ngày giỗ tổ của ngành sân khấu Việt Nam, nhóm Ca trù đàn hát khuôn của nghệ nhân Phó Thị Kim Đức chính thức ra mắt trong ngôi nhà gỗ thuần Việt do họa sĩ Bùi Hoài Mai phục dựng tại Bắc Ninh. Buổi biểu diễn hôm ấy cũng là lần đầu tiên những người yêu Ca trù thế hệ mới được biết về dây tơ và được thưởng thức tiếng tơ.

Dù chất lượng của dây tơ, tiếng tơ được nghệ nhân Phó Thị Kim Đức công nhận là “chuẩn” nhưng Xuân Hoạch vẫn chưa hài lòng về độ bền của dây đàn. Trước kia, dây tơ bị dây sắt và dây ni lông lấn lướt, một phần do kém bền. Chuyện đứt dây đàn là thường nhật ở các canh hát thuở xưa. Vậy nên, kép đàn nào cũng phải luyện thế ngồi để thay dây đàn cho dễ, cho đẹp mắt. Sau buổi ra mắt tại Bắc Ninh, Xuân Hoạch đặt mục tiêu cải tiến độ bền cho dây tơ. Thêm nhiều cuộc thí nghiệm, ông phát hiện ra, nguyên liệu tơ lấy từ làng Vạn Phúc chỉ thích hợp để dệt lụa, vì đấy là tơ thành phẩm đã qua xử lý, đã mất hết tinh chất của con tằm nên không có độ bám và chóng đứt. Nhờ sự giúp sức của quan viên Đàm Quang Minh, người thường “cầm chầu” cho nghệ nhân Kim Đức, Xuân Hoạch đã tìm được thứ tơ nguyên chất để xe dây đàn. Đó là tơ của làng lụa Nha Xá (Hà Nam). Tuy nhiên, quá trình lấy tơ khá cầu kỳ. Phải giữ cho độ nóng của nồi kén tằm không vượt quá 40 độ. Chỉ ở nhiệt độ ấy, những sợi tơ tằm mới tự trôi ra, để người nghệ nhân kéo lên từng chút, từng chút một. Sau này, Xuân Hoạch vẫn dùng quạt máy để xe tơ nhưng ông đã sáng chế một số phụ gia thay thế cho hồ quết, giúp sợi tơ cứng hơn, không dễ bị đứt.

Ngoài đàn Đáy, nhạc cụ gắn liền với Ca trù, đến giờ, NSND Xuân Hoạch đã trả lại tiếng tơ cho rất nhiều cây đàn dân tộc khác như: Nhị, Hồ, Bầu… Như đánh giá của chính kép đàn thì: Nhị, Hồ dùng dây tơ cho âm thanh “rất Xẩm”, âm sắc có độ mộc, độ khàn như giọng hát của nghệ nhân Xẩm vậy; còn đàn Bầu dùng dây tơ, kéo lên, nghe “réo rắt, mướt mải” hơn hẳn dây sắt, dây ni lông. Đến năm 2016, công cuộc hồi sinh tiếng tơ đã chiếm trọn tám năm của NSND Xuân Hoạch. Ông bảo, ngần ấy thời gian là quá ngắn chứ không phải quá dài nếu tính đến nguyện ước: Dùng cả đời để hồi sinh tiếng tơ!

Trả lại vẻ đẹp nguyên bản cho cây đàn dân tộc

Đối với Xuân Hoạch, nói về hình thức, nhạc cụ cổ truyền quý nhất, độc đáo nhất là ở sự mộc mạc. Cũng có nghĩa, mọi yếu tố tạo nên cây đàn phải thuần Việt. Chính vì thế, ông chỉ sử dụng các nguyên liệu dân giã để chế tác đàn như: tre, trúc, gỗ, vỏ dừa, vỏ quả bầu phơi khô… Ngay từ năm 1991, dựa trên ảnh tư liệu của người Pháp, ông đã tái tạo đàn Bầu theo đúng “chuẩn” của các cụ nghệ nhân xưa với cần đàn thuôn dài, cong vút tựa cánh cung. Từ đó đến nay, hàng chục cây đàn dân tộc khác như: Nhị, Hồ, Đáy… đã được Xuân Hoạch chế tác thành công từ các nguyên liệu thuần Việt. Kết hợp với dây tơ, những cây đàn làm bằng tre, trúc, vỏ dừa ấy cho thứ âm thanh rất mộc, ấm và thuần khiết, nghe một lần là nhớ mãi. Trong những đêm biểu diễn nghệ thuật cổ truyền miễn phí, Xuân Hoạch thường khiến khán giả vỗ tay không ngớt trước lời giới thiệu dí dỏm: “Để làm cây đàn này tôi ra chợ mua quả dừa. Nước dừa để uống, cùi dừa đem kho thịt còn vỏ dừa thì dùng chế tác đàn. Sướng nhất là tôi!”.  

Tất nhiên, đó chỉ là lời nói vui. Nếu muốn biết Xuân Hoạch đã cực nhọc, vất vả cỡ nào để tìm lại tiếng tơ, để trả lại dáng vẻ nguyên bản cho cây đàn dân tộc, chỉ cần nhìn vào hai bàn tay của ông. Xuân Hoạch không có những ngón tay thon mảnh, nuột nà như người ta vẫn hình dung về đôi tay của các nghệ sĩ chơi đàn. Bàn tay ông gân guốc còn ngón út, ngón tay phải dụng sức nhiều nhất khi chơi đàn thì lồi lõm. Chỉ những nghệ nhân vừa tài hoa, vừa say đàn, yêu đàn như con mới có ngón út biến dạng đến vậy. Năm xưa, chính vì nhìn vào đôi bàn tay gồ ghề ấy mà nghệ nhân đàn Đáy Đinh Khắc Ban mới quyết đinh truyền thụ mọi “lòng bản” cho Xuân Hoạch, đồng thời, xem ông là truyền nhân duy nhất. Cũng cần nói thêm, ban đầu, Xuân Hoạch tìm đến cụ Đinh Khắc Ban với mục đích xin thầy bổ túc về đàn Đáy trong ít tháng, để có đủ kiến thức tham gia một tiết mục lớn của nhà hát Ca nhạc dân tộc Trung ương (nay là nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), nơi ông công tác. Khi đó, Xuân Hoạch chuyên về đàn Nguyệt, nhạc cụ được gọi là “quân tử cầm”, nghe tên thôi đã thấy nhẹ nhàng, tao nhã. Ông phải trải qua không ít gian truân mới chinh phục được cây đàn Đáy, nhạc cụ vẫn được gọi vui là “nhục cầm”, vì khi chơi đàn, người nghệ nhân phải dồn quá nhiều nội lực vào mỗi ngón tay, mới “cho ra” thứ âm thanh trầm bổng và sâu thăm thẳm.

Thế rồi, khóa học ngắn hạn chuyển thành… vô hạn. Cụ Đinh Khắc Ban ưu ái Xuân Hoạch đến độ muốn trao lại cây đàn Đáy gia bảo của dòng họ Đinh cho học trò. Đây là cây đàn “có một không hai” với cần đàn làm bằng gỗ lim, thành là gỗ trắc mật còn mặt đàn làm từ gỗ dổi. Đặc biệt, cần đàn liền mạch không một vết ghép nối do được đục từ một khúc gỗ dài. Nghệ nhân Đinh Khắc Ban đã gắn bó với cây đàn này suốt cả cuộc đời. Xúc động trước tấm lòng của người thầy, Xuân Hoạch “xin” Nhà hát đứng ra mua cây đàn quý.  Hơn cả sự trông đợi của ông, lãnh đạo nhà hát Ca nhạc dân tộc Trung ương quyết định chi 4200 đồng, với ý nghĩa vừa mua đàn, vừa biểu lão nghệ nhân chút quà dưỡng già. Năm ấy (1982), 4200 đồng trị giá gần ba cây vàng! Đến giờ, cây đàn của cụ Đinh Khắc Ban vẫn được người học trò gìn giữ cẩn trọng. Dù đã bước sang tuổi 99, âm thanh của cây đàn cổ vẫn hay như ngày nào.

Trò chuyện với NSND Xuân Hoạch không bao giờ hết thú vị. Bởi cứ vừa kể chuyện xe dây tơ, chuyện làm đàn tre, đàn trúc, đàn vỏ dừa…, ông lại vừa hát Xẩm, hát Trống quân hoặc chơi đàn Đáy, kéo đàn Bầu, đàn Nhị, gõ Song Loan… Có lúc hứng lên, ông còn tay kéo đàn, hai chân “chơi” luôn hai bộ gõ – biệt tài không phải kép đàn nào cũng được “trời cho”. Mà tiếng đàn, giọng hát của Xuân Hoạch thì giống như lối nói chuyện của ông, rất mộc mạc, thuần hậu mà lại sâu sắc, duyên dáng. Gặp lại Xuân Hoạch vào những ngày hè oi nóng nhất của năm 2016, thấy ông vẫn vậy, tràn đầy năng lượng, dồn hết tâm huyết cho hành trình mới: trả lại vẻ đẹp thuần Việt cho cây đàn dân tộc.

Sinh ra tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, cái nôi của nghệ thuật chèo phía Bắc, ngay từ nhỏ, NSND Xuân Hoạch đã yêu những làn điệu dân tộc. Năm 1966, Xuân Hoạch trúng tuyển vào trường  Âm nhạc Việt Nam (nay là học viện Âm nhạc Quốc gia) rồi theo học đàn Nguyệt dưới sự chỉ dạy của Nhà giáo Nhân dân Xuân Khải. Nhờ tài năng “trời cho” và cả khổ luyện, sau này, Xuân Hoạch trở thành bậc thầy về nhiều loại nhạc cụ dân tộc như: Nguyệt, Bầu, Đáy, Nhị, Hồ, bộ gõ…, là một trong những kép đàn danh tiếng ở cả hai bộ môn nghệ thuật Xẩm và Ca trù.  Ngoài khả năng chơi nhạc cụ điêu luyện, Xuân Hoạch còn sở hữu giọng ca mộc mạc, cuốn hút và hiện là một trong những nghệ nhân Xẩm gạo cội của Hà Nội. Những năm qua, ông cùng các đồng nghiệp miệt mài biểu diễn Xẩm miễn phí, mở các lớp dạy hát Xẩm, góp phần khôi phục Xẩm chợ, Xẩm tàu điện – những dòng Xẩm nức tiếng của Xẩm Hà thành thuở trước.

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)