Giác mạc mắt có chứa tế bào miễn dich
Trước nay người ta vẫn nghĩ rằng không có bất kỳ tế bào miễn dịch nào trong giác mạc của mắt nhưng nghiên cứu mới cho thấy không phải như vậy.
Nhà miễn dịch học Scott Mueller, nhà nghiên cứu miễn dịch học tại Đại học Melbourne, cho biết giác mạc có phản ứng miễn dịch hạn chế, một phần do các tế bào miễn dịch hoạt động mạnh có thể làm hỏng lớp mô trong suốt và suy giảm thị lực. Vì lý do này, các tế bào miễn dịch có phản ứng nhanh nhưng thô bạo đối với các tác nhân gây bệnh, chẳng hạn như tế bào đuôi gai và đại thực bào, chỉ cư trú bên ngoài giác mạc và chỉ xuất hiện khi cần thiết.
Trong hầu hết mọi mô trong cơ thể đều có các tế bào miễn dịch tồn tại lâu dài, được gọi là tế bào T. Khi mầm bệnh xâm nhập cơ thể, tế bào T sẽ nhanh chóng tấn công nếu đó là mầm bệnh mà chúng đã gặp trước đó, hay mầm bệnh có trong “trí nhớ miễn dịch”. Mueller và các đồng nghiệp của ông tự hỏi liệu những tế bào như vậy có sống trong giác mạc hay không.
Sử dụng kính hiển vi hấp thụ đa photon để nghiên cứu mô sống, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra giác mạc của những con chuột có mắt bị nhiễm virus herpes simplex. Họ phát hiện hai loại tế bào T: tế bào T gây độc tiêu diệt mầm bệnh và tế bào T hỗ trợ – tác nhân tạo ra trí nhớ miễn dịch, đã xâm nhập vào giác mạc và tồn tại ở đó đến một tháng sau khi xảy ra nhiễm trùng. Kiểm tra kỹ hơn, bao gồm cả các kỹ thuật kính hiển vi xâm lấn, cho thấy các tế bào T gây độc đã phát triển thành các tế bào tồn tại lâu dài trong giác mạc.
Sau đó, các nhà nghiên cứu sử dụng chụp ảnh tế bào sống giác mạc của sáu người trưởng thành khỏe mạnh. Họ tìm thấy các tế bào có hình dạng, kích thước và tốc độ di chuyển tương tự như tế bào T ở chuột. “Chúng tôi hơi ngạc nhiên và vui mừng khi thấy rằng thực sự có một trí nhớ miễn dịch trong giác mạc,” Mueller nói. Nhóm nghiên cứu dự định phân tích mô từ những người hiến tạng để xác định cụ thể các loại tế bào họ quan sát được trong giác mạc người là tế bào gì.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Reports vào ngày 24/5.
Các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện này có thể cải thiện hiểu biết về các bệnh như khô mắt mãn tính, suy giảm giác mạc ở những người mắc bệnh tự miễn dịch và bệnh nhân bị đào thải giác mạc sau khi ghép giác mạc.
Khúc Liên
(Visited 1 times, 1 visits today)