Ô nhiễm không khí: Nguy cơ lớn nhất đối với sức khoẻ con người ở châu Âu

Việc làm sạch không khí ở châu Âu vẫn diễn ra chậm chạp, thậm chí tại nhiều vùng, ô nhiễm không khí vẫn cao hơn mức cho phép.

Ô nhiễm không khí ở châu Âu vẫn ở mức quá cao, được thể hiện trong bản báo cáo về chất lượng không khí năm 2018 của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA). Theo cơ quan này thì ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở 41 quốc gia châu Âu. Nhận định trên lấy cơ sở dữ liệu từ 2500 trạm quan trắc trên toàn châu Âu. Mức ô nhiễm ở nhiều nơi vẫn vượt ngưỡng giới hạn cho phép của EU cũng như của Tổ chức sức khoẻ thế giới WHO.

Theo tính toán của các nhà nghiên cứu tiến hành trong năm 2015, trong số 442.000 ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí thì có tới 391.000 ca thuộc về 28 nước thành viên EU. Nguyên nhân là do bụi mịn, ozon gần mặt đất và Nitơ dioxit (NO2). Chúng là nguyên nhân gây nên hoặc làm các bệnh về hô hấp, tim mạch hay ung thư nghiêm trọng hơn và từ đó dẫn đến tử vong, theo EEA.

Theo bản báo cáo, nguồn gây ô nhiễm chủ yếu là giao thông đường bộ, các nhà máy điện, ngành nông nghiệp, công nghiệp và các hộ gia đình.

Theo giám đốc của EEA, Hans Bruyninckx, “Thường thì khí thải trong giao thông đường bộ nghiêm trọng hơn so với các nguồn gây ô nhiễm khác”. Chúng được thải ra ở sát mặt đất, thường trong phạm vi các khu vực đông dân cư và do đó dễ thâm nhập vào con người. Tuy nhiên không chỉ con người bị tổn hại, ô nhiễm không khí còn làm tổn thương hệ sinh thái, đất đai, rừng núi, ao hồ và sông ngòi.

Theo một công trình nghiên cứu trước đây của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, ô nhiễm không khí là nguyên nhân dẫn đến 7 triệu người tử vong mỗi năm, trong số đó có 600.000 là trẻ em dưới 15 tuổi. Nạn nhân phần lớn là người nghèo. “Ô nhiễm không khí là một cuộc khủng hoảng toàn cầu về sức khoẻ“, Tổ chức Y tế Thế giới WHO cảnh báo dựa trên số liệu năm 2016. 

Bình quân trên thế giới khoảng 93% trẻ em hít thở không khí có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển, trong đó ở các nước giàu tỷ lệ này là 52%, còn các nước còn lại là 98%. 

WHO phân biệt giữa ô nhiễm không khí ngoài trời và ô nhiễm không khí trong nhà. Việc đốt nhiên liệu hoá thạch và các chất thải công nghiệp, khí thải giao thông, nạn cháy rừng và phun trào núi lửa làm ô nhiễm không khí ngoài trời. Ở trong nhà, khói dầu hoả, than, các chất thải sinh học hay gỗ, củi để sưởi ấm hoặc để tạo ánh sáng gây ảnh hưởng đến hô hấp. Điều này đặc biệt bất lợi đối với trẻ em, nhất là khi các em còn quá nhỏ hầu như cả ngày phải ngồi trong nhà.

Hoài Nam dịch (Nguồn DPA)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)