OUCRU: 27 năm tạo đột phá trong y tế công cộng
Cũng như nhiều nước nhiệt đới, Việt Nam vốn là điểm nóng về các bệnh truyền nhiễm, nên việc tổ chức nghiên cứu, đặc biệt là hợp tác quốc tế để tìm ra các giải pháp quản lý lâm sàng có vai trò rất quan trọng. Trong gần ba thập kỷ qua, OUCRU – Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford - một đơn vị hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam, Đại học Oxford và quỹ Wellcome Trust đã xây dựng được uy tín quốc tế trong nghiên cứu, giúp xác định cách chẩn đoán tối ưu và quản lý lâm sàng một loạt các bệnh truyền nhiễm đe dọa tính mạng ở Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu của OUCRU và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Nguồn ảnh trong bài: Trang cá nhân của GS Guy Thwaites.
Câu chuyện bắt đầu vào ngày Giáng sinh năm 1990, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tại thành phố Hồ Chí Minh và Wellcome Trust cùng ký một biên bản ghi nhớ, khai sinh ra một đơn vị nghiên cứu lâm sàng. Một khoản tiền 30.000 USD đã được trao cho GS. Nicholas White (ĐH Oxford), TS. Trần Tịnh Hiền (Sau này là Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới) và TS. Nguyễn Hữu Trí (Sau này là Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới) để xác định vai trò của artesunate – một hoạt chất chống bệnh sốt rét ở Trung Quốc nhưng chưa hề được thử nghiệm chính thức ngoài quốc gia này. Vào tháng 1 năm 1991, việc nghiên cứu bắt đầu và ban đầu nhóm được gọi là Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Wellcome Trust với 9 giường bệnh và một nhóm 6 bác sĩ. Trong tháng 11/1992, báo cáo nghiên cứu đầu tiên của đơn vị đã được công bố, đưa ra kết quả một thử nghiệm của artesunate tiêm tĩnh mạch và tiêm bắp trong điều trị sốt rét falciparum nặng.
Kể từ đó đến nay, chúng tôi đã phát triển từ một đơn vị tập trung nghiên cứu điều trị bệnh sốt rét do P.falciparum trở thành một trung tâm, một viện nghiên cứu đa quốc gia có uy tín quốc tế1, để thực hiện nghiên cứu lâm sàng về một loạt các bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu.
Đặt mục tiêu giảm tử vong do sốt rét
Trong giai đoạn đầu của hợp tác (1991-2000) tại Việt Nam, mục tiêu của chúng tôi là giảm tỷ lệ tử vong do sốt rét nặng, và thật vậy: vào năm 2000, tỷ lệ này giảm xuống còn 10% trong khi ở đầu những năm 1990 là 40%.
Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, tỷ lệ mắc bệnh sốt rét ở Việt Nam, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam vẫn rất cao, mỗi năm vẫn còn hơn một triệu trường hợp mắc bệnh. Do đó, nghiên cứu bệnh sốt rét của chúng tôi không còn giới hạn ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, mà một số nghiên cứu lâm sàng đã được thực hiện tại các bệnh viện tỉnh, huyện và tại các trạm y tế xã. Mục đích của những nghiên cứu này là để xác định phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh sốt rét P.falciparum chưa biến chứng để chữa trị và đồng thời để ngăn chặn sự bùng nổ của dịch bệnh. Để tổ chức nghiên cứu tốt, chúng tôi cùng Viện nghiên cứu ký sinh trùng và côn trùng học đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các tỉnh Bình Phước, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Kết quả từ những nghiên cứu này đã đóng góp đáng kể cho việc quản lý sốt rét của Chương trình Kiểm soát Sốt rét (NMCP) của quốc gia và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đặc biệt là việc đưa ra ý tưởng về việc sử dụng các thuốc artemisinin và Artemisinin kết hợp trị liệu (ACT).
Đến năm 2010, nhóm nghiên cứu lại phải đối mặt với sự thách thức trước hiện tượng kháng artemisinin ở Đông Nam Á. Do đó phải thực hiện các dự án để xác định và theo dõi tính nhạy cảm của artemisinin trong cơ thể và trong ống nghiệm. Ngoài ra, các nghiên cứu di truyền học và sinh học phân tử đã xác định được các marker của P. falciparum và kháng artemisinin. KAE 609, và liệu pháp phối hợp abartemisinin (DHA + PPQ + MQ) cũng được áp dụng để giải quyết mối đe dọa của sự lan truyền kháng thuốc. Gần đây hơn, OUCRU đã được tham gia vào một dự án thí điểm để nghiên cứu chiến lược mới nhằm đánh giá loại bỏ bệnh sốt rét, hay còn gọi là “sự loại bỏ bệnh sốt rét mục tiêu” (TME), sử dụng PCR định lượng để phát hiện nơi chứa ký sinh trùng và xóa bỏ chúng bằng việc quản lý thuốc hàng loạt.
Chăm sóc chuyên sâu và nghiên cứu uốn ván: Những phát hiện đầu tiên trên thế giới
Ngay từ khi thành lập, OUCRU và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã đặt mối quan tâm đặc biệt với vấn đề chăm sóc uốn ván. Các bệnh nhân bị uốn ván được điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM đã tham gia vào các đợt nghiên cứu: trong đó hơn một ngàn bệnh nhân tham gia vào nghiên cứu so sánh penicillin và metronidazole – thử nghiệm ngẫu nhiên lớn nhất cho điều trị uốn ván và trở thành nền tảng cho nhiều khuyến nghị quốc tế. Tương tự, dữ liệu từ hơn một nghìn bệnh nhân được sử dụng để tạo ra “điểm đo mức độ nghiêm trọng uốn ván” (Tetanus Severity Score) mà đến giờ vẫn là điểm đo tốt nhất để dự đoán kết quả của uốn ván.
GS. TS Guy Thwaites.
Vào giữa những năm 1990, nhóm nghiên cứu của bác sĩ Lâm Minh Yến, Nguyễn Thị Ngọc Nga, Chris Parry, nhà vi sinh học Jim Campbell, y tá Janet Parry và Trần Thị Diễm Thúy đã nghiên cứu về kháng kháng sinh và họ nhận ra vai trò trung tâm của uốn ván trong các vấn đề nhiễm trùng bệnh viện và kháng kháng sinh gặp phải ở các bệnh nhân điều trị chuyên sâu dài hạn.
Năm 2007, khi có điều kiện chăm sóc chuyên sâu ở các đơn vị hồi sức tích cực, TS. Phan Tứ Quí và cộng sự là nhóm đầu tiên trên thế giới mô tả việc sử dụng magnesium sulphate trong uốn ván ở trẻ sơ sinh cũng như ở khoa hồi sức tích cực cho người lớn, và báo cáo là có tỷ lệ tử vong ở mức thấp nhất trên thế giới.
OUCRU cũng hợp tác nghiên cứu với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và phát hiện, các liên cầu khuẩn lợn chính là tác nhân phổ biến nhất của bệnh viêm màng não do vi khuẩn ở Việt Nam. Một nghiên cứu bệnh chứng của chúng tôi khẳng định, các yếu tố tăng nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn ở Việt Nam chính là do tiếp xúc với lợn và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn chưa nấu hoặc chưa nấu chín. Phát hiện này đã đưa đến sự hợp tác hơn nữa với các trung tâm y tế dự phòng tỉnh và các phòng thú y để điều tra sự lưu hành của mầm bệnh này trong quần thể lợn.
Năm 2005, trước mối đe dọa đại dịch tiềm năng của virus từ động vật sang con người, Viện Quốc gia về Sức khỏe (Mỹ) và tổ chức Wellcome Trust đã tài trợ để thiết lập một mạng lưới các bệnh viện ở Việt Nam, Thái Lan và Indonesia nhằm tiến hành nghiên cứu và tăng năng lực ứng phó trong khu vực (www.seaicrn.org). Nhóm nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người được thành lập ở OUCRU vào năm 2012. Trọng tâm nghiên cứu là để hiểu việc sử dụng thuốc chống vi trùng và tình trạng kháng thuốc trong nông nghiệp cũng như những nguy cơ phổ biến về lây nhiễm mầm bệnh từ động vật sang người tại Việt Nam.
Nhiễm trùng não và nghiên cứu HIV: Những thử nghiệm có ảnh hưởng rộng rãi
Một thành tựu lớn trong quá trình hợp tác nghiên cứu ở OUCRU là chúng tôi đã phát triển khả năng chẩn đoán trong các phòng lab của bệnh viện, mà hiện nay đã cung cấp một loạt các công nghệ phân tích, chẩn đoán – từ truyền thống đến phân tử và cả tự động hóa – với chất lượng có thể cạnh tranh với các trung tâm tốt nhất trên toàn cầu. Chúng tôi nghiên cứu thử nghiệm trên hơn 4.000 bệnh nhân và hiểu được chi tiết về các nguyên nhân gây nhiễm trùng thần kinh trung ương trong khu vực đô thị rộng như thành phố Hồ Chí Minh, và quang phổ của nhiễm trùng tại các khu vực nông thôn.
Chúng tôi đã thực hiện những thử nghiệm can thiệp trong viêm não Nhật Bản B, viêm não do Herpes simplex, viêm màng não cấp do vi khuẩn, viêm màng não lao, viêm màng não do Cryptococcus và Penicillium. Kết quả của những thử nghiệm này có ảnh hưởng ở cấp địa phương, quốc gia và cả quốc tế. Một ví dụ có thể kể đến trong viêm màng não do vi khuẩn cấp tính là việc chúng tôi đã chứng minh rằng dexamethasone làm giảm nguy cơ tử vong ở bệnh nhân. Trong viêm màng não lao, chúng tôi đã chỉ ra rằng dexamethasone bổ sung giúp giảm nguy cơ tử vong, nhưng cả việc tăng phác đồ điều trị thuốc chống lao lẫn việc sử dụng liệu pháp chống virus sao chép ngược đồng thời với điều trị lao đều không mang lại tác động tích cực tới người bệnh HIV. Trong viêm màng não do cryptococcus, chúng tôi đã chứng minh rằng kết hợp liệu pháp chống nấm có ảnh hưởng tới việc kéo dài thời gian sống và tăng cường chức năng ở bệnh nhân HIV. Sau đó chúng tôi đã chỉ ra rằng việc sử dụng dexamethasone ở những bệnh nhân viêm màng não do cryptococcus dẫn đến việc tiệt trùng CSF kém hơn và ảnh hưởng đến khả năng sống cũng như tiềm năng gây ra tàn tật.
Nghiên cứu sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết cũng là một trong những chủ đề chính của nghiên cứu ở OUCRU trong hơn 20 năm qua. Những nỗ lực nghiên cứu ban đầu tập trung vào cải thiện công tác quản lý của hội chứng sốc Dengue có khả năng đe dọa tính mạng (DSS) ở trẻ em, với một loạt các thử nghiệm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Trung tâm Nhi Đồng Nai trong những năm cuối 1990 và đầu những năm 2000. Các nghiên cứu tiếp theo nhằm để xác định bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết cao cũng như nguy cơ biến chứng.
Chương trình nghiên cứu lâm sàng đã hỗ trợ một loạt các nghiên cứu bệnh học, bao gồm làm rõ các loại phản ứng miễn dịch với virus và hiểu được tác động của vật chủ và mầm bệnh di truyền tới dịch tễ học. Chúng tôi hiện đang thực hiện các nghiên cứu để điều tra bệnh mạch máu, dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết nặng, bằng cách sử dụng một loạt các kỹ thuật lâm sàng, sinh lý và cấu trúc. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng tích cực tham gia vào các nỗ lực phòng chống dịch bệnh.
27 năm tới sẽ mang lại những điều gì?
Sự hợp tác giữa OUCRU và các bệnh viện ở Việt Nam được xây dựng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, tình hữu nghị và mong muốn chia sẻ để cải thiện kết quả điều trị các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng.
27 năm đầu tiên, mối quan hệ hợp tác của chúng tôi đã mở rộng một cách ấn tượng, với mạng lưới các cộng tác viên Việt Nam, và ảnh hưởng sâu rộng tới cộng đồng. Vậy 27 năm tiếp theo sẽ mang lại những điều gì? Sự gia tăng của vi khuẩn kháng thuốc trên tất cả các tác nhân gây bệnh sẽ là một thử thách lớn cho việc kiểm soát và điều trị các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam và các khu vực lân cận.
Bên cạnh đó, tốc độ thay đổi kinh tế của khu vực Đông Nam Á cũng sẽ là một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ. Với số lượng người cao tuổi tăng lên và nhiều người trong số đó bị các bệnh như đái tháo đường, bệnh truyền nhiễm sẽ diễn biến ngày một phức tạp. Việc chăm sóc bệnh nhân nặng sẽ cải thiện, nhưng kỳ vọng và chi phí tăng cao sẽ đặt ra những thách thức mới. Các chương trình kiểm soát và giám sát dịch bệnh có thể cải thiện khả năng đối phó và chữa trị.
Do đó, OUCRU sẽ cần phải thay đổi và phát triển. Chúng ta sẽ phải thích ứng với những thay đổi trong nước và khu vực. Nghiên cứu chúng tôi tiến hành phải mang lại lợi ích cho bệnh nhân, thành phố, quốc gia và cả khu vực. 27 năm tiếp theo có thể sẽ rất khác nhưng một điều sẽ không thay đổi: tầm quan trọng của tình bạn và sự tin tưởng. Đây vẫn là hai yếu tố hàng đầu trong các mối quan hệ hợp tác nghiên cứu của OUCRU tại Việt Nam.
Minh Châu lược dịch
———
*GS.TS, nghiên cứu vi sinh học và các bệnh truyền nhiễm. Giám đốc OUCRU.
Chú thích:
1 Tính đến 2010, OUCRU đã công bố gần 1500 công bố quốc tế.