Phan Thanh Sơn Nam: Chọn hướng nghiên cứu mới

GS. TS Phạm Hùng Việt (Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích, kiểm định môi trường và an toàn thực phẩm, ĐH Quốc gia Hà Nội) đã chia sẻ với Tia Sáng những suy nghĩ của ông về GS. TS Phan Thanh Sơn Nam, nhà hóa học đầu tiên nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu, vốn được ông biết đến một cách tình cờ vào năm 2009, nhân đợt xét chức danh GS/PGS.


GS. TS Phan Thanh Sơn Nam (phải) và các thành viên của nhóm nghiên cứu.  Ảnh: NVCC.

Ứng viên PGS trẻ trong lĩnh vực thực nghiệm

Năm đó, so với những đợt xét chức danh GS/PGS trước, có điểm khác lạ: số hồ sơ của các cán bộ nghiên cứu trẻ tăng đột biến với hơn 20% là trẻ (độ tuổi dưới 40) và Phan Thanh Sơn Nam (Đại học Bách khoa TPHCM, ĐH Quốc gia Tp.HCM) xuất hiện như một điểm sáng. Cả hội đồng chức danh giáo sư liên ngành Hóa học – Công nghiệp thực phẩm đều chú ý đến trường hợp này vì Nam ít tuổi nhất –  32 tuổi. Một người ở tuổi đó “dám” nộp hồ sơ PGS cũng là mạnh dạn.

Chính vì Nam quá trẻ nên một số ủy viên Hội đồng băn khoăn khi xét duyệt vì cho rằng anh cần “chín” hơn nữa và có thời gian cống hiến nhiều hơn. Là thành viên Hội đồng, tôi có trao đổi với anh và được biết, con đường học vấn của anh khá thuận lợi: học đại học trong nước rồi làm tiến sỹ ở Anh, sau tiến sỹ ở Mỹ theo chương trình 322 trong vòng sáu năm. Qua trao đổi, tôi thấy Nam nắm kiến thức chuyên môn khá vững, việc trả lời rõ ràng, mạch lạc cũng cho thấy anh là người có trình độ và bản lĩnh.

Điểm trừ của Nam vào thời điểm đó là chưa có công trình gì đặc biệt nhưng tôi thấy anh có điểm đáng chú ý: theo đuổi hướng nghiên cứu tương đối mới và hứa hẹn nhiều đột phá về vật liệu khung hữu cơ kim loại (MOFs), vốn “thừa hưởng” từ giáo sư Christopher W. Jones (Viện Công nghệ Georgia, Mỹ), thầy hướng dẫn Nam trong giai đoạn làm post-doc. MOFs là loại vật liệu xốp năng động kết hợp cả thành phần hữu cơ và vô cơ – một loại vật liệu lai, có cấu trúc dạng tinh thể trật tự ba chiều, khung cấu trúc đa dạng, có thể thay đổi kích thước cũng như hình dạng lỗ xốp và đa dạng nhóm chức hóa học bên trong lỗ xốp nên có khả năng “bẫy” các loại khí. Do tâm kim loại có hoạt tính xúc tác cho nhiều phản ứng hóa học nên MOFs thường được dùng làm xúc tác hoặc chất mang xúc tác. Nam tập trung nghiên cứu sử dụng Cu-MOFs làm xúc tác cho phản ứng ghép đôi theo con đường hoạt hóa trực tiếp liên kết C-H; sử dụng Cu-MOFs làm xúc tác cho phản ứng của các dẫn xuất aryl halide; sử dụng Ni-MOFs làm xúc tác cho phản ứng ghép đôi; sử dụng MOFs làm xúc tác cho phản ứng tạo thành hợp chất dị vòng; sử dụng MOFs làm xúc tác acid/base cho phản ứng hữu cơ.

Trong buổi họp cuối cùng nhận xét về từng ứng viên trước khi bỏ phiếu, tôi đã đề nghị Hội đồng nên xem xét và ủng hộ sớm cho các ứng viên trẻ, không nên coi việc bổ nhiệm chức danh như phần thưởng mà nên là tiêu chí đánh giá một giai đoạn trưởng thành của nhà khoa học. Việc trao danh hiệu sớm cũng có nghĩa là trao cho họ trách nhiệm nghề nghiệp và ý thức đào sâu nghiên cứu. Lần đó, Nam có đủ số phiếu công nhận để trở thành phó giáo sư trẻ nhất đợt phong GS/PGS cùng với một số nhà khoa học trẻ khác của ĐH Bách khoa Hà Nội như PGS. Huỳnh Đăng Chính, PGS. Lê Minh Thắng…

Tuy ít gặp Nam nhưng qua một số đồng nghiệp và vài lần trò chuyện với PGS. TS Phan Thanh Bình, giám đốc ĐH Quốc gia Tp.HCM lúc đó, tôi được biết sau đợt đó, anh đã được lãnh đạo nhà trường và lãnh đạo Sở KH&CN Tp. HCM quan tâm đầu tư. Năm 2010, Đại học Bách khoa TPHCM đầu tư kinh phí cho anh thành lập phòng thí nghiệm riêng, sau nâng cấp thành Phòng thí nghiệm trọng điểm ĐH Quốc gia Tp. HCM về cấu trúc vật liệu. Những yếu tố “thiên thời, địa lợi” như vậy đã giúp Nam có điều kiện tập hợp lực lượng, gây dựng nhóm nghiên cứu… để thực hiện tốt một số đề tài được giao, qua đó có thêm nhiều công bố quốc tế đáng trân trọng.

Chọn hướng nghiên cứu mới

Với quyết tâm xây dựng nhóm nghiên cứu có thể “tự lực cánh sinh” thực hiện đề tài, Nam đã tìm và lôi kéo bằng được những người trẻ có tiềm năng trở về, trong đó “nặng ký” nhất là TS. Trương Vũ Thanh từ Mỹ và sau trở thành cánh tay phải của Nam trong công việc với chỉ số h-index là 14 (thông thường, h-index 12 đã là mốc khởi đầu của các PGS Mỹ). Với sự hỗ trợ này, Nam đã thực hiện nghiên cứu theo hướng mới tốt hơn: tác động vào liên kết C-H, hoạt hóa nó bằng việc chế tạo chất xúc tác. Từ trước tới nay, trong tổng hợp hữu cơ, người ta thường tránh liên kết C-H vì đây là liên kết tương đối bền vững nên chỉ tác động vào những liên kết yếu hơn, do đó quá trình tổng hợp phải qua nhiều bước trung gian, phải tạo nhóm chức cho các tiền chất, phân lập và tinh chế các hợp chất trung gian, khá tốn kém và tăng số bước. Việc lựa chọn phương án tác động trực tiếp vào liên kết C-H là cách làm hứa hẹn nhiều đột phá, điều đó đã được chứng minh ở công trình giúp anh nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017: “Tổng hợp propargylamine từ N-methylaniline và alkyne đầu mạch thông qua con đường methyl hóa và hoạt hóa trực tiếp liên kết C-H sử dụng vật liệu Cu2(BDC)2(DABCO) làm xúc tác” (Propargylamine synthesis via sequential methylation and C-H functionalization of N-methylanilines and terminal alkynes under metal-organic-framework Cu2(BDC)2(DABCO) catalysis) xuất bản trên tạp chí Journal of Catalysis có hệ số IF 7.354 và được SCImago xếp vào danh mục Q1.

Bẵng đi một vài năm, tôi bất ngờ gặp lại Nam tại Hội đồng khoa học ngành Hóa học, Quỹ Nafosted. Được bầu là thành viên hội đồng chứng tỏ uy tín của Nam trong cộng đồng ngành đã tăng lên bởi thông qua các công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín, nhiều người đã biết đến anh như một nhà nghiên cứu có năng lực. Qua các buổi xét duyệt đề tài của Quỹ Nafosted, tôi thấy Nam trưởng thành lên rất nhiều, tuy nhiên trước những “ca nhạy cảm”, có thể vì thấy mình còn ít tuổi nên anh vẫn còn ngần ngại và dè dặt trong đánh giá, đó cũng là biểu hiện của khiêm nhường và thận trọng – những đức tính tốt của nhà khoa học.

Năm 2014, Nam được phong chức danh giáo sư. So với năm năm trước, Nam tự tin hơn với số lượng công trình nhiều và có sức nặng chuyên môn của mình. Với cộng đồng khoa học, việc Nam là giáo sư trẻ nhất năm đó cũng khá “sốc” vì đây là lần đầu Hóa học – lĩnh vực nghiên cứu thực nghiệm, thường đòi hỏi nhà nghiên cứu phải tích lũy nhiều năm kinh nghiệm, có giáo sư tuổi 37, điều trước đây chỉ có trong lĩnh vực Toán học.

Và giờ đây, Nam đã vinh dự nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017 với một “lần đầu tiên” khác: nhà hóa học đầu tiên trong danh sách các nhà khoa học được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Đây là thành công từ những nỗ lực của anh, người đại diện cho một thế hệ các nhà nghiên cứu trưởng thành vào giai đoạn đổi mới của khoa học Việt Nam. Mong rằng với mốc Giải thưởng Tạ Quang Bửu, Nam sẽ có thêm nhiều động lực để nghiên cứu, mở rộng hơn nữa nghiên cứu của mình đến những đích xa hơn, đồng thời phát huy uy tín ở những sự kiện chuyên môn lớn của ngành Hóa quốc gia và quốc tế, được biết đến là thành viên báo cáo mời (invited speaker) hay cao hơn là báo cáo chủ chốt (key note speaker) tại các hội nghị quốc tế chuyên ngành… Chúng tôi xin chúc Nam tiếp tục cống hiến và đạt những thành công hơn nữa trong sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học của mình.     

Thanh Nhàn ghi

 

Tác giả