Obama và Clinton: vận hội mới, thế cờ mới

Chỉ trong vòng hai tháng đầu năm 2008, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng ở Mỹ đã thay đổi hẳn: thay vì bầu một tổng thống mới như nước Mỹ đã từng làm mỗi bốn năm, kể từ ngày lập quốc năm 1776, cuộc tranh cử năm nay, 2008, sẽ là một cuộc cách mạng dân chủ và bất bạo động. Hậu qủa của cách mạng 2008 sẽ chuyển hướng không những về chính trị, quân sự và ngoại giao của nước Mỹ, mà còn thay đổi cả văn hóa và xã hội Mỹ trong suốt thế kỷ mới này. Có nhiều lý do và hoàn cảnh lịch sử đã đưa tới biến cố đặc biệt này, cũng như có nhiều điều kiện cá nhân đang ảnh hưởng đến tư duy và lá phiếu của dân chúng Mỹ năm nay.

Từ trắng sang đen, từ nam tới nữ

Năm nay, gần như chắc chắn là dân Mỹ sẽ bầu một tổng thống hoặc là phụ nữ hoặc là da đen. Ðó sẽ là một biến cố lịch sử của dân Mỹ, vì khi lập quốc năm 1776, cả hai số người này đều bị loại ra ngoài vòng sinh hoạt chính trị: người da đen không có quyền công dân, và phụ nữ không được quyền đi bầu.

Mãi đến gần 100 năm sau, 1863, và sau một cuộc nội chiến tương tàn, người da đen mới được “phóng thích” ra khỏi vòng nô lệ; và mãi đến năm 1920 phụ nữ ở Mỹ mới được quyền bầu cử. Bánh xe lịch sử thường thường lăn rất chậm, và dù cho hai nhóm người này – nếu cộng lại sẽ là đa số dân Mỹ – có lá phiếu trong tay, ảnh hưởng của họ trong chính trường Mỹ vẫn chưa đi tới đâu.

Phải đợi đến sau thế chiến thứ hai, người da đen mới tổ chức hữu hiệu “Phong trào dòi dân quyền”, kéo dài gần 20 năm nữa, và họ mới đạt được bình đẳng thật sự về pháp lý. Sau Đạo luật dân quyền (The Civil Rights Act) năm 1964, tất cả mọi hành động có tính cách kỳ thị về mầu da đều bị coi là vi phạm luật pháp và bị trừng phạt.

Phụ nữ Mỹ cũng nhận ra là họ có một vũ khí mới trong cuộc tranh đấu đòi bình quyền: tranh đấu ôn hòa, bất bạo động, nhưng rất công khai và có tổ chức, như người da đen đã làm. Năm 1966, họ thành lập Tổ chức toàn quốc cho phụ nữ (National Organization for Women – NOW), và từ đó phụ nữ Mỹ đã phát triển rất nhanh về mọi mặt.

Bốn mươi năm sau, hàng chục ngàn phụ nữ cũng như người da đen đã được bầu vào các chức vụ dân cử. Tháng 11 năm 2006, bà Nancy Pelosi, dân biểu San Francisco, đắc cử chức Chủ tịch Hạ viện, chiếc ghế thứ ba trong chính quyền Mỹ, chỉ sau có Tổng thống và Phó tổng thống. Ðủ thấy là phụ nữ Mỹ đã thành công như thế nào về chính trị trong vòng 40 năm vừa qua.

Trong những thập niên trước, cũng đã có nhiều phụ nữ và người da đen ra tranh cử chức vụ tổng thống, nhưng chưa có ai có khả năng thành công thật sự, và các cuộc tranh cử đó có tính cách tượng trưng nhiều hơn là thực lực. Họ tranh cử để nói lên nguyện vọng của cộng đồng họ, hơn là để quy tụ đa số cử tri để thắng lợi.

Nhưng năm nay, hai ứng cử viên còn lại của đảng Dân Chủ, hai thượng nghị sĩ (TNS) Hillary Clinton và Barack Obama, đã chứng tỏ được là họ có đủ khả năng tranh cử tới cùng, cả hai đều có một hậu thuẫn rất lớn, về tiền bạc cũng như về lá phiếu, và ở vào cuối tháng hai này, hai người vẫn còn là “bên tám lạng, bên nửa cân.”

Thêm vào đó, sau 7 năm của Tổng thống Bush (đảng Cộng hòa), và nhất là với nền kinh tế đang suy thoái và hai cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq đang sa lầy trầm trọng mà không có lối thoát, dân chúng Mỹ đã chán ngán đảng Cộng hòa lắm rồi. Ứng cử viên đảng Cộng hòa năm nay sẽ là TNS John McCain, 71 tuổi và đã từng ngồi tù ở “Hanoi Hilton” hơn 5 năm, được coi như một con vật tế thần.

Một hậu qủa bên cạnh: mở cửa cho người da mầu

Ngoài ảnh hưởng quan trọng tới “Phong trào giải phóng phụ nữ” ở Mỹ, Phong trào đòi dân quyền của người da đen còn có một ảnh hưởng khác trong xã hội Mỹ, cũng quan trọng không kém. Ðó là việc nước Mỹ mở cửa đón nhận di dân từ những nước da mầu.

Trước năm 1965, con số người di dân được nhận vào Mỹ hầu hết là từ châu Âu; các dân tộc châu Á, châu Phi hoặc châu Mỹ La tinh đều bị loại. Hồi năm 1882, Quốc hội Mỹ còn ra một đạo luật cấm hẳn, không cho người Trung Quốc (hiểu là cả châu Á ) nhập cư vào Mỹ.

Phải sau thế chiến thứ hai, khi quân đội của Tưởng Giới Thạch (Tầu quốc gia) là đồng minh của Mỹ, và nhất là trong cuộc tranh đấu đòi bình quyền của người da đen, các chính sách kỳ thị chủng tộc của Mỹ mới được “đem ra ánh sáng”, mổ xẻ, và từ đó, Ðạo luật Di Dân năm 1965 (Immigration Act) được chấp thuận.

Ðạo luật năm 1965 thật sự mở cửa nước Mỹ cho người di dân từ khắp nơi trên thế giới; và trong vòng 40 năm qua, nước Mỹ đã chuyển mình nhanh, từ một quốc gia hầu hết là da trắng (khoảng 88%) trở thành một nước thật sự đa chủng tộc. Người da mầu (tiếng gọi chung cho những người gốc từ các châu Á, Phi hoặc Mỹ La tinh) đã tăng trưởng từ khoảng 12% hồi năm 1965 (đa số là người da đen) nay đã lên tới khoảng 36% dân số Mỹ. Nghĩa là tăng trưởng gấp ba lần trong vòng 40 năm.

Ở những bang lớn như California và Texas, người da trắng hiện nay đã trở thành thiểu số (dưới 50% dân số tiểu bang), và Sở Thống kê dân số (Census Bureau) thuộc Bộ Thương mại của chính phủ liên bang đã ứơc tính là khoảng năm 2050, cả nứơc Mỹ sẽ thành một quốc gia đa số là ngừơi da mầu. Cứ đà này, khi ngừơi Mỹ kỷ niệm 300 năm ngày lập quốc, nứơc Mỹ sẽ là một nứơc hòan tòan đa chủng tộc, và ngừơi da mầu sẽ chiếm đa số.

Trong bối cảnh lịch sử này, khi phụ nữ Mỹ đã gần đạt được bình quyền và khi người da mầu không còn bị kỳ thị như trong hai thế kỷ đầu, chức vụ tổng thống cũng phải chuyển đổi. Nứơc Mỹ đã có 43 ông tổng thống, tất cả đều là người da trắng. Vị tổng thống thứ 44 liệu còn là một đàn ông da trắng?

Thay đổi cục diện được không?

Hai tháng đầu năm nay đã thay đổi thế cờ của hai TNS Clinton và Obama.

Bà Hillary Rodham Clinton, năm nay 61 tuổi, tốt nghiệp luật sư, nhưng đã theo chồng để giúp cho sự nghiệp ông chồng, cựư tổng thống Bill Clinton. Ðã hai lần làm đệ nhất phu nhân: khi Bill làm thống đốc tiểu bang Arkansas, và khi ông làm tổng thống từ tháng giêng 1993 tới tháng giêng 2001.

Trước khi rời Nhà Trắng, vào mùa thu năm 2000, bà Clinton đã thắng cử vào chức thượng nghị sĩ đại diện tiểu bang New York; và đã được dân chúng New York bầu bà vào nhiệm kỳ thứ hai, năm 2006.

Bà Clinton ra tranh cử sớm, từ trước năm 2007 đã tích cực vận động các thân hữu cũng như các mạnh thường quân đã từng ủng hộ cho hai vợ chồng bà. Chiến thuật của bà Clinton được coi là “đánh nhanh, thắng nhanh” hoặc là “đánh phủ đầu” những ai muốn cạnh tranh với bà trong Ðảng Dân chủ. Chiến thuật rất đơn giản: thâu những người có uy tín trong đảng ủng hộ bà, và kết nạp những người có tiền trong đảng đóng góp sớm cho cuộc vận động của bà. Như vậy, các ứng cử viên khác trong Ðảng Dân chủ sẽ không thể nào gây quỹ đủ, cũng như không tìm được nhiều người ủng hộ.

Ðảng Dân chủ, thấy rằng các chính sách của tổng thống Bush – từ chiến tranh cho tới kinh tế – đều thất bại và sẽ đưa đảng Cộng hòa của ông tới thảm bại vào tháng 11-2008, nên cũng muốn cổ vũ đoàn kết nội bộ càng sớm càng tốt để chắc thắng hơn. Phe Dân chủ thu xếp đưa một số các tiểu bang lớn chọn ứng cử viên của họ sớm hơn thường lệ, để dành thì giờ chuẩn bị cho mùa thu. Do đó, phe Dân chủ đã đưa 24 tiểu bang cùng chọn ứng cử viên vào ngày thứ ba, mùng 5 tháng 2, còn gọi là Super Tuesday. Ý của phe Dân chủ là Super Tuesday sẽ quyết định ai sẽ là ứng cử viên của đảng; và đa số đảng viên cũng đã nghĩ là bà Clinton sẽ thắng cử vẻ vang vào ngày 5-2.

Tháng giêng 2007, TNS Barack Hussein Obama, 46 tuổi, chính thức tuyên bố ra tranh cử chức tổng thống Mỹ. Ông này là người lai, nửa đen nửa trắng; bố là du học sinh từ Kenya và mẹ là người da trắng từ bang Kansas. Hai người gặp nhau khi cùng học t ại ÐH Hawaii. Ông Obama sinh trưởng ở Hawaii, sau đó bố mẹ li dị, và ông được gia đình bên ngoại nuôi cho ăn học. Ông lớn lên ở nhiều nơi, ở Kansas nơi ông bà ngoại sinh sống, một thời ở Indpnesia, và thời trung học ở Honolulu.

Khi vào tới ÐH, ông Obama mới có khái niệm hơn về nguồn gốc cũng như vai trò của mình trong xã hội. Ông theo học lúc đầu ở ÐH Occidental, bang California, sau đó chuyển sang ÐH Columbia ở New York City, rồi tiếp tục lên ÐH Luật ở Harvard. Trong thời gian này, ông được bầu làm chủ biên tờ đặc san có uy tín là Harvard Law Review; đây cũng là lần đầu tiên một người da đen vào được chức vụ này.

Sau trường luật, ông Obama không đi hành nghề luật mà đi làm về công tác xã hội, tổ chức cộng đồng người nghèo ở Chicago. Nơi đây, ông gặp cô Michelle Robinson, cũng là một luật sư tốt nghiệp từ Harvard, và hai người lấy nhau, hiện nay có hai cô con gái, 9 tuổi và 6 tuổi, và sinh sống tại Chicago.

Ông Obama bắt đầu sự nghiệp chính trị cũng từ Chicago, bang Illinois. Lần đầu tranh cử chức nghị viên tiểu bang bị thất bại, nhưng lần thứ hai ông đắc cử; rồi sau đó thắng cử lên thượng viện tiểu bang Illinois. Năm 2002, khi còn ở thượng viện Illinois, ông đã lên án mạnh mẽ chủ trương của TT Bush khi đem quân sang đánh Iraq. Ðây là một lập trường quan trọng, vì thời đó, rất ít chính trị gia nào có can đảm đứng lên chống lại tập đoàn Bush-Cheney-Rumsfelt khi nhóm này nhất quyết đem quân đánh Iraq. Tất cả các ứng cử viên tổng thống “có máu mặt” kỳ này đều đã ủng hộ Bush đánh Iraq. Kể cả bà Clinton và các TNS Edwards, Biden, bên phía Dân chủ, hoặc các ông Giuliani, Romney, McCain, Huckabee… TNS Edwards đã xin lỗi vì ông đã bỏ phiếu ủng hộ cuộc chiến Iraq; bà Clinton vẫn không chấp nhận là phải xin lỗi.

Trong suốt năm ngoái, 2007, giới truyền thông cũng như dân chúng Mỹ đều coi bà Clinton là ứng cử viên “dẫn đầu”, mặc dù ông Obama đã chứng minh là ông có thể gây qũy hơn bà Clinton. Nhưng vì chưa có một trận “đụng độ” nào do chính cử tri chọn lựa, nên cũng còn khó định gía giữa hai TNS này.

Phải đợi đến ngày 3 tháng giêng vừa rồi, khi cử tri ở bang Iowa (dân số: 3 triệu, 91% da trắng, 4% Mỹ Latinh, và chỉ có 2,5% da đen) đi họp từng đơn vị bầu cử một, và kết qủa đã thay đổi thế cờ năm nay.

Phía đảng Dân chủ, có tám ứng cử viên, và chỉ có ba người đạt được kết qủa đáng kể: TNS Obama về đầu với 38% số phiếu, trong khi cựu TNS John Edwards và bà Clinton về ngang nhau với 30% mỗi người. Năm người kia chia nhau số phiếu còn lại.

Ba ngày sau đó, TNS Clinton phản công, và thắng cuộc bầu sơ bộ ở bang New Hampshire (dân số: 1,3 triệu, với 97% da trắng) với 39% số phiếu, TNS Obama với 37% và ông Edwards thụt xuống còn 17%.

Sau hai lần “ra quân” trong tháng giêng, với kết qủa 1-1, ngày 5 tháng hai trở thành ngày quan trọng nhất trong mùa bầu cử sơ bộ năm nay: có 24 bang (trong tổng cộng 50 bang) tổ chức chọn ứng cử viên cho cả hai đảng. Ðây là trận chiến mà phe TNS Clinton đã dự trù sẽ là trận quyết định, vì họ đã có nhiều tiền và nhiều tổ chức tại chỗ ủng hộ, và bà sẽ thắng vẻ vang, vừa loại khỏi vòng chiến các đối thủ Dân chủ, vừa chứng minh là chỉ có bà mới đủ khả năng thắng cử trên tòan quốc.

Nhưng sau Iowa, TNS Obama đã chứng tỏ là một địch thủ không những gây được nhiều tiền hơn bà Clinton mà còn có tổ chức tinh vi hơn phe Clinton nữa. Bà Clinton vẫn dựa vào sự ủng hộ của phụ nữ (điều này dễ hiểu), của người gìa, của người tương đối nghèo, và của hai sắc dân da màu: đen và Latinh, do qúa trình làm việc của chồng bà khi còn làm tổng thống.

Ít ai nghĩ là TNS Obama có thể vượt qua được những lợi thế qúa lớn như trên của TNS Clinton; nhưng Obama đã dùng một chiến thuật khác hơn: ông tranh cử với một chương trình hành động kêu gọi trực tiếp những người từ xưa tới nay ít, hoặc không khi nào, tham gia vào chính trị. Nhất là giới trẻ, tương đương với thế hệ 8X bên nhà. Ngoài ra, ông Obama còn chủ trương nhìn về tương lai nhiều hơn là nhìn về qúa khứ; bỏ lối làm việc cũ, và chú trọng đến những giải pháp cho thế kỷ mới này. Vì thế, giới trẻ cũng như những người đã chán ngán lối làm việc bế tắc ở Washington qui tụ vào ông Obama như một làn gío mới. Họ không những đóng góp ngân qũi cho Obama mà còn tình nguyện giúp ông tranh cử cũng như đi bầu thật đông. Ðến cuối tháng hai, 2008, phe Obama đã được gần một triệu công dân Mỹ tự nguyện giúp tiền để ông tranh cử, với một con số khổng lồ: 138 triệu đôla. Phe bà Clinton thâu được 118 triệu.

Một thời điểm quyết định

Chiến thuật của Obama đã thành công: ngày Super Tuesday 5 th áng 2, ông thắng ở 13 tiểu bang, so với 8 của bà Clinton; tuy nhiên bà Clinton thắng ở những tiểu bang lớn (New York, New Jersey, Massachussets, và lớn nhất là California), nên số đại biểu của bà thâu được bữa đó cũng ngang ngửa với ông Obama (834 so với 847).

Trong tháng 2, TNS Obama vẫn “thừa thắng xông lên”, thắng luôn một loạt 10 tiểu bang khác, kể cả những nơi được coi là đất của bà Clinton, và ông cũng được thêm nhiều thành phần trước kia ủng hộ bà Clinton, bây giờ quay sang ủng hộ ông. Ðến ngày 20 tháng 2, ba nghiệp đoàn quan trọng ở Mỹ đã chính thức ủng hộ Obama: Công đoàn về thực phẩm và thương mại (United Food and Commercial Workers, với 1,3 triệu đoàn viên); Công Ðoàn Quốc Tế Nhân viên dịch vụ (Service Employees International Union, với 1,9 triệu đoàn viên; và Công Ðoàn Teamsters, với 1,4 triệu đoàn viên). Các công đoàn đóng vai quan trọng trong mùa bầu cử, vì họ vừa giúp tiền cho các ứng cử viên họ ủng hộ, và nhất là họ có đoàn viên tình nguyện đi cổ động cho người họ ủng hộ. Sự ủng hộ của các công đoàn cũng chứng minh thêm là Obama đã thuyết phục được những thành phần trước kia ủng hộ bà Clinton, nay đã chuyển sang phía ông.

Thứ ba tuần này, 4 tháng 3, hai tiểu bang lớn là Ohio và Texas, cùng với hai tiểu bang nhỏ hơn, sẽ chọn ứng cử viên cho cả hai đảng.

Người Mỹ sẽ chọn ai? – Nguồn Corbis

Vào khoảng nửa đêm thứ ba, người Mỹ có thể sẽ biết ai sẽ là ứng cử viên đảng Dân Chủ. Ông Obama chỉ cần thắng ở một trong hai bang lớn là sẽ giữ vững được thế thượng phong trong muà bầu cử này, và hầu như chắc chắn là sẽ được các thành viên còn lại trong đảng Dân Chủ bầu chọn. Ngược lại, bà Clinton sẽ phải thắng –và thắng lớn– ở cả hai bang Ohio và Texas thì mới có hy vọng qua mặt được Obama.

Chính chồng bà, ông Bill Clinton cũng đã tuyên bố cách đây vài hôm là vợ ông phải thắng cả hai tiểu bang lớn này thì mới có triển vọng tiếp tục.

Trong khi đó, các thăm dò ý kiến cho tới hôm nay cho thấy là TNS Clinton đã tụt hậu ở bang Texas, nơi bà có nhiều liên hệ từ lâu và vẫn dẫn đầu cho tới tháng hai này; và ở bang Ohio, nơi bà cũng đã dẫn đầu tới 20% hồi đầu năm, nay cũng đã nghiêng ngửa, và cũng có thể là bà sẽ thua.

Thêm vào đó, hôm nay phe bà Clinton thông báo là trong tháng hai, bà đã gây quỹ được 35 triệu USD; và phía ông Obama, theo như báo New York Times tường thuật, thì sẽ gây được khoảng 50 triệu, một kỷ lục gây qũy trong một tháng, và nhất là ông đã vượt qúa con số một triệu người đã ủng hộ ông bằng cách đóng góp tiền cho ông tranh cử.

Chỉ trong vòng không đầy hai tháng, TNS Hillary Clinton đã mất hẳn thế thượng phong trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, và TNS Barack Obama, trẻ hơn bà 14 tuổi, đã đem lại một sinh khí mới trong chính trường Mỹ bằng cách tổ chức chu đáo hơn, kêu gọi được giới trẻ ủng hộ, gây quỹ nhiều hơn, và nhất là đem lại niềm tin mới cho dân chúng Mỹ ở ngưỡng cửa thế kỷ mới này.

San Francisco, tháng 3/2008
Vũ Đức Vượng

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)