Phân tích cơn bão Ulysses trong tiểu thuyết của James Joyce

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp dự báo hiện đại để phân tích các tập tài liệu cũ, từ đó khám phá mức độ nghiêm trọng của sự kiện – và hậu quả có thể xảy ra nếu cơn bão xuất hiện trở lại trong tương lai.

Bão Ulysses đã gây hư hại cơ sở hạ tầng và tàu thuyền khi nó quét qua Ireland và Vương quốc Anh từ ngày 26 đến ngày 27/2/1903. Ảnh: Reading University /NCAS/SWNS

Đó là một cơn bão có thật vào năm 1903, dữ dội đến mức quật ngã hàng ngàn cây cối, khiến nhiều người thiệt mạng. Cơn bão được James Joyce đề cập đến trong tiểu thuyết Ulysses – về sau mọi người đã lấy tên cuốn tiểu thuyết để gọi cơn bão này.

Tuy nhiên, mãi cho đến gần đây, các nhà nghiên cứu mới có thể khẳng định rằng cơn bão năm 1903 đã tạo ra những cơn gió mạnh nhất trong ít nhất một thế kỷ – đưa Ulysses trở thành một trong những cơn bão tồi tệ nhất từ trước đến nay.

“Chúng tôi biết cơn bão mà chúng tôi phân tích là một cơn bão lớn, nhưng chúng tôi không ngờ rằng dữ liệu sẽ cho thấy nó nằm trong số bốn cơn bão có sức gió mạnh nhất trên khắp nước Anh và xứ Wales,” Giáo sư Ed Hawkins, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Reading (Vương quốc Anh) và Trung tâm Khoa học Khí quyển Quốc gia, chia sẻ.

Nhóm nghiên cứu của ông đã phân tích các tài liệu về sự kiện thời tiết khắc nghiệt lịch sử – mức gió giật vượt quá 100 dặm/giờ ở một số khu vực – số hóa chúng và áp dụng các phương pháp dự báo thời tiết hiện đại. “Nghiên cứu này là một ví dụ tuyệt vời về cách các tài liệu giấy đã cũ có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các cơn bão trong nhiều thập kỷ qua. Giải mã những bí mật trong quá khứ sẽ thay đổi hiểu biết của chúng ta về những rủi ro mà thời tiết khắc nghiệt có thể gây ra trong hiện tại,” Giáo sư Hawkins lý giải.

Ông cho biết nếu cơn bão lặp lại trong tương lai, hậu quả sẽ tồi tệ hơn nhiều so với năm 1903 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng khí hậu. “Chúng ta có thể dịch chuyển những sự kiện trong quá khứ này sang bối cảnh hiện đại, trong thế giới đang ấm lên”, ông dẫn chứng trong chương trình Today của BBC Radio 4. Ví dụ, chúng ta biết rằng mực nước biển đang dâng lên, vì vậy những cơn bão xảy ra trong quá khứ ngày nay sẽ gây thiệt hại nhiều hơn, bởi vì mực nước dâng do bão xung quanh bờ biển sẽ càng cao hơn.

“Ngoài ra, vì chúng ta sống trong một thế giới ấm hơn nên bầu khí quyển cũng ấm và ẩm hơn, do đó có nhiều hơi nước hơn. Và do đó, các cơn bão sẽ gây mưa nhiều hơn so với trước đây. “Nhờ những sự kiện trong quá khứ, chúng ta có thể hiểu những rủi ro đang thay đổi như thế nào theo thời gian khi thế giới đang nóng lên.”

Các nhà nghiên cứu cho biết vẫn còn nhiều cơn bão xảy ra trước năm 1950 chưa từng được xem xét, vì hàng tỷ dữ liệu chỉ tồn tại trên giấy. Đối với nghiên cứu này, họ đã phân tích cách bão Ulysses gây thiệt hại nặng nề cho cơ sở hạ tầng và tàu thuyền khi nó đi qua Ireland và Vương quốc Anh trong khoảng thời gian từ ngày 26 đến ngày 27 tháng 2 năm 1903. Họ so sánh thiệt hại với các quan sát thời tiết độc lập, chẳng hạn như dữ liệu về lượng mưa, cũng như các bức ảnh và văn bản đương thời. Kết quả nghiên cứu đã được công bố vào ngày 24 tháng 4 trên tạp chí Natural Hazards and Earth System Sciences.

Hawkins tiết lộ ông dự định áp dụng phương pháp này cho các cơn bão lịch sử khác. “Chúng tôi vẫn còn rất nhiều nhật ký và hồ sơ viết tay ở Vương quốc Anh và Ireland, từ những năm 1800, đề cập đến rất nhiều cơn bão và các sự kiện khắc nghiệt khác trong quá khứ. Và do đó, việc tái tạo lại những cơn bão trước đây là một sáng kiến ​​đầy tiềm năng mà chúng tôi đang theo đuổi.”

Đây không phải là lần đầu tiên GS Ed Hawkins phân tích về dữ liệu thời tiết trong quá khứ. Năm 2022, sau khi Đại học Reading và 16.000 tình nguyện viên nỗ lực khôi phục 5,2 triệu dữ liệu khí tượng, các nhà khoa học có thể tra cứu thông tin lượng mưa quốc gia từ năm 1836 trở lại đây.

Hà Trang tổng hợp

Nguồn:

1903 Storm Ulysses one of windiest ever in England and Wales, shows analysis

120-year-old storm’s secrets key to judging weather risks

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)