Ông Lý Ngọc Minh được trao tặng “Nghệ nhân nhân dân”

Ngày 15/12 vừa qua, ông Lý Ngọc Minh, người sáng lập thương hiệu gốm sứ Minh Long I là một trong bốn nghệ nhân được trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” năm 2020.

Ông Lý Ngọc Minh trong buổi lễ trao tặng

“Nghệ nhân nhân dân” là danh hiệu trao cho những người đã có từ 20 năm hoạt động trong nghề trở lên và “có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước”. Từ trước đến nay, cả nước chỉ có 22 người được công nhận là “nghệ nhân nhân dân”.

Ông Lý Ngọc Minh sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm gốm sứ hơn 100 năm và bản thân ông đã gắn bó với “nghiệp” này gần nửa thế kỉ. Ông là người đưa nghệ thuật gốm sứ của Việt Nam lên tầm cao mới cả về kỹ thuật lẫn về nghệ thuật. Điều đó thể hiện ở những sản phẩm Minh Long I phục vụ các nguyên thủ quốc gia trong nhiều sự kiện APEC như chén ngọc và bộ đồ ăn Hoàng Cung – Hoàng Liên lấy cảm hứng từ những chất liệu dân gian như hoa sen, mái đình và các linh vật như rồng phượng… Trong đó, chiếc chén ngọc được tạo hình như một chiếc bát ăn cơm đặt trên bốn đôi cánh cong vút của bốn con rồng, không dán keo hay bắt ốc vít nhưng khi ra khỏi lò nung vẫn nguyên vẹn. Kỹ thuật “nung liền khối” này là điều mà Minh Long I dám tự tin cho rằng là chưa từng có trên thế giới. 

Lý Ngọc Minh có lẽ là người duy nhất trong bốn nghệ nhân nhân dân được vinh danh năm nay trong một nghề thủ công nhưng bản thân lại tiên phong ứng dụng những công nghệ tân tiến nhất trên thế giới để tạo ra sản phẩm của mình. Toàn bộ quy trình của Minh Long I đều được số hóa từ điều kiện của từng nguyên liệu đến vị trí của từng sản phẩm trong nhà kho rộng 12 hecta. Ông Lý Ngọc Minh cũng là người nghĩ ra những sản phẩm “phi truyền thống”, chẳng hạn như trong bài phát biểu của mình tại buổi lễ, ông chia sẻ rằng trước đây mọi người nghĩ đèn ngủ hay đèn chùm chỉ có thể làm bằng chất liệu pha lê hoặc kim loại thì giờ đây ông làm hoàn toàn bằng gốm sứ.

Dù bản thân sáng tạo và không ngừng bắt kịp với thị trường và công nghệ mới, ông Lý Ngọc Minh cho rằng công đoạn thủ công vẫn là đặc trưng, chiếm chủ yếu trong quá trình phát triển và sản xuất các sản phẩm mỹ nghệ. Do vậy, theo ông, thu nhập của các nghệ nhân nói chung là thấp và vai trò hỗ trợ của nhà nước là “vô cùng quan trọng”. Theo đó, các cơ quan nhà nước cần có những ưu đãi về thuế và về vay vốn đối với các nghệ nhân để họ tiếp tục duy trì và phát triển ngành nghề.

Tác giả